Phiền não tức bồ đề
TTPGO - Vì vậy Bồ đề tâm là cách chuyển hóa tối thượng nỗi khổ đau, vượt lên trên cái nhìn chấp ngã thông thường với ý thức lìa phân biệt, thấy cái Nhất thể trong mọi sự, thấy mọi sự mâu thuẫn trong đời như giàu sang – nghèo hèn, vinh nhục, khổ vui, thiện ác đều không thực, và mọi đối đãi khác như ta bà, tịnh độ.v.v… đều do Tâm tạo tác,Tâm tưởng tượng, nó không thực chất nên gọi là “tính không”.
>> Hiện tượng trùng tang dưới góc nhìn của khoa học thôi miên
Khi nói đến “Phiền não tức Bồ Đề” các luận sư, các cao tăng xưa nay đã đưa ra nhận thức rằng chính vì đau khổ, con người mới tìm được an lạc. Như vậy, khổ đây là nhân duyên tạo nên an lạc và giải thoát, nói một cách tương tự, chính hoa sen thơm ngát và tinh khôi đã vươn lên từ bùn lầy hôi tanh. Xác nhận sự hiện hữu của khổ đau như một quan điểm về nhận thức chứ không phải ca tụng cuộc đời trầm luân khổ hải để đi tìm “thú đau thương”, mà là xác nhận tính cách cần thiết của những chất liệu lý tưởng, để tiếp xúc thường trực với “đệ nhất khổ đế”, chân lý căn bản của Tứ Diệu Đế. Bởi vậy, các vị Bồ Tát đã lấy cuộc đời khổ đau làm môi trường rèn luyện, và lấy chất liệu đó để nuôi dưỡng lý tưởng giải thoát trên mảnh đất tam giới ô nhiễm. Nuôi dưỡng cho ý nguyện và ước vọng này là nhận thức thường xuyên về khổ đau hiện thực của kiếp nhân sinh.
Kinh “Nhất thiết lậu hoặc” có biện giải về lậu hoặc tức phiền não và phương pháp chuyển hóa một cách sâu rộng, có thể làm kim chỉ nam cho những ai quyết tâm tu học.
Theo kinh “Nhất thiết lậu hoặc” trình bày thì lậu hoặc tức là phiền não có thể nhìn trên 3 dạng thức:
Dục lậu: những bám chấp, vướng víu đối với 5 đối tượng giác quan là sắc, thanh, hương, vị, xúc và ý. Những tham đắm này đưa đẩy con người lọt vào (lậu) cõi dục nên gọi là dục lậu.
Theo A – Tì – Đạt – Ma câu xá thì cõi dục là cõi mà chứng sinh còn mong cầu ái dục, khát ái, mong muốn những đối tượng thỏa mãn ái dục. Theo quan điểm của Phật học, thế giới là toàn bộ gồm chủ thể bên trong và những đối tượng bên ngoài (nhưng kỳ thực chẳng có gì nhất định là trong hay ngoài), vì thế nên, thế giới được nhìn qua biểu hiện sự vận hành có sự hỗ tương giữa lục căn (nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt thân và ý); lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp) và lục thức (nhãn thức, nhỉ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức). Danh từ nhà Phật gọi tất cả là 18 giới. Khi chúng tương giao, tác dụng hòa hợp thì trở thành những chuỗi vận hành của sự sống, sinh khởi vạn pháp ở trong thế giới tâm sinh lý.
Chẳng hạn, khi mắt nhìn thấy sắc, thoạt đầu mới thấy được hình dạng, thấy có màu hay không.v.v… nhưng chưa phân biệt rõ ràng, tiếp đến cần có sự hỗ trợ can thiệp của ý thức và chính ý thức tập trung phối kiểm những dữ kiện của 5 thức, cảm quan, dùng ký ức và suy tưởng mới quyết định rõ ràng. Liền ngay đó, sự tiếp xúc giữa mắt và sắc, thọ sẽ phát sinh có thể tạo ra cảm giác: hoặc khó chịu đó là khổ thọ, hoặc thích thú dễ chịu đó là lạc thọ, hoặc bình thường gọi là xã thọ…
Sự hoạt động của 5 thức cảm quan trên dòng ý thức được ví như gợn sóng và nước: sóng là 5 thức cảm quan và nước là dòng ý thức. Năm thức cảm quan chia thành 2 loại: phù trần căn và tịnh sắc căn là hệ thống thần kinh cảm giác hoạt động rất vi tế.
