Ngày Cá tháng Tư: Ai mới là kẻ ngốc?
Đến bây giờ, người ta đã không còn biết chính xác vì sao lại có ngày Cá tháng Tư, rất nhiều lý giải được đưa ra, nhưng đều chưa thật sự thuyết phục. Nhưng có một sự thật là người ta thích tạo ra tiếng cười và làm kinh ngạc người khác bằng trò đùa của mình nên đã tồn tại một ngày Cá tháng Tư. Và có vẻ đối với con người nói chung, việc biến người khác thành kẻ ngốc và vui cười vì điều đó vẫn luôn là một việc làm mà chúng ta cho là thú vị.
Một giả thuyết phổ biến nhất về nguồn gốc ngày Cá tháng Tư là từ việc chuyển đổi lịch Julian cũ sang lịch Gregorian – hệ thống lịch do Giáo hoàng Gregory XIII (1502-1582) đưa ra vào cuối thế kỷ 16 và cũng là hệ thống lịch mà thế giới ngày nay vẫn dùng.
Theo lịch Julian, năm mới được tổ chức trong khoảng thời gian từ 25/3 đến 1/4 nhưng theo lịch Gregorian, năm mới bắt đầu từ ngày 1/1. Do liên lạc thời xưa chưa thông suốt, có thể một số người dân đã không được thông báo về sự thay đổi này, hoặc họ thích giữ truyền thống cũ nên vẫn ăn mừng năm mới vào ngày 1/4. Từ đó họ bị chế giễu và những câu chuyện cười nhằm vào họ sẽ được tạo ra vào ngày 1/4 hàng năm.
Cũng có một giả thuyết khác về ngày Cá tháng Tư liên quan tới thần thoại La Mã. Theo đó, Thần cai quản địa ngục Pluto đã bắt cóc nàng Proserpina và đưa nàng tới sống cùng ông ở địa ngục. Cô gái đã gọi mẹ nhưng nữ Thần Ceres chỉ nghe thấy âm vang giọng nói của con gái và đi tìm kiếm cô trong tuyệt vọng. Việc tìm kiếm vô vọng này không hiểu sao lại mang tính đại biểu cho những việc làm ngốc nghếch và trở thành chuyện chế giễu phổ biến tại châu Âu các thế kỷ trước.
Nhưng cuộc sống vốn luôn có góc nhìn đa chiều, và kẻ ngốc đôi khi lại chẳng hề ngốc
Ví như trong chuyện đổi lịch Julina thành Gregorian. Một năm vận hành đều đặn theo chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời. Lịch Julian hay Hoàng lịch Trung Hoa cổ xưa bám sát với thiên văn và phản ánh đúng vận hành của vũ trụ hơn. Cụ thể theo cả hai lịch này, một năm sẽ có 365,25 ngày chứ không phải 365 ngày như lịch Gregorian mà chúng ta dùng bây giờ.
Chúng ta dùng lịch hiện tại bởi nó tiện lợi hơn, nhưng lại không phản ánh đúng tự nhiên bằng. Ngày 1/4 nếu đúng là để cười những người muốn giữ đúng lịch đã phản ánh chính xác sự thật hơn, thì ở một quan điểm khác, chính những người chế giễu họ mới là kẻ ngốc. Và đứng từ góc độ của tự nhiên mà nhìn, chẳng phải con người thật ngốc nghếch và tự đại hay sao? Chẳng tuân theo tự nhiên mà chỉ muốn thuận tiện cho mình.
Với câu chuyện nữ Thần Ceres tìm con trong vô vọng cũng vậy, không ai nghe thấy âm thanh ấy ngoài bà, có thể không ai đã tin và thông cảm cho bà. Nhưng tiếng kêu cứu đó là có thật. Nó giống như việc chúng ta cười những người mơ mộng hoặc tin vào những điều trái ngược với đại đa số quan niệm của chúng ta. Nhưng không có nghĩa là họ sai, không có nghĩa niềm tin và việc làm của họ là vô nghĩa.
Cũng giống như người vô Thần sẽ cười giễu người có đức tin rằng họ đang mê tín và trông chờ vào điều không tưởng. Nhưng người có đức tin lại thương xót cho người không có đức tin bởi họ sẽ chẳng biết được mục đích sống và con đường để trở về.
