Tôn trọng cung kính: Chỉ có được thêm, không mất gì!
Ngày đăng: 14:45:06 21-05-2015 . Xem: 3818
Cung kính là cơ hội để học hỏi và tiến bộ. Cung kính người khác, tâm ta khỏenhẹ lắm, còn khi không thể cung kính được, trong tâm ta, gợn lên những cái không hay và bất toàn của người kia như là lý do để biện hộ sự bất kính của mình.
Là một người nữ xuất gia theo đạo Phật, tôi không tránh né, nhưng chưa một lần muốn viết về đề tài Bát kỉnh pháp – tám điều kiện mà người nữ tu sĩ Phật giáo cần thực hành để thể hiện sự tôn kính đối với các vị nam tu sĩ Phật giáo. Đây là lời hứa của bậc Tổ Ni Maha Pajapati Gotami như là một điều kiện cần thiết để được thu nhận vào tăng đoàn với tư cách một người xuất gia.
Bát kỉnh pháp luôn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, tốn nhiều giấy mực theo cách nói truyền thống, tốn hao công sức của các anh hùng bàn phím theo cách nói ngày nay, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Tranh cãi sẽ mãi là tranh cãi, lý luận đến một lúc nào đó trở thành hý luận, càng xa rời đề tài, càng xa rời thiện chí ban đầu là học hỏi và tìm tiếng nói chung theo hướng tích cực, trở thành cuộc tranh chấp, so găng để cho bản ngã lên ngôi. Cuối cùng mệt nhừ vẫn không phân thắng bại sau “hiệp chính”. Thế là tiếp tục “đá” hiệp phụ! Cứ đá qua đá lại giữa các học giả về vấn đề này mà không có hồi hết. Người ủng hộ nên duy trì Bát kỉnh pháp, kẻ phản đối bảo đó là lạc hậu, bất bình đẳng. Người thì nói Tám điều kiện này được chính đức Phật nói ra, kẻ thì bảo người đời sau thêm vào với đầy đủ các chứng cứ cho lập luận của mình. Giằng với co cũng chẳng đi đến đâu, bí quá, lôi cả những vấn đề liên quan đến tác giả mà không ăn nhập gì đến nội dung đang bàn để nói, bắt quàng bắt xiên theo kiểu rất ư là “folk psychology”, vốn dựa trên cảm tính của số đông trong cộng đồng là chính mà chẳng cần khoa với học, chứng với cứ gì cả.
Tôi không thích góp phần vào cái xu hướng này, cũng không muốn góp phần để tạo nên một “paradigm shift” nào cả, tôi thật lòng không quá bận tâm. Đơn giản hóa vấn đề, tôi nghĩ bản thân mình thực hành được phần nào trong số tám điều này thì làm, tranh với cãi làm gì, để thời gian và năng lượng ấy cho những việc cần thiết hơn. Thế nhưng hôm nay, tôi viết đôi điều về Bát kỉnh pháp trong tâm trạng thật sự xúc động khi thấy một ni trưởng gần 80 tuổi vừa bước xuống xe khách, với sự hỗ trợ của chiếc gậy, đã xoay người vọng sang bên kia đường xe cộ tấp nập của phố Saigon, cúi đầu kính cẩn xá chào một vị tăng tuổi còn khá trẻ ở bên kia đường. Tôi thấy hình ảnh này thật đẹp và hơn cả đẹp, nó đánh động tâm tôi và có lẽ còn nhiều người nữa. Tôi tâm đắc với biểu hiện cung kính đáng yêu này.
Tôi không ủng hộ hay bài bác Bát kỉnh pháp, nhưng tôi tán thành việc tôn trọng và cung kính chư tăng, vì tôi biết khi làm việc này, tâm tôi được nuôi dưỡng trong pháp lành. Lúc trước, với tập khí thế gian còn nhiều, tôi luôn muốn mọi việc rõ ràng, thỏa đáng, công bằng. Đúng rồi, với xã hội, công bằng quan trọng lắm, và sẽ ấm ức biết bao khi ta là kẻ yếu, thân cô thế cô để rồi bị phân biệt đối xử, thiếu công bằng. Do đó, thông thường, ai cũng muốn công bằng và đòi hỏi công bằng. Thế nhưng, không nhiều người biết, hoặc biết mà không làm chủ được dòng cảm xúc, rằng các phản ứng thứ phát nảy sinh từ sự cảm nhận không công bằng này là chuỗi phản ứng tâm lý liên hoàn kéo ta suy nghĩ theo hướng tiêu cực, để rồi làm tổn thương tâm mình.
