Nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng
Ngày đăng: 11:27:31 02-04-2015 . Xem: 2450
Trong các pháp thoại của Thế Tôn, những hình ảnh trực quan luôn được vận dụng để minh họa cho thính chúng dễ hiểu, dễ liên hệ, nhận rõ ý nghĩa những lời dạy của Ngài. Nước sông Hằng đã được Thế Tôn dùng để chỉ cho nước mắt của chúng sanh khóc thương nhau trong những lần tử biệt sanh ly, chuyển lưu sanh tử trong nhiều đời kiếp.
Một trẻ thơ chào đời, mọi người thân đều vui. Một người nhắm mắt lìa đời, những người thân yêu đều tiếc thương, ngậm ngùi khóc than tiễn biệt. Nhịp sống cứ tiếp nối như vậy, trải qua biết bao lần vui buồn với tử sanh, khiến cho nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng, thậm chí nhiều hơn nước trong bốn biển.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào, Tỳ-kheo các thầy lưu chuyển sanh tử trải qua bao khổ não, trong đó buồn khóc nước mắt rơi là nhiều chăng? Hay nước sông Hằng nhiều?
Các Tỳ-kheo đến trước bạch Phật:
- Chúng con khi quan sát ý nghĩa câu nói của Như Lai, trải qua sanh tử, nước mắt rơi khi buồn khóc nhiều hơn nước sông Hằng.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Lành thay, lành thay! Các Tỳ-kheo! Như các thầy nói không khác. Các thầy ở trong sanh tử, nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng. Vì sao thế? Ở trong sanh tử, cũng vì phụ mẫu mạng chung, khi ấy khóc lóc không thể tính kể. Lâu dài cha con, chị em, vợ con, ngũ thân và các quyến thuộc ân ái thương nhớ khóc lóc không thể tính kể.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên chán họa sanh tử, xa lìa pháp ấy. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Khi Phật nói pháp này, có sáu mươi Tỳ-kheo được lậu tận ý giải.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Phi thường,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.527)
Thế Tôn nói một cách cụ thể về sự “thương nhớ khóc lóc không thể tính kể”, về “nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng” để chỉ cho chúng ta thấy rằng, mình đã trôi lăn trong luân hồi nhiều kiếp, mình đã trải qua vô lượng khóc than tiễn biệt nhau, nay được làm thân người “nên chán họa sanh tử” mà hướng đến vô sanh. Biết rằng rồi đây mình sẽ chết, sẽ kết thúc một đời vốn nhiều khổ đau và giả tạm này nhưng sau cái chung cuộc ấy thì cánh cửa nào sẽ mở ra?
Tam giới, lục đạo hay Cực Lạc, Niết-bàn hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức, cách sống và cách tu dưỡng của chính mình trong hiện tại. Nếu muốn sanh lên, muốn hướng thượng và thăng hoa thì cần xả buông. Buông được chừng nào thì càng nhẹ nhàng chừng nấy. Còn nắm giữ, dính mắc càng nhiều thì càng bị kẹt và nặng nề thêm, không thể thoát ra được.
Người con Phật phải nhận rõ khổ đau lớn nhất của kiếp người là mãi trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Giải thoát tối hậu là ra khỏi luân hồi, chứng đắc Niết-bàn hay ít ra là thành tựu vãng sanh Cực Lạc. Giải thoát từng phần chính là sự thực hành xả buông trong đời sống hàng ngày.
Chán ngán cuộc luân hồi tử sanh vô tận (Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán) là tuệ giác đầu tiên, là nền tảng cho nguyện lực quyết buông bỏ những dính mắc và trói buộc thế thường để cất bước ra đi tìm đường thoát khỏi sanh già bệnh chết. Như Thế Tôn xưa, sau khi dạo bốn cửa thành thấy chán ngán tất cả mới đủ nguyện lực xả buông, nửa đêm vượt thành xuất gia tầm đạo.
Chúng ta ngày nay bước chân vào chùa, vào đạo là nguyện theo dấu chân xưa. Dẫu sống trong cuộc đời như bao người nhưng quyết không bị kẹt, không chìm đắm. Dẫu cũng tử sanh như bao người nhưng nguyện đó là lần sau cùng. Dẫu biết rằng giải thoát khỏi tử sanh là vượt sang bờ kia nhưng kỳ thực làm gì có bờ để sang, có tử sanh để vượt thoát.
