Chút tình với Huế
Ngày đăng: 10:28:18 28-10-2014 . Xem: 2031
Chút Tình Với Huế
Một chút niềm riêng trong nỗi buồn chung - Huế qua dòng thơ Phạm Ngọc
Một chút niềm riêng trong nỗi buồn chung - Huế qua dòng thơ Phạm Ngọc
Tôi đang có trong tay CD mang tựa “ Chút Tình Với Huế “ của nhà thơ Phạm Ngọc được các nhạc sĩ : Võ Tá Hân ,Nhật Vũ , Phạm Anh Dũng , Vũ Thư Nguyên phổ nhạc khiến tôi thật ngỡ ngàng và bất ngờ “ Chút Tình Với Huế “ không chỉ dừng lại khiêm tốn như tựa CD mà CD nhạc này thật sự mang đậm nét Huế .
Điều tôi ngạc nhiên đó là những dòng thơ của một người không sinh ra lớn lên hay trưởng thành tại Huế , và cũng không hề đã sống nhiều năm tại Huế . Thật kỳ lạ khi tôi được biết rằng anh Phạm Ngọc là người Bắc ,trưởng thành và sinh sống tại miền Nam và chỉ là 2 lần ghé Huế với thời gian rất ngắn như anh giới thiệu , và lại cách nhau 23 năm , cho lần ghé Huế thứ 2 của anh .Vâng , chỉ có hai lần ghé Huế với thời gian rất ngắn thôi, nhưng nhà thơ Phạm Ngọc đã ghi lại những cảm xúc, những rung động tài tình như một người con đích thực được sinh và lớn lên của Huế . Khi xa Huế, sự xa cách và tình yêu dành cho Huế trong lòng anh đã trở thành một nỗi nhớ day dứt khôn nguôi .
Phải chăng bởi vì Huế đẹp và thơ , Huế - đã trở thành suối nguồn cảm hứng sáng tác mang nhiều màu sắc đường nét và nhạc điệu mà nhà thơ Phạm Ngọc cùng các nhạc sĩ đã gửi gắm nỗi niềm của mình trong những ngày tháng đến với Huế và … xa Huế . Chút Tình Với Huế với 10 bài thơ của anh là những gửi gắm, chân tình, là sự hòa hợp tâm hồn giữa Nhà Thơ – Nhạc Sĩ qua từng nét nhạc được ca sĩ Vân Khánh trình bày là tên gọi tha thiết nhất, tình nghĩa nhất không phải chỉ dành riêng cho những ai sinh ra tại Huế mà cho tất cả những ai thưong về Huế , từng biết về Huế
Từ trong một góc sâu kín của tâm hồn tôi nghĩ bất cứ ai khi nghe CD này thì dù chỉ với giây lát thôi “ Chút Tình Với Huế “ sẽ hiện về đầy đủ nhất cả một khỏang thời gian , về những chút dấu ấn kỷ niệm của Huế . Những giây phút nhớ nhung , những đêm mưa dầm khó ngủ trằn trọc , những ngày xanh thơ mộng được nổi bật lên giữa không gian với màu hồng muôn thuở của hàng phượng vĩ dọc bến Kim Lâu , nhìn theo dọc bờ Hương Giang lặng lờ sương phủ theo những thành cổ và Phú Văn Lâu trầm mặc, đó là nét đặc trưng hòa hợp nhất mà thiên nhiên ưu đãi cho giòng sông đẹp nhất Việt Nam mang tên Hương Giang của xứ Huế này .
Ai về qua Hương Giang
"gởi lòng tôi theo với" (*)
ánh trăng treo Thành Nội
một góc trời quê hương ...
(Mưa Cali Nhớ Thành Nội)
Vâng , đã có rất nhiều bài thơ, bài hát viết về Huế, viết riêng cho Huế bởi vì ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Huế hoặc đã từng một hay hai lần ghé Huế như nhà thơ Phạm Ngọc chắc không khỏi ấp ủ những tình cảm lưu luyến những kỷ niệm nao lòng về một vùng đất quen thân của Việt Nam. Huế có thể chưa phải là nơi ở, để thương thì cũng là nơi ra đi để nhớ. Huế mãi đã trở thành một quê hương thơ mộng, dịu dàng trong lòng người.
