Đôi nét về lễ nhạc Phật giáo Huế
Ngày đăng: 01:55:34 18-06-2015 . Xem: 4922
ĐÔI NÉT VỀ LỄ NHẠC PHẬT GIÁO HUẾ
Dẫn nhập
Huế, Phú Xuân với vị trí đặc biệt là vùng đất đã từng là cung vua, phủ chúa ở Đàng Trong, Kinh Đô của hai triều vua Tây Sơn và nhà Nguyễn. Nơi hội tụ nhân tài, là một trong những cái nôi văn hóa đặc trưng của đất nước còn bảo lưu những giá trị truyền thống văn học nghệ thuật truyền khẩu phong phú, mang hương vị riêng biệt như: Ca dao, Nhạc cổ truyền, Múa dân gian, Truyện cổ tích… Bên cạnh đó, còn có một loại hình mà trước nay chúng ta vẫn chưa có diệp tìm hiểu kỹ và khai thác; đó là Lễ nhạc Phật giáo Huế – vốn được coi là đỉnh cao của Lễ nhạc Phật giáo Việt Nam. Khi nói đến âm nhạc truyền thống Huế, hầu hết mọi người thường nghĩ đến các mảng như: Nhã nhạc cung đình, Ca nhạc thính phòng, âm nhạc dân gian (hò, lý, vè…), còn Lễ nhạc Phật giáo Huế lại rất ít được đề cập đến, đang nằm trong một “góc hẹp khiêm tốn”. Nhưng thật ra, Lễ nhạc Phật giáo Huế để có mặt đến ngày hôm nay, là cả một quá trình trải qua những bước thăng trầm, cùng giao thoa tiếp biến để tồn tại và phát triển song song với các loại hình âm nhạc nói trên, có một đời sống Văn hóa tâm linh riêng. Đó là sản phẩm sáng tạo đầy tài hoa phát tiết của các vị Thiền Sư nơi chốn Thiền môn và có tuổi đời song hành cùng với các triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Gắn kết một cách mật thiết với lễ nghi của Phật Giáo, đóng một vai trò tối quan trọng trong các buổi lễ lớn nhỏ. Ở đó là cách biểu lộ sức sống tâm linh của Phật giáo được thể hiện ra giọng điệu, cung cách bên ngoài.
Lễ nhạc Phật giáo Huế
Văn hóa Phật giáo Huế, bao gồm hai thành tố lớn: Văn hóa Vật thể và Phi Vật thể. Văn hóa vật thể Phật giáo Huế là những kiến trúc chùa tháp, phù điêu, tượng tròn cùng những pháp khí hành lễ. Bên cạnh đó, văn hóa Phi vật thể ở đây được biểu hiện qua nền Lễ nhạc, do các vị tổ và nghệ nhân Huế sáng tác, với mục đích như một pháp môn hành trì, là phương tiện truyền Đạo dễ gây rung cảm tâm linh. Qua quá trình dung hợp, Lễ nhạc Phật giáo Huế chịu sự lan tỏa, tác động của âm nhạc địa phương, trên cơ sở đó, biến tấu một cách hài hòa giữa âm nhạc bác học, âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian để hình thành nên những âm điệu, lề lối mang phong cách riêng biệt và trở thành một mảng trong nền văn hóa truyền thống mang tính đặc thù của âm nhạc nghi lễ Việt Nam.
Lễ nhạc là một loại hình nghệ thuật độc đáo của sự kết hợp ba yếu tố: “Lễ, Thi và Nhạc”, ba yếu tố đó được diễn đạt một cách trực tiếp thông qua giọng hát mà cụ thể là lối diễn xướng đơn lẻ và lối diễn xướng tập thể, trong đó cá nhân lĩnh xướng và tập thể hội xướng, ở đó là sự biểu hiện hợp nhất hòa điệu giữa thanh nhạc và nhạc cụ phụ họa kết hợp với lễ để kiến tạo chức năng nối kết hoàn hảo cho buổi lễ.
Như vậy, trong nghi lễ - âm nhạc là một sự trợ lực làm cho cuộc lễ thêm phần trang nghiêm, long trọng, là phương tiện tải đạo. Đây cũng là một điểm mạnh của âm nhạc mà Phật giáo mượn làm phương tiện để chuyển tải nội dung, ý nghĩa thâm sâu của từng lời kinh, tiếng kệ hướng dẫn, cảm hóa đến người nghe (Phật tử) đi vào đạo tùy theo căn cơ (trình độ) tiếp nhận của từng đối tượng. Ở trong không gian linh thiêng đó, lễ và nhạc đi song hành hỗ trợ, tương tác tạo nên một sức mạnh cộng hưởng, đem lại một hiệu ứng truyền thông từ diệu pháp âm đến hai đối tượng âm và dương - những người đã chết cùng những người đang sống hiện tại đây một nhận thức trí tuệ về giác ngộ giải thoát.