Toàn bộ sự vận hành của căn, trần, thức (trừ ý thức) dẫn đến trạng thái khổ, lạc, xã hoàn toàn rất tự nhiên, thụ động nên gọi là vô nhân, đúng ra nó do nhân quá khứ từ bao đời, nay là quả, thể hiện theo luật nhân quả nghiệp báo.
Quá trình vận hành cũng diễn biến tương tự cho tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân va chạm. Cái nghe, cái thấy, cái ngửi, cái nếm hoàn toàn không khổ, không lạc, chỉ xả. Chính thân thức mới thọ khổ, thọ lạc, con người thường đồng nhất nó với cái ta, thành ra cái ta chỉ là ảo tưởng. Niềm tin có ta là có khổ, khổ cho cái thân ta, “hữu thân hữu khổ” là một cảm nhận thông thường của người đời chứ không phải là tư tưởng triết lý sâu xa nào cả. Nhà đạo học Lão Tử cũng chẳng đã than “ta có vạ lớn vì ta có cái thân, nếu ta không có cái thân thì sao có vạ lớn được” [Đạo đức Kinh].
Phật giáo cũng đồng quan điểm như vậy, một phần hữu thân hữu khổ, nhưng thấy sâu xa hơn, thấy cái ta chính là nguồn gốc của mọi khổ não và phát sinh ra vô vàn cái khổ khác cho chính ta và đồng loại như gian dối, tham lam, ích kỷ, hận thù, sát hại, chiến tranh.v.v…
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng khi không còn có ý thức về cái ta thì có sung sướng hạnh phúc. Đây là quan điểm hư vô, Phật học gọi là đoạn kiến và không chấp nhận. Phật học nhìn thẳng vào cái ta và cho rằng nó chỉ là giả tạm là ảo tưởng, cái nhìn trí tuệ này con người mới tìm được an lạc cho chính mình, cho tha nhân và cho cả thế giới quanh ta.
Hữu lậu: là tham ái cõi sắc giới và vô sắc giới. Trong cõi sắc chỉ còn 14 giới trong đó 18 giới đã loại trừ 2 căn mũi, lưỡi và 2 tỷ thức, thiệt thức. Thác sinh lên cõi sắc chỉ cho nhưng ai ly dục đối với loại thực phẩm thức của mũi và thức của lưỡi. Trong cõi vô sắc chỉ còn có ý, pháp và ý thức giới – những ai ly dục hoàn toàn với sắc mới thác sinh ở đây. Đây là phiền não của những người tu tập.
Vô minh lậu: là không hiểu rõ nguyên lý Tứ thánh đế. Đây là phiền não cơ bản của tất cả chúng sinh. Tứ thánh đế là 4 sự thật để đạt chân lý vi diệu cứu cánh tức Niết Bàn. Bốn thành đế, gồm: khổ, tập, diệt, đạo. Khổ là thánh đế thứ nhất mà ta phải nhận diện tìm hiểu. Tập là những nguyên nhân đưa tới khổ, gồm những dinh dưỡng vật chất và tinh thần cần phải chuyển hóa. Diệt là sự vắng bặt, là sự loại trừ các nguyên nhân đưa tới đau khổ. Đạo là con đường, là các phương pháp thực tập đưa đến sự vắng bặt của những nguyên nhân gây đau khổ.
