10 bức họa đắt giá nhất Trung Quốc cổ đại
1. Lạc thần phú đồ
“Lạc thần phú đồ” (bức họa về nữ thần sông Lạc) là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của họa sỹ, nhà thơ, nhà thư pháp nổi danh Cố Khải Chi, người thường được coi là ông tổ của nền hội họa Trung Hoa.
Cố Khải Chi vẽ bức “Lạc thần phú đồ” họa theo bài phú “Lạc thần đồ” của Tào Thực (192 – 232) viết về mối tình huyền hoặc với Lạc thần Mật Phi. Qua nhiều triều đại, bức họa này vẫn được coi là bảo vật quốc gia. Đến đời nhà Tống đã có 3 bản sao của “Lạc thần phú đồ” được lưu truyền.
Năm 1900, khi liên quân 8 nước tấn công vào Bắc Kinh, bức “Lạc đồ thần phú” đã bị mang đi. Hiện một bản sao đang được trưng bày ở bảo tàng Cố cung Bắc Kinh, một bản khác nằm ở bảo tàng Feer Gallery (Washington, D.C, Mỹ). Bản sao thứ ba hiện được lưu giữ ở bảo tàng tỉnh Liêu Ninh.
2. Bộ liên đồ
Tác giả của bức họa này là Diêm Lập Bổn, một trong những họa sĩ được kính trọng nhất đầu thời Đường (618 – 907). Bức “Bộ liên đồ” miêu tả lại cảnh hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân đón tiếp các sứ giả Tây Tạng.
Bức tranh rộng 38,5 cm, dài 129,6 cm, được vẽ trên lụa và được đánh giá cao ở cả hai khía cạnh lịch sử và nghệ thuật, hiện được trưng bày ở bảo tàng Cố cung Bắc Kinh.
3. Đường cung sĩ nữ đồ
Đây là loạt tranh do hai họa sĩ nổi tiếng thời Đường là Châu Phong và Trương Huyên vẽ. Vào thời ấy, tranh vẽ phụ nữ quý tộc rất được ưa chuộng. Các bức tranh mô tả cuộc sống nhàn nhã, yên bình mà cũng rất cô đơn của các các mỹ nữ cung đình.
Bằng ngòi bút tinh tế của mình, Trương Huyên đã miêu tả chân thực cuộc sống quyền quý cũng như khắc họa tâm trạng sống động của các mỹ nữ cung đình. Còn Châu Phong thì tỏ ra thiện nghệ với những gam màu mềm mại, tươi sáng. Những bức tranh đã được sao lưu, cất giữ trên khắp các bảo tàng trên toàn quốc.
4. Ngũ ngưu đồ
Bức “Ngũ ngưu đồ” vẽ trên giấy gai, dài 139,8 cm, rộng 28,8 cm, là tác phẩm của Hàn Hoảng (723 – 787). Ông đồng thời cũng là Tể tướng dưới thời Đường Đức Tông.
Hàn Hoảng sinh ra ở Trường An, vốn nổi tiếng về tài vẽ bò. Bức họa “Ngũ ngưu đồ” (năm con bò) chính là tác phẩm giá trị nhất của ông, được rất nhiều nhà sưu tập nổi tiếng ưa chuộng như vua Tống Cao Tông Triệu Cấu (nhà Tống) hay vua Càn Long (nhà Thanh).
Ngày nay, du khách có thể chiêm ngưỡng bức tranh này trong bảo tàng Cố cung (Bắc Kinh). Hàn Hoảng chính là họa sĩ đầu tiên trong lịch sử hội họa Trung Hoa đạt đến trình độ vẽ bò sống động đến vậy.
5. Hàn Hi Tái dạ yến đồ
Bức họa “Hàn Hi Tái dạ yến đồ” (Bữa tiệc đêm của Hàn Hi Tái) miêu tả lại một buổi yến tiệc của gia đình Hàn Hi Tái, một viên quan cao cấp của triều Nam Đường (thời Ngũ Đại Thập Quốc).
Tác giả của bức tranh là họa sĩ Cố Hoành Trung. Tranh vẽ trên lụa, rộng 27,9 cm, dài 69 cm, được sao lại một bản vào thế kỷ 12. Bản sao này hiện đang được lưu trữ tại bảo tàng Cố cung (Bắc Kinh). Bức tranh miêu tả lại một cách chân thực sinh hoạt của giới quý tộc, thượng lưu Trung Quốc thế kỷ 10.