* Có thể chia Lễ nhạc Phật giáo Huế thành bốn hình thức diễn xướng:
a. Khóa lễ thường ngày, gồm: Hai thời cung phu chính, sáng và chiều tối (tụng kinh sáng, chiều và khóa lễ Tịnh độ tối) ngoài ra còn một thời vào buổi trưa. Các khóa lễ này được tiến hành hàng ngày tại chùa đối với các bậc xuất gia.
b. Khóa lễ trong năm: Các ngày lễ trong năm thường tính theo âm lịch như; lễ Phật đản; An cư kiết hạ; Vu lan; Lễ vía Phật; Bồ tát. Ngoài ra, hàng tháng vào những ngày 30, mùng 1; ngày 14, 15 mà dân gian thường hay gọi là ngày “Rằm” bên cạnh các bài bản kinh, kệ thường ngày, còn có những lễ chúc thánh, cầu cho quốc thái dân an, lễ thụ ân nhớ ơn cha mẹ hiện tại cũng như quá vãng, thầy cô, bạn bè, lễ cầu siêu cho cửu huyền thất tổ và những vong hồn oan khuất không người thờ cúng. Đặc biệt vào hai ngày 14, 30 có thời khóa lễ sám hối, để sáng 15, mùng 1 được gọi là ngày “Bố tát” (ý nghĩa của hai từ này nguyên ngữ Pali – Uposatha: nghĩa là nuôi lớn và duy trì) chư tăng, ni Tỳ khưu tập trung lại một nơi để tụng giới luật.
c. Nghi lễ ngoài dân gian, gồm: Tang lễ (Có nơi gọi là Ma chay, cũng có nơi gọi là Tang ma), Cúng kỵ Những nghi lễ này thường do nhu cầu của mỗi gia đình Phật tử, ví như có người thân mất, hoặc cúng kỵ, người ta sẽ mời các vị sư về tại tư gia để tụng kinh, thuyết pháp… đây là một phần không thể thiếu trong hệ thống khoa nghi của Phật giáo Huế.
d. Nghi lễ có tính quy mô lớn, gồm: Giải oan bạt độ, Trai đàn Chẩn tế, Đại giới đàn. Những khoa nghi này mang tính quy mô, hội tụ rất nhiều yếu tố đặc sắc như: Nhân văn, triết học, âm nhạc và sân khấu. Thường được tổ chức ở cả không gian khuôn viên của chùa lẫn tại tư gia và không thiết chế quy định về thời gian cụ thể. Đặc biệt, đối với Đại giới đàn truyền giới cho Tăng, Ni, Phật tử thì có quy định riêng; Năm năm tổ chức một lần và địa điểm thường phải ở các chùa Tổ đình.
Hệ thống các làn điệu
Đặc trưng của âm nhạc Phật giáo Việt Nam cũng như Huế chính là lễ nhạc. Do đó, môi trường diễn xướng gắn liền với các buổi lễ ở trong chánh điện, ma chay, cúng kị,
Trai đàn Chẩn tế nhằm mang lại cho người nghe một trạng thái tâm hồn thanh thản, hầu thấu cảm được giáo lý, sự trang nghiêm rung cảm cần thiết trong các buổi lễ. Nó không giống như âm nhạc thế tục giúp người nghe thưởng thức nghệ thuật mà không cần yếu tố trang nghiêm. Ở đây, những bài nhạc tấu lên khi buổi lễ được bắt đầu, với mục đích chuyển tải những chân lý của đức Phật đến với mọi người, nhằm hướng nội tâm họ định tĩnh để trở về với thực tại.
