Trung Thu kể sự tích Hằng Nga và chú Cuội
Rằm tháng Tám hằng năm là Tết Trung thu, là lúc trăng tròn nhất trong năm người dân mọi nơi lại náo nức chào đón tết, cùng ngồi trông trăng phá cỗ.
Trong tâm thức người Việt Nam, sự tích trung thu gắn với hình anh chị Hằng và chú Cuội. Tối hôm rằm là ngày chị Hằng và chú Cuội trên cung trăng xuống trần gian vui chơicùng các em nhỏ, đêm rằm 15 trăng thường tròn và sáng nhất, mọi người cùng trông trăng và phá cỗ bên cạnh những người thân yêu của gia đình. Thế nhưng, sự tích về chị Hằng Nga và chú Cuội đâu phải ai cũng biết
Theo truyền thuyết của người Trung Quốc
Người Trung Quốc gọi Trung thu là ngày trăng tròn nhất năm theo phiên dịch từ tiếng Hán. Sự tích gắn với cặp vợ chồng Hậu Nghệ và Hằng Nga.
Hậu Nghệ và Hằng Nga là cặp vợ chồng sống trên mặt trăng, Hằng Nga là người có sắc đẹp tuyệt trần còn Hậu Nghệ là người bất tử do đó khiến nhiều vị thần ghen ghét rắp tâm hãm hại, khiến cho vợ chồng bị vu oan và bị vua Nghiêu đuổi khỏi hoàng cung xuống trần gian.
Tuy nhiên, khi xuống trần gian, Hậu Nghệ lại tài năng với sở trường săn bắn đạt mức xạ thủ có tiếng trong dân gian, được nhiều người biết đến.
Theo tương truyền khi đó, có 10 mặt trời cùng tồn và xuất hiện hằng ngày thiêu đốt mọi sinh linh trên mặt đất. Khi đó, Vua Nghiêu đã sai Hậu Nghệ bắn rơi 9 mặt trời và để lại một cái mà thôi, và chàng đã làm được nhiệm vụ được giao. Lúc này, Vua ban cho Hậu Nghệ một viên thuốc trường sinh bất lão và căn rặn, không được uống bây giờ mà nên về nhà ăn chay cầu nguyện và một năm sau mới được uống.
Hậu Nghệ làm theo lời nhà Vua dặn và cất viên thuốc lên nóc nhà. Độ nửa năm, Vua cho mời Hậu Nghệ lên kinh thành chơi, ở nhà Hằng Nga phát hiện ra viên thuốc thần kỳ này đã uống ngay lập tức. Khi Hậu Nghệ trở về cũng là lúc Hằng Nga bay lên mặt Trăng, từ đó hai vợ chồng cách biết, Hằng Nga mãi mãi không thể quay về trần gian.
Hậu Nghệ ở lại trần gian nhớ thương vợ, chàng quyết định xây một lâu đài trong mặt trời và đặt tên là “Dương” trong khi đó Hằng Nga cũng xây một lâu đài tương tự và đặt tên là “Âm”. Hằng năm, cứ vào ngày rằm tháng 8 đôi vợ chồng được đoàn viên, cũng bởi thế mà mặt trăng luôn thật tròn và sáng như gương vào ngày này, ý niệm nói là sự vui mừng, hân hoan khi gặp mặt của con người.
Sự tích Hằng Nga – chú Cuội ở Việt Nam
Truyền thuyết Trung Quốc là vậy, còn ở Việt Nam lại gắn với sự tích Hằng Nga và chú Cuội.
Tương truyền kể rằng, Hằng Nga là một tiên nữ xinh đẹp trên cung trăng, là người cai quản Vầng trăng. Nàng có sở thích chơi đùa với trẻ con vì thế nàng rất muốn xuống trần gian để vui chơi, tuy nhiên nàng là tiên nên không được tự do tự tại đi lại.
Thế rồi, có đợt Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi “Làm bánh ngày rằm” vào ngày rằm tháng 8 - là ngày mà trăng tròn và sáng nhất trong năm. Giải thưởng mà Ngọc Hoàng đưa ra là ai thắng cuộc sẽ được trọng thưởng bất kỳ gì mong muốn.
Hằng Nga bắt tay vào việc làm bánh bằng cách xuống trần gian tham khảo và rồi nàng gặp được chàng Cuội – Người nổi tiếng là nói phét, chuyên tụ tập với bọn trẻ nhỏ dưới gốc cây đa đầu làng kể chuyện trên trời dưới bể.
Thế nhưng, cậu lại có tài nấu nướng giỏi lắm, bọn trẻ trong làng thường được Cuội nấu nướng hay làm bánh cho ăn vì thế bọn chúng rất quý Cuội. Hằng Nga tìm đến Cuội nhờ vả. Thế rồi, Cuội bảo cứ cho tất cả các nguyên liệu ấy nhào trộn lên rồi đem nướng, trong đó có các loại như trứng, hạt dưa, thịt, mè, hạt sen, lạp xưởng...
Kỳ lạ thay, chiếc bánh nướng lên lại thơm phức, ngon miệng đến lạ lùng, khiến bọn trẻ đều thích thú nhưng mỗi tội hình thức không đẹp lắm. Hằng Nga thích thú và quyết định mang số bánh đó về cung đình dự thi.
Khi chia tay mọi người để về thiên đình thì Cuội nuối tiếc Hằng Nga không muốn rời xa nên đã nắm tay nàng. Chẳng hiểu vì sao, Cuội cùng cây đa đầu làng lên cung trăng theo Hằng Nga. Lên cung trăng rồi, mỗi khi leo lên cây đa chàng có thể nhìn thấy bọn trẻ đang vui đùa dưới trần gian. Cuội nhớ nhà, nhớ bọn trẻ nhưng chẳng có cách nào để xuống trần gian.
Hằng Nga đem bánh đi dự thi và được đạt giải Nhất, Ngọc Hoàng thích thú và đặt bánh với tên gọi là Bánh Trung Thu và nàng được ngài ban cho một điều ước. Nàng ước rằng mỗi năm đến dịp ngày rằm tháng 8 sẽ được cùng Cuội xuồng trần gian để ban phát niềm vui và vui chơi cùng các em nhỏ. Điều ước được chấp nhận và Ngọc Hoàng đặt tên cho ngày rằm tháng 8 là "Tết Trung Thu" - dịp tết vui chơi của các em nhỏ.
Và từ đó, cứ đến tết Trung thu là chị Hằng và chú Cuội lại xuống trần gian để chơi với các em nhỏ. Và món bánh khi ấy trở thành món bánh đặc trưng cho ngày tết này.
Kể từ đó, trong tiềm thức mọi người rằm tháng Tám là lúc chị Hằng Nga và chú Cuội xuống trần gian vui chơi. Vào dịp trung thu, các hoạt động như múa lân, rước đèn ông sao được các em thích thú. Mỗi gia đình đều chuẩn bị mâm cỗ để cúng giữa sân rồi cùng nhau trông trăng và phá cỗ. Dịp Trung thu cũng là dịp để mọi con đi làm ăn xa về nhà đoàn viên…
(Sưu tầm)