Đã khi nào bạn thực sự sống cho chính mình?
Làm người, hiểu được ưu điểm của mình thì dễ mà hiểu được khuyết điểm của mình mới khó. Vậy nên chúng ta trước khi hiểu được ưu điểm thì hãy hiểu khuyết điểm của mình trước.
Thời gian như nước chảy qua cầu, đôi lúc thật khiến cho lòng người cảm thán, như câu thơ ai đó đã từng viết:
“Sớm còn thắm đỏ đôi gò má
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu”
Thời gian không đợi bất kỳ ai, cuộc đời có những chuyện chúng ta cần làm nhưng lại chẳng thể làm xong, những mơ ước tốt đẹp ngày nào giờ cũng đành dang dở. Cuộc sống như con thuyền trôi bất định giữa dòng đời phiêu lãng khiến cho ta cứ mãi quay cuồng bận rộn với bốn bề cuộc sống.
Tuy nhiên chúng ta lại chẳng thể hoàn thành được một việc gì đó đến nơi đến chốn. Thời gian cứ thế trôi đi, và chúng ta cũng không ngừng trở nên già cỗi, tóc điểm màu tiêu da thêm phần nhăn nhúm, trên khuôn mặt những vết chân chim cũng không ngừng xuất hiện.
Chúng ta cũng đã từng hồn nhiên với tuổi trẻ vô lo vô nghĩ, với tâm hồn thơ ngây thuần thiện. Và thời gian, thời gian đã lấy đi tất cả để đổi lại bằng sự thành thục của mỗi người. Quá khứ qua đi, đời người cũng gặp quá nhiều khổ đau, sóng gió, thị phi. Có lúc nào đó chúng ta hãy thử tĩnh lặng mình lại và tự hỏi: Phải chăng cuộc đời mình cứ mãi như thế này hay sao?
Từng ngày qua đi, thời gian thì không dừng lại và chúng ta cũng ngày càng già hơn, có những lúc trách nhật nguyệt vô tình, thời gian trôi đi quá nhanh, mỗi ngày mỗi tuổi, lưng còng, gối mỏi, chân chùn.
Và trên con đường đó, khi năm tháng không ngừng lấy đi sức khỏe và tuổi trẻ thanh xuân, có khi nào chúng ta tự hỏi: Mình đã thiện đãi chính mình hay chưa? Kỳ thực con người ta ngoài làm việc thì vẫn còn một việc rất đáng để quan tâm, đó chính là làm người thì cần phải học cách sống nghỉ ngơi.
Bất kể việc gì, nhấc lên được thì cũng cần buông xuống được. Không có bạn trái đất vẫn cứ quay, vậy nên trên đời này chẳng có gì đáng giá bằng sinh mệnh của chính mình. Sống tự do tự tại, đừng vì quá tham mà lại trở thành thâm, đừng mong chiếm hữu mà lại đành phải mất.
Quên bỏ phiền muộn, dùng một trái tim với trạng thái vui vẻ nhất để đối đãi với cuộc sống mỗi ngày, dùng trái tim lương thiện, khoan dung đối đãi với bạn bè thân hữu, để có được niềm vui thường tại trong tâm hồn. Cố gắng sống một cuộc đời với những gì mình thích, chỉ cần điều mình làm, việc mình nghĩ đúng với đạo, hợp với trời là được, còn người khác nghĩ sao đó là việc của họ bởi mình sống là cho chính mình chứ không phải cho người khác.
Trên thực tế chỉ có mình mới định liệu được cuộc đời mình như thế nào chứ không phải do người khác. Người khác nói bạn sai, bạn cũng không nhất định là sai, người khác khen bạn đúng, cũng không nhất định bạn đã đúng, bởi đó chỉ là nhận định từ góc độ của họ, một người chỉ có thể dựa theo đạo mới có thể phân định được rõ ràng. Còn làm người mà nay sống theo cách nhìn của người này, mai sống theo cách nhìn của người kia, thì đó không phải là sống cho chính mình mà là sống vì người khác, mong manh như pha lê.
Làm người, hiểu được ưu điểm của mình thì dễ mà hiểu được khuyết điểm của mình mới khó. Vậy nên chúng ta trước khi hiểu được ưu điểm thì hãy hiểu khuyết điểm của mình trước. Đương nhiên khi đã hiểu được khuyết điểm rồi thì cần phải thay đổi nó, cần phải không ngừng khiêm nhường tiếp thu học hỏi. Khi chúng ta từng bước cải thiện bản thân mình, trí huệ cũng nhờ đó mà không ngừng tăng trưởng.
Có bài hát rằng: “Thiên địa mênh mang, khách qua vội vàng, sóng triều lên xuống, ân ân oán oán, sinh tử bạc đầu, hỏi thế gian mấy ai tỏ tường. Hồng trần cuồn cuộn, kẻ ngốc thì tình thâm, mà người khôn thì toan tính, hợp tan có thời, chia ly có đoạn. Ta sống cuộc đời nửa tỉnh nửa say, trong mộng ta có em, và trong em ta có mộng. Ta lấy thanh xuân đổi lấy ngày mai, bạn lấy chân thành để đổi lấy kiếp này. Tuế nguyệt không biết người thế gian có bao ưu phiền sầu khổ, sao không thể ung dung tự tại đi hết cuộc đời này”…
Nửa đời trước đã qua, nửa sau còn chưa tới, chúng ta có hay chăng sống đời tự tại như lời ca khúc kia đã hát? Có hay chăng có thể buông bỏ muộn phiền sống đời tự tại vô ưu để chẳng uổng một kiếp người?
Theo Minh Vũ biên dịch