Đặc điểm riêng của âm nhạc Phật giáo Việt Nam nói chung và Huế nói riêng là chú trọng về thanh nhạc, còn khí nhạc chỉ giữ vai trò đệm phụ họa để làm chổ dựa cho thanh nhạc - giúp cho việc chuyển hơi, chuyển điệu một cách tự nhiên, dễ dàng, cũng như đóng vai trò báo hiệu vào bài và dứt bài, để chuyển tiếp qua bài khác. Cách hát ở đây mang yếu tố tự nhiên nghĩa là lối hát giọng thật không vận dụng các kỹ thuật thanh nhạc như hát giọng óc, giọng mũi hay dã thanh (cộng minh)…
Buổi lễ thường diễn ra từ 1 đến 4 tiếng, các bài bản diễn ra luân phiên, nối tiếp nhau trong chu trình theo kiểu liên khúc từ khởi đầu buổi lễ cho đến kết thúc. Tuy nhiên, có đôi chỗ nhạc đệm được lồng vào làm chức năng cầu nối, để chuẩn bị chuyển sang bài khác một cách dễ dàng mà không bị đứt đoạn, đồng thời cũng làm bước đệm để chuyển hơi, chuyển điệu được hài hòa liền mạch.
Trong mỗi bài bản âm nhạc là sự ứng hợp với nội dung (đối tượng âm bên ngoài hay bên trên thế gian như các vị Phật, Bồ Tát, Thánh hiền) của kinh văn (thi kệ) và nơi hành lễ (trong chánh điện hay ngoài chánh điện) cũng như về hình thức, ngữ điệu, thể thơ kết hợp vận dụng âm nhạc cổ truyền tạo thành một phong cách nhạc lễ Huế, độc đáo cả về tính chất âm nhạc lẫn thể loại, tương đối phong phú. Ngoài ra, để tránh sự đơn điệu tẻ nhạt trong các bài bản, các vị Sám Chủ, Kinh sư đã có những sáng tạo một cách linh hoạt, làm đa dạng hóa về hình thức diễn xướng, không bị khô cứng rập khuôn với những người đi trước (do vậy, dẫn đến tính dị bản, hay lề lối diễn xướng của mỗi vị mỗi thế hệ không hoàn toàn giống nhau)
a) Tán Rơi :
Là một làn điệu khó trong hệ thống bài bản lễ nhạc, được hoàn thiện về cấu trúc lẫn hình thức âm nhạc, kỹ thuật luyến láy điêu luyện, rất tinh tế, giai điệu dàn trãi, khoan thai luôn mang vẻ trang nghiêm, thành kính, đậm chất thiền vị. Làn điệu được tấu lên để tán dương Chư Phật , Bồ Tát, Chư vị Tổ Sư bằng những lời hay ý đẹp thông qua đó để ca ngợi công lao đức hạnh Chư Phật, Chư Bồ Tát Chư Tổ.
b) Tán Xấp:
Điểm chung giữa Tán Rơi với Tán Xấp về hình thức âm nhạc cũng như ý nghĩa nội dung đều giống nhau.Tán xấp chỉ khác tán rơi ở điểm, đó là nhịp điệu nhanh hơn và đơn giản hơn về tiết tấu, âm vực cũng như luyến láy không phức tạp như tán Rơi
*Tán Trạo, thuộc về thể loại Tán Xấp nhưng có những điểm khác như giai điệu từ đầu đến giữa bài luôn buồn man mác “ai”. Về cuối bài lại chuyển qua phong cách trang trọng, trong sáng. Nhịp điệu thuộc loại tốc độ vừa.Về giai điệu dễ cảm và mau thuộc hơn so với Tán Xấp và Tán Rơi.
c) Trì , Tụng:
Nếu như làn điệu Tán giai điệu chuyển động trầm bổng luyến láy tiết tấu đảo phức tạp kết hợp với những pháp khí (nhạc cụ trong chùa) đệm cùng với dàn nhã nhạc, thì ở
Trì, Tụng đơn giản hơn nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào sáu thanh của tiếng Việt và ngữ điệu địa phương. Nếu ở Tán một chữ có thể luyến láy từ bốn nốt trở lên mười hai, mười ba nốt nhạc với tiết tấu đảo phách liên tục, luôn nằm ở thì yếu, còn ở Trì, Tụng là sự duy trì trường canh đều đặn của mỗi tiếng mõ đi liền với một chữ (lời) kinh cho đến kết thúc.
Nét nhạc trong bài Trì, Tụng rất đơn giản chủ yếu có thể từ thang ba âm đến bốn âm, hoặc năm âm, âm vực trong vòng một quãng 8, âm láy từ hai, ba, bốn nốt và nhạc đệm đôi lúc vẫn có nhưng không thường xuyên. Trì, Tụng thường áp dụng vào các bài Kinh Văn thuộc thể thơ vần (như nhược nhơn) hoặc văn xuôi (như Kinh Bát nhã). Nếu như ở Tán nét nhạc gần như cố định thì Trì, Tụng có thể thay đổi tùy theo thanh điệu trong âm tiết của từng lời kinh. Dưới đây là hai bài tụng kinh Bát Nhã và Trì Tụng Chú Phổ Am:
d) Thỉnh:
Giai điệu của Thỉnh nhẹ nhàng, tính chất ngâm ngợi tôn kính, thường tiến hành theo trường canh, nhịp điệu vừa phải có nét đong đưa ứng hợp với các loại Kinh Văn mang ý nghĩa triệu mời Chư Phật, Bồ Tát và các Hương Linh, Vong Hồn về địa điểm tham gia vào pháp hội trong buổi lễ.
