Ngôi chùa Thiên Tạo độc đáo và bí ẩn hang động khổng lồ trong lòng núi Nghệ An
Lèn Vũ Kỳ là dãy núi đá vôi hùng vĩ nằm giáp ranh giữa hai xã Đồng Thành và Phúc Thành thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Dãy núi chơ vơ, nổi bật giữa cánh đồng ngút tầm mắt này đã từng là một thắng cảnh nổi tiếng, gắn liền với nhiều câu chuyện huyền bí, ly kỳ.
Trước khi bị đào xới nham nhở như ngày nay, lèn Vũ Kỳ từng có rất nhiều hang động, trong đó nổi bật nhất là động đá ở đỉnh núi phía Đông. Động này tuy không phải là lớn nhất nhưng có hình dáng như giọt nước (hoặc búp sen) vô cùng ấn tượng, lại khô ráo, sạch sẽ, cùng nhiều ngõ ngách bí ẩn, linh thiêng.
Theo người dân địa phương, hơn 400 năm trước, hang động này đã được những Phật tử trong vùng chọn làm nơi để tụng kinh niệm Phật. Từ đó mà hình thành nên một ngôi chùa vô cùng độc đáo, hoàn toàn không do bàn tay con người kiến thiết, được gọi là chùa Thiên Tạo.
Lối vào chùa hang ở đỉnh núi phía Đông lèn Vũ Kỳ, nơi duy nhất con chưa bị “xẻ thịt”
Ẩn sau những phiến đá khổng lồ che khuất cả lối vào, chùa Thiên Tạo là một động đá cao hơn 20m rộng chừng 15m, hình thế tròn trịa, trần hang vuốt nhọn lên cao tít, dưới nền lại bằng phẳng, rất khô ráo sạch sẽ.
Các ban thờ đều tạo thành từ những hốc đá được thiên nhiên khéo léo tạo hình như những búp sen tuyệt đẹp, xung quanh trang trí bởi các vân đá, nhũ đá vô cùng kỳ thú, bởi thế mà chẳng cần đến bàn tay con người phải vẽ vời thêm.
Cửa hang nằm ở hướng Đông, đối diện ở hướng Tây là hốc đá lớn nhất tạo nên ban thờ chủ của chùa, chính là hướng linh thiêng nhất theo đạo Phật. Hai bên cánh lại có hai hốc đá khác cũng hình cánh sen nhưng nhỏ hơn, nằm cân xứng theo trục Bắc - Nam, là các ban thờ phụ.
Không khí trong hang vừa thanh u tĩnh mịch lại rất ôn hòa: mùa hè thì mát mẻ, mùa đông thì ấm, lại khô thoáng dễ chịu chứ không hề ẩm thấp, chính là nơi lý tưởng để tĩnh tâm tu học.
Lòng hang hình giọt nước (hay búp sen) rất đẹp
Theo những người trông coi thì thời điểm trước chiến tranh, trong chùa vẫn còn tượng Phật và nhiều đồ tế khí cổ. Chiến tranh chống Mỹ nổ ra, do có địa thế hiểm trở và kín đáo nên chùa trở thành kho chứa lương thực và vũ khí của các đơn vị quân đội trong vùng.
Hết chiến tranh lại đến mấy chục năm “cải cách”, ngôi chùa bị bỏ hoang hoặc được dùng vào những mục đích khác, dấu tích xưa gần như đã biến mất hoàn toàn. Tượng Phật, cổ vật, đồ tế khí và nhiều thắng tích thiên nhiên cũng bị phá hủy và thất lạc trong quãng thời gian này.
Cổ vật duy nhất còn sót lại là cái bát hương bằng đá mà theo ông Tống Hữu Thuyên - người trông coi - thì đã có từ hơn 400 năm trước, một người dân trong làng mang về nhà cất giữ và mới được trả lại cho chùa.
Khoảng mươi năm trở lại đây, người dân địa phương mới có điều kiện để “tái sinh” thắng tích truyền đời của họ, thì cũng là lúc mà chính quyền địa phương cấp phép cho một số doanh nghiệp vào xẻ lèn khai thác đá.
Mấy đỉnh núi ở phía Tây và phía Bắc nhanh chóng bị đẽo vạt đi để cho ai đó làm giàu. Dân địa phương, nhất là giới Phật tử ầm ầm phản đối. Tờ giấy phép cứ thu rồi lại cấp. Rốt cuộc dân làng cũng đành phải chịu thua, chỉ giữ được đỉnh núi phía Đông nơi có ngôi chùa cổ.
