Lỗ cây và con rùa mù
Ngày đăng: 02:44:47 06-12-2018 . Xem: 1501
Có một người quăng một khúc cây xuống biển. Trên khúc cây ấy có một cái lỗ. Một ngọn gió từ phương Đông thổi nó trôi qua hướng Tây; một ngọn gió từ phương Tây thổi nó trôi qua hướng Đông. Và một ngọn gió từ phía Bắc thổi nó trôi qua phía Nam; một ngọn gió từ phía Nam thổi nó trôi qua phía Bắc. Cứ thế, khúc cây bị gió thổi trôi lênh đênh trên biển.
Trong biển lớn ấy có một con rùa mù. Một trăm năm rùa mù mới trồi đầu lên mặt nước một lần. Nhiều, rất nhiều lần của một trăm năm, rùa trồi lên để đút đầu vào đúng cái lỗ cây ấy!
Câu hỏi được đặt ra là: Đến bao giờ thì rùa mù mới có thể làm được cái việc cực kỳ hy hữu ấy?
(Theo kinh Trung bộ, tập III, kinh Hiền ngu - Bàlapandita Sutta. HT. Thích Minh Châu Việt dịch)
Bàn thêm:
Lỗ cây và con rùa mù là một ẩn dụ nổi tiếng bậc nhất trong kinh điển Phật giáo. Ẩn dụ này được Đức Phật ví cho cái sự khó của việc được sinh làm người, một khi bị rơi vào đọa xứ.
Các Tỷ kheo trả lời câu hỏi trên như sau: "Nếu có được chăng nữa, bạch Thế Tôn, thời chỉ được một lần, sau một thời gian rất lâu dài".
Tuy vậy, Đức Phật dạy rằng: "Còn mau hơn, này các Tỷ kheo, con rùa mù ấy có thể chui cổ vào khúc cây có lỗ hổng kia; nhưng này các Tỷ kheo, ta tuyên bố rằng còn khó hơn được làm người trở lại, một khi người ngu bị rơi vào đọa xứ. Vì sao vậy? Vì ở đấy, này các Tỷ kheo, không có pháp hành, an tịnh hành, thiện hành, phước hành. Này các Tỷ kheo, ở đây chỉ có ăn lẫn nhau và ăn thịt kẻ yếu".
Người ngu, theo lời Phật, là người: "tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ và hành các ác hạnh", tức thân khẩu ý người ấy đi ngược với chánh đạo. Theo đó, một người thông minh, có tri thức, có địa vị... cũng có thể bị xem là người ngu, nếu người ấy không tư duy, hành xử và nói lời chân chánh!
Phật dạy:
"Người ngu ấy, này các Tỷ kheo, ngay trong hiện tại cảm thọ ba loại khổ ưu. Ba loại khổ ấy là:
1. Khi nghe ai đó nói về những việc ác mình làm, như: sát sanh, lấy của không cho, theo tà hạnh trong dâm dục, nói láo, say rượu..., người ấy liền cảm thấy ưu khổ.
2. Cảm thấy khổ não, lo sợ khi thấy những kẻ có tội như mình bị pháp luật trừng phạt bằng các loại cực hình.
3. Khi đi đứng, lúc nằm ngồi, kẻ ấy thấy những việc ác mình làm như treo ép, đè nặng lên người, bị ám ảnh, lòng khổ sở khôn khuây.
Người ngu ấy khi chết sẽ bị rơi vào cõi dữ như địa ngục, súc sinh"
Ở đây, Đức Phật mô tả cảnh địa ngục là nơi có vô vàn sự khổ: "Hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn không thích ý". Ví như một người bị trừng phạt, chịu ba trăm mũi giáo đâm vào người mỗi buổi sáng, trưa, chiều; sự khổ ở địa ngục còn ngàn vạn lần nhiều hơn thế nữa.
"... Này các Tỷ kheo, các người giữ địa ngục dựng ngược người ấy chân phía trên, đầu phía dưới và quăng người ấy vào một vạc dầu bằng đồng nung đỏ, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây bị nấu với bọt nước sôi sùng sục...; khi thì nổi lên trên, khi thì chìm xuống đáy, khi thì trôi dạt ngang. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ...".
Hoặc người ngu ấy bị sinh vào các loài bàng sinh, phải ăn phân, ăn cỏ, ăn xác chết...; sinh ra trong chỗ hôi thối, bẩn thỉu, tăm tối và cũng chết đi trong chỗ bất tịnh, thực khó thể nào kể hết được những đọa đày, thống khổ.
Một khi bị rơi vào đọa xứ, người ngu rất khó để được sinh lại làm người, cũng giống như con rùa mù trăm năm một lần trồi lên và đút cổ vào lỗ cây nổi lênh đênh trên biển. Sau một thời gian lâu dài, người ngu đó nếu được sinh trở lại làm người, thì cũng sinh trong gia đình hèn kém, nghèo nàn, "không đủ để uống hay để ăn, cho đến miếng vải che lưng cũng khó tìm được. Lại nữa, người ấy thô xấu, khó nhìn, lùn thấp, hay bệnh, mù hay có tật, què hay bị bại, người ấy không có thể được các đồ ăn, đồ uống, vải xa, vòng hoa, hương liệu, giường nằm, chỗ trú xứ và ánh sáng".
