Khi người điên hạnh phúc - Thi sĩ Bùi Giáng.
(Kính dâng Bác Bùi Giáng, người đã vượt lên trên lẽ sạch dơ của cuộc đời!)
Có một thời, người đời tôn xưng ông với đủ thứ danh ngôn mỹ từ. Nào Thi sĩ, Giáo sư, nào nhà nghiên cứu, dịch giả hay ông già điên. Nhưng tôi vẫn thích gọi ông là Bác, Bác Bùi như thuở nào.
Có lẽ, Sài gòn là nơi tạm trú dài hạn của Bác nhất. Mặc dù sinh ra và lớn lên tại miền Trung nắng cháy, nhưng thi thoảng, người ta vẫn thấy Bác hoá thân xuống tận Sa-đéc, Châu-đốc, Ca-Mau, hay những tỉnh lỵ sông nước Cửu Long hiền hoà.
Là người trải nghiệm trong những thời kỳ nhiểu nhương của cuộc thế. Nhất là, sau này, sống trong giai đoạn khó khăn khổ cực, không biết bằng phương tiện gì, mà lúc đó, Bác đã thích ngao du sơn thuỷ, vui thú du lịch. Du lịch bằng đường bộ, đầu đội trời, chân đạp đất như Đức Phật năm xưa. Vừa du hành hoá tha, vừa lân la với cỏ cây thiên nhiên, vừa khảo sát dân tình. Nhờ vậy, Bác là người hiểu biết và cảm thông với đời sống của người dân đây đó. Đến đầu thập niên 80, đất nước vẫn còn khó khăn, Bác đã lam lũ, sống chung với những thành phần bần hàn trong xã hội.
Hết Ngã bảy, tới Lăng Ông Bà Chiểu, rồi xẹt qua Cầu Bông, hay chợ An Đông, đến chợ Trương Minh Giảng. Ngã Năm Chuồng Chó. Những nơi ồn náo, chợ búa sầm uất, Bác đều hoan hỷ hiện diện. Có lần, chính mắt con nhìn thấy. Bác dạo chơi quanh chợ, lướt ngang qua những tiệm ăn, nhứt là những quán hủ tiếu-mì trong chợ Trương Minh Giảng. Bác không ăn trực tiếp, vì đâu có tiền mà ăn. Rình rình, chờ sự sơ hở của chủ quán, lẹ như tia chớp, Bác bưng lấy thùng hủ tiếu-mì cặn, phía sau (đồ này cho heo ăn), đưa lên miệng, ăn ngấu nghiến ngon lành. Ăn xong, cám ơn, rồi tự tại ra đi. Nghe những người buôn bán quanh chợ nói, Bác thường xuất hiện và thường thưởng thức những món ngon như thế. Trên đời này, chắc duy nhất một mình Bác có khả năng ăn uống kiểu này.
Cuộc sống lang bạt, ăn bờ ngủ bụi. Ăn uống những thứ người đời vất bỏ, mà quanh năm suốt tháng Bác vẫn khoẻ mạnh. Bao tử Bác, thuộc loại bao tử tốt, có chất đề kháng bậc nhất. Thứ gì vô cũng hoá thành đồ bổ. Hình như trời phú cho cơ thể Bác không bị nhiễm những chất phóng sạ, hay tấm thân tứ đại của Bác có chất kháng thể cao, nên những loại thức ăn như thế, không hề hấn gì. Hỏng chừng, còn làm tăng thêm sức khoẻ, nhiều chất đề kháng, nhiều vitamin nữa là khác.
Thời buổi kinh tế khó khăn, cơm canh, chè sôi không phải là món xa xí phẩm. Ấy vậy, mà người dân Sài gòn, vẫn lòng hào sản, nuôi Bác bằng những gói cơm dư đựng trong lá chuối hay trong bọc ni-lông Trân trọng hơn, là cơm thêu, cơm cháy chan chút nước cá kho hay nước tương, nước mắm gì đó. Bác luôn quý trọng những tấm lòng vàng của mọi người, không từ chối, thưởng thức ngon lành. Đối với Bác, mỗi ngày đều ăn những món ăn, mà trên trần gian này, từ bậc vua chúa sang giàu, đến những kẻ nghèo cùng, chưa chắc gì có cơ hội thưởng thức.
