Video full Lễ Nhập Kim Quan Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ
TÓM TẮT TIỂU SỬ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ (1928-2020)
Xuất thế: Mậu Thìn niên - 1928.
Thị tịch: Canh Tý Niên, Tuất thời, chánh ngoạt, nhị thập cửu nhật.
Trụ thế: cửu thập tam niên, Hạ lạp: thất thập tam niên chi giới pháp.
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, thế danh Đặng Phúc Tuệ, sinh ngày 27 tháng 11 năm 1928, nhằm 16 tháng 10 Mậu Thìn, tại xã Thanh Châu, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trong gia đình làm nghề nông, theo Nho học và đời đời thờ Phật. Thân sinh ngài là cụ Đặng Phúc Thiều, tự Minh Viễn. Thân mẫu ngài là cụ Đào Thị Huân, Pháp danh Diệu Hương, hiệu Đàm Tĩnh. Ngài có ba anh em trai, người anh cả là Đặng Phúc Trinh, anh thứ là Đặng Phúc Quang và ngài là con út.
Năm 1944 Ngài thụ giới Sa di, năm 1947, thụ giới Cụ túc. Năm 1951, Tổng Hội Phật Giáo Bắc Việt do cố Hoà Thượng Thích Tố Liên lãnh đạo cử Ngài đi Tích Lan theo học tại Phật học viện Kelaniya Pirivena.
Năm 1953 Ngài qua Ấn Độ, theo học tại Đại học Vishva Bharati University, Santiniketan ở Tây Bengal. Trong thời gian du học Ấn Độ, ngài có dịp đi chiêm bái các Phật tích và di tích Phật giáo tại Nepal, Bhutan, Tây tạng…Năm 1958, Ngài trở về Sài Gòn, chuyên dạy học và dịch Kinh sách. Biến cố 1963, Ngài tham gia Uỷ Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo trong ban Thông tin Báo chí. Trong chiến dịch Nước lũ đêm 20 tháng 8 năm 1963 Ngài bị bắt cùng chư Tăng Ni, Phật tử trên toàn quốc, đông nhất tại hai thành phố Saigon và Huế.
Sau cuộc đảo chính của giới quân nhân ngày 01.11.1963 ngài được tha về cùng toàn bộ chư Tăng Ni, Phật tử. Trong thời gian bị giam cầm, vì không chịu khai báo nên bị tra tấn dữ dội. Ngài và cư sĩ Cao Hữu Đính là hai người bị tra tấn dã man nhất, di chuyển phải bò vì không thể đứng trên hai chân. Vì vậy mà sau khi được phóng thích, ngài nghỉ trị bệnh ba năm mà vẫn không dứt. Năm 1966 phải sang Nhật giải phẫu phổi. Một năm sau, 1967, ngài mới bình phục về nước. Trên đường về ngài ghé các nước Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Miến Điện để khảo sát tình hình Phật giáo Á châu. Về nước ngài tiếp tục dịch Kinh sách và giảng dạy tại các trường :
- Phật học viện Huệ Nghiêm.
- Phật học viện Từ Nghiêm.
- Phật học viện Dược Sư.
- Viện đại học Vạn Hạnh (Saigon).
- Viện đại học Hoà Hảo (An Giang).
- Giáo Hoàng Học viện Piô X (Dalat).
Năm 1972, ngài tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong chức vụ Phát ngôn nhân kiêm Thanh tra của Viện Hoá Đạo.
Năm 1974, Đại hội kỳ 6 bầu Ngài làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Thời gian bị lưu đày 10 năm ở tỉnh Thái Bình, Ngài khởi công dịch bộ Phật Quang Đại từ điển gần tám nghìn trang. Công việc chưa hoàn tất thì bị bắt. Ngài mang theo ra nhà tù Ba Sao làm tiếp. Nhưng quản giáo nhà tù ngăn cấm. Ngài phải tranh luận quyết liệt mới được ban quản trại chấp thuận. Nhưng ngày ân xá vào cuối năm 1998, ban giám trại không cho ngài mang công trình dịch thuật theo về, bảo rằng Ngài phải làm đơn xin để họ xét. Ngài bảo rằng công trình của tôi dịch thuật, mà nay phải đi xin các ông ư ? Ngài bỏ lại công trình này ở Ba Sao, và phải mất 2 năm sau mới hoàn tất lại việc đã làm trong tù. Bộ Phật Quang Đại Từ điển xuất bản 6 tập (7374 trang, khổ 18x25) năm 2000.