CD “Chút tình với Huế” 10 tình khúc phổ thơ Phạm Ngọc này , Huế đã tấu lên khúc nhạc nên thơ, mơ mộng, dịu dàng trong lòng người nghe những hình ảnh thân thương, quyến rũ , khó thể nào quên. Tình yêu Huế như dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn người nghệ sĩ yêu Huế mà nhà thơ Phạm Ngọc cùng các nhạc sĩ Võ Tá Hân, Nhật Vũ, Phạm Anh Dũng,Vũ Thư Nguyên đã góp phần làm đẹp thêm xứ sở này... Nổi bật trong “ Chút tình với Huế” theo riêng tôi cảm nhận có lẽ không phải là bài thơ cùng tựa CD “ Chút tình với Huế” mà là tình cảm dạt dào của bài “ Mưa Cali nhớ Thành Nội”. phổ nhạc Võ Tá Hân.
...
Em ngày xưa Tôn Nữ
áo trắng bay trong chiều
tôi bây giờ viễn xứ
đời như phố quạnh hiu
Cali thu cuối mùa
Cơn mưa về vội vã
Nhớ nguời da diết quá
Cơn mưa dầm Huế xưa...
(Mưa Cali Nhớ Thành Nội)
Có phải chăng đó là âm hưởng trong cơn mưa Viễn Xứ cả Nhà Thơ và Nhạc Sĩ đều nghe được tiếng dạt dào thì thầm thân thiết lãng mạng của mưa Huế - Mưa dầm cũng lại là một nét đặt trưng của Huế. “Mưa Cali Nhớ Thành Nội” là một tình yêu chân chất, đôn hậu và sâu sắc đến cảm động. Qua tâm hồn tràn đầy nỗi nhớ của nhà thơ “Thành Nộ̣i” . Vâng, thực sự nếu Huế thiếu “ Thành Nội” thiếu những lăng tẩm thì Huế cũng sẽ như mọi miềm quê khác của Việt Nam , “Thành Nội” nét đặc sắc rất Huế, của riêng Huế với những đường nét thân thương gợ̣i nhớ đến tuyệt vời làm xao xuyến trái tim những người viễn xứ.
Với bài “Em – Huế xưa” phổ nhạc Nhật Vũ , nhà thơ mượn hình ảnh người con gái xứ Huế để nói về Huế , Huế làm cho hồn người du khách tĩnh lặng lại bằng những cử chỉ duyên dáng và lung linh đến huyền ảo với dòng Hương Giang trôi như giải lụa tơ trời để cả nhà thơ lẫn nhạc sĩ như muốn ôm cả vòm trời đất Huế vào trong lòng mình
Tình em
Huế mộng nguyên trinh
thơ ta
còn mãi ngát tình Hương Giang
áo bay
ngược chuyến đò ngang
vạt lạy
gió lộng vội vàng tay che
Ngại ngùng
chi một câu thề
em qua Thành Nội
ta về Kim Luông
Tràng Tiền mấy nhịp - mù sương
đêm hoa đăng cũ - trăng vương giọng hò
bởi em
Huế đẹp bài thơ
nên ta
mãi mãi vẫn chờ - Huế - xưa...
(Em –Huế Xưa)
Và tình yêu thủ̉a ấy , được dâng hết “bởi em huế đẹp bài thơ” tác giả yêu Huế như yêu người yêu của mình. Mỗi từ ngữ “Thành Nội” “ Kim Long”“Vĩ dạ” “Gia Hội”,“ Phong Điền” “Tràng Tiền” những hình ảnh âm thanh tiêu biểu, mỗi tên gọi trong bài thơ như mang một nỗi nhớ da diết, một mảnh hồn của nhà thơ Phạm Ngọc. Huế đặc biệt và thơ mộng , Huế hài hòa và hùng vĩ , Huế cổ kính từ nơi hội tụ của đất trời, của núi sông, của biển cả, bức tranh toàn cảnh Huế lại một lần nữa tái hiện bên trong tâm tưởng nhà thơ “Núi cao lũng thấp sum vầy”. Thơ Phạm Ngọc chỉ phác họa vài nét đơn giản thôi nhưng đã thể hiện được tòan bộ vẻ riêng của danh lam và lịch sử Huế giúp người đọc người nghe có một cái nhìn tương đối đầy đủ về vùng đất này.
