Nữ giới trong đạo Phật
Ngày đăng: 23:32:17 22-01-2018 . Xem: 3134
Thông thường, nói đến phụ nữ, người ta nghĩ ngay đến những phong trào đòi bình quyền, đòi quyền sống, đến những quan niệm kỳ thị nam nữ, những ý kiến ủng hộ hay chống đối trước những quan niệm ấy, chia ra hai phe rõ rệt mà người bênh vực sự kỳ thị đa số là phái nam, và người chống đối luôn luôn là phái nữ. Tựu trung, vấn đề kỳ thị nam nữ cũng như kỳ thị chủng tộc, tôn giáo… bao hàm tranh chấp quyền lợi và thế lực. Ở đâu còn tranh chấp, ở đấy sẽ còn đủ loại kỳ thị. Sự kỳ thị chỉ chấm dứt khi nào con người vươn lên bình diện tâm linh, nơi không còn tranh chấp. Đấy là lời mở đầu bài viết của ni cô Trí Hải (đã quá cố) ở Viện Phật học Vạn Hạnh Tp Hồ Chí Minh. Trong bài này tác giả đã nhìn vấn đề phụ nữ dưới góc độ Phật giáo với nhiều nhận xét xác đáng. Chúng tôi xin trích giới thiệu với bạn đọc.
Trong địa hạt vật chất cũng như tinh thần, khi một người no tất phải có những kẻ khác đói, một người dư dật thì kẻ khác phải thiếu thốn, một người được gọi là tài giỏi hay ho tất phải có kẻ chịu tiếng vụng về khờ khạo. Niềm hân hoan, sự chiến thắng của một cá nhân hay một đoàn thể này bao hàm nỗi tủi nhục, sự thất bại của một cá nhân, một tập đoàn khác. Chỉ trong địa hạt tâm linh, niềm vui của ta mới không phải trả giá bằng nỗi khổ của người, mà còn tỏa rộng bóng mát của nó cho mọi kẻ chung quanh. Chỉ trong địa hạt tâm linh, mỗi con người mới có thể đạt tới tự do tuyệt đối mà không phương hại đến kẻ khác, và chỉ trong địa hạt tâm linh, tình yêu mới không thể biến thành ganh ghét hận thù. Cho nên chỉ có những bậc Thầy tâm linh vĩ đại mới không có thành kiến về phụ nữ, vì họ đã vượt ra ngoài tranh chấp, ra ngoài yêu ghét thường tình. Đức Phật chính là bậc Thầy tâm linh vĩ đại đã mở ra cho nữ giới con đường giải phóng không những ra khỏi một thân phận đen tối thấp hèn, lệ thuộc vào nam giới, mà còn ra khỏi ngục tù bản ngã nhỏ hẹp để vươn lên Chân lý, Niết bàn.
Nói chung, những đức tính và thói xấu của phụ nữ khác hẳn của nam giới. Nếu ở nam giới Trí tuệ được đề cao, thì đức tính được đề cao ở nữ giới là Từ bi, bởi thế mà tượng Bồ tát từ bi đều có dạng nữ. Nếu ở nam giới, can đảm chí khí được tán dương thì ở nữ giới người ta chờ đợi sự nhẫn nhục ôn hòa, đức bao dung tha thứ. Thánh Gandhi đã xem phụ nữ là hiện thân của đức khoan hồng. Nếu ở nam giới, sự ăn to nói lớn, hoạt bát hùng hồn là một đức tính thì trái lại, đức tính của phái nữ nằm trong sự nhũn nhặn. Nếu ở nam giới, quyền lực uy phong được ca tụng thì ở nữ giới, đức tính cần thiết là khiêm tốn.
Nhưng những đức tính nữ có những mặt trái đánh lừa ta, ví dụ ta dễ lẫn lộn sự si ái với từ bi, hoặc có khi ta tưởng mình từ bi mà kỳ thực chỉ là thói bám víu và ưa che chở quá mức cần thiết. Vì người đàn bà đóng một vai trò quan trọng trong việc đem lại sự sống, nên họ dễ xem mình là tất cả, dễ nghĩ rằng không có ta đây thì không xong. Đức tính im lặng nhẫn nhục nơi phụ nữ có thể có mặt trái là chấp trước, ôm hận xuống tuyền đài, khó giải thoát. Đức tính nhũn nhặn khiêm tốn của phụ nữ có thể chỉ là thói nhút nhát ỷ lại, đỏm dáng, luôn lệ thuộc vào kẻ khác.
Chính vì muốn phát huy những đức tính và sửa trị những thói xấu nơi phụ nữ, mà đức Phật đã chế ra Bát kỉnh pháp và những giới luật riêng cho hàng nữ xuất gia. Nhiều người đã căn cứ vào Bát kỉnh pháp (tức 8 điều mà Ni phải tuân giữ đối với Tỷ kheo Tăng) và căn cứ vào việc Phật chế giới cho Ni nhiều hơn Tăng, mà cho rằng Phật kỳ thị nam nữ.
Thật ra, vì phái nữ có những điều kiện vật lý tâm lý khác hẳn nam giới cho nên giới luật cũng khác. Riêng về Bát kỉnh pháp, chúng ta có thể đi ngược dòng lịch sử để xét lý do Phật chế tám điều cung kỉnh. Trong đoàn thể xuất gia đầu tiên của Phật không có nữ lưu. Mãi đến nhiều năm sau khi thành lập tăng đoàn, bà mẹ nuôi Đức Phật là Hoàng hậu Mahaprajapati (Đại Ái Đạo) cùng với 500 nữ nhân dòng Thích Ca mới đến xin Phật thế phát xuất gia. Phật từ chối. Lần thứ hai khi nghe Đức Phật đang ở Kỳ hoàn Tinh xá, Hoàng hậu cùng 500 nữ nhân ấy từ xa xôi lặn lội, đi bộ rách cả gót chân, y phục lấm lem đất bụi, đến nơi đứng ngoài cửa khóc lóc thảm thương. Ngài A Nan thấy thế động lòng can thiệp giúp cho hoàng hậu và sau ba lần Ngài năn nỉ Phật mới bằng lòng cho bà và 500 nữ nhân xuất gia với điều kiện phải tuân Bát kỉnh pháp.
