Cholesterol có lợi cũng làm tăng nguy cơ tim mạch?
Các chuyên gia phát hiện rằng người có bệnh tim mạch với mức cholesterol có lợi HDL cao có liên quan đến nguy cơ đáng kể với chứng đau tim và tử vong bởi các bất ổn tim mạch so với người bệnh tim có mức cholesterol HDL thấp hơn.
Kết quả nghiên cứu này được trình bày vào cuối tháng 8 qua tại Hội nghị Tim mạch của Hiệp hội Tim mạch châu Âu ở Vienna và vẫn đang được các chuyên gia thảo luận.
Cholesterol HDL được cho là có nhiều tác động tích cực cho cơ thể, bao gồm khả năng làm sạch các động mạch và giúp giảm nguy cơ bệnh tim.
Phân tử HDL rất phức tạp và có ảnh hưởng lớn trong cơ thể. Một trong các chức năng quan trọng của loại cholesterol này là giúp loại bỏ các cholesterol xấu ra khỏi các mạch máu và cơ thể - theo TS.Marc Allard-Ratick, khoa Nội trường Đại học Y khoa Emory (Atlanta).
Nghiên cứu tiến hành trên 6.000 bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch hoặc có khả năng mắc bệnh tim mạch cao. Các chuyên gia tiến hành đo mức cholesterol HDL của bệnh nhân và thu thập các thông tin về lịch sử bệnh.
Người tham gia được chia thành 5 nhóm, dựa trên mức cholesterol HDL trong máu: nhóm có mức thấp hơn 30 mg/dL, nhóm có mức từ 31-40 mg/dL, nhóm có mức 41-50 mg/dL, nhóm có 51-60 mg/dL và nhóm co mức cholesterol HDL cao hơn 60 mg/dL. Mức cholesterol HDL 60 mg/dL được coi là mức tối ưu nhất, theo Bệnh viện Mayo.
Các chuyên gia theo dõi người tham gia trong khoảng 4 năm. Trong thời gian này, có 769 người chết vì bệnh tim mạch hoặc bị đau tim.
Kết quả cho thấy cả hai nhóm, nhóm có mức cholesterol HDL thấp nhất và cao nhất có khả năng chết vì bệnh tim cao nhất hoặc có nguy cơ đau tim cao nhất so với các nhóm còn lại. Đặc biệt, người có mức cholesterol HDL 60 mg/dL có thêm 50% nguy cơ tử vong vì bệnh tim so với người có mức cholesterol này trong khoảng 41-60 mg/dL. Và nguy cơ này cũng quan sát thấy ở người có mức cholesterol HDL thấp hơn 41 mg/dL.
Trần Trọng Hiếu
(theo Live Science)