Hương giang xa mãi ngọn nguồn
Mùa xuân viễn xứ mắt còn dõi trông
Thuyền ai lạc bến đợi mong
Vân Lâu một bóng mịt mùng đêm trăng
(Huế Buồn)
Lịch sử của Huế từng trải qua thời kỳ trĩu nặng buồn thảm tối tăm và điều đó tác động sâu sắc đến lòng người đọc khiến những người xa Huế làm gì đã nguôi quên? Qúa khứ và hiện tại trong Huế Buồn – thoắt ẩn, thoắt hiện làm cho người nghe cũng lúc bồn chồn lúc nuối tiếc.
Anh Phạm Ngọc còn xử dụng nhuần nhuyễn các thể thơ truyền thống. “ Huế- Xuân – Em “ là bài thơ thành công về thể lục bát và những câu thơ của anh thường có kiểu biểu tượng xa tạo nên sự khái quát về không gian và thời gian làm cho câu thơ thêm hàm súc nhưng lại đầy đủ nhạc điệu .
Này em xuân đã ngát trời
Lá xanh lộc biếc – hoa cười sớm mai
Núi cao – lũng thấp – xum vầy
Chim muông hát khúc chào ngày tháng đi
( Em Huế Xưa )
Mỗi câu, mỗi chữ trong mỗi bài thơ , mỗi nhạc phẩm của CD “Chút tình với Huế” đều tác động sâu sắc đến lòng người nghe đó là tình yêu Huế, nỗi niềm nhớ Huế , nhớ Huế đến da diết , man mác và sâu lắng đã bao trùm trong toàn bộ 10 bài thơ mà anh Phạm Ngọc đã gởi gắm trong từng câu từng chữ. Nỗi nhớ ấy đôi khi là nỗi niềm bâng khuâng ngậm ngùi rộng thấu tim
...
chừ xa Huế nhớ trăng Thành Nội
đêm hoa đăng thơm ngát giòng Hương
...
Trên sóng nước hồn tôi bỏ lại
lời hát ru còn vọng đâu đây
tiếng đàn tranh chập chùng cung bậc
vang trong đêm âm điệu vơi đầy
(Trăng thành nội)
Nhà thơ Phạm Ngọc xa Huế từ sau 1 lần đến Huế năm 1974 và 23 năm sau. Vào năm 1997 anh trở lại Huế. “Bao nhiêu năm nửa đời lưu lạc, tôi trở về thăm lại Huế xưa” câu thơ không đơn giản chỉ là một sự tính sổ thời gian mà nghe nặng cả một tấm lòng, một nỗi nhớ Huế sâu xa luôn ngự trị trong trái tim anh , và anh luôn mang theo hình bóng Huế. Huế luôn ở giữa lòng anh, cả khổ thơ vớì cách diễn đạt quen thuộc nhưng lạim làm xúc động lòng người đọc. Những câu thơ của anh thật cảm động, Ai đến Huế, chia tay Huế hỏi rằng điều gì để lại ấn tượng sâu đậm nhất? Có lẽ phải nói đến cách giao tiếp của xứ Huế - bất kể ai là khách xứ Huế đều được thưởng thức giọng nói, cử chỉ ngoṭ ngào duyên dáng mà cho dù người khó tính nhất cũng phải xiêu lòng. Cái khiêm tốn, cái hồn nhiên và đằm thắm của người con gái xứ Huế làm cho những người đến Huế luôn có một ước mơ trong sáng và thầm lặng là “Giá được nghe giãi bày”. “Bài Thơ Tôn Nữ” phổ nhạc Phạm Anh Dũng. Cũng mang một nét đặc trưng của Huế đó là sự qúa đỗi dịu dàng của người con gái Huế . Dường như trong cái trí đức của Việt Nam cổ , trong “ Công , Dung , Ngôn , Hạnh “ thì những câu những chữ trong bài thơ “ Bài Thơ Tôn Nữ “ của Phạm Ngọc đã vẽ được những nét riêng biệt mà chỉ con gái Huế mới có.