Phật biết tâm lý kiêu căng cố hữu của người phụ nữ, mặt trái của bản năng làm mẹ, ưa bảo bọc và tự cho mình quan trọng. Bà Mahaprajapati là một vị đương kim Hoàng hậu, lại là Mẹ nuôi đã chăm sóc Thái tử (Phật trước khi xuất gia) từ khi mới ra khỏi lòng mẹ được bảy ngày. Bà có đủ tất cả lý do để kiêu căng ngã mạn khi bước vào hàng ngũ xuất gia. Nếu Phật không chế ra Bát kỉnh pháp thì rất có thể bà sẽ trổ trời mà lên, không coi ai vào đâu nữa. Nếu ở đời Bà đã sai bảo được lính tráng quan hầu, thì không lý do gì khi vào đạo và lại là Mẹ của Phật, Bà không sai bảo được những nam tu sĩ choai choai đáng đầu con cháu bà?
Một kỉnh pháp có lẽ cốt chĩa vào Kiều Đàm di mẫu chứ không ai khác, vào thời gian sớm sủa ấy khi chưa có nữ nhân nào xin đi tu: “Một vị Tỷ kheo Ni dù 100 tuổi hạ cũng phải cung kính vái chào mời ngồi một Tỷ kheo Tăng dù mới 1 tuổi (thật ra là 21 tuổi, vì tuổi tối thiểu để thọ tỷ kheo giới là 20, cộng thêm một năm tuổi hạ). Một lý do khác là để giữa Tăng và Ni phải có khoảng cách trong hòa khí. Nữ giới hay quá đà: hoặc quá thân thì mất cung kỉnh, dễ lờn hoặc quá sơ thì dễ đi đến chỗ kiêu căng tự phụ cho rằng ta đây có thể tự lập không cần ai dắt dẫn. Do đó một kỉnh pháp khác bắt buộc Ni phải thỉnh thoảng đi đến tỷ kheo Tăng xin chỉ giáo, để luôn luôn nhớ địa vị khất sĩ của mình, nghĩa là phải cầu pháp. Ta cần lĩnh hội Bát kỉnh pháp một cách sâu xa hơn, ấy là phải kính trọng tất cả, vì trở ngại lớn nhất cho người tìm Đạo là thói kiêu căng.
Thánh Gandhi nói: “Người tìm chân lý phải xem mình hèn mọn hơn cát bụi. Vũ trụ nghiền nát cát bụi dưới chân mình, song kẻ đi tìm chân lý phải nghĩ mình nhỏ nhoi đến độ bụi cát cũng có thể nghiền nát mình. Chỉ khi đó con người mới mong có được một tia sáng nào của chân lý”. Như vậy, người nữ nào thực tình muốn xóa ngã chấp thì không nên mặc cảm về Bát kỉnh pháp, và nam tu sĩ cũng không có lý do gì để tự hào.
Phái nữ có những lãnh vực hoạt động khác hẳn lãnh vực nam, không thể so sánh. Nếu trong xã hội, đàn ông nắm giữ những địa vị then chốt thì trong gia đình, giềng mối lại do đàn bà nắm giữ. Bởi thế đức Phật thường dùng danh từ Màtugàma những bà Mẹ, để tỏ ý kính trọng khi nói về những phụ nữ lớn tuổi và danh từ Pàramàsakhà (những bạn tốt của chồng) để chỉ những phụ nữ đã kết hôn.
Đông phương có danh từ “nội tướng” chỉ những bà mẹ đảm đang trong gia đình, những bà Mẹ có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong sự giáo dục con cái. Về điểm này chúng ta có thể tìm ví dụ trong tiểu sử những bậc Thánh như ngài La Thập, mà thân mẫu đã đóng góp một phần không nhỏ trên đường tiến tu đạo nghiệp; Ngài Dhammapala một vị hộ pháp có công chấn hưng Phật giáo tại Tích Lan và sáng lập hội Mahabodhi cũng đã nhờ công lao rất nhiều của thân mẫu. Tiểu sử ghi rằng thân mẫu Ngài đau buồn trước tình cảnh nền tín ngưỡng Phật giáo cổ truyền của xứ sở bị cuốn trôi trước những làn sóng xâm lăng của dị giáo, đã thường tha thiết cầu nguyện sinh được một người con trai đầy đủ đức tài để phục hưng tôn giáo nước nhà. Bà đã được toại nguyện, ngài Dhammapala đã ra đời giữa tiếng kinh vang rền của chư Tăng, hương trầm nghi ngút. Bà sống một đời thánh thiện trong thời kỳ hoài thai bậc Thánh, mong người con sau này phải trở thành cứu tinh của dân tộc.
Bà Mạnh mẫu cũng đã chọn chỗ ở thích hợp để nuôi dạy người con về sau đã trở thành một vì á Thánh của Trung Quốc. Thân mẫu của Mahatma Gandhi cũng đã gây một ảnh hưởng lớn trong đời bậc vĩ nhân này, và triết gia Anh lỗi lạc là Bertrand Russell cũng đã được giáo huấn từ tấm bé bởi một bà nội đầy nghị lực quả cảm không thua gì nam giới. Những tỉ dụ ấy đầy rẫy trong các tiểu sử những bậc vĩ nhân của nhân loại. Những bà mẹ ấy dễ dàng bị lãng quên trước sự thành công sáng chói của những người con, nhưng chính sự lãng quên ấy lại là một phần làm nên sự vinh quang của những bà mẹ, với đức hy sinh vô bờ không chờ đợi được đền đáp hay được nhắc nhở. Đức hy sinh xả kỷ của những bà mẹ vĩ nhân nói chung ấy đáng lẽ chúng ta phải xây đài kỷ niệm như chúng ta đã xây đài kỷ niệm những chiến sĩ vô danh.