Buổi chiều, có khi Bác đóng quân tại khu chợ An Đông. Tại những quầy bán trái cây, các thứ trái cây bán không hết, đã bị khô héo. Người ta lại thành tâm cúng dường hết cho Bác. Bằng tâm vô phân biệt, vượt lên dơ-sạch, khô héo hay tươi ngon, Bác thưởng thức những thứ trái cây đủ loại trên đất nước Việt nam một cách ngon lành. Bác ăn trái cây nhiều hơn quý Phật tử trong chùa nữa. Tối đến, Bác thăng qua khu chợ Bà Chiểu, hay khu chợ Tân Bình. Những món cháo khét đáy nồi của Bà Tư, Cô Bảy, đều để dành cho Bác lót dạ qua đêm. Những đêm gió lạnh, mưa dầm, có khi Bác đi lang thang ngoài đường, ca hát, ngâm thơ, rồi nép mình co ro dưới xoá chợ, gầm cầu.
Bác run rẫy, kêu khóc. Tiếng khóc của Bác giao hoà với tiếng mưa trong đêm, tạo thành những âm giai nghe sao não nuột. Bác khóc vì lạnh lẽo cô đơn hay khóc vì cảm thương cho thân phận của những người dân lam lũ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, không nơi nương tựa giữa trường đời? Hay khóc vì thấy mình là người an lạc, thong dong tại trần gian này?
Sáng sớm, sau thời công phu của các Chùa, người ta đã thấy Bác lang thang, lai vãng ở những khu chợ rồi. Những người phụ trách quét dọn nơi này thường hay giật mình, khi thấy ông già điên bất ngờ xuất hiện. Bác điên, nhưng không bao giờ phá phách những sinh hoạt buôn bán của tha nhân. Bác điên theo dáng điệu con cháu Cái Bang chân truyền. Điên theo kiểu Bác, là điên thời đại, điên sang trọng nhứt.
Ngoài đời, Bác chưa bao giờ có hành động gây rối hay chọc phá bất cứ một ai. Nhưng Bác vẫn là đối tượng cho trẻ nhỏ trêu chọc. Chúng lấy cùi bắp, khoai lang, cóc ổi ném vào người Bác. Khi gặp những học trò của Bác năm xưa, họ đứng ra ngăn cản và xua đuổi đám con nít đi. Họ vẫn còn ảnh hưởng tinh thần tôn sư trọng đạo, một chữ cũng thầy, nữa chữ cũng thầy, nên không muốn ai xúc phạm đến bậc thầy của họ. Thế là, Bác được thoát nạn và nhanh chóng biến mất.
Nhớ khi con còn ở chùa Giác Ngộ, thỉnh thoảng Bác cũng đến thăm quý sư huynh nơi này. Có lẽ, những ngôi chùa Bác thường lui tới ở Sài gòn là: Già Lam, Vạn Hạnh, Long Huê, Giác Ngộ…Khi tới Giác Ngộ, Bác thường có thói quen, là tạo điều kiện cho quý sư huynh nơi đây cúng dường tiền xe cho Bác. Bác nằm trên xe xích-lô, chờ đến chừng nào có người xuống trả tiền, Bác mới chịu xuống xe. Bác nói với con là đi xe xích-lô kiểu đế vương. Nay ngẫm nghĩ lại, thấy Bác quả là bậc đế vương, đi xe bắt người khác trả tiền, không phải đế vương chớ là ai bây giờ? (Dân xe xích-lô ở Sài gòn đa phần cũng quen mặt với Bác lắm) Bửa nào Bác đi xe xích-lô của ai, coi như bửa đó, người tài xế trúng mánh. Bởi vì Bác bắt trả tiền gắp đôi. Điều này, đủ nói lên, Bác có tấm lòng với dân nghèo khổ biết chừng nào.
Sự có mặt của Bác tại những nẽo đường Sài gòn hồi đó, đã ít nhiều góp phần ý nghĩa cho sinh hoạt hàng ngày, cho nếp sống của người dân và cho văn hoá của thành phố náo nhiệt nhất Việt nam. Hồi đó, tâm hồn con còn ngây ngô thơ dại, mỗi lần Bác đến Chùa Giác Ngộ, hay gặp Bác trên Vạn Hạnh, con đắn đo suy nghĩ tự hỏi:“Bác điên mà sao biết đến Chùa, biết thăm người yêu lý tưởng của mình vậy kìa? Té ra, trở về chùa, trở về khung trời Vạn Hạnh, là trở về những kỷ niệm xưa, tự thuở ấu thơ của mình. Bác muốn quay về với những phút giây thơ ngây thánh thiện, muốn nhìn những chú tiểu trong chùa, đang nô đùa vô tư như chính Bác đang đùa giởn với trần gian vậy.
Con chấp tay kính lạy Bác Bùi, một ứng hoá thân cư trần bất nhiễm!!
Thích Thiện Hữu