Theo Kinh Thắng Man, đức Phật chỉ dạy một đế là Diệt đế vì theo các luận sư ba đế còn lại là Khổ, Tập, Đạo thuộc vào tướng hữu vi nên vô thường mà vô thường là hư vọng, là giả lập. Như vậy Tứ thánh đế hàm dung tính nhất quán triệt để, tương quan mật thiết không thể tách rời nhau và chứng Diệt đế tức Niết Bàn có nghĩa là thấy tận được Khổ là không thật, là huyển hóa có tính giai đoạn và thấy được nguyên nhân của khổ (Tập đế) – đó là lối nhìn sai lầm, là do tri giác sai lầm, là vọng tưởng sinh ra dục, sinh ra ham muốn đam mê. Tâm ý bị đắm trước, bị tư kiến, thêu dệt hư vọng dẫn đến những cấu nhiễm về thân tâm, về vũ trụ từ bao đời, bao kiếp đã huân tập, thấy có cái ta và cái của ta từ đó mà khởi lên tham lam, sân hận, si mê. Vậy để đoạn trừ lối nhìn sai lạc này ta phải thay đổi cách nhìn và đi theo phương pháp Bát chánh đạo của đức Phật (Đạo đế) đã hướng dẫn, trong đó đứng đầu là chánh kiến tức thấy đấng như thật. Thấy đúng như thật thì Niết Bàn hiển lộ, Khổ, Tập sẽ tự tiêu tan. Như vậy Diệt đế tức Niết Bàn không đâu xa ở ngay trước mắt của ta, chỉ cần ta thay đổi cái thấy cách nhìn. Nhưng để hiểu Niết Bàn ra làm sao, như thế nào ta Kinh Thắng Man dạy: “Niết Bàn siêu việt mọi tư duy mô tả”. Chỉ cần ta theo đúng con đường mà đức Phật dạy, nương theo đó mà tự tu, tự chứng khi đó ta biết nó ra sao, tựa như người nếm mật thì chỉ riêng người ấy mới biết được vị ngọt của mật thế nào, làm sao mô tả cho người khác cảm nhận được hương vị đó.
Theo các kinh luận, Đức Phật đã dạy một phương pháp tối thượng đó là sự chuyển hóa năng lực của Tâm, tức chuyển hóa tam độc tham ái, sân hận, si mê thành giới, định, tuệ.
Nhận diện ra vọng tâm là sào huyệt của cái khổ.Khổ cũng như vui là một cảm thọ do đó không có cảm thọ thì không khổ. Cảm thọ tức là nhận vào, thu nạp vào một cảm giác – người ta thường quen nói “cảm thọ của tôi”. Trong cuộc sống, dù ở hoàn cảnh nào thuận lợi hay không thuận lợi, dù giàu sang phú quý, dù cơ hàn, con người vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì, cái gì đó chưa trọn vẹn, chưa toại ý thỏa lòng, với các mối bận tâm thế tục như còn mất, vinh nhục, hơn thua, sống chết.v.v… nói chung là khổ vì tâm dao động bởi những cuộc thăng trầm, thị phi.
Nguồn gốc của đau khổ chính là sự cảm thọ do chấp ngã, đeo bám vào quan niệm về cái tôi hay còn gọi là ngã tưởng. Kinh Kim Cương gọi là “vô minh cơ bản” tức là si mê. Nếu đã chấp có ta và đồng thời chấp cái khác ta, những gì thích hợp với ta thì lo toan chiếm hữu (tham), không phù hợp thì rẽ rúng, ghét bỏ (sân). Các vọng tưởng căn bản chính là sự phiền não phát sinh ra sinh tử luân hồi, thiên đường và địa ngục, mê và ngộ.v.v…
Theo Duy thức học, vọng tưởng căn bản còn được gọi là những bất thiện tâm sở, có nghĩa tất cả đều sở hữu của Tâm, tâm thì vô hình vô tướng nhưng có một sức mạnh chi phối toàn bộ sinh tử, mê ngộ, vui buồn, đau khổ và hạnh phúc.v.v.. Vấn đề phải nhận thức ra rằng tâm này rất hoang vu và lắm gai góc tạo ra đau khổ cho chính mình và những người chung quanh.
Trong kinh Tăng nhất A hàm, đức Phật có dạy rất nhiều lần:
“Ta không thấy một Pháp nào khác, này các vị khất sĩ, có thể đưa đến lợi ích lớn như là Tâm được điều phục, được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ. Tâm được điều phục, được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ, này các vị khất sĩ, sẽ đưa đến lợi ích lớn”.