Có Thể tạm chia 4 thể loại trên đây vào các bài bản Chính (cơ bản) vì một thực tế, những bài bản này chiếm đa số về thời lượng trong một buổi lễ, được diễn xướng luân phiên nhiều lần ở kịch bản trong các buổi lễ, (do vậy người viết thấy có thể tạm chia như vậy để dễ đi đến hệ thống các bài bản). Còn những thể loại dưới đây được sử dụng như những bài bản phụ, có nghĩa là thỉnh thoảng các vị Chủ sám, Kinh sư mới sử dụng, còn lại rất ít dùng.
*Thán : giai điệu tương đối đơn giản gần giống như nói lối trong tuồng, nhịp điệu tự do, ngân dài hay ngắn tùy thuộc vào Chủ sám diễn xướng. Tính chất hơi buồn thương, có đôi khi ai oán. Đặc điểm khi diễn xướng thường chỉ có đàn Nhị đệm phụ họa theo giai điệu chính - rất ít có dàn nhạc. Ý nghĩa của Thán ai oán, thương đau nói lên nỗi niềm cảm hoài của các đối tượng âm - Hương linh, Vong hồn.
*Bạch: âm nhạc tương tự như Thán nhưng tính chất không buồn thương mà trong sáng thanh thoát. Nội dung kinh văn là do các vị tổ sư sáng tác để xướng lên trước hoặc sau những bài kinh, hay bài Tán, ý nghĩa sâu sắc, ngợi ca giải thoát tinh thần giác ngộ, tấm lòng từ bi, hỷ xả.
*Xướng : lối tiến hành giai điệu rất đơn giản như ở Thán mang nét trầm hùng, truyền cảm có chút khẻ khàn đôi lúc vút cao như lời trấn tĩnh thăm hỏi các Hương hồn, Vong linh và người sống. Được dùng vào những đoạn đầu của những câu kinh tiếng kệ hoặc xiểng dương Tam bảo, để sau đó tất cả cùng hòa chung diễn xướng. Đóng vai trò mở đầu cho một bước nghi thức hay một khóa lễ.
*Hô : Nét nhạc mang tính mạnh mẽ, trầm hùng kêu gọi, đầy hùng lực, mục đích hướng dẫn thông qua những câu chú, kệ đưa hành giả vào sự định tâm. Ví dụ: Hô thiền, hay Hô canh thực hiện trước những buổi tọa thiền sáng sớm và chiều tối, còn Hô canh cũng vậy được Hô trước mỗi canh, vào các khóa tu, an cư ba tháng hạ và Đại giới đàn. Về hình thức nó gần giống như lối hò, cũng có vế Xướng và Xô nhưng đơn giản hơn. Vai trò của người xướng phải là Chủ sám hoặc Duy Na (vị này thường được gọi là Tả bạch đứng đầu trong ban Kinh sư và vế Xô thuộc về bản Kinh sư, Tứ chúng).
* Thài : là một trong những thể loại đặc trưng của Phật giáo Huế, vì Phật giáo hai miền Nam và Bắc không có thể điệu này. Thài ở trong Phật giáo Huế thường chỉ sử dụng ở tang lễ của các vị Hòa thượng viên tịch và được diễn xướng vào những khóa lễ dâng hương, dâng trà, dâng vật thực. Giai điệu ngâm ngợi, mênh mang. So sánh giữa Thài Phật giáo với Ca chương của cung đình, về đường nét cấu trúc giai điệu gần như giống nhau, nhưng có thể nói Ca chương của cung đình có những biến tấu và phát triển, do vậy có độ dài cũng như phong phú hơn về bài bản. Nếu như ở cung đình có Ca chương múa, Ca chương chúc rượu, dâng hương v.v… thì ở Phật giáo sử dụng một bài Thài cho ba lễ dâng hương, trà, vật thực, về phần nội dung lời thơ rất ngắn chỉ bốn câu. Qua đây cho thấy sự giao thoa giữa Phật giáo và Cung đình có sự tiếp biến và phát triển.