6. Thiên lý giang sơn đồ
Vương Hy Mạnh là một thần đồng mỹ thuật sống dưới thời Bắc Tống. Bức tranh “Thiên lý giang sơn đồ” (nước non ngàn dặm) được thần đồng này hoàn thành vào năm 1113 khi mới chỉ tròn 18 tuổi.
Đây được coi là một trong những tác phẩm đồ sộ nhất trong lịch sử hội họa Trung Hoa. Với độ dài 11,9 mét, bức họa đã mô tả những cảnh quan tuyệt vời, kiến trúc độc đáo và cuộc sống yên bình của con người. Nhìn bức tranh, người ta có thể cảm thấy sự thịnh vượng, phồn vinh của đất nước Trung Hoa.
7. Thanh minh thượng hà đồ
“Thanh minh thượng hà đồ” nghĩa là: tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết thanh minh. Đây là tác phẩm hội họa khổ rộng của họa sĩ Trương Trạch Đoan vẽ vào cuối đời Bắc Tống. Bức tranh mô tả cảnh sống của người dân Trung Quốc đời Tống tại kinh đô Biện Kinh (Khai Phong ngày nay).
Những sinh hoạt thường nhật, trang phục, ngành nghề, kiến trúc, đường xá được mô tả chi tiết, tỉ mỉ trong bức tranh lụa rộng 24,8 cm, dài 528,7 cm với nền màu tươi sáng. Người ta gọi “Thanh minh thượng hà đồ” là “Mona Lisa của Trung Quốc”, là báu vật của nhiều triều đại và hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Cố cung Bắc Kinh.
8. Phú Xuân sơn cư đồ
Tên gọi của bức tranh có nghĩa là: “Ở ẩn trong núi Phú Xuân”. Tác giả của nó là một họa sĩ đời Nguyên tên là Hoàng Công Vọng (1269 – 1354). “Phú Xuân sơn cư đồ” được vẽ trong khoảng những năm 1348 – 1350. Đến đời vua Thuận Trị nhà Thanh, trong một trận hỏa hoạn, bức tranh bị đốt cháy thành hai mảnh.
Hiện nay, một phần bức tranh có chiều dài 50 cm được đặt tên “Thặng Sơn đồ” đang được cất giữ ở bảo tàng tỉnh Chiết Giang. Phần sau, dài 640 cm, tên gọi “Vô Dụng Sư quyển” được lưu giữ ở bảng tàng Cố cung (Bắc Kinh).
9. Hán cung xuân hiểu đồ
“Hán cung xuân hiểu đồ” (buổi sáng sớm trong cung Hán) của họa sĩ Cừu Anh, rộng 37,2 cm, dài 2038,5 cm chính là bức tranh theo phong cách cuộn dài đầu tiên của hội họa Trung Quốc.
Cừu Anh là một họa sĩ tiêu biểu thời nhà Minh, cùng với Thần Châu, Đường Dần, Văn Chủy Minh được người đời tôn sùng là “Tứ kiệt” về hội họa thời nhà Minh. “Hán cung xuân hiểu đồ” là bức họa xuất sắc nhất của Cừu Anh trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình. Sau này, có rất nhiều bản sao lại của nó nhưng không thể đạt được độ toàn bích như bản gốc.
10. Bách tuấn đồ
Bức vẽ “Bách tuấn đồ” (Một trăm con ngựa) được vẽ bởi một họa sĩ dưới thời nhà Thanh có tên là Lang Thế Ninh. Ông vốn là mộ nhà truyền đạo đến từ nước Ý, tên khai sinh là Giuseppe Castiglione. Ông đến Trung Quốc, định cư và sống như một họa sĩ trong suốt hơn 50 năm.
Tài năng của ông được các hoàng đế Trung Quốc thời bấy giờ như Khang Hy, Ung Chính hay Càn Long đánh giá rất cao. Ông chính là người đầu tiên kết hợp chủ nghĩa tả thực phương Tây với nghệ thuật vẽ bút lông truyền thống Trung Quốc. Bức “Bách tuấn đồ” vẽ trên giấy, có kích thước 102 cm x 813 cm, hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Cố cung Đài Bắc (Đài Loan).
Theo Chinawhisper
Hữu Bằng (Biên dịch và Tổng hợp)