Như vậy tâm thức giữ một vai trò căn bản trong những cảm nhận của con người về sự đau khổ và hạnh phúc. Bước đầu điều phục tâm là nhận diện cái khổ chính là sự chấp ngã, tri giác sai lầm là vọng tưởng, là vô minh. Ngã chấp là xác tín rằng có một chủ thể thường gọi là Ta độc lập trong cái hình hài này. Cái ảo tưởng này đã bó chặt con người vào dòng sinh tử luân hồi từ vô lượng kiếp và ngay trong thực tại của kiếp nhân sinh còn quy lụy con người sống không dược an lạc và có lắm hành vi bất thiện gây đau khổ cho chính mình và đồng loại. Thành trì của ngã chấp biểu hiện qua bốn phạm trù ý tưởng: ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.
Theo quan điểm nhà Phật, đây là bốn vọng tưởng, chỉ là cái nhân sai lầm, vô minh dẫn đến vô vàn đau khổ. Vì vô minh nên có thể dạng tâm thần bất trị hay một tâm thức không thể kiểm soát được, luôn luôn có một động lực thúc đẩy đứng phía sau mọi hành vi, ta có thể xem nó là nghiệp. Nghiệp có nghĩa là mọi hành vi đã giam hãm ta trong chu kỳ tiêu cực như sân hận, nghi ngờ, ác kiến, kiêu mạn và ái dục.v.v…
Con người hiện hữu gọi là y báo luôn luôn đồng hành với hoàn cảnh là chánh báo. Sự tác thành một con người, theo cách nhìn của Phật học, ngoài nghiệp đời trước do kiết sinh thức đem lại, còn chịu sự tác động của môi trường xã hội, mối tương quan gắn bó này lại thuộc về quả dị thục. Mỗi thiện nghiệp hay ác nghiệp đều sinh khởi ra hoặc là thói quen, quả báo chính thức trên thân thể hoặc là hoàn cảnh. Từ quan điểm này, cho thấy nghiệp là nguồn gốc của sự đau khổ và sự chấm dứt đau khổ là một thể dạng cao nhất của hạnh phúc. Chính là giải thoát hoàn toàn.
Giải thoát theo ý nghĩa là đạt Niết Bàn, Niết Bàn là tắt lịm, tỉnh tịch. Làm tắt lịm những nguyên nhân của đau khổ, dứt tiệt những nguyên nhân gây đau khổ và đạt đến trạng thái an lạc, không còn bị khổ đau dằn vặt nữa, đó gọi là giải thoát, là Niết Bàn hay là diệt độ. Ở mức độ thân sâu siêu việt hơn, giải thoát là cái nhìn mọi sự thể dưới ánh sáng của tuệ giác qua đó tất cả đều là biểu hiện của Pháp thân, dù đó là mùa xuân hay mùa đông, dù là ao tù lầy lội hay lung linh hùng vĩ.
Chuyển hóa đau khổ tức là chuyển hóa phiền não thành bồ đề. Bồ đề có nghĩa là giác ngộ. Trong thời Phật giáo nguyên thủy, Bồ đề là từ chỉ trạng thái chứng ngộ được Tứ thánh đế, trong Đại thừa khái niệm Bồ đề được hiểu là trí huệ nhận ra sự không khác biệt giũa Niết bàn và luân hồi sinh tử, giữa khách thể và chủ thể. Bồ đề là chứng được trí Bát nhã, nhận ra được tính Không của thế gian, nhận biết tất cả mọi tồn tại đều là duyên khởi nên hệ luận tất yếu là bản chất của vạn pháp đều mang ý nghĩa Không.
Không ở đây chỉ là không có tự tính, nội hàm là từ bản chất của các pháp không có bản tính độc lập, tùy thuộc vào các pháp khác mà hiện hữu (cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh).
Hầu hết các kinh sách đều nêu ra 3 cánh cửa vượt thoát khổ đau là buông bỏ, phát bồ đề tâm và chánh kiến.
