Vì sao Đức Phật không chủ trương cầu nguyện cho người chết?
Ngày đăng: 02:42:31 01-04-2022 . Xem: 949
Cầu nguyện là một phương thức tu tập phổ biến trong Phật giáo và các tôn giáo khác. Tuy nhiên, cầu nguyện theo tuệ giác của Thế Tôn rất đặc thù, không phó thác thân phận vào sự ban ơn của một đấng siêu nhiên mà hoàn toàn tự chủ, nguyện cầu được sáng suốt để chuyển hoá nghiệp lực của tự thân.Phật giáo tuy có chủ trương cầu nguyện, nhưng không phải để xin xỏ, mong được ban ơn. Sự gia tâm cầu nguyện chỉ nhằm mục đích soi sáng, thắp lên ngọn đèn tỉnh thức trong tự tâm của người được cầu nguyện, nhằm giúp họ tự thăng hoa, chuyển hoá thân tâm để được giải thoát.
Ảnh: Nhật Chiếu
Một thời Thế Tôn trú ở Nàlandà, tại rừng Pàvàrikamba, có vị thôn trưởng Asibandhakaputta đi đến đảnh lễ rồi bạch Thế Tôn:Bạch Thế Tôn, các vị Bà la môn có thể cầu nguyện cho một người đã chết bằng cách kêu tên vị ấy lên và dẫn vị ấy vào Thiên giới?
Này thôn trưởng, Ông nghĩ thế nào khi có một người sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, vọng ngữ, tham lam, sân hận, tà kiến; khi người ấy mạng chung, mọi người tụ họp cầu khẩn, mong rằng người này được sanh về Thiên giới?
Này thôn trưởng, ví như có người lấy một tảng đá lớn ném xuống hồ sâu, rồi tụ họp lại cầu khẩn, mong rằng tảng đá hãy nổi lên. Ông nghĩ thế nào, tảng đá ấy do nhân duyên cầu khẩn mà có thể nổi lên không? Thưa không, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, những người sống theo ác hạnh như trên khi mạng chung dù được cầu nguyện sanh Thiên giới nhưng vẫn phải đọa vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ.
Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng, khi có một người từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh, không vọng ngữ... có chánh tri kiến; khi người ấy mạng chung, mọi người tụ họp cầu khẩn, mong rằng người này bị đọa vào địa ngục?
Này thôn trưởng, ví như có người đem dầu đổ xuống hồ nước, rồi tụ họp lại cầu khẩn, mong rằng dầu hãy chìm sâu xuống nước. Ông nghĩ thế nào, dầu ấy do nhân duyên cầu khẩn mà dầu có thể chìm xuống đáy hồ? Thưa không, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, những người sống theo thiện hạnh như trên khi mạng chung dù bị cầu nguyện đọa vào địa ngục nhưng vẫn sanh vào Thiên giới.
(ĐTKVN, Tương Ưng IV, chương 8, phần Người đất phương Tây hay người đã chết, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.488)
LỜI BÀN:
Đức Phật không chủ trương cầu nguyện cho người chết, vì một số lý do sau:
1-Không có người chết: Con người sau khi chết liền theo nghiệp thọ sinh vào cảnh giới tương ứng trong lục đạo. Bấy giờ, người chết đã tái sinh làm một loại chúng sinh (trời, người, a tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục) là đang sống chứ không phải chết nên chỉ cầu nguyện cho họ được sống vui.
2-Do tạo nghiệp thiện hay ác lúc sinh tiền mà quyết định sinh lên hay đọa xuống khi mình mất đi. Nghiệp thiện hay ác được chúng ta tạo ra sẽ dẫn dắt chính họ tái sinh. Siêu lên hay đọa xuống là do chính ta chứ không phải do cầu nguyện. Mọi sự ước nguyện, mong mỏi, cầu đảo, cúng bái cho người vừa chết đều không thay đổi được kết quả của nghiệp.
3-Vì không có chết nên nỗ lực tạo thiện nghiệp trong đời sống là căn bản của vấn đề chứ không phải cầu siêu, cầu nguyện sau khi chết. Có điều duy nhất mà thân nhân có thể làm được đó là tạo phước để hồi hướng cho người đã mất, dù tái sinh về nơi đâu nếu được thân nhân hồi hướng phước báu thì đều có thể nhận được.
***
Cầu nguyện là một phương thức tu tập phổ biến trong Phật giáo và các tôn giáo khác. Tuy nhiên, cầu nguyện theo tuệ giác của Thế Tôn rất đặc thù, không phó thác thân phận vào sự ban ơn của một đấng siêu nhiên mà hoàn toàn tự chủ, nguyện cầu được sáng suốt để chuyển hoá nghiệp lực của tự thân.Phật giáo tuy có chủ trương cầu nguyện, nhưng không phải để xin xỏ, mong được ban ơn. Sự gia tâm cầu nguyện chỉ nhằm mục đích soi sáng, thắp lên ngọn đèn tỉnh thức trong tự tâm của người được cầu nguyện, nhằm giúp họ tự thăng hoa, chuyển hoá thân tâm để được giải thoát.
Do vậy, theo Đạo Phật, người nào sống đúng với Chánh pháp thì chắc chắn người ấy đạt được an lạc. Họ sống an vui, hạnh phúc, vượt ra ngoài khổ đau một cách đương nhiên như dầu thì luôn nổi lên mặt nước.
Ngược lại, người nào sống với ác hạnh, không như Chánh pháp thì chắc chắn người ấy sẽ chịu khổ đau, đọa lạc. Với các nghiệp quá nặng và chín muồi thì năng lực cầu nguyện sẽ không mấy tác dụng, tự thân cá nhân ấy bị đọa lạc như tảng đá nặng sẽ chìm xuống nước là điều tất yếu.
Người Phật tử luôn cầu nguyện, mong ước thân nhân quá vãng được an vui mà không ỷ lại, không phó thác đồng thời không cầu nguyện suông. Sống và tu tập đúng như Chánh pháp là cách cầu nguyện chân chính và thiết thực nhất cho tự thân và tha nhân.
QUẢNG TÁNH