Ba ngày rằm
Ngày đăng: 12:09:28 05-02-2015 . Xem: 5470
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Trong ba ngày rằm nầy, người ta còn gọi các danh từ khác nữa như: Thượng nguơn, trung nguơn và hạ nguơn, hay: Thượng nguyên, trung nguyên và hạ nguyên.
Ca dao, tục ngữ Việt nam thường truyền khẩu:
Rằm tháng Giêng, ai có tiền thì quảy,
Rằm tháng Bảy, người quảy kẻ không,
Rằm tháng Mười, mười người mười quảy.
Chữ quảy tức là cúng với danh từ chung là cúng quảy được tách ra, theo danh từ địa phương mà đặc biệt là miền trung Việt Nam của chúng ta.
Phật giáo có chung một ngày rằm với dân gian, đó là ngày rằm tháng bảy hằng năm. Tất cả những ngày mồng một và ngày rằm trong năm, Phật giáo đều gọi là ngày Sóc và ngày Vọng (dùng theo danh từ Phật học). Chư Tăng dùng hai ngày nầy để bố tát và tụng giới, tùy theo khả năng và cấp bậc đã phát nguyện vâng giữ. Phật tử cũng tùy theo giới luật đã cầu thọ của mình, nương theo chư Tăng để được học giới, tụng giới và tiến tu.
Bài nầy chỉ nói về Ba Ngày Rằm trên theo dân gian đang lễ cúng hằng năm. Vì, Phật pháp không xa rời thế gian pháp (Phật pháp bất ly thế gian pháp), Phật pháp lấy ?dĩ huyễn độ chơn?, nên không lạ gì trong chốn già lam thường tổ chức những ngày lễ như rằm tháng giêng hay rằm tháng mười.
Tâm nguyện của chư vị Bồ tát thường chủ trương rằng:
- Chính ta không vào địa ngục thì ai là người vào địa ngục để thuyết giáo cho chúng sanh đang trầm luân, đọa lạc?
Với tâm niệm và hạnh nguyện cứu khổ ban vui đại bi tâm của Đại thừa Phật giáo khai phương tiện như thế, cho nên, chốn già lam tùy duyên hóa độ bằng cách tùy theo niềm tin của lớp đại đa số quần chúng sơ cơ học đạo giải thoát mà tổ chức các buổi lễ lạc, không ngoài mục đích chính là hướng dẫn chúng sanh quay về bờ giác, ... Vì vậy, không lạ gì có một số chùa mà không phải là Phật học viện, Phật học đường cũng có thờ đức Quan Thánh Đế (đức Quan Công), rồi có các hộp xăm quẻ như là: Quán âm linh thiêm tức là xăm Quán âm, xăm Quan thánh, ... Tuy nhiên, một số sư sãi ở các chùa, một phần vì giáo lý không tinh thông, một phần khác không nhắm vào vấn đề chính là ?đạt giả tầm chơn?, lại còn lợi dụng như cảnh ?mượn đạo tạo đời? để lợi dưỡng riêng tư cho bản thân mình, cho ngôi chùa mình. Từ đó, đã hướng dẫn một số nhẹ dạ tin theo họa phước vu vơ, đi một con đường sai lạc với chánh pháp, gần với Lạc ma giáo và Phù chú giáo có thể nặng về phần mê tín dị đoan hơn là tu tập. Thậm chí có những tu sĩ mang danh là văn hóa Phật giáo mang pháp phục nhà Phật, đầu đội mũ tỳ lư, tay cầm dao phay múa qua múa lại trước bàn cúng sao hội như một ông phù thủy không hơn không kém; lại còn ra vẻ hiêu hiêu tự đắc, quyền trọng ra uy như một võ tướng cầm thương ra trận mạc, trông thật tội nghiệp về sở học và sở tu cho suốt cuộc đời của họ. Cũng chính một vài điểm như vậy, một số người chưa thâm nhập giáo lý Phật đà một cách nghiêm chỉnh, chưa được thọ giáo với các bậc chơn tu thực học của Phật giáo, khi nhìn vào Phật giáo đã vội phê phán, đã vội lên án Phật giáo là như thế nầy, Phật giáo là như thế nọ ..., rất đáng tiếc và đáng thương hơn là đáng trách.
Rằm tháng giêng, là ngày rằm đầu tiên trong năm, dân chúng dùng để cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình cả năm đều được như ý về mọi mặt như: Tai qua nạn khỏi, công ăn việc làm được thuận buồm xuông gió, hanh thông, ... Họ sắm lễ vật để cầu an, dương sao, giải hạn. Vùng nào có chùa thì cùng nhau vào chùa để nhờ quý sư sãi lập đàn cầu nguyện. Tuy nhiên, có những gia đình quá nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Những gì về vật chất có được đều đem ra xử dụng trong ba ngày Tết. Chưa hết tết là đã bắt đầu cuộc sống vất vả thường lệ như trong năm. Thậm chí có những gia đình mới ngày mồng hai tết, trời vừa ló dạng là đã vác cuốc ra đồng hay đi kiếm việc làm nữa là khác. Thân mạng, gia đình của họ đều phó thác cho trời, Phật, Thành thần (tùy theo niềm tin của họ).
Họ chỉ nghĩ một câu đơn giản: Ăn hiền, ở lành thì có trời, Phật biết là đủ. Vì lâm vào cuộc sống như vậy, thử hỏi tiền đâu để mua sắm lễ vật; nên nhân gian mới nói ra: ?Rằm tháng giêng, ai có tiền thì quảy? là như vậy.