Vai trò then chốt của những bà mẹ trong gia đình được tỏ rõ qua kinh nghiệm: ta thường thấy rằng khi một gia đình có người cha vô trách nhiệm nhưng được bà mẹ đảm đang đức hạnh thì gia đình vẫn còn vững, con cái vẫn có thể làm nên nấu chín. Trái lại khi một gia đình có bà mẹ bê tha thì gia đình ấy kể như tan rã, con cái bơ vơ không nơi nương tựa.
Một văn hào Pháp đã nói: “Chính phụ nữ là những người tạo dựng và phá hoại gia đình” (Ce sont les femmes qui font et défont la maison). Trong khi công việc của nam giới là khai sáng dựng xây, thì công việc của nữ giới là duy trì, bảo vệ và hỗ trợ cho những công trình công ích. Trong những phong trào, những tổ chức văn hóa và tôn giáo, phụ nữ thường là những người bảo trợ và hưởng ứng, như bà bá tước Chatelet với lâu đài Cirey đã giúp văn hào Voltaire trú ẩn chính quyền Pháp, tại đây ông đã sáng tác những tác phẩm bất hủ cho nhân loại.
Trong lãnh vực Tôn giáo, vai trò hỗ trợ của phụ nữ lại càng quan trọng hơn. Vào thời Đức Phật còn tại thế, đã có rất nhiều phụ nữ trong số những đệ tử Phật, điều ấy được chứng tỏ qua Kinh tạng và Luật tạng bằng tiếng Pali. Luật Pali (Vinaya Pitaka) có hai chương dành cho nữ giới là Bhikkhunivibhanga và Bhikkhunikhandhaka nói đến những giới luật mà Tỷ kheo Ni và những nữ nhân tập sự xuất gia phải tuân giữ. Họ là những phụ nữ thoát ly gia đình để đi tìm sự an tĩnh nội tâm, sự tự chủ, ánh sáng tri thức, và trên tất cả, tìm Giải thoát, trọng tâm căn để của Phật giáo như Đức Thế Tôn dạy: “Cũng như nước trong bốn biển chỉ có một vị mặn, Đạo của ta cũng chỉ thấm nhuần một vị, ấy là vị Giải thoát”.
Trong số đông đảo phụ nữ xuất gia hồi Đức Phật còn tại thế, có nhiều người đã chứng đến quả A la hán, quả vị cao tột mà một đệ tử đương thời của Phật có thể chứng đắc, mà chứng tích còn tồn tại đến chúng ta qua những bài thơ (kệ) họ thốt ra sau khi đắc quả, những bài kệ này được ghi lại trong Kinh tạng Pali (…) Đương thời đức Phật, trong khi Tăng có hai vị là Sariputta (Xá Lợi Phất) và Mogallàna (Mục Kiền Liên) cai quản thì Ni cũng do hai vị Ni đã đắc quả là A la hán hướng dẫn là bà Khemà và Uppalavannà. Nhiều vị nữ đệ tử khác cũng đã được Đức Phật liệt vào hàng lỗi lạc nhiệt thành.
Sự thành lập Ni bộ của Đức Phật đã được các nhà dân tộc học cho là một việc làm vô cùng cách mạng, nếu ta xét đến yếu tố thời gian cách đây 2500 năm và không gian là xứ Ấn Độ đầy thành kiến đối với phái nữ. Không những ngày xưa mà ngay hiện tại nhiều nơi ở Ấn vẫn còn giữ tục lệ Purdah tức tục che mặt của phụ nữ khi ra đường, và họ phải sống trong phòng the khóa kín. Theo tục lệ Ấn giáo, phụ nữ không được giáo dục, không được làm những công việc ngoài đường dù nhỏ mọn như bán trầu thuốc, rau cải, tất cả đều do đàn ông đảm trách. Sinh con gái là một điều bất hạnh cho mọi gia đình, vì phải lo việc gả chồng và sắm của hồi môn.
Hơn nữa trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, cũng như ở Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam, mọi gia đình đều xem con trai là rường cột trong việc nắm giữ giềng mối tổ tông và lo việc tế tự thờ cúng. Việc tế lễ trong đó nhiều sinh vật thường bị giết làm vật hy sinh, được thực hành sâu rộng và người ta tin rằng khi người cha trong gia đình chết đi mà không có con trai nối dõi tông đường thì linh hồn ông sẽ thành ma trở về quấy phá. Do đó nếu một người đàn bà không sinh được con trai, thì người chồng có thể cưới vợ khác và ngay cả có thể trục xuất bà ra khỏi gia đình.
Nhưng kể từ khi đạo Phật ra đời, những truyền thống của xã hội Ấn đã trải qua một cuộc đổi thay. Phật giáo dạy rằng sự tế tự phải bắt nguồn từ nội tâm, bằng cách gột rửa những tư tưởng ngã chấp, thiêu đốt tham sân si. Sự tế tự phải tránh xa mọi hành vi tàn bạo độc hại đối với mọi sinh vật khác. Hoàng hậu Mallikà nhờ thấm nhuần những tư tưởng ấy của đạo Phật, đã trở thành một Phật tử tại gia. Bà đã thuyết phục được vua Pasenadi khỏi nghe lời một giáo sĩ bà la môn, giết nhiều muôn sinh trong một đại tế đàn để thế mạng vua
. Lại nữa, lý thuyết Phật giáo theo đó mỗi người chịu trách nhiệm việc sinh tử của mình, đã bật tung gốc rễ của truyền thống tế tự thần linh để cầu sinh con trai, hay tin rằng linh hồn người cha sẽ trở về quấy nhiễu nếu việc cúng tế không được chăm sóc chu đáo. Với lý thuyết nghiệp, đạo Phật không tin vào những vụ cúng tế dù để xin con trai hay để chuộc tội lỗi. Vị trưởng lão Ni tên Punna trong một bài kệ có nhận xét rằng nếu lễ tắm rửa trong nước sông có thể tẩy sạch tội lỗi và thanh hóa con người thì những loài tôm cua rùa cá và rắn nước đáng lẽ phải được lên thiên đàng tất cả.