...Đọc ẩn dụ lỗ cây và con rùa mù, chúng ta thấy mình quá đỗi hạnh phúc và may mắn khi có được thân người - nhân thân nan đắc; và càng hạnh phúc hơn khi được học hỏi Chánh pháp - Phật pháp nan văn. Có được thân người, theo lời Phật dạy, là do chúng ta biết giữ gìn ngũ giới. Vậy mà phần đông chúng ta, dù mang được thân người, nhưng từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, đều vô cùng bận rộn với cái ăn cái mặc, với những mối quan hệ, với những sự vui chơi giải trí, với những thứ hư danh phù phiếm và với những nỗi lo buồn, hỷ nộ ái ố... Khổ đau vì thế cũng đoanh vây trùng trùng.
Ta lấy cái nhân đau khổ này để giải quyết cái quả đau khổ kia, chẳng biết vui là nguyên nhân của khổ - bất tri lạc thị khổ nhân! Trong khi đó, "vô thường, già, bệnh, chẳng hẹn cùng ai! Sáng còn, chiều mất, chỉ trong sát na đã qua đời khác.
Ví như sương xuân, móc sớm, chốc lát thành không; như cây ven sông, giây leo thành giếng, há được lâu dài. Niệm niệm qua nhanh, chỉ trong chốc lát, hơi thở chợt tắt, đã ra đời sau... (Văn cảnh sách - Thiền sư Quy Sơn). Và cổ đức cũng nói: "Thiên niên thiết thọ khai hoa dị/ Nhất thất nhân thân vạn kiếp nan" - (Ngàn năm cây sắt trổ hoa dễ/ Thân người mất đi được lại khó).
Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả - người ta cứ sợ, cứ trách cái khổ hiện tại mà không biết gieo trồng những hạt giống an lạc, hạnh phúc cho tương lai.
Phật dạy, trong sáu cõi, cõi người là nơi dễ tu tập nhất. Dễ, nhưng chúng ta phải kiên định vững chãi. Phải chọn con đường chuyển hóa đích thực và tinh tấn theo con đường ấy; lại phải biết khước từ, kiên quyết không tiếp tục gieo những hạt giống khổ đau. Ta mừng vui vì có được thân người. Mừng vui nhưng đừng như một kẻ tay bưng bát mật mà chuyển động chạy nhảy, chỉ thấy bát mật chứ không thấy hố sâu... (kinh Di giáo).
Cái hố sâu đọa xứ ấy, rơi xuống thì dễ mà bước lên thì khó, nói chi đến thành tựu đạo nghiệp, chấm dứt sinh tử luân hồi!
Trong biển lớn ấy có một con rùa mù. Một trăm năm rùa mù mới trồi đầu lên mặt nước một lần. Nhiều, rất nhiều lần của một trăm năm, rùa trồi lên để đút đầu vào đúng cái lỗ cây ấy!
Câu hỏi được đặt ra là: Đến bao giờ thì rùa mù mới có thể làm được cái việc cực kỳ hy hữu ấy?
(Theo kinh Trung bộ, tập III, kinh Hiền ngu - Bàlapandita Sutta. HT. Thích Minh Châu Việt dịch)
Bàn thêm:
Lỗ cây và con rùa mù là một ẩn dụ nổi tiếng bậc nhất trong kinh điển Phật giáo. Ẩn dụ này được Đức Phật ví cho cái sự khó của việc được sinh làm người, một khi bị rơi vào đọa xứ.
Các Tỷ kheo trả lời câu hỏi trên như sau: "Nếu có được chăng nữa, bạch Thế Tôn, thời chỉ được một lần, sau một thời gian rất lâu dài".
Tuy vậy, Đức Phật dạy rằng: "Còn mau hơn, này các Tỷ kheo, con rùa mù ấy có thể chui cổ vào khúc cây có lỗ hổng kia; nhưng này các Tỷ kheo, ta tuyên bố rằng còn khó hơn được làm người trở lại, một khi người ngu bị rơi vào đọa xứ. Vì sao vậy? Vì ở đấy, này các Tỷ kheo, không có pháp hành, an tịnh hành, thiện hành, phước hành. Này các Tỷ kheo, ở đây chỉ có ăn lẫn nhau và ăn thịt kẻ yếu".
Người ngu, theo lời Phật, là người: "tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ và hành các ác hạnh", tức thân khẩu ý người ấy đi ngược với chánh đạo. Theo đó, một người thông minh, có tri thức, có địa vị... cũng có thể bị xem là người ngu, nếu người ấy không tư duy, hành xử và nói lời chân chánh!
Phật dạy:
"Người ngu ấy, này các Tỷ kheo, ngay trong hiện tại cảm thọ ba loại khổ ưu. Ba loại khổ ấy là:
1. Khi nghe ai đó nói về những việc ác mình làm, như: sát sanh, lấy của không cho, theo tà hạnh trong dâm dục, nói láo, say rượu..., người ấy liền cảm thấy ưu khổ.