Dân chúng có ảnh hưởng đến giáo lý Phật đà, được chư Tăng hướng dẫn tu học; hoặc được thọ sanh trong những gia đình nền nếp thuần lương, đạo đức, được ông bà tổ tiên hướng dẫn đàng hoàng, đến ngày rằm tháng bảy đều có sắm lễ vật y như trong kinh Báo hiếu Phụ mẫu trọng ân, kinh Vu lan,... để cúng dường Tam bảo, chư Tăng, ông bà tổ tiên và cha mẹ hiện đang tại thế hay quá vãng. Không những thế, họ theo chư Tăng để lập đàn tràng cúng cho Thập loại chúng sanh, khi sống thì không được no đủ, khi chết thì gặp phải cảnh bất trắc như cụ thi hào Nguyễn Du đã từng diễn tả từ ngàn xưa. Chết theo hoàn cảnh không thuộc trong ý nguyện là tử an, thì được gọi là Bất đắc kỳ tử. Hạng chết bất đắc kỳ tử thì quá nhiều, cần phải được cầu nguyện, cần phải được cúng cấp theo niềm tin của quần chúng để các âm linh khỏi bị đói khát, lạnh lẽo khổ sở, ...
Còn một số không được gia đình giáo dục, không được ảnh hưởng về cả ba tôn giáo: Phật, Lão và Khổng. Họ sống một cuộc đời buông thả mà người đời thường gọi là ký sinh trùng của xã hội. Họ sống không nhà, thác không mồ. Không biết và không hề nghĩ đến đức cù lao sinh dưỡng của cha mẹ, chứ đừng nói gì là nghĩ đến ông bà tổ tiên. Đã không nghĩ đến, thử hỏi làm sao nói đến chuyện cúng kính. Từ đó, nhân gian mới truyền tụng: ?Rằm tháng Bảy, người quả, kẻ không? là như vậy.
Vụ tháng tám hằng năm tức là vụ trái, vụ tháng ba tức vụ mùa. Sau khi vụ trái vừa gặt hái xong xuôi, công việc đồng áng cả năm bắt đầu nhẹ nhàng hơn, thư thả hơn. Lúc đã đầy bồ, rơm rạ đã thành đống khô ráo, tươm tất. Đông tiết lạnh lẽo mà lại được mùa, có lúa mới, dân chúng nghĩ đến ơn nghĩa của trời đất mưa thuận gió hòa, trong năm không bị lụt lội làm hư hại mùa màng; đến ngày rằm tháng mười bèn đem những gì đã được làm ra, họ chế tạo những thức ăn theo phong tục địa phương tự ngàn xưa như: Xôi, chè, bánh bột lọc, bánh gạo (tục gọi là bánh gói, bánh nậm, ...), cọng với cơm cỗ, ... để dâng cúng. Họ gọi đây như là lễ tạ ơn. Ở xứ hoa kỳ cũng có lễ tạ ơn vậy. Lễ tạ ơn nầy là một trong bốn ơn của Phật giáo mà đức Phật đã dạy khi ngài còn tại thế. Sau khi cúng tạ ơn trời đất xong, cả gia đình sum họp quanh bếp lửa hồng của mùa đông giá rét với một bữa no đủ, ấm cúng. Dân chúng ai ai cũng có thu hoạch được một số thực phẩm trong vụ tháng tám vừa rồi, mọi nhà đều cúng lễ tạ ơn nầy, từ đó trong nhân gian mới truyền tụng câu: ?Rằm tháng Mười, mười người mười quảy? là như vậy.
Như vậy, trong ba ngày rằm kể trên, ngày rằm trọng đại hơn hết là ngày Rằm tháng Bảy. Ngày nầy nhờ ảnh hưởng đến Phật, Lão và Khổng giáo mà đặc biệt là Phật giáo. Vi đạo Phật là đạo Hiếu. Nói đến hạnh Phật là nói đến hạnh Hiếu. Là người Phật tử chơn chánh, ơn nhỏ đã không quên thì ơn lớn sẽ không bao giờ quên. Vì ơn cha mẹ, ông bà tổ tiên là một trong bốn ơn lớn mà đức Thế tôn Thích Ca Mâu Ni Từ phụ đã răn dạy cho hàng đệ tử của ngài, dù là xuất gia hay tại gia. Đó là tứ ân: tức ơn Tam bảo , ơn cha mẹ, ơn thầy tổ và đàn na tín chủ và ơn quốc gia xã hội, sơn hà xã tắc, thiên địa phú tãi. Người học Phật phải biết rõ và mãi ghi nhớ bốn ơn nầy. Ngày rằm nầy mang một ý nghĩa trọng đại và vô cùng thâm thúy. Ngày của ơn trả nghĩa đền. Ngày của con thảo cháu hiền phải nghĩ đến ân đức sanh thành dưỡng dục. Ngày cầu nguyện để cứu độ cho thân nhân đã khuất bóng nếu bị nghiệp duyên ràng buộc thì sớm được nhẹ nghiệp và hết nghiệp để được vãng sanh về cảnh giới an lạc, sớm được giải thoát. Ngày cúng nguyện cho hàng thập loại chúng sanh không may tạo nghiệp đang bị đọa lạc trong chín tầng địa ngục được no đủ và sớm thoát nghiệp. Ngày của chiến sĩ trận vong.
Đối với Tam bảo: Đó là ngày Phật hoan hỷ, ngày chúng Tăng hoan hỷ, ngày phước đức của người con Phật... .
Thích Tín Nghĩa
Các Tin Khác