Như vậy, với sự xuất hiện của Phật giáo, người phụ nữ Ấn không còn phải quá lo ngại và bị ngược đãi khi không sinh được con trai, vì vậy người ta đã nhận thức được rằng cuộc sống đời sau của người cha hoàn toàn tùy thuộc vào những hành vi hiện tại của ông, chứ không phải do sự cúng tế của người con trai hay con gái nào cả. Và sự kế nghiệp gia đình cũng không còn quá lệ thuộc vào người trưởng nam như trước. Ngày nay ở bờ biển Tây Ấn còn có một giai cấp Bà la môn rất xưa cũ gọi là Nairs có truyền thống chỉ trao quyền thừa kế cho con gái. Điều này có thể là do một ảnh hưởng của Đức Phật (…).
Trong Phật giáo hiện đại cũng thế, những công tác xã hội để hàn gắn những vết thương của đồng loại trong lúc gặp chiến tranh ách nạn, phần nhiều là do Ni và nữ Phật tử nhiều từ tâm xả kỷ. Hàng nữ xuất gia cũng như tại gia hiện tại cũng đóng một vai trò hộ trì không kém phần quan trọng đối với những công trình lớn lao của Giáo hội, thông thường là việc gây ngân quỹ.
Về phương diện tinh thần, đoàn thể Ni chúng là một tấm gương sáng, một niềm khích lệ an ủi cho nhiều phụ nữ bất hạnh trong sinh hoạt gia đình. Những lúc tinh thần căng thẳng rối loạn vì đời sống hôn nhân, họ đến chùa và được tăng thêm tự tin khi thấy có những người con gái đáng đầu con cháu họ đang dạn dĩ bước đi một mình trên đường đời, lấy Chân lý làm bạn và lấy chúng sinh đau khổ làm gia đình. Họ bỗng nhận ra rằng một gia đình nhỏ với dăm ba đứa con hóa ra không phải là mục tiêu duy nhất của người phụ nữ, nhiều phụ nữ khác có thể sống trọn vẹn hơn mà không cần gì đến những phụ tùng phiền toái như họ.
Biết bao nhiêu người đàn bà đau khổ đã được cảm hóa khi biết hướng tâm hồn của họ về ánh sáng Phật pháp thay vì quanh quẩn trong bóng tối của một bản ngã nhỏ hẹp với những vấn đề bất tận dàn ra trước mắt mà họ không thể nào giải quyết. Nhiều phụ nữ đã thú thật nếu không nhờ Phật pháp có lẽ họ đã hóa điên hay ra thân tàn ma dại. Quả thế trong thời buổi chiến tranh nhiều tang tóc này, chắc chắn Phật giáo đã cứu vớt rất nhiều phụ nữ. Bao nhiêu gia đình nhờ thấm nhuần chánh pháp mà giữ được bình tĩnh trước những tai biến tầy đình trút lên đầu họ.
Có thể nói trong một nước chịu nhiều chiến tranh, phụ nữ là thành phần đau khổ nhất. Vì họ là những người đã trực tiếp mang lại sự sống, nên cũng xót xa nhất trước cái chết của những người con. Nhưng nhờ Phật giáo, có những bà mẹ đáng lẽ héo mòn trong đau khổ, đã tìm thấy con đường phục vụ, tham gia công tác cứu khổ của Phật giáo để thấy Khổ đế lan khắp mặt đất chứ không riêng gì bản thân mình. Khi nhận ra điều này, cõi lòng họ sẽ lắng lại, và trong họ nảy sinh một tình thương lớn, lan dần, tỏa rộng ra đến tất cả mọi người và mọi loài đau khổ, nỗi khổ đau mà họ đã hơn một lần chứng thực.
Để kết luận, có thể nói Phật giáo đã đem lại một niềm an ủi vô bờ cho những phụ nữ đau khổ, đã mở ra một con đường vinh quang cho những phụ nữ có khả năng giác ngộ. Ngược lại, phụ nữ cũng đóng góp một phần quan trọng trong việc duy trì bảo vệ Chánh pháp.
Dưới ánh sáng tâm linh của Đức Phật, không có vấn đề kỳ thị mà trái lại, mọi người mọi loài đều được hiển lộ đúng chỗ của nó và đều quan trọng, đều cần thiết như nhau. Quan niệm bình đẳng giữa nam nữ càng được tỏ rõ trong đại thừa giáo như trường hợp Long nữ thành Phật trong kinh Pháp Hoa, hay trường hợp Phật thọ ký cho các Bà Ma ha ba xà ba đề và Da du đà la thành Phật, hoặc trường hợp trong kinh Duy ma cật với đoạn ứng đối hào hứng giữa Tôn giả Xá lợi phất và Long nữ.
Nhưng quan niệm bình đẳng của Phật giáo phải được đặt căn bản trên tài và đức thì sự bình đẳng ấy mới có ý nghĩa thực thụ chứ không phải chỉ có tính cách chính trị, mị dân. Chính người phụ nữ phải nỗ lực gột bỏ những thói xấu cố hữu và trau dồi những đức tính, khả năng của họ để tạo nên sự bình đẳng ấy chứ không phải ngồi một chỗ kêu gào người ta đem đến cho mình, vì khi ấy sự bình đẳng nếu có thì cũng chỉ trên lý thuyết.
