Thử hỏi lại mình
Có khi ngồi một nơi yên tĩnh nhìn lại chính mình, cuộc đời cứ trôi qua mang theo đó bao nhiêu vui buồn thương ghét. Chúng không mất mà nằm lại trong tàng thức, chẳng phân biệt sai đúng, tốt xấu, khổ vui, sanh tử hay Niết-bàn.
>> Nhìn tâm như gương sáng.
>> Học nhận lỗi.
Chỉ ở chỗ, vui nhiều hơn buồn, thiện nhiều hơn ác, để rồi trong quá trình huân tập mà thọ nhận được cảnh an vui căn nghiệp của chính mình. Thấy người cứ loanh quanh khổ do chính mình tạo ra mà mình thấy khổ lây, như hiệu ứng dây chuyền, nhìn người ăn me chua mà miệng ứa nước miếng, trông thấy họ cắn đá lạnh mà mình thấy ê răng! Từ lục căn đến lục trần rồi đến lục thức. Cuộc sống cứ bám riết vào hiện tượng bên ngoài vốn vô thường nên khổ miết.
Sống trong sân si, hơn thua lừa lọc, ăn miếng trả miếng, chỉ làm khổ mình khổ người ngay cả trong hiện tại cho đến tương lai. Chấp chứa chi trong lòng mà không buông bỏ, vất cái đau khổ đó đi?
Nói chung là chưa chịu xả.
Muốn xả được thì phải lắng nghe và thấu hiểu. Lắng nghe với một cái tâm không thành kiến và tỉnh thức phân biệt đúng sai trong chánh niệm để biết thương nhau hơn.
Trong kinh Tăng chi bộ (kinh Sáu pháp vô thượng), Đức Phật dạy:
“Thầy Tỳ-kheo phải tu sáu pháp vô thượng. Những gì là sáu?
1. Mắt thấy sắc, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
2. Tai nghe tiếng, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
3. Mũi ngửi mùi, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
4. Lưỡi nếm vị, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
5. Thân chạm xúc, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
6. Ý đối với pháp, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Ai được sáu pháp này là bậc vô thượng, là phước điền của chúng sinh, xứng đáng cho trời, người tôn trọng, cung kính, cúng dàng”.
Chỉ vì không lắng nghe mà sinh ra hiểu lầm nghi kỵ, sinh ra thù hận. Chỉ vì không lắng nghe nên vườn hoa biến thành vũng lầy, từ đồng xanh biến thành hoang địa!
Không dừng lại ở cái “tiểu ngã” trong tôi mà còn phải nghe thấy cả tiếng gọi quanh đây của trời đất bạt ngàn “đại ngã” kia để có sự quán chiếu mà cảm thông gìn giữ cứu hộ bảo bọc sống cùng nhau trong cảnh hạnh hòa.
“Thương người như thể thương thân”, câu tục ngữ Việt Nam đầy tính nhân văn đã gắn liền trong tâm thức con người trong cộng đồng, là lời nhắc nhở phải biết yêu thương trân trọng người khác như chính bản thân mình.
Sống trong thế giới chấp thủ thường khiến mình đau khổ vì phân biệt nhị nguyên đúng sai giả thật, khi đã chấp ngã rồi thì lọt vào thế giới vô minh nên chẳng hiểu mình hiểu người, ví như làm cha mẹ không hiểu tánh tình con cái, đã vợ chồng lại chẳng thấu lòng nhau.
Không dừng lại ở đó, sự lắng nghe trong nhẫn nhịn, trong chịu đựng, chấp nhận và thấu hiểu như Đức Phật đã dạy cõi Ta-bà này biết bao nhiêu thống khổ cần sự bao bọc chở che đầy vị tha với tinh thần vô úy mới tìm đến an lạc.
Vậy, tại sao mình không đem nụ cười cảm thông đến với người cho cuộc đời thanh thản dễ chịu hơn? Bởi cái lẽ thật cuộc đời là thấy rõ cái bản chất của mình, cái chủng tử có từ muôn ngàn kiếp trước mắc lên thân người, mà thân người có gì bất biến để tâm phân biệt bao che buộc người khác làm theo ý mình để rồi tâm cứ chấp mãi chất chồng?
Nhà Phật có câu “người tu hành thì giận không quá một đêm”, đó cũng là một cách thấu hiểu và cảm thông trong cuộc sống vốn đầy trắc ẩn bộn bề sinh tử này.
Là Phật tử, sống theo hạnh nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm, hàng ngày tụng niệm “Thề trọn đời giữ đạo, Theo tự tánh làm lành, Cùng pháp giới chúng sinh, Cầu Phật từ gia hộ”. Thế đã lắng nghe từ tự tánh thì nhận ra cái tâm vốn chẳng sanh chẳng diệt, chấp nhận cái “phiền toái” kia mà lấy làm tánh bồ-đề.
Biết lắng nghe cũng là một nghệ thuật như người mẹ hiểu con mình, như bác sĩ biết con bệnh, như Bá Nha gặp bạn tri âm Tử Kỳ. Thử hỏi, làm sao không hạnh phúc khi được người khác hiểu mình? Và, có những điều không thể nói, không thể hiểu thì “sự lắng nghe” kia cũng đã làm vơi bớt khổ đau của người khác rồi.
Thục Độ