So sánh văn hóa trà Việt với văn hóa trà Trung Hoa
Ngày đăng: 20:26:27 05-10-2014 . Xem: 13341
1. Nguồn gốc, phân loại, công dụng và quá trình truyền bá của cây chè/ trà.
Có những thứ không chép nghiêm túc thành sách, nó nằm tản mác đâu đó trong câu truyện hay câu thơ, nhưng không thể nói là không có văn hóa. Trà cũng vậy, có những văn hóa riêng xoay quanh nó, Chúng ta đều có thể bắt gặp man mác hồn trà trong những câu chuyện, câu thơ, những lời đàm đạo giữa cuộc đời :

Có những thứ không chép nghiêm túc thành sách, nó nằm tản mác đâu đó trong câu truyện hay câu thơ, nhưng không thể nói là không có văn hóa. Trà cũng vậy, có những văn hóa riêng xoay quanh nó, Chúng ta đều có thể bắt gặp man mác hồn trà trong những câu chuyện, câu thơ, những lời đàm đạo giữa cuộc đời :
Nhị sen thơm ngát giữa lòng son
Ướp quyện trà quê để nỉ non
Ngọt chát sẻ chia tình đậm nhạt
Trẻ già đàm đạo chuyện vuông tròn
Ướp quyện trà quê để nỉ non
Ngọt chát sẻ chia tình đậm nhạt
Trẻ già đàm đạo chuyện vuông tròn
Cây chè là loại cây có lịch sử trồng trọt lâu nhất, lá cây xanh quanh năm, có hoa màu trắng. Cây chè được trồng khoảng 5 năm và thu hoạch trong khoảng 25 năm. Cây chè chỉ mọc ở những vùng không có sương muối, mát mẻ, thích hợp với vùng có lượng mưa trung bình khoảng 3000ml/ năm, và ở độ cao 500-1000m so với mực nước biển. Các vùng thích hợp để trồng chè là phía nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Bắc việt Nam và phía đông bang Asssam của Ấn Độ. Nguồn gốc của cây chè là vùng bắc Đông Nam Á cổ đại. Cây chè nguyên thủy được xem là có từ 4-5 nghìn năm trước đây. Khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy những dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở Phú Thọ. Vùng bắc Đông Nam Á cổ đại hiện nay có rất nhiều cây chè cổ thụ.
Trong dân gian hiện hay lưu truyền khá nhiều truyền thuyết về cây chè nhưng chủ yếu ở Trung Hoa, Ấn Độ và Nhật Bản. Người Việt dùng từ “chè”, còn từ “trà” là từ mượn từ tiếng Hán, chỉ dùng để chỉ sản phẩm đã qua chế biến. Các kết quả nghiên cứu khảo cổ kết hợp với tra cứu sử sách của Việt Nam và Trung Quốc đều cho thấy rằng tuy Trung Quốc được xem là nơi truyền bá việc uống trà, nhưng cây chè lại là cây bản địa của Việt Nam, có thể gọi Việt Nam là một trong những quê hương của cây chè cổ, điều này được khẳng định cả trong và ngoài nước. Từ Trung Quốc, cây chè bắt đầu truyền bá sang Triều Tiên (năm 647), Nhật Bản (truyền vào bán đảo Korea vào thế kỉ VII và thời nhà Đường thế kỉ VIII), Trung Á và Tây Á (thiên niên kỉ thứ nhất và đến Ả Rập vào thế kỉ I), Châu Âu (năm 1577). Trên mặt kinh tế, rất có thể sự vươn lên của Trung Hoa trong thế kỷ 21 này sẽ có một phần đóng góp không nhỏ của trà - một loại nông phẩm độc đáo - và ấm tầu - một dụng cụ và cũng là một loại nghệ phẩm đặc biệt. Cho nên, khi nhìn vào phương thức chiếm lĩnh thị trường, sau thời kỳ sản xuất những món hàng thông dụng rẻ mạt, tiếp đến phải là giai đoạn của những sản phẩm đặc thù - có một không hai, không có sản phẩm tương tự để thay thế, hoặc không thay thế nổi. Trà tầu và ấm tầu có thể ở trong thành phần đó. Độc đáo nhưng thông dụng, thượng vàng hạ cám, từ loại đắt hiếm tới loại rẻ mạt, có khả năng sản xuất qui mô và thu hút một lượng nhân công đông đảo là những yếu tố rất đáng kể trên mặt ngoại thương.