Cũng lại có một giả thuyết khác về ngày Cá tháng Tư, là ở địa phương đó vào tháng Tư không có cá, nên ai nói nhìn thấy cá vào tháng Tư sẽ bị cho là bịa đặt và ngốc nghếch. Nhưng người ở địa phương đó chưa đi xa đủ để biết rằng nơi khác trên Trái đất này, vào tháng Tư vẫn có cá.
Có người đã từng nói rằng con người cười trước những gì họ thấy trái ngược, bất bình thường. Mà cái gọi là bình thường của chúng ta đều do thế giới quan giới hạn của chúng ta định nghĩa. Người càng hiểu biết và có trái tim rộng mở thì mới có thể bình thản trước sự bất ngờ, trái ngược, bởi họ lý giải được và chấp nhận được sự khác biệt. Càng dễ dàng cảm thấy tức cười trước sự khác biệt mà ta cho rằng kỳ cục của người khác, có lẽ ta càng ngốc nghếch trong mắt người thấu hiểu và vị tha hơn.
Chúng ta trong cả cuộc đời mình, chắc hẳn đôi lần đều đã từng là những kẻ ngốc
Chúng ta miệt mài cả đời chạy theo danh vọng, đạt được một cái rồi lại muốn cái to lớn, cao xa hơn. Thậm chí có thể làm mọi cách bất chấp thủ đoạn để đạt được, rồi đến khi có nó lại thấy thật tầm thường. Cuối cùng tới lúc dừng chân trên đoạn đường này của sinh mệnh, lại chẳng mang theo được gì.
Chúng ta ghen tuông, oán hận vì yêu mà chẳng được đáp đền xứng đáng. Nhưng quên mất rằng tình cảm của người khác vốn là điều ta chẳng thể nắm bắt và chi phối.
Chúng ta cứ đòi nhận và giữ quá nhiều trong khi chẳng chịu cho và buông bỏ khi cần.
Chúng ta mặc định mình có quyền không bị xúc phạm và xù gai nhọn lên bảo vệ bản thân. Nhưng lại không nhận ra, bị xúc phạm chỉ là một sự lựa chọn. Giận dữ vì một lời nói, hành động của người khác hay đơn giản là coi nhẹ nó đi và làm chủ cảm xúc của mình – Đó là lúc ta cần lựa chọn và tự tại bằng sự mạnh mẽ của tâm trí khoáng đạt.
Chúng ta cho rằng việc mình đúng và chứng minh nó rất quan trọng. Nhưng quên mất rằng, sự thật sẽ luôn tồn tại bất chấp những tranh luận đúng sai của con người. Và một người nghĩ “tôi đúng” sẽ chẳng học thêm được điều gì.
Chúng ta nuông chiều và thỏa mãn bản thân để rồi chính những điều mang lại vui thú, lợi ích hôm nay có thể mang lại bệnh tật, thiếu thốn và đau khổ cho chúng ta sau này. “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”, “thiện có thiện báo, ác có ác báo”, những gì ta hứng chịu có thể đã được gieo nhân từ trước đó.
Chúng ta biết kiếm sống nhưng lại quên mất cách sống.
Chúng ta biết cách lên tận mặt Trăng nhưng lại quên mất cách đi vào trái tim nhau.
…
Chúng ta trong cả cuộc đời mình, chắc hẳn đôi lần đều đã từng là những kẻ ngốc.
Ta cười giễu người mà ta không thể cảm thông, lý giải được họ, thậm chí cố tình trêu chọc người khác để tìm tiếng cười.
Nhưng nếu có một sinh mệnh đứng từ bên ngoài kia nhìn xuống Trái đất này, nhìn thấu những u mê, bám víu của nhân loại, chẳng phải sẽ thấy chúng ta mới là những kẻ ngốc hay sao.
Chẳng ai có thể tự tin nói đã nắm bắt được hết thảy chân lý của vũ trụ. Vậy chúng ta cứ nhận mình là những kẻ ngốc. Khiêm tốn, cầu thị và giữ một trái tim rộng mở thì mới có thể học hỏi và trưởng thành.
Nguồn: ST