Âm nhạc ở đây là một phương tiện, tạo sự nối kết, bổ trợ hiệu ứng giao cảm, giúp cho các vị kinh sư thay mặt Phật thuyết giảng, hướng dẫn bằng “Thanh âm của pháp” đến với hai đối tượng là âm và dương (âm là những người đã quá vãng, còn dương là những người đang hành lễ và có mặt tại buổi lễ). Sự linh ứng hoàn mãn của buổi lễ là một phần đóng góp nhất định của âm nhạc.
Điểm độc đáo làm nên diện mạo của Lễ nhạc Phật giáo không thể không ghi nhận không gian diễn xướng của chúng, ở đó âm nhạc và lễ nghi là một sự hòa quyện, gắng kết một cách hữu cơ. Qua những khóa lễ thường ngày và trong năm ở chốn thiền môn,
đằng sau đó là biểu hiện một suối nguồn an lạc, tự tại của một đời sống tu tập thanh đạm; có lễ, có thi kệ triết lý và thêm phần thi vị là có cả âm nhạc.
Kết Luận:
Ở góc độ âm nhạc, có thể xem Lễ nhạc Phật giáo Huế là một gạch nối giữa âm nhạc dân gian và bác học, bởi được tiếp nhận từ nguồn âm nhạc bác học lẫn dân gian nhưng được cải biên, cách điệu từ bàn tay tài hoa của các vị tổ và nghệ nhân Huế đã trở thành loại hình âm nhạc Lễ nghi tôn giáo với diện mạo rất riêng biệt; từ lối cấu trúc giai điệu, cho đến những âm luyến láy tạo một phong cách khá đặc biệt so với dân ca, dân nhạc ở vùng đất này.
Nếu như ngoài dân gian, các nghệ nhân chỉ hành nghề theo thời vụ và vào các dịp khánh tiết, thì trong Phật giáo với mức độ diễn xướng thường xuyên, mật độ sinh hoạt dày đặc, không những ở các diệp lễ lớn trong năm mà hàng tháng cũng như thường nhật sớm trưa chiều tối đều có hành lễ ở các chùa. Do vậy, có thể nói rằng với tầng xuất diễn xướng thường xuyên của các vị kinh sư, nên kỹ năng, kỹ thuật trong diễn tấu đã đạt đến một trình độ chuyên nghiệp mà những ai đã từng nghe, từng chứng kiến sẽ không thể phủ nhận điều này.
Lễ nhạc Phật giáo Huế với đặc tính thâm sâu diệu lý, trong một vai trò nghệ thuật hóa triết lý để chuyên chở những ý nghĩa, giáo pháp của đức Phật đi vào tâm thức của mỗi người phật tử. Lễ nhạc Phật giáo Huế là một sự tiếp biến văn hóa, hội đủ nhiều nhân tố âm nhạc để tạo cho mình một dấu ấn riêng mang đặc trưng văn hóa vùng miền. Việc vận dụng các thang âm điệu thức của dân tộc, tạo nên đường nét giai điệu khoan thai, nghiêm trang thể hiện trong cách Tán, Tụng, Thỉnh .v .v… cho thấy đây là một nét sáng tạo độc đáo của các vị tổ sư để lại, cũng như đóng góp cho nền âm nhạc dân tộc một di sản đáng trân trọng cần nâng niu gìn giữ, lưu truyền và quảng bá…
Khánh Hào
------------------------------------------------------------------------TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trần Văn Khê. Âm nhạc Phật giáo đồng hành cùng dân tộc. Website: phatgiaobaclieu.org.
Tố Nhiên – Thích Giác Đạo. Nếp sống trong ngôi chùa việt. VHPG- Ấn phẩm mùa hạ 2010 (Mừng lễ Phật đản. Trang 55-60)
Nguyễn Thuyết Phong. Kho tàng âm nhạc Phật giáo VN là báu vật của nhân loại.
Nguyễn Thuyết Phong. Lễ nhạc Phật giáo Việt Nam là một quá trình dân tộc hóa. VHPG.
Nguyễn Hữu Thông (chủ biên) Nguyễn Thị Tâm Hạnh, Lê Đình Hùng, Lê Thọ Quốc. Nhạc lễ Phật giáo xứ Huế. NXB Văn nghệ TPHCM 2008
Trần Thảo. Nghệ thuật Tán Tụng trong nghi lễ Phật giáo Huế. Tạp chí liễu quán, số 9 tháng 10 năm 2008.
Các Tin Khác