Đức Phật dạy rằng chỉ có tự chúng ta làm cho chúng ta thanh cao hay hèn hạ, không ai khác có thể nâng cao hay hạ thấp phẩm giá của ta. Trong vấn đề phụ nữ cũng vậy, khi người đàn bà chấm dứt những tệ đoan thường thấy, khi họ không tự hạ giá bằng cách biến mình thành một thứ hoa chỉ để trang hoàng cho vui mắt, khi họ không quá chú trọng bề ngoài mà biết thực sự đề cao, theo đuổi những giá trị tinh thần tâm linh, biết sống vì chân lý, thì họ không có lý do gì để mặc cảm về thân phận mình, lại càng không có lý do gì để kiêu căng, mà chỉ sống như một con người, đơn thuần là một con người, và theo Phật giáo, đấy là một địa vị thuận lợi mở ra muôn ngàn khả năng đạt đến Tuyệt đối, Niết bàn.
Trong địa hạt vật chất cũng như tinh thần, khi một người no tất phải có những kẻ khác đói, một người dư dật thì kẻ khác phải thiếu thốn, một người được gọi là tài giỏi hay ho tất phải có kẻ chịu tiếng vụng về khờ khạo. Niềm hân hoan, sự chiến thắng của một cá nhân hay một đoàn thể này bao hàm nỗi tủi nhục, sự thất bại của một cá nhân, một tập đoàn khác. Chỉ trong địa hạt tâm linh, niềm vui của ta mới không phải trả giá bằng nỗi khổ của người, mà còn tỏa rộng bóng mát của nó cho mọi kẻ chung quanh. Chỉ trong địa hạt tâm linh, mỗi con người mới có thể đạt tới tự do tuyệt đối mà không phương hại đến kẻ khác, và chỉ trong địa hạt tâm linh, tình yêu mới không thể biến thành ganh ghét hận thù. Cho nên chỉ có những bậc Thầy tâm linh vĩ đại mới không có thành kiến về phụ nữ, vì họ đã vượt ra ngoài tranh chấp, ra ngoài yêu ghét thường tình. Đức Phật chính là bậc Thầy tâm linh vĩ đại đã mở ra cho nữ giới con đường giải phóng không những ra khỏi một thân phận đen tối thấp hèn, lệ thuộc vào nam giới, mà còn ra khỏi ngục tù bản ngã nhỏ hẹp để vươn lên Chân lý, Niết bàn.
Nói chung, những đức tính và thói xấu của phụ nữ khác hẳn của nam giới. Nếu ở nam giới Trí tuệ được đề cao, thì đức tính được đề cao ở nữ giới là Từ bi, bởi thế mà tượng Bồ tát từ bi đều có dạng nữ. Nếu ở nam giới, can đảm chí khí được tán dương thì ở nữ giới người ta chờ đợi sự nhẫn nhục ôn hòa, đức bao dung tha thứ. Thánh Gandhi đã xem phụ nữ là hiện thân của đức khoan hồng. Nếu ở nam giới, sự ăn to nói lớn, hoạt bát hùng hồn là một đức tính thì trái lại, đức tính của phái nữ nằm trong sự nhũn nhặn. Nếu ở nam giới, quyền lực uy phong được ca tụng thì ở nữ giới, đức tính cần thiết là khiêm tốn.
Nhưng những đức tính nữ có những mặt trái đánh lừa ta, ví dụ ta dễ lẫn lộn sự si ái với từ bi, hoặc có khi ta tưởng mình từ bi mà kỳ thực chỉ là thói bám víu và ưa che chở quá mức cần thiết. Vì người đàn bà đóng một vai trò quan trọng trong việc đem lại sự sống, nên họ dễ xem mình là tất cả, dễ nghĩ rằng không có ta đây thì không xong. Đức tính im lặng nhẫn nhục nơi phụ nữ có thể có mặt trái là chấp trước, ôm hận xuống tuyền đài, khó giải thoát. Đức tính nhũn nhặn khiêm tốn của phụ nữ có thể chỉ là thói nhút nhát ỷ lại, đỏm dáng, luôn lệ thuộc vào kẻ khác.
Chính vì muốn phát huy những đức tính và sửa trị những thói xấu nơi phụ nữ, mà đức Phật đã chế ra Bát kỉnh pháp và những giới luật riêng cho hàng nữ xuất gia. Nhiều người đã căn cứ vào Bát kỉnh pháp (tức 8 điều mà Ni phải tuân giữ đối với Tỷ kheo Tăng) và căn cứ vào việc Phật chế giới cho Ni nhiều hơn Tăng, mà cho rằng Phật kỳ thị nam nữ.
Thật ra, vì phái nữ có những điều kiện vật lý tâm lý khác hẳn nam giới cho nên giới luật cũng khác. Riêng về Bát kỉnh pháp, chúng ta có thể đi ngược dòng lịch sử để xét lý do Phật chế tám điều cung kỉnh. Trong đoàn thể xuất gia đầu tiên của Phật không có nữ lưu. Mãi đến nhiều năm sau khi thành lập tăng đoàn, bà mẹ nuôi Đức Phật là Hoàng hậu Mahaprajapati (Đại Ái Đạo) cùng với 500 nữ nhân dòng Thích Ca mới đến xin Phật thế phát xuất gia. Phật từ chối. Lần thứ hai khi nghe Đức Phật đang ở Kỳ hoàn Tinh xá, Hoàng hậu cùng 500 nữ nhân ấy từ xa xôi lặn lội, đi bộ rách cả gót chân, y phục lấm lem đất bụi, đến nơi đứng ngoài cửa khóc lóc thảm thương. Ngài A Nan thấy thế động lòng can thiệp giúp cho hoàng hậu và sau ba lần Ngài năn nỉ Phật mới bằng lòng cho bà và 500 nữ nhân xuất gia với điều kiện phải tuân Bát kỉnh pháp.