Ba bộ Từ điển Phật học hiện có ở Việt Nam chỉ dày từ 818 trang cho đến tối đa 2127 trang, lại không đầy đủ. Chưa có bộ nào tinh thông, thâm viễn, phong phú như bô Phật Quang Đại Từ Điển, gần 8000 trang của Hòa thượng Thích Quảng Độ phiên dịch.
Phải đọc công trình dịch thuật Phật Quang Đại Từ điển mới thấy học thuật Hòa thượng thâm viễn, ngôn ngữ phong phú, sáng tạo, và thù ứng với các từ Hán, Phạn tương đương. Tinh thông, nhuần nhuyễn, thanh thoát qua từng câu văn. Không còn là một tác phẩm dịch thuật, mà là tác phẩm văn chương trong lĩnh vực triết học và tư tưởng Phật giáo qua ngôn ngữ Việt. Vừa tường giải, vừa đối chiếu, mỗi từ mục là một bài thâm nhập giáo lý siêu thoát nhưng thực chứng của đạo Phật.
Trên phương diện trước tác, thì các Kinh sách Ngài đã phiên dịch hoặc viết ra từ năm 1958 cho đến năm 1975 của thế kỷ trước gồm có :
- Kinh Mục Liên, 3 quyển.
- Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, 7 quyển.
- Truyện Cổ Phật Giáo
- Thoát Vòng Tục Luỵ (lịch sử tiểu thuyết), nguyên tác của Thích Tinh Vân.
- Nguyên Thuỷ Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken.
- Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken.
- Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken.
- Chiến Tranh và bất Bạo Động, nguyên tác của S.Radhakrishnan.
- Dưới Mái Chùa Hoang (tập truyện phóng tác). Ngày 6.4.1977, Ngài bị bắt và bị biệt giam tại Nhà giam số 4 Phan Đăng Lưu, Quận Bình Thạnh ở Sàigòn do Bộ Nội vụ quản lý, cùng với cố Hòa thượng Thích Thiện Minh, Hòa thượng Thích Huyền Quang, v.v... Do áp lực quốc tế và sự phản đối của đồng bào Phật tử trong và ngoài nước, nên sau 18 tháng tù giam, ngày 10.12.1978 Nhà cầm quyền cộng sản đưa ngài ra Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử, kêu án 2 năm tù treo và quản chế tại chỗ. Ngài phản đối việc Cộng sản chính trị hóa và công cụ hóa Phật giáo, nên Ngài và Hòa thượng Thích Huyền Quang bị Nhà cầm quyền bắt ngày 25.2.1982, trục xuất khỏi thành phố Saigon, dùng xe công quyền chở về lưu đày nơi nguyên quán miền Bắc tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Năm 1994, theo lời giao phó của Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, Ngài đứng ra tổ chức lại cơ cấu hoạt động của GHPGVNTN, mà việc đầu tiên là Ngài ra lệnh cho tất cả cơ sở của Giáo hội dựng bảng hiệu GHPGVNTN trên các chùa viện của mình. Cuối năm 1994, nạn bão lụt trầm trọng xẩy ra tại đồng bằng sông Cửu Long, Ngài tổ chức phái đoàn Viện Hoá Đạo đi cứu trợ, Ngài bị bắt ngày 4.1.1995 cùng với chư Tăng trong đoàn cứu trợ là các Thượng toạ Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, Thích Trí Lực và hai Cư sĩ Đồng Ngọc, Nhật Thường. Toà án Nhân dân Saigon đem ra xử hôm 15.8.1995, Ngài lảnh án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế vì tội đi cứu trợ.