Vì sao người ta lại nói: ‘Mượn hoa dâng Phật’?
“Mượn hoa dâng Phật” vốn có nguồn gốc từ câu thành ngữ Hán Việt “Tá hoa hiến Phật”, là một định ngữ trong Phật giáo, kể lại câu chuyện mối nhân duyên đời xưa của Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi tu thành chính quả với người vợ của Ngài.
Truyền thuyết kể rằng: Trước khi tu thành chính quả, Phật Thích Ca Mâu Ni đã trải qua luân hồi nhiều đời. Một trong những đời đó, Ngài là người tu hành Bà La Môn, gọi là Thiện Huệ. Một lần, Thiện Huệ khi đó 16 tuổi tham gia đại hội biện luận của các tăng lữ, được một ít đồ cúng dường, cậu bèn trở về Tuyết Sơn cúng dường sư phụ.
Giữa đường, cậu đi qua một địa phương gọi là thành Liên Hoa. Trong thành trang hoàng vô cùng trang nghiêm thù thắng, thì ra Phật Nhiên Đăng sắp đến đây thuyết Pháp giáo hóa. Thiện Huệ nghĩ: “Chư Phật không cần đồ cúng dường tiền tài, mà vui nhất là cúng dường bằng Pháp, nhưng mình lại chưa đắc Pháp, vậy thì mua hoa cúng Phật”. Nhưng cậu đi tìm tất cả những cửa hàng hoa mà cũng không mua được một bông. Thì ra quốc vương đã bao tiêu tất cả các cửa hàng hoa, ông muốn đem hoa cúng Phật, nên hạ lệnh cho các cửa hàng hoa không được phép bán hoa cho người khác.
Thiện Huệ đi tìm tất cả những cửa hàng hoa mà cũng không mua được một bông. (Ảnh minh họa: soccersuck.com)
Thiện Huệ đi khắp nơi tìm kiếm, gặp một thiếu nữ áo xanh đang lấy nước, thấy cô cất giữ 7 bông hoa sen xanh (Utpala) ở trong bình nước. Thiện Huệ vô cùng vui mừng, muốn dùng 500 lượng vàng mua hoa.
Thiếu nữ áo xanh nói: “Tôi muốn dùng những bông hoa này cúng dường Phật Đà”.
Thiện Huệ hỏi: “Vậy cô có thể bán cho tôi 5 bông, cô giữ 2 bông được không?”
Thiếu nữ hỏi: “Anh mua hoa làm gì?”
Thiện Huệ đáp: “Tôi muốn mua hoa cúng dường Phật Nhiên Đăng, để cầu tương lai thành tựu Phật quả”.
Thiếu nữ ngắm nhìn kỹ cậu, sau đó nói: “Tôi thấy anh phát tâm dũng mãnh, cầu Pháp tinh tấn, tương lai sẽ thành đại quả vị. Nếu anh đáp ứng với tôi rằng, trước khi anh đắc Đạo thì sẽ đời đời lấy tôi làm vợ, sau khi đắc Đạo thì cho phép tôi xuất gia làm đệ tử của anh, thế thì tôi sẽ tặng hoa cho anh”.
Thiện Huệ nói: “Để đắc Đạo, tôi sẽ buông bỏ hết thảy phú quý vinh hoa, bao gồm cả vợ con, cô có nguyện ý không? Hơn nữa, nếu vì tình yêu của cô mà trở ngại tôi tu Đạo, tội nghiệp của cô sẽ rất lớn. Nếu cô có thể phát nguyện, tương lai tuyệt đối không cản trở hết thảy việc bố thí của thôi, thì tôi sẽ đáp ứng với cô đời sau sẽ lấy cô làm vợ”.
Đôi thiếu niên nam nữ này đều có tâm kiên định cầu Đạo, thế là cùng cam kết với nhau. Thiếu nữ đưa cả 7 bông hoa cho Thiện Huệ, hai bông trong số đó, nhờ cậu thay cô dâng lên cho Phật Đà.
Khi đó, quốc vương và đại chúng đều ra khỏi thành nghênh đón Phật Nhiên Đăng. Thiện Huệ cũng nhanh chóng đến cổng thành, đem 7 bông hoa sen tung lên không về phía Phật Nhiên Đăng. 5 bông hoa quay xuống dưới, giống như một cái lọng vàng che phía trên đỉnh đầu Phật Đà, còn hai đóa hoa của cô thiếu nữ áo xanh kia cúng dường cũng nở trên hai vai Phật Đà.
Lúc đó mặt đất ẩm ướt, còn có một rãnh nước; để tránh làm bẩn chân Phật, Thiện Huệ cởi chiếc áo da hươu của mình ra, trải lên mặt đất, lại lấy tóc của mình trải lên, mặt cúi trên chỗ lầy lội, để Phật Đà giẫm lên thân thể mình đi qua.
Thiện Huệ cởi chiếc áo da hươu của mình ra, trải lên mặt đất, lại lấy tóc của mình trải lên, mặt cúi trên chỗ lầy lội, để Phật Đà giẫm lên thân thể mình đi qua. (Ảnh: epochtimes.com)
Phật Nhiên Đăng cảm niệm được sự thành kính từ nội tâm của Thiện Huệ, thế là Ngài thọ ký cho cậu và nói: “Vô lượng kiếp sau, con nhất định thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni”.
Đây chính là nguồn gốc câu thành ngữ “Tá hoa hiến Phật”.
Chữ “hiến” trong câu “Tá hoa hiến Phật” không chỉ có nghĩa là cúng dường, dâng cúng trên bề mặt, mà còn tượng trưng cho lòng thành tín xả thân cầu Phật. Chữ “hoa” ở đây có nghĩa là hoa Utpala (Ưu bát la hoa), tức là hoa sen xanh.
Thiếu nữ áo xanh sau này trở thành vợ của Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi đắc Đạo, tức thái tử phi Da Du Đà La (Yasodharā). Sau này quy y Phật môn, bà trở thành tỳ kheo ni đầu tiên, chứng ngộ được quả A La Hán.
***
Quốc vương mua hoa cúng dường Phật Nhiên Đăng đương nhiên cũng là lòng chân thành, mong muốn thông qua cúng dường Phật mà thoát khỏi bể khổ trần thế, kiến lập công đức cho mình. Nhưng ông không cho phép người khác mua hoa cúng Phật, do đó lòng thành tín của ông đối với Phật là vị tư, là vì lợi ích cá nhân.
Thiếu nữ áo xanh cúng dường Phật là vô tư, cô có thể buông bỏ độc hưởng, nguyện ý chia sẻ công đức với người khác.
Thiện Huệ và thiếu nữ áo xanh cúng dường Phật đều không vì cầu phúc báo, chỉ vì đắc Đạo chân chính.
Vì kính Phật, Thiện Huệ thậm chí không tiếc hết thảy mọi giá. Do đó “Tá hoa hiến Phật”, mấu chốt không phải là “hoa”, mà là là cái tâm chí thành xả bỏ hết thảy.
(Tham khảo: “Kinh nhân quả quá khứ hiện tại”, “Phật bản hành tập kinh”, “Thành ngữ đại từ điển” và “Đôn Hoàng biến văn: Truyền thuyết xưa trong hang đá”).
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nhất Tâm biên dịch