Em còn Tôn Nữ ngày xưa
Huế còn hiu hắt chiều mưa Nội Thành
em đi những bước vô hình
cho tôi ngọn gió thất tình theo sau
Hương Giang nào biết nông sâu
thuyền tôi chìm giữa biển màu mắt em
môi thơm xinh nụ cười hiền
giọng em rất Huế như chim gọi mùa
Em còn Tôn Nữ ngày xưa
để tôi gom những giòng thơ gửi người
tóc em vướng sợi tơ trời
mùa thu tím cả ngàn lời ca dao...
(Bài thơ Tôn Nữ)
“Chút tình với Huế” 10 tình khúc phổ thơ Phạm Ngọc qua giọng ca Vân Khánh với sự phối khí rất chuẩn mực của nhạc sĩ Quang Đạt đã tạo ra sự trong trẻo của suối nhạc mơ hồ đầy chất Huế, những nốt nhạc của các nhạc sĩ hòa quyệ̣n với lời thơ đầy tâm sự, tạo nên một Huế đầy ắp nỗi niềm ngoṭ ngào đằm thắm và tình tự.
Giai điệu sâu lắng, tâm tình nhẹ nhàng của Võ tá Hân, phong cách Huế ngọt ngào tinh tế nồng ấm mà lắng đọng trong Phạm Anh Dũng, Nhật Vũ.
Bất ngờ thú vị với giọng điệu đầy ngẫu hứng và những nốt nhạc diễn đạt mới lạ nhưng nồng nàn, say đắm của Vũ Thư Nguyên.
Bao năm vẫn nhớ về ngày xưa
Trên dòng sông tuổi mộng ấy
Ai có về giòng Hương giang cho tôi theo về cùng
Về giòng sông xưa đi trong trưa nắng mới
Về giòng sông xưa tìm em thuở yêu nhau
( Hương Giang – Một Đời )
“Chút tình với Huế” thật quá đỗi mênh mang “một chút tình” qua hai lần ghé Huế thôi nhưng tình thật đã làm nghiêng ngửa cả hồn người nghe, người đọc . Nguồn cảm nhậ ấy thấm sâu tận trong tim của những ai đã được sinh ra và lớn lên tại Huế rồi xa Huế, những dòng thơ Phạm Ngọc xao động vô cùng đến thế, “Chút tình với Huế”, “10 tình khúc phổ thơ anh” là tấm lòng của người không hề sinh ra và lớn lên tại Huế hoặc trưởng thành tại Huế, nhưng lại hiểu Huế và “rất Huế” đến vô cùng “một chút” mênh mông “tình với Huế” mà thật vô cùng mà quá đậm đà như thấm vị “cơm muối” của chỉ xứ Huế mới có .
“Chút tình với Huế” là một CD mang trọn vẹn tình Huế, yêu cái nắng mùa thu từ Ca Li để luôn nhớ về Huế, yêu cái tự hào cũng như yêu cái đau đớn, bất hạnh mà Huế từng gánh chịu, yêu những ngày Huế vào xuân tưởng chừng rộn rã trong Huế trong thơ Phạm Ngọc như yêu người tình, mà khi yêu không hề so đo tính toán .
Thay mặt một số người con của Huế ở đây. Xin cảm ơn anh Phạm Ngọc – Cảm ơn các nhạc sĩ Võ Tá Hân , Nhật Vũ , Phạm Anh Dũng , Vũ Thư Nguyên - Cảm ơn tấm lòng của người làm thơ , người nhạc sĩ không phải gốc Huế nhưng lại dành trọn tình yêu nồng nàn cho Huế.
Ngọc Dung
Các Tin Khác