Có nhiều cách dùng lá trà, nhưng chủ yếu là dùng để nấu nước uống hoặc đem nướng, trộn với một số thảo dược khác để làm thuốc. Vì cây trà rất có lợi cho sức khỏe nên được rất nhiều người dùng để pha nước uống hoặc làm thuốc. Trên thế giới có khoảng 3.000 thứ lá cây thường được dùng làm đồ uống hàng ngày. Thế nhưng từ khi trà trở nên phổ biến thì những loại đồ uống bằng lá cây nói chung thường đều được gọi là trà. Mỗi nước có mỗi tên gọi về trà và có nhiều loại trà khác nhau. Chè chính hiệu có tên khoa học là Camellia sinensis cũng có tới 9 loại. Trong đó có 3 giống chính:
- Chè Assam (Ấn Độ): lá to, dài tới 20cm, thân lớn, cao tới 18-20m. Chè Đông Dương: cây cao 5m, lá dài tới 7,6cm.
- Chè Trung Quốc ở phía Bắc thì cây nhỏ hơn (chỉ cao 2-3m), có nhiều cành, mọc thành bụi, nhưng khỏe và chịu được rét, lá cứng và ngắn khoảng 3,8-6,4cm. Người Trung Quốc lại khéo léo phủ lên các danh trà ấy những lớp lang huyền thoại để rồi tạo nên một dòng trà truyền kỳ “độc nhất vô nhị” trên cõi thế. Nào Trảm mã trà, Vân vũ trà, Nhạn đăng trà, Thiên trụ trà...
- Trên thế giới, có các loại trà chính như: Bạch trà, Lục trà, Ô-long, Phổ Nhị, Hồng trà, Hành trà, Trà rời, Trà bánh, Trà bột, Trà xơ... Vào năm 1827, trà mới được giới khoa học nghiên cứu và phát hiện ra nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và dùng để chữa bệnh.
2. So sánh nghệ thuật uống trà ở Trung Quốc và Việt Nam.

2.1. Nghệ thuật thưởng thức trà ở Trung Quốc:
Có thể chia làm 3 giai đoạn chính: trà nấu (đoàn trà, dùng trà bánh), trà khuấy (dùng bột trà hay mạt trà) và trà ngâm (tiễn trà, dùng trà rời).
+ Giai đoạn dùng bánh trà để nấu: Người dân thu hoạch trà rồi lựa chọn, cắt và đóng thành từng bánh rồi phơi khô. Khi dùng phải trải qua 3 bước là hong khô, nghiền và nấu. Đi kèm với việc pha chế trà là các dụng cụ để dùng trà và cách thức dùng trà.
+ Giai đoạn dùng trà bột để khuấy: Vào thời nhà Tống, trà bánh được thay bằng trà bột. Người ta tán là chè thành bột, sau đó khuấy với nước sôi để uống.
+ Giai đoạn dùng trà rời để ngâm: Được dùng vào thời nhà Minh. Pha trà búp vào đỉnh, khi búp trà chìm xuống thì uống. Từ đó, các công đoạn chế biến trà chỉ còn là sao, vò, sấy...và có hình dáng sợi.