Chánh kiến là cái nhìn đúng như thật về mình, về mọi người và về thế giới không bị tam độc tham sân si chi phối và bị giả tướng đánh lừa. Sự diễn tả nội dung chánh kiến luôn luôn bắt đầu từ những tình huống dễ hiểu, chẳng hạn nói chánh kiến là cái thấy về thiện ác, nhân quả: ăn mặn thì khát nước, gieo gió thì gặt bão.v.v… Tóm lại, bất luận lời nói nào, ý niệm nào chứa đựng được hạt chân lý của Phật Pháp đều có ít nhiều chánh kiến. Ví dụ như khi chấp ngã, chấp cái ta, thì cái nhìn đã phân ranh cái bên trọng và bên ngoài ta và mãi bị cuốn hút theo những đối tượng bên ngoài của tham và của sân. Cái ta đã lãng quên thực tại đang là nơi bản thân sự sống và không nhận thức được thực tại sự sống, chính là khởi điểm của vô mình.
Cái ta là một ảo tưởng có nguồn gốc từ những ý niệm mơ hồ, và ảo hóa không cùng, nó chỉ được phát hiện dưới nhiều hình thức như tính ích kỷ, tham dục, nôn nóng, chấp hữu, đối kháng.v.v… Thấy được như vậy có thể tạm gọi là có chánh kiến về Tính không và đó cũng còn gọi là đến bờ bên kia (bà la mật) hay sự giải thoát khỏi ranh giới hữu hạn của bờ bên này.
Từ bỏ là hạnh xả có trí tuệ, thoát ly được cách nhìn có cái ta riêng lẻ, biệt lập với những cái không phải ta, mà không thấy được vạn hữu đều chịu sự chi phối của lý duyên sinh nhân quả trùng trùng giữa cái ta với mọi người, mọi vật trong không thời gian. Vậy từ bỏ cái thấy, cái nhìn nặng ngã chấp thì đã giảm trừ được vô số đau khổ. Nguyên nhân của khổ nằm ngay trong Tâm, đó là một khám phá sâu sắc, thế cho nên đức Phật đã hoan hỷ tuyên bố “ta đã tìm ra kẻ làm nhà, từ nay nó không còn làm nhà được nữa”.
Với Phật nhãn, Ngài đã nhìn thấy chúng sinh đều có Phật tính tức khả năng giác ngộ như Ngài, nhưng lại trầm luân khổ não chỉ vì cái thấy sai lầm điên đảo: vô thường lại cho là thường, vô ngã lại cho rằng ngã, bất tịnh lại thấy tịnh. Chính vì lòng từ bi rộng lớn, Ngài từ bỏ sự an lạc của Niết Bàn, ra đi hành đạo giáo hóa chúng sinh suốt 49 năm. Hạnh này của Đức Phật các kinh điển gọi là Bồ đề tâm.
Như vậy Bồ đề tâm là thể chất đại trí và đại bi, là tâm tự giác thánh trí, phát đại nguyện giáo hóa kẻ khát đạt giác ngộ.
Vì vậy Bồ đề tâm là cách chuyển hóa tối thượng nỗi khổ đau, vượt lên trên cái nhìn chấp ngã thông thường với ý thức lìa phân biệt, thấy cái Nhất thể trong mọi sự, thấy mọi sự mâu thuẫn trong đời như giàu sang – nghèo hèn, vinh nhục, khổ vui, thiện ác đều không thực, và mọi đối đãi khác như ta bà, tịnh độ.v.v… đều do Tâm tạo tác, Tâm tưởng tượng, nó không thực chất nên gọi là “tính không”.
Trong Trung quán luận, Đại sư Long Thọ đã đặt sự hiện hữu không tỉnh thức tức trong vòng luân hồi sinh tử và sự hiện hữu tỉnh thức giác ngộ tức Niết Bàn ngang bằng với nhau và thể dạng này hay thể dạng kia đều hoàn toàn rổng không về hiện thực (tức tính không) ngự trị trong cùng một tâm thức.