Phật biết tâm lý kiêu căng cố hữu của người phụ nữ, mặt trái của bản năng làm mẹ, ưa bảo bọc và tự cho mình quan trọng. Bà Mahaprajapati là một vị đương kim Hoàng hậu, lại là Mẹ nuôi đã chăm sóc Thái tử (Phật trước khi xuất gia) từ khi mới ra khỏi lòng mẹ được bảy ngày. Bà có đủ tất cả lý do để kiêu căng ngã mạn khi bước vào hàng ngũ xuất gia. Nếu Phật không chế ra Bát kỉnh pháp thì rất có thể bà sẽ trổ trời mà lên, không coi ai vào đâu nữa. Nếu ở đời Bà đã sai bảo được lính tráng quan hầu, thì không lý do gì khi vào đạo và lại là Mẹ của Phật, Bà không sai bảo được những nam tu sĩ choai choai đáng đầu con cháu bà?
Một kỉnh pháp có lẽ cốt chĩa vào Kiều Đàm di mẫu chứ không ai khác, vào thời gian sớm sủa ấy khi chưa có nữ nhân nào xin đi tu: “Một vị Tỷ kheo Ni dù 100 tuổi hạ cũng phải cung kính vái chào mời ngồi một Tỷ kheo Tăng dù mới 1 tuổi (thật ra là 21 tuổi, vì tuổi tối thiểu để thọ tỷ kheo giới là 20, cộng thêm một năm tuổi hạ). Một lý do khác là để giữa Tăng và Ni phải có khoảng cách trong hòa khí. Nữ giới hay quá đà: hoặc quá thân thì mất cung kỉnh, dễ lờn hoặc quá sơ thì dễ đi đến chỗ kiêu căng tự phụ cho rằng ta đây có thể tự lập không cần ai dắt dẫn. Do đó một kỉnh pháp khác bắt buộc Ni phải thỉnh thoảng đi đến tỷ kheo Tăng xin chỉ giáo, để luôn luôn nhớ địa vị khất sĩ của mình, nghĩa là phải cầu pháp. Ta cần lĩnh hội Bát kỉnh pháp một cách sâu xa hơn, ấy là phải kính trọng tất cả, vì trở ngại lớn nhất cho người tìm Đạo là thói kiêu căng.
Thánh Gandhi nói: “Người tìm chân lý phải xem mình hèn mọn hơn cát bụi. Vũ trụ nghiền nát cát bụi dưới chân mình, song kẻ đi tìm chân lý phải nghĩ mình nhỏ nhoi đến độ bụi cát cũng có thể nghiền nát mình. Chỉ khi đó con người mới mong có được một tia sáng nào của chân lý”. Như vậy, người nữ nào thực tình muốn xóa ngã chấp thì không nên mặc cảm về Bát kỉnh pháp, và nam tu sĩ cũng không có lý do gì để tự hào.
Phái nữ có những lãnh vực hoạt động khác hẳn lãnh vực nam, không thể so sánh. Nếu trong xã hội, đàn ông nắm giữ những địa vị then chốt thì trong gia đình, giềng mối lại do đàn bà nắm giữ. Bởi thế đức Phật thường dùng danh từ Màtugàma những bà Mẹ, để tỏ ý kính trọng khi nói về những phụ nữ lớn tuổi và danh từ Pàramàsakhà (những bạn tốt của chồng) để chỉ những phụ nữ đã kết hôn.
Đông phương có danh từ “nội tướng” chỉ những bà mẹ đảm đang trong gia đình, những bà Mẹ có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong sự giáo dục con cái. Về điểm này chúng ta có thể tìm ví dụ trong tiểu sử những bậc Thánh như ngài La Thập, mà thân mẫu đã đóng góp một phần không nhỏ trên đường tiến tu đạo nghiệp; Ngài Dhammapala một vị hộ pháp có công chấn hưng Phật giáo tại Tích Lan và sáng lập hội Mahabodhi cũng đã nhờ công lao rất nhiều của thân mẫu. Tiểu sử ghi rằng thân mẫu Ngài đau buồn trước tình cảnh nền tín ngưỡng Phật giáo cổ truyền của xứ sở bị cuốn trôi trước những làn sóng xâm lăng của dị giáo, đã thường tha thiết cầu nguyện sinh được một người con trai đầy đủ đức tài để phục hưng tôn giáo nước nhà. Bà đã được toại nguyện, ngài Dhammapala đã ra đời giữa tiếng kinh vang rền của chư Tăng, hương trầm nghi ngút. Bà sống một đời thánh thiện trong thời kỳ hoài thai bậc Thánh, mong người con sau này phải trở thành cứu tinh của dân tộc.
Bà Mạnh mẫu cũng đã chọn chỗ ở thích hợp để nuôi dạy người con về sau đã trở thành một vì á Thánh của Trung Quốc. Thân mẫu của Mahatma Gandhi cũng đã gây một ảnh hưởng lớn trong đời bậc vĩ nhân này, và triết gia Anh lỗi lạc là Bertrand Russell cũng đã được giáo huấn từ tấm bé bởi một bà nội đầy nghị lực quả cảm không thua gì nam giới. Những tỉ dụ ấy đầy rẫy trong các tiểu sử những bậc vĩ nhân của nhân loại. Những bà mẹ ấy dễ dàng bị lãng quên trước sự thành công sáng chói của những người con, nhưng chính sự lãng quên ấy lại là một phần làm nên sự vinh quang của những bà mẹ, với đức hy sinh vô bờ không chờ đợi được đền đáp hay được nhắc nhở. Đức hy sinh xả kỷ của những bà mẹ vĩ nhân nói chung ấy đáng lẽ chúng ta phải xây đài kỷ niệm như chúng ta đã xây đài kỷ niệm những chiến sĩ vô danh.
Vai trò then chốt của những bà mẹ trong gia đình được tỏ rõ qua kinh nghiệm: ta thường thấy rằng khi một gia đình có người cha vô trách nhiệm nhưng được bà mẹ đảm đang đức hạnh thì gia đình vẫn còn vững, con cái vẫn có thể làm nên nấu chín. Trái lại khi một gia đình có bà mẹ bê tha thì gia đình ấy kể như tan rã, con cái bơ vơ không nơi nương tựa.