Với những trải nghiệm bản thân, dần dần tôi tự mình chiêm nghiệm và hiểu ra thâm ý của Đức Phật qua bài kinh Trừ khử hiềm hận, được ghi lại trong Tăng chi bộ kinh, chương Năm, phẩm XVII, kinh số 162: Trừ khử hiềm hận; Kinh tương đương trong Trung A Hàm, kinh thứ 25: Kinh Thủy dụ, thì tôi thấy trên lộ trình thực hành pháp, điều quan trọng duy nhất là nuôi dưỡng tâm mình cho nó lớn, nó khỏe, nó lành chứ không phải tranh hơn thua, được mất ở bên ngoài! Với bài kinh này, đức Phật dạy ta phải có thái độ như vậy khi tiếp cận với tất cả các hạng người, làm sao để chúng ta tìm ra lý do ai cũng dễ thương, mà không dễ thương được thì thấy ai cũng đáng thương, để ta có thể thương được họ. Một khi thương được người khác, tâm ta được tình thương yêu gội nhuần trong sự soi rọi của trí tuệ.
Nói đến đây, tôi nhớ đến một câu thơ của Ni Trưởng Huỳnh Liên, bậc Thầy lãnh đạo tuyệt vời của chúng tôi. Quý sư cô kể lại rằng, có lần một sư cô đến phàn nàn với Người về sự vụng về của một Ni nọ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sự an ổn chung của tập thể. Thay vì rầy la quở trách, Người ứng khẩu thành thơ:
Có những nàng tiên trả nghiệp xưa,
Tánh tình gắt gỏng ít người ưa,
Chấp danh rốt cuộc danh tàn tạ,
Chấp lợi lần hồi lợi xác xơ.
(Ngọc Sơn Hùng Vĩ – Đóa Sen Thiêng, tr. 524)
Nghe qua, Ni chúng ai cũng lặng lòng và cảm phục tấm lòng bao la của bậc Thầy. Đối với người vụng về, xấu tính thì Ni trưởng dạy là hãy cảm thông cho họ, vì đó là nghiệp quá khứ, chủng tử huân tập lâu rồi, cần hiểu vậy để mà còn thương được họ. Mà thật ra, thương họ là thương mình vậy. Khi biết thương, ta không bực mình và như vậy là ta đang nuôi dưỡng tâm mình bằng dưỡng chất tâm linh của pháp lành. Ni trưởng còn trân trọng gọi những người này là “những nàng tiên”, còn người thiếu tu thì thiếu tâm từ sẽ gọi quỷ này ma nọ, con này bà kia. Những người tu tốt làm được việc này vì các vị ấy biết nuôi cái tâm của chính bản thân mình một cách sáng suốt và khôn ngoan, vì ý thức được rằng, không ai thay mình làm công việc của chính mình trên lộ trình sanh tử.
Trở lại với bát kỉnh pháp, ta chỉ có được thêm chứ không mất gì khi tôn trọng, cung kính người khác, dù đó là chư tăng, là chư ni hay là người bình thường. Trong sự cung kính, ta dễ dàng tìm được cái hay ở người kia mà học hỏi. Khi khinh thường, bất kính với ai đó, một cách bất giác, ta thấy người ấy không có gì đáng để ta học. Do vậy, cung kính là cơ hội để học hỏi và tiến bộ. Cung kính người khác, tâm ta khỏe nhẹ lắm, còn khi không thể cung kính được, trong tâm ta, gợn lên những cái không hay và bất toàn của người kia như là lý do để biện hộ sự bất kính của mình và “quà tặng” khuyến mãi kèm theo để tiếp nhiên liệu cho con tàu của mình trên ga sanh tử cuộc đời này là tâm bực bội, bất mãn và không hài lòng.
Việc gì phải đì đọt cái tâm mình, tội vậy? Cứ thương người, kiểu gì cũng thương được mà, để tâm ta không bị tổn thương. Sống ở đời như đi xem một chương trình giải trí, cứ nhìn lên sâu khấu cuộc đời, ai diễn gì thì diễn, mình cứ chọn cách nhìn nào để tiếp nhận từ sâu khấu những yếu tố đẹp nhất, rõ nhất, thể hiện tính nhân văn, đạo đức, giải trí cao nhất thì cứ chọn, vì lợi ích của chính mình, chứ không phải vì ai khác.