Chùa Thiên Tạo hồi sinh đã nhanh chóng lấy lại danh tiếng của mình. Phật tử trong vùng cứ mỗi ngày rằm và mồng một hàng tháng lại đều đặn lên chùa để tụng kinh niệm Phật. Họ cũng đã cử ra một Ban quản sự để trông coi và quản lý công việc của chùa.
Các bàn thờ tạo thành từ những hốc đá hình cánh sen
Thế nhưng có những thứ đã mất rồi thì cũng như “bát nước hắt đi” chẳng thể nào tìm lại được.
Ông lão coi chùa chỉ cho tôi xem cái “trống đá” tạo nên từ khối thạch nhũ nhiều màu sắc nơi trần hang. Anh thanh niên đi cùng nhanh nhảu nhặt một cục đá nhỏ ném vào “trống” làm vang lên một tiếng kêu trầm đục khá ấn tượng.
Giọng ông cụ bùi ngùi: “Trước đây còn có cả đá Rồng, đá Phượng, đá Quy, đá Hổ. Rồi lại còn nào là hang Tiền, hang Bạc, hang Bông Lúa… vô cùng kỳ thú và đẹp đẽ. Giá như còn giữ được đến bây giờ!”.
Rồi ông dẫn tôi đi xem “Hang Tiên” với huyền thoại về một nàng tiên xinh đẹp, chiều chiều thường dạo chơi trên núi, một hôm có người trong làng nhìn thấy, định đuổi theo để hỏi chuyện nên cô chạy trốn vào trong hang núi rồi từ đó không bao giờ xuất hiện nữa.
“Trống đá” chỉ cần lấy hòn sỏi ném vào là kêu rất to
Ông kể trước đây cửa hang này là lối vào của một hệ thống hang động khổng lồ ở sâu trong lòng núi, bao gồm hàng trăm hang động liên thông với nhau, có hang khô, có hang nước, măng đá nhũ đá vô vàn, lung linh huyền ảo như chốn thần tiên.
Ấy vậy mà không hiểu vì sao, cũng chẳng ai nhớ thời gian cụ thể, cửa “Hang Tiên” đột nhiên sập xuống, bít kín hoàn toàn lối vào của hệ thống hang ngầm.
Ông cụ lại đưa tôi ra xem “giếng Thuồng Luồng” ở ngay trước cửa hang, là một mạch nước chảy ra từ lòng núi, quanh năm trong vắt và chưa bao giờ cạn kiệt. Nhà chùa dùng chính mạch nước này để thờ cúng, còn người dân trong làng cũng rất thích lấy nước ở đây về đun nước, pha trà.
Ông cho biết, trước đây còn có cả một đàn khỉ hàng mấy chục con sinh sống trong lèn. Chẳng hiểu sao chúng cũng biết chọn ngay ngọn núi của chùa mà định cư, thế nên dân trong vùng không ai dám săn đuổi chúng.
Đàn khỉ sống yên ổn cạnh chùa qua nhiều thế hệ, suốt ngày chí chóe leo trèo khắp các vách đá, có khi còn mò hẳn vào chùa để kiếm miếng ăn. Thời kỳ bom đạn, đàn khỉ bỏ đi đâu không ai biết. Sau chiến tranh chỉ còn mỗi một con khỉ độc tìm về.
“Hang Tiên” - lối vào hệ thống hang ngầm bí ẩn đã bị vùi lấp hoàn toàn
Nó sống lặng lẽ một mình bên cạnh chùa suốt mấy chục năm. Nhưng kể từ khi người ta nổ mìn ầm ầm suốt ngày đêm để khai thác đá trong lèn, thì con khỉ độc duy nhất còn lại cũng mất dạng luôn, chẳng biết là đã chết hay đang trốn ở góc nào trên núi.
Đối lập với cảnh quan hùng vĩ phía trước chùa, ngay sau lưng lèn đá là một khung cảnh hết sức tiêu điều xơ xác, sườn núi bị đào phá nham nhở. Lèn Vũ Kỳ đã và đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi sự tham lam của con người.
Đỉnh phía Đông tuy không bị người ta “xẻ thịt”, nhưng cùng với sự biến mất của cả dãy núi, ngôi chùa hang độc đáo nơi đây đã mất đi phần lớn vẻ đẹp vốn có của mình. Quả thực đáng tiếc thay!
Theo VTC