Màu áo Lam nuôi dưỡng tâm tánh
Chắc hẳn hai từ “quê hương” thiêng liêng luôn để lại trong góc nhỏ trái tim mỗi người với sự nhớ nhung và trân trọng. Bởi quê hương là nơi con người ta được sinh ra, lớn lên và đó cũng là nơi người ta muốn tìm về sau những tháng ngày lăn lộn mệt mỏi với cuộc sống mưu sinh.
Tôi cũng vậy, Bích Khê là nơi tôi đã sinh ra, lớn lên và đã cho tôi biết bao kỷ niệm đẹp ngời thời thơ ấu. Nơi đó có ngôi chùa Hồng Khê(1) mà tôi thường tham gia sinh hoạt với các anh chị em trong khuôn hội.
GĐPT Bích Khê, cái tên mà tôi không thể quên được, cái tên luôn nằm sâu thẳm trong tâm hồn, trong tiềm thức của tôi. Dù đi xa tôi vẫn nhớ vì đó là nơi đầu tiên tôi khoác chiếc áo lam, cùng sinh hoạt với anh chị em nơi đây.
***
Ngày ấy khi tôi còn bé, chỉ chừng khoảng 15 tuổi đã theo chân bà nội đi chùa vào các đêm rằm và mồng một hàng tháng để cầu kinh lễ Phật. Được hòa mình trong thế giới thiền của Phật, nghe những lời kinh tụng đầy triết lý cuộc sống, lòng tôi lại dấy lên một tình yêu kỳ lạ. Tôi tâm sự với bà nội nghe: “Nội ơi! Con muốn đi chùa mặc áo lam như nội”. Nội nói “Ừ, thì đi với nội!”. Kể từ đó, tôi được khoác chiếc áo lam trên mình đi chùa với bà nội trong các ngày rằm, mồng một hay các hoạt động của Phật giáo như lễ Phật đản, Vu lan… Tôi nâng niu chiếc áo lam và xem nó như chiếc áo dài trắng thướt tha mà tôi từng mặc một thời đi học ở trường PTTH.
Cứ mỗi đêm trăng rằm sáng lung linh, tiếng chuông chùa lại ngân lên, vang xa, hòa quyện với tiếng cầu kinh đều đều của Phật tử. Tôi lại mường tượng đến những chiếc áo dài lam được xếp ngay hàng thẳng lối trước điện thờ; tôi hình dung những đôi tay trần áp vào nhau bất động hướng về chư Phật, khói trầm hương tỏa mờ thanh thoát…
Đối với tôi thời đó, kinh Phật khó mà thuộc được nhiều. Lui lui lại lại cũng thuộc mỗi mấy câu niệm hồng danh do bà tôi bắt đọc nằm lòng: “Nam-mô A Di Đà Phật; Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát…”. Thế nhưng lòng tôi vẫn cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản biết bao. Đúng nghĩa là an nhiên, tự tại!
Lễ Phật xong, mọi người thủng thẳng ra về. Trên con đường làng, chị em ríu rít tâm sự thật vui. Dưới ánh trăng ngà, bóng những chiếc áo dài lam thướt tha tỏa xuống càng tô đẹp thêm những lũy tre làng, những con đường quê yên tĩnh.
Có những năm đến ngày lễ Phật đản, Vu lan, chị em tôi tất bật mọi công việc ở chùa để chuẩn bị cho Đại lễ này như nấu nướng, sửa soạn, quét dọn vệ sinh, tổ chức cắm trại… người mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Những hàng cây cổ thụ trong sân chùa cũng xôn xao lay động bởi tiếng loa hướng dẫn của Ban quản trại, tiếng cười vui tay bắt mặt mừng của những trại sinh trong những lần gặp mặt. Tất cả tạo nên một màu lam lung linh, dịu dàng, huyền diệu.
***
Vào những đêm rằm tháng 8 – Tết Trung thu, chúng tôi tổ chức phát quà cho trẻ em nghèo với những chiếc đèn ông sao, vài gói bánh kẹo, tuy nhỏ nhưng giàu tính nhân văn cao cả. Các em rất vui và hồ hởi cùng tham gia các tiết mục văn nghệ, các trò chơi do chị huynh trưởng tổ chức. Tôi còn nhớ có những lần cùng bà nội đi thọ bát ở các chùa khác lân cận như chùa Hà My, chùa Nại Cửu…, chị em chúng tôi rủ nhau đi, đèo nhau trên chiếc xe đạp, chở những đạo hữu lớn tuổi không có phương tiện đi lại. Đến các chùa bạn, chúng tôi được mở mang thêm kiến thức, học được nhiều điều hay và gắn kết tình bè bạn hơn.
(Nguồn GDPT Kiên Giang)