“Sáu mươi Tỳ-kheo được lậu tận ý giải” chính là chỗ này. Khổ đau, sanh tử cũng từ tâm mình mà ra và cũng ngay nơi tâm mà diệt. Xả buông đến tận cùng, không chấp thủ bất cứ vật hay việc gì thì ngay đây, ngay nơi tử sanh mà giải thoát, ngay nơi cuộc đời “nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng” này chính là Cực Lạc, Niết-bàn.
Một trẻ thơ chào đời, mọi người thân đều vui. Một người nhắm mắt lìa đời, những người thân yêu đều tiếc thương, ngậm ngùi khóc than tiễn biệt. Nhịp sống cứ tiếp nối như vậy, trải qua biết bao lần vui buồn với tử sanh, khiến cho nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng, thậm chí nhiều hơn nước trong bốn biển.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào, Tỳ-kheo các thầy lưu chuyển sanh tử trải qua bao khổ não, trong đó buồn khóc nước mắt rơi là nhiều chăng? Hay nước sông Hằng nhiều?
Các Tỳ-kheo đến trước bạch Phật:
- Chúng con khi quan sát ý nghĩa câu nói của Như Lai, trải qua sanh tử, nước mắt rơi khi buồn khóc nhiều hơn nước sông Hằng.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Lành thay, lành thay! Các Tỳ-kheo! Như các thầy nói không khác. Các thầy ở trong sanh tử, nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng. Vì sao thế? Ở trong sanh tử, cũng vì phụ mẫu mạng chung, khi ấy khóc lóc không thể tính kể. Lâu dài cha con, chị em, vợ con, ngũ thân và các quyến thuộc ân ái thương nhớ khóc lóc không thể tính kể.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên chán họa sanh tử, xa lìa pháp ấy. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Khi Phật nói pháp này, có sáu mươi Tỳ-kheo được lậu tận ý giải.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Phi thường,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.527)
Thế Tôn nói một cách cụ thể về sự “thương nhớ khóc lóc không thể tính kể”, về “nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng” để chỉ cho chúng ta thấy rằng, mình đã trôi lăn trong luân hồi nhiều kiếp, mình đã trải qua vô lượng khóc than tiễn biệt nhau, nay được làm thân người “nên chán họa sanh tử” mà hướng đến vô sanh. Biết rằng rồi đây mình sẽ chết, sẽ kết thúc một đời vốn nhiều khổ đau và giả tạm này nhưng sau cái chung cuộc ấy thì cánh cửa nào sẽ mở ra?
Tam giới, lục đạo hay Cực Lạc, Niết-bàn hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức, cách sống và cách tu dưỡng của chính mình trong hiện tại. Nếu muốn sanh lên, muốn hướng thượng và thăng hoa thì cần xả buông. Buông được chừng nào thì càng nhẹ nhàng chừng nấy. Còn nắm giữ, dính mắc càng nhiều thì càng bị kẹt và nặng nề thêm, không thể thoát ra được.
Người con Phật phải nhận rõ khổ đau lớn nhất của kiếp người là mãi trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Giải thoát tối hậu là ra khỏi luân hồi, chứng đắc Niết-bàn hay ít ra là thành tựu vãng sanh Cực Lạc. Giải thoát từng phần chính là sự thực hành xả buông trong đời sống hàng ngày.
Chán ngán cuộc luân hồi tử sanh vô tận (Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán) là tuệ giác đầu tiên, là nền tảng cho nguyện lực quyết buông bỏ những dính mắc và trói buộc thế thường để cất bước ra đi tìm đường thoát khỏi sanh già bệnh chết. Như Thế Tôn xưa, sau khi dạo bốn cửa thành thấy chán ngán tất cả mới đủ nguyện lực xả buông, nửa đêm vượt thành xuất gia tầm đạo.
Chúng ta ngày nay bước chân vào chùa, vào đạo là nguyện theo dấu chân xưa. Dẫu sống trong cuộc đời như bao người nhưng quyết không bị kẹt, không chìm đắm. Dẫu cũng tử sanh như bao người nhưng nguyện đó là lần sau cùng. Dẫu biết rằng giải thoát khỏi tử sanh là vượt sang bờ kia nhưng kỳ thực làm gì có bờ để sang, có tử sanh để vượt thoát.
“Sáu mươi Tỳ-kheo được lậu tận ý giải” chính là chỗ này. Khổ đau, sanh tử cũng từ tâm mình mà ra và cũng ngay nơi tâm mà diệt. Xả buông đến tận cùng, không chấp thủ bất cứ vật hay việc gì thì ngay đây, ngay nơi tử sanh mà giải thoát, ngay nơi cuộc đời “nước mắt nhiều hơn nước sông Hằng” này chính là Cực Lạc, Niết-bàn.
Quảng Tánh