Thế cho nên hành giả thấy được khổ, thấy được nguyên nhân khổ để đi đến diệt khổ bằng cách loại trừ nhân, đạt được giải thoát tức Niết Bàn. Giải quyết vấn đề sinh tử cho riêng mình thì chưa xong vì Niết Bàn ở thể dạng này còn hạn hẹp, còn biên giới ngăn sách sinh tử mà cần phải đi xa hơn, cần phải thấy sinh tử và Niết Bàn không phải là hai, phiền não vốn là bồ đề.
Theo các luận sư Phật học, ở cấp độ này hành giả còn đang ở trong Hữu dư Niết Bàn – Hữu dư ở đây không phải là thân ngũ uẩn mà là những cái khổ đau còn rơi rớt do tàn dư nghiệp báo. Niết Bàn của Phật là Niết Bàn tuyệt đối hay Niết Bàn vô trụ xứ không còn biến giới ngăn cách sinh tử dù ở ngay trong dòng sinh diệt, mà các Ngài luôn luôn tịch diệt. Vì vậy trong các kinh Đại Thừa có mô tả một hình ảnh Bồ Tát cỡi trên sóng sinh tử mà đi, nghĩa là tuy có sinh có tử mà Bồ tát không chìm đắm trong sinh tử, tuy còn thân thể, đang cỡi trên pháp thuyền nhưng không thấy đau khổ, vẫn ân trú trong Niết Bàn tuyệt đối.
* * *
Ta thường bắt gặp những chiều hè oai bức, các tia nắng chiếu xiên qua màn sương sau cơn mưa tạo thành hình cầu vồng ngũ sắc, trông sặc sỡ và đẹp vô cùng, nhưng nó cũng nhanh biến mất, thật tiếc nuối. Những hiện tượng phù du như mây, gió, vẫn diễn biến trong bầu trời chân thường, nếu không có vô minh, ngã chấp thì thấy vô thường là thường:
“Chim vẫn bay quanh từ vạn kỷ
Gió thật xưa, mây thật già nua”
Muốn thoát khổ phải mở rộng cái nhìn để thấy với trí tuệ vô ngã, thấy cuộc đời là phù du, là mộng ảo, để thấy rằng sống chết cũng chỉ là mộng ảo trong cái vô thường như bọt sóng giữa bể khơi nổi lên rồi tan tác vào biển cả
Kiếp phù sinh như hình bào ảnh
Có câu rằng: Vạn cảnh giai không”
Thấy như thế là thấy Pháp thân của Phật thì sẽ không còn đau khổ nữa. Thấy vạn vật như huyển, chúng hiện hữu, nhưng không hiện hữu như cách ta suy nghĩ. Trong đời sống ta cứ tưởng là nắm được thực tại, kỳ thực đó chỉ là ảo giác về thực tại, vì theo lý vô ngã và duyên sinh mà vạn pháp hiện hữu, nên chúng chỉ là các hình tướng khái niệm không thật. Có lìa hình tướng thì mối thực chứng được vô ngã, có vô ngã thì mới an được tâm. Cho nên Đức Phật đã dạy “tất cả những gì mang hình tướng khái niệm đều là giả trá hư ngụy, chỉ khi nào vượt thoát được danh tướng khái niệm ta mới thấy được Pháp thân của Phật”.
Lìa tướng, bỏ ngã luôn luôn là cuộc nối chiến rất căm go thường trực đối với mỗi người tu học, có lẽ đúng như Stcherbatsky, một triết gia, một nhà nghiên cứu Phật học lỗi lạc Tây phương khi đang ngồi viết Buddhist Logic phát biểu: “nói cái ghế tôi đang ngồi là không, thì thật là đầu óc điên rồ, nhưng tôi vẫn biết nó là không”.
Đặng Công Hanh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. A – tì – đạt – ma Câu xá: Tuệ sỹ dịch và chú, NXB Phương Đông, 2012
2. Kim Cang: Nhất Hạnh, NXB Lá Bối, 1992.
3. Trí Tuệ giải thoát: Vũ khí Ngọc NXB Thời Đại, 2012.
4. Đập vỡ vỏ hồ đào: Thích Nhất Hạnh, NXB Tổng hợp TPHCM, 2011.