Hãy thương bản thân mình đúng cách bằng tất cả những gì có thể. Cứ cung kính thật lòng tự đáy con tim đi, máu yêu thương sẽ lưu xuất dễ dàng trong tâm mình, mà không lo máu đông, tắc nghẽn mạch chỗ nào cả!
Là một người nữ xuất gia theo đạo Phật, tôi không tránh né, nhưng chưa một lần muốn viết về đề tài Bát kỉnh pháp – tám điều kiện mà người nữ tu sĩ Phật giáo cần thực hành để thể hiện sự tôn kính đối với các vị nam tu sĩ Phật giáo. Đây là lời hứa của bậc Tổ Ni Maha Pajapati Gotami như là một điều kiện cần thiết để được thu nhận vào tăng đoàn với tư cách một người xuất gia.
Bát kỉnh pháp luôn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, tốn nhiều giấy mực theo cách nói truyền thống, tốn hao công sức của các anh hùng bàn phím theo cách nói ngày nay, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Tranh cãi sẽ mãi là tranh cãi, lý luận đến một lúc nào đó trở thành hý luận, càng xa rời đề tài, càng xa rời thiện chí ban đầu là học hỏi và tìm tiếng nói chung theo hướng tích cực, trở thành cuộc tranh chấp, so găng để cho bản ngã lên ngôi. Cuối cùng mệt nhừ vẫn không phân thắng bại sau “hiệp chính”. Thế là tiếp tục “đá” hiệp phụ! Cứ đá qua đá lại giữa các học giả về vấn đề này mà không có hồi hết. Người ủng hộ nên duy trì Bát kỉnh pháp, kẻ phản đối bảo đó là lạc hậu, bất bình đẳng. Người thì nói Tám điều kiện này được chính đức Phật nói ra, kẻ thì bảo người đời sau thêm vào với đầy đủ các chứng cứ cho lập luận của mình. Giằng với co cũng chẳng đi đến đâu, bí quá, lôi cả những vấn đề liên quan đến tác giả mà không ăn nhập gì đến nội dung đang bàn để nói, bắt quàng bắt xiên theo kiểu rất ư là “folk psychology”, vốn dựa trên cảm tính của số đông trong cộng đồng là chính mà chẳng cần khoa với học, chứng với cứ gì cả.
Tôi không thích góp phần vào cái xu hướng này, cũng không muốn góp phần để tạo nên một “paradigm shift” nào cả, tôi thật lòng không quá bận tâm. Đơn giản hóa vấn đề, tôi nghĩ bản thân mình thực hành được phần nào trong số tám điều này thì làm, tranh với cãi làm gì, để thời gian và năng lượng ấy cho những việc cần thiết hơn. Thế nhưng hôm nay, tôi viết đôi điều về Bát kỉnh pháp trong tâm trạng thật sự xúc động khi thấy một ni trưởng gần 80 tuổi vừa bước xuống xe khách, với sự hỗ trợ của chiếc gậy, đã xoay người vọng sang bên kia đường xe cộ tấp nập của phố Saigon, cúi đầu kính cẩn xá chào một vị tăng tuổi còn khá trẻ ở bên kia đường. Tôi thấy hình ảnh này thật đẹp và hơn cả đẹp, nó đánh động tâm tôi và có lẽ còn nhiều người nữa. Tôi tâm đắc với biểu hiện cung kính đáng yêu này.
Tôi không ủng hộ hay bài bác Bát kỉnh pháp, nhưng tôi tán thành việc tôn trọng và cung kính chư tăng, vì tôi biết khi làm việc này, tâm tôi được nuôi dưỡng trong pháp lành. Lúc trước, với tập khí thế gian còn nhiều, tôi luôn muốn mọi việc rõ ràng, thỏa đáng, công bằng. Đúng rồi, với xã hội, công bằng quan trọng lắm, và sẽ ấm ức biết bao khi ta là kẻ yếu, thân cô thế cô để rồi bị phân biệt đối xử, thiếu công bằng. Do đó, thông thường, ai cũng muốn công bằng và đòi hỏi công bằng. Thế nhưng, không nhiều người biết, hoặc biết mà không làm chủ được dòng cảm xúc, rằng các phản ứng thứ phát nảy sinh từ sự cảm nhận không công bằng này là chuỗi phản ứng tâm lý liên hoàn kéo ta suy nghĩ theo hướng tiêu cực, để rồi làm tổn thương tâm mình.