Đi kèm với việc pha chế trà là các công cụ dùng để thưởng thức trà. Ví dụ như thời nhà Minh, trà cụ bằng gốm, sứ, vì cho rằng sự đạm bạc là tôn chỉ của nghệ thuật: chén trà được ưa chuộng là loại có men màu trắng. Ấm đất Nghi Hưng màu gan gà hoặc đen tím, hình tròn, có miệng, nắp và tay cầm được đặc biệt ưa chuộng. Ấm đất Nghi Hưng có các đặc điểm: (1) chế nước sôi vào không tổn hại đến sắc, hương, vị của trà; (2) vị trà không biến chất; (3) chịu nhiệt cao, mùa đông có đổ nước sôi vào cũng không bị nứt; (4) đặc biệt dùng lâu, không cho trà vào cũng ra nước trà; (5) càng dùng càng bóng; (6) ít truyền nhiệt, không bỏng tay; (7) có nhiều màu sắc, muốn chọn màu nào tùy thích. Ngoài ra, cũng cần phải nói tới một loại hình nghệ thuật gắn với việc uống trà, đó là ca hát. Trong giới quý tộc thượng lưu thì thường mỗi người uống một chén riêng. Chén có nắp đậy ở trên, có đĩa kê ở dưới, gọi là “chén hạt gạo”. Khi không muốn uống nữa thì khách lật ngửa nắp lên, người phục vụ sẽ hiểu ý mà không tiếp nữa.
Trong khi thưởng thức trà, cũng có những quy định về việc thưởng trà, cách rót trà, bánh dùng để uống trà và bạn tâm sự... Người Trung Hoa uống trà để thưởng ngoạn, để thư giãn, để giải sầu cùng tri kỷ trên bàn cờ thế sự. Uống trà là để hòa hợp với thiên nhiên, để thể hiện tình tâm giao và bàn luận về thế sự...
Trung Quốc có nhiều loại trà nổi tiếng như: Trà xanh, Hồng trà, Ô-long, trà hoa, trà ép... Trong đó nổi tiếng nhất chính là trà xanh Long Tỉnh là nổi tiếng nhất. Trong giới bình dân, trà được pha trong một bình lớn, thường có hình bát giác, để giữa bàn. Bên cạnh có chậu sành rộng và năm cái chén nhỏ ngâm trong nước nóng. Khách muốn uống thì tự rót trà và uống bao nhiêu tùy ý. Ngày nay, với người Trung Quốc, trà vẫn là đồ uống được ưa thích. Nhưng trà chỉ còn được đánh giá theo hương vị chứ về lễ nghi thì đã không còn sự thanh nhã như thời xưa.
2.2. Nghệ thuật thưởng thức trà ở Việt Nam:
Trà của người Việt chịu sự ảnh hưởng từ Trung Hoa. Tuy nhiên, việc uống chè tươi, chè nụ là cách uống độc đáo của người Việt Nam, nhưng chưa thấy được ghi chép hay phổ biến trên thế giới.
Trà là đồ uống của cư dân nông nghiệp thích cuộc sống ổn định, bình thản. Cho nên trong nghệ thuật pha trà và thưởng thức trà của người Việt không quá cầu kỳ nhưng cũng không quá đơn giản, không quá nghi lễ nhưng cũng không quá bình dân. Đó là sự kết hợp hoàn hảo đến trung dung trong nghệ thuật pha trà và uống trà.
Cách pha trà của người Việt đã phản ánh đầy đủ nét văn hóa qua các khâu chọn trà, xử lý trà, đun nước, pha trà, rót trà và tận hưởng hương vị trà. Chọn trà là khâu đầu tiên quan trọng, đa số người bình dân Việt Nam thích uống chè tươi, chè nụ, trà xanh. Phần đông người Việt chủ yếu dùng chè tươi. Chè tươi mua về rửa sạch, vò kỹ cho giập lá, cọng bẻ gãy tước ra. Ðun sôi nước mới cho chè vào, lại đun tiếp rồi ủ khoảng 15 phút, ngấm là đem ra dùng. Uống chè tươi cũng thể hiện tính cộng đồng của văn hóa làng xã Việt Nam, nền văn hóa lúa nước. Ngoài uống