2. Cảm thấy khổ não, lo sợ khi thấy những kẻ có tội như mình bị pháp luật trừng phạt bằng các loại cực hình.
3. Khi đi đứng, lúc nằm ngồi, kẻ ấy thấy những việc ác mình làm như treo ép, đè nặng lên người, bị ám ảnh, lòng khổ sở khôn khuây.
Người ngu ấy khi chết sẽ bị rơi vào cõi dữ như địa ngục, súc sinh"
Ở đây, Đức Phật mô tả cảnh địa ngục là nơi có vô vàn sự khổ: "Hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn không thích ý". Ví như một người bị trừng phạt, chịu ba trăm mũi giáo đâm vào người mỗi buổi sáng, trưa, chiều; sự khổ ở địa ngục còn ngàn vạn lần nhiều hơn thế nữa.
"... Này các Tỷ kheo, các người giữ địa ngục dựng ngược người ấy chân phía trên, đầu phía dưới và quăng người ấy vào một vạc dầu bằng đồng nung đỏ, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây bị nấu với bọt nước sôi sùng sục...; khi thì nổi lên trên, khi thì chìm xuống đáy, khi thì trôi dạt ngang. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ...".
Hoặc người ngu ấy bị sinh vào các loài bàng sinh, phải ăn phân, ăn cỏ, ăn xác chết...; sinh ra trong chỗ hôi thối, bẩn thỉu, tăm tối và cũng chết đi trong chỗ bất tịnh, thực khó thể nào kể hết được những đọa đày, thống khổ.
Một khi bị rơi vào đọa xứ, người ngu rất khó để được sinh lại làm người, cũng giống như con rùa mù trăm năm một lần trồi lên và đút cổ vào lỗ cây nổi lênh đênh trên biển. Sau một thời gian lâu dài, người ngu đó nếu được sinh trở lại làm người, thì cũng sinh trong gia đình hèn kém, nghèo nàn, "không đủ để uống hay để ăn, cho đến miếng vải che lưng cũng khó tìm được. Lại nữa, người ấy thô xấu, khó nhìn, lùn thấp, hay bệnh, mù hay có tật, què hay bị bại, người ấy không có thể được các đồ ăn, đồ uống, vải xa, vòng hoa, hương liệu, giường nằm, chỗ trú xứ và ánh sáng".
...Đọc ẩn dụ lỗ cây và con rùa mù, chúng ta thấy mình quá đỗi hạnh phúc và may mắn khi có được thân người - nhân thân nan đắc; và càng hạnh phúc hơn khi được học hỏi Chánh pháp - Phật pháp nan văn. Có được thân người, theo lời Phật dạy, là do chúng ta biết giữ gìn ngũ giới. Vậy mà phần đông chúng ta, dù mang được thân người, nhưng từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, đều vô cùng bận rộn với cái ăn cái mặc, với những mối quan hệ, với những sự vui chơi giải trí, với những thứ hư danh phù phiếm và với những nỗi lo buồn, hỷ nộ ái ố... Khổ đau vì thế cũng đoanh vây trùng trùng.
Ta lấy cái nhân đau khổ này để giải quyết cái quả đau khổ kia, chẳng biết vui là nguyên nhân của khổ - bất tri lạc thị khổ nhân! Trong khi đó, "vô thường, già, bệnh, chẳng hẹn cùng ai! Sáng còn, chiều mất, chỉ trong sát na đã qua đời khác.
Ví như sương xuân, móc sớm, chốc lát thành không; như cây ven sông, giây leo thành giếng, há được lâu dài. Niệm niệm qua nhanh, chỉ trong chốc lát, hơi thở chợt tắt, đã ra đời sau... (Văn cảnh sách - Thiền sư Quy Sơn). Và cổ đức cũng nói: "Thiên niên thiết thọ khai hoa dị/ Nhất thất nhân thân vạn kiếp nan" - (Ngàn năm cây sắt trổ hoa dễ/ Thân người mất đi được lại khó).
Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả - người ta cứ sợ, cứ trách cái khổ hiện tại mà không biết gieo trồng những hạt giống an lạc, hạnh phúc cho tương lai.
Phật dạy, trong sáu cõi, cõi người là nơi dễ tu tập nhất. Dễ, nhưng chúng ta phải kiên định vững chãi. Phải chọn con đường chuyển hóa đích thực và tinh tấn theo con đường ấy; lại phải biết khước từ, kiên quyết không tiếp tục gieo những hạt giống khổ đau. Ta mừng vui vì có được thân người. Mừng vui nhưng đừng như một kẻ tay bưng bát mật mà chuyển động chạy nhảy, chỉ thấy bát mật chứ không thấy hố sâu... (kinh Di giáo).
Cái hố sâu đọa xứ ấy, rơi xuống thì dễ mà bước lên thì khó, nói chi đến thành tựu đạo nghiệp, chấm dứt sinh tử luân hồi!
Theo VuonHoaPhatGiao