Một văn hào Pháp đã nói: “Chính phụ nữ là những người tạo dựng và phá hoại gia đình” (Ce sont les femmes qui font et défont la maison). Trong khi công việc của nam giới là khai sáng dựng xây, thì công việc của nữ giới là duy trì, bảo vệ và hỗ trợ cho những công trình công ích. Trong những phong trào, những tổ chức văn hóa và tôn giáo, phụ nữ thường là những người bảo trợ và hưởng ứng, như bà bá tước Chatelet với lâu đài Cirey đã giúp văn hào Voltaire trú ẩn chính quyền Pháp, tại đây ông đã sáng tác những tác phẩm bất hủ cho nhân loại.
Trong lãnh vực Tôn giáo, vai trò hỗ trợ của phụ nữ lại càng quan trọng hơn. Vào thời Đức Phật còn tại thế, đã có rất nhiều phụ nữ trong số những đệ tử Phật, điều ấy được chứng tỏ qua Kinh tạng và Luật tạng bằng tiếng Pali. Luật Pali (Vinaya Pitaka) có hai chương dành cho nữ giới là Bhikkhunivibhanga và Bhikkhunikhandhaka nói đến những giới luật mà Tỷ kheo Ni và những nữ nhân tập sự xuất gia phải tuân giữ. Họ là những phụ nữ thoát ly gia đình để đi tìm sự an tĩnh nội tâm, sự tự chủ, ánh sáng tri thức, và trên tất cả, tìm Giải thoát, trọng tâm căn để của Phật giáo như Đức Thế Tôn dạy: “Cũng như nước trong bốn biển chỉ có một vị mặn, Đạo của ta cũng chỉ thấm nhuần một vị, ấy là vị Giải thoát”.
Trong số đông đảo phụ nữ xuất gia hồi Đức Phật còn tại thế, có nhiều người đã chứng đến quả A la hán, quả vị cao tột mà một đệ tử đương thời của Phật có thể chứng đắc, mà chứng tích còn tồn tại đến chúng ta qua những bài thơ (kệ) họ thốt ra sau khi đắc quả, những bài kệ này được ghi lại trong Kinh tạng Pali (…) Đương thời đức Phật, trong khi Tăng có hai vị là Sariputta (Xá Lợi Phất) và Mogallàna (Mục Kiền Liên) cai quản thì Ni cũng do hai vị Ni đã đắc quả là A la hán hướng dẫn là bà Khemà và Uppalavannà. Nhiều vị nữ đệ tử khác cũng đã được Đức Phật liệt vào hàng lỗi lạc nhiệt thành.
Sự thành lập Ni bộ của Đức Phật đã được các nhà dân tộc học cho là một việc làm vô cùng cách mạng, nếu ta xét đến yếu tố thời gian cách đây 2500 năm và không gian là xứ Ấn Độ đầy thành kiến đối với phái nữ. Không những ngày xưa mà ngay hiện tại nhiều nơi ở Ấn vẫn còn giữ tục lệ Purdah tức tục che mặt của phụ nữ khi ra đường, và họ phải sống trong phòng the khóa kín. Theo tục lệ Ấn giáo, phụ nữ không được giáo dục, không được làm những công việc ngoài đường dù nhỏ mọn như bán trầu thuốc, rau cải, tất cả đều do đàn ông đảm trách. Sinh con gái là một điều bất hạnh cho mọi gia đình, vì phải lo việc gả chồng và sắm của hồi môn.
Hơn nữa trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, cũng như ở Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam, mọi gia đình đều xem con trai là rường cột trong việc nắm giữ giềng mối tổ tông và lo việc tế tự thờ cúng. Việc tế lễ trong đó nhiều sinh vật thường bị giết làm vật hy sinh, được thực hành sâu rộng và người ta tin rằng khi người cha trong gia đình chết đi mà không có con trai nối dõi tông đường thì linh hồn ông sẽ thành ma trở về quấy phá. Do đó nếu một người đàn bà không sinh được con trai, thì người chồng có thể cưới vợ khác và ngay cả có thể trục xuất bà ra khỏi gia đình.
Nhưng kể từ khi đạo Phật ra đời, những truyền thống của xã hội Ấn đã trải qua một cuộc đổi thay. Phật giáo dạy rằng sự tế tự phải bắt nguồn từ nội tâm, bằng cách gột rửa những tư tưởng ngã chấp, thiêu đốt tham sân si. Sự tế tự phải tránh xa mọi hành vi tàn bạo độc hại đối với mọi sinh vật khác. Hoàng hậu Mallikà nhờ thấm nhuần những tư tưởng ấy của đạo Phật, đã trở thành một Phật tử tại gia. Bà đã thuyết phục được vua Pasenadi khỏi nghe lời một giáo sĩ bà la môn, giết nhiều muôn sinh trong một đại tế đàn để thế mạng vua
. Lại nữa, lý thuyết Phật giáo theo đó mỗi người chịu trách nhiệm việc sinh tử của mình, đã bật tung gốc rễ của truyền thống tế tự thần linh để cầu sinh con trai, hay tin rằng linh hồn người cha sẽ trở về quấy nhiễu nếu việc cúng tế không được chăm sóc chu đáo. Với lý thuyết nghiệp, đạo Phật không tin vào những vụ cúng tế dù để xin con trai hay để chuộc tội lỗi. Vị trưởng lão Ni tên Punna trong một bài kệ có nhận xét rằng nếu lễ tắm rửa trong nước sông có thể tẩy sạch tội lỗi và thanh hóa con người thì những loài tôm cua rùa cá và rắn nước đáng lẽ phải được lên thiên đàng tất cả.