Với những trải nghiệm bản thân, dần dần tôi tự mình chiêm nghiệm và hiểu ra thâm ý của Đức Phật qua bài kinh Trừ khử hiềm hận, được ghi lại trong Tăng chi bộ kinh, chương Năm, phẩm XVII, kinh số 162: Trừ khử hiềm hận; Kinh tương đương trong Trung A Hàm, kinh thứ 25: Kinh Thủy dụ, thì tôi thấy trên lộ trình thực hành pháp, điều quan trọng duy nhất là nuôi dưỡng tâm mình cho nó lớn, nó khỏe, nó lành chứ không phải tranh hơn thua, được mất ở bên ngoài! Với bài kinh này, đức Phật dạy ta phải có thái độ như vậy khi tiếp cận với tất cả các hạng người, làm sao để chúng ta tìm ra lý do ai cũng dễ thương, mà không dễ thương được thì thấy ai cũng đáng thương, để ta có thể thương được họ. Một khi thương được người khác, tâm ta được tình thương yêu gội nhuần trong sự soi rọi của trí tuệ.
Nói đến đây, tôi nhớ đến một câu thơ của Ni Trưởng Huỳnh Liên, bậc Thầy lãnh đạo tuyệt vời của chúng tôi. Quý sư cô kể lại rằng, có lần một sư cô đến phàn nàn với Người về sự vụng về của một Ni nọ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sự an ổn chung của tập thể. Thay vì rầy la quở trách, Người ứng khẩu thành thơ:
Có những nàng tiên trả nghiệp xưa,
Tánh tình gắt gỏng ít người ưa,
Chấp danh rốt cuộc danh tàn tạ,
Chấp lợi lần hồi lợi xác xơ.
(Ngọc Sơn Hùng Vĩ – Đóa Sen Thiêng, tr. 524)
Nghe qua, Ni chúng ai cũng lặng lòng và cảm phục tấm lòng bao la của bậc Thầy. Đối với người vụng về, xấu tính thì Ni trưởng dạy là hãy cảm thông cho họ, vì đó là nghiệp quá khứ, chủng tử huân tập lâu rồi, cần hiểu vậy để mà còn thương được họ. Mà thật ra, thương họ là thương mình vậy. Khi biết thương, ta không bực mình và như vậy là ta đang nuôi dưỡng tâm mình bằng dưỡng chất tâm linh của pháp lành. Ni trưởng còn trân trọng gọi những người này là “những nàng tiên”, còn người thiếu tu thì thiếu tâm từ sẽ gọi quỷ này ma nọ, con này bà kia. Những người tu tốt làm được việc này vì các vị ấy biết nuôi cái tâm của chính bản thân mình một cách sáng suốt và khôn ngoan, vì ý thức được rằng, không ai thay mình làm công việc của chính mình trên lộ trình sanh tử.
Trở lại với bát kỉnh pháp, ta chỉ có được thêm chứ không mất gì khi tôn trọng, cung kính người khác, dù đó là chư tăng, là chư ni hay là người bình thường. Trong sự cung kính, ta dễ dàng tìm được cái hay ở người kia mà học hỏi. Khi khinh thường, bất kính với ai đó, một cách bất giác, ta thấy người ấy không có gì đáng để ta học. Do vậy, cung kính là cơ hội để học hỏi và tiến bộ. Cung kính người khác, tâm ta khỏe nhẹ lắm, còn khi không thể cung kính được, trong tâm ta, gợn lên những cái không hay và bất toàn của người kia như là lý do để biện hộ sự bất kính của mình và “quà tặng” khuyến mãi kèm theo để tiếp nhiên liệu cho con tàu của mình trên ga sanh tử cuộc đời này là tâm bực bội, bất mãn và không hài lòng.
Việc gì phải đì đọt cái tâm mình, tội vậy? Cứ thương người, kiểu gì cũng thương được mà, để tâm ta không bị tổn thương. Sống ở đời như đi xem một chương trình giải trí, cứ nhìn lên sâu khấu cuộc đời, ai diễn gì thì diễn, mình cứ chọn cách nhìn nào để tiếp nhận từ sâu khấu những yếu tố đẹp nhất, rõ nhất, thể hiện tính nhân văn, đạo đức, giải trí cao nhất thì cứ chọn, vì lợi ích của chính mình, chứ không phải vì ai khác.
Hãy thương bản thân mình đúng cách bằng tất cả những gì có thể. Cứ cung kính thật lòng tự đáy con tim đi, máu yêu thương sẽ lưu xuất dễ dàng trong tâm mình, mà không lo máu đông, tắc nghẽn mạch chỗ nào cả!
(ST)
Các Tin Khác