Như vậy, với sự xuất hiện của Phật giáo, người phụ nữ Ấn không còn phải quá lo ngại và bị ngược đãi khi không sinh được con trai, vì vậy người ta đã nhận thức được rằng cuộc sống đời sau của người cha hoàn toàn tùy thuộc vào những hành vi hiện tại của ông, chứ không phải do sự cúng tế của người con trai hay con gái nào cả. Và sự kế nghiệp gia đình cũng không còn quá lệ thuộc vào người trưởng nam như trước. Ngày nay ở bờ biển Tây Ấn còn có một giai cấp Bà la môn rất xưa cũ gọi là Nairs có truyền thống chỉ trao quyền thừa kế cho con gái. Điều này có thể là do một ảnh hưởng của Đức Phật (…).
Trong Phật giáo hiện đại cũng thế, những công tác xã hội để hàn gắn những vết thương của đồng loại trong lúc gặp chiến tranh ách nạn, phần nhiều là do Ni và nữ Phật tử nhiều từ tâm xả kỷ. Hàng nữ xuất gia cũng như tại gia hiện tại cũng đóng một vai trò hộ trì không kém phần quan trọng đối với những công trình lớn lao của Giáo hội, thông thường là việc gây ngân quỹ.
Về phương diện tinh thần, đoàn thể Ni chúng là một tấm gương sáng, một niềm khích lệ an ủi cho nhiều phụ nữ bất hạnh trong sinh hoạt gia đình. Những lúc tinh thần căng thẳng rối loạn vì đời sống hôn nhân, họ đến chùa và được tăng thêm tự tin khi thấy có những người con gái đáng đầu con cháu họ đang dạn dĩ bước đi một mình trên đường đời, lấy Chân lý làm bạn và lấy chúng sinh đau khổ làm gia đình. Họ bỗng nhận ra rằng một gia đình nhỏ với dăm ba đứa con hóa ra không phải là mục tiêu duy nhất của người phụ nữ, nhiều phụ nữ khác có thể sống trọn vẹn hơn mà không cần gì đến những phụ tùng phiền toái như họ.
Biết bao nhiêu người đàn bà đau khổ đã được cảm hóa khi biết hướng tâm hồn của họ về ánh sáng Phật pháp thay vì quanh quẩn trong bóng tối của một bản ngã nhỏ hẹp với những vấn đề bất tận dàn ra trước mắt mà họ không thể nào giải quyết. Nhiều phụ nữ đã thú thật nếu không nhờ Phật pháp có lẽ họ đã hóa điên hay ra thân tàn ma dại. Quả thế trong thời buổi chiến tranh nhiều tang tóc này, chắc chắn Phật giáo đã cứu vớt rất nhiều phụ nữ. Bao nhiêu gia đình nhờ thấm nhuần chánh pháp mà giữ được bình tĩnh trước những tai biến tầy đình trút lên đầu họ.
Có thể nói trong một nước chịu nhiều chiến tranh, phụ nữ là thành phần đau khổ nhất. Vì họ là những người đã trực tiếp mang lại sự sống, nên cũng xót xa nhất trước cái chết của những người con. Nhưng nhờ Phật giáo, có những bà mẹ đáng lẽ héo mòn trong đau khổ, đã tìm thấy con đường phục vụ, tham gia công tác cứu khổ của Phật giáo để thấy Khổ đế lan khắp mặt đất chứ không riêng gì bản thân mình. Khi nhận ra điều này, cõi lòng họ sẽ lắng lại, và trong họ nảy sinh một tình thương lớn, lan dần, tỏa rộng ra đến tất cả mọi người và mọi loài đau khổ, nỗi khổ đau mà họ đã hơn một lần chứng thực.
Để kết luận, có thể nói Phật giáo đã đem lại một niềm an ủi vô bờ cho những phụ nữ đau khổ, đã mở ra một con đường vinh quang cho những phụ nữ có khả năng giác ngộ. Ngược lại, phụ nữ cũng đóng góp một phần quan trọng trong việc duy trì bảo vệ Chánh pháp.
Dưới ánh sáng tâm linh của Đức Phật, không có vấn đề kỳ thị mà trái lại, mọi người mọi loài đều được hiển lộ đúng chỗ của nó và đều quan trọng, đều cần thiết như nhau. Quan niệm bình đẳng giữa nam nữ càng được tỏ rõ trong đại thừa giáo như trường hợp Long nữ thành Phật trong kinh Pháp Hoa, hay trường hợp Phật thọ ký cho các Bà Ma ha ba xà ba đề và Da du đà la thành Phật, hoặc trường hợp trong kinh Duy ma cật với đoạn ứng đối hào hứng giữa Tôn giả Xá lợi phất và Long nữ.
Nhưng quan niệm bình đẳng của Phật giáo phải được đặt căn bản trên tài và đức thì sự bình đẳng ấy mới có ý nghĩa thực thụ chứ không phải chỉ có tính cách chính trị, mị dân. Chính người phụ nữ phải nỗ lực gột bỏ những thói xấu cố hữu và trau dồi những đức tính, khả năng của họ để tạo nên sự bình đẳng ấy chứ không phải ngồi một chỗ kêu gào người ta đem đến cho mình, vì khi ấy sự bình đẳng nếu có thì cũng chỉ trên lý thuyết.
Đức Phật dạy rằng chỉ có tự chúng ta làm cho chúng ta thanh cao hay hèn hạ, không ai khác có thể nâng cao hay hạ thấp phẩm giá của ta. Trong vấn đề phụ nữ cũng vậy, khi người đàn bà chấm dứt những tệ đoan thường thấy, khi họ không tự hạ giá bằng cách biến mình thành một thứ hoa chỉ để trang hoàng cho vui mắt, khi họ không quá chú trọng bề ngoài mà biết thực sự đề cao, theo đuổi những giá trị tinh thần tâm linh, biết sống vì chân lý, thì họ không có lý do gì để mặc cảm về thân phận mình, lại càng không có lý do gì để kiêu căng, mà chỉ sống như một con người, đơn thuần là một con người, và theo Phật giáo, đấy là một địa vị thuận lợi mở ra muôn ngàn khả năng đạt đến Tuyệt đối, Niết bàn.
Thích Nữ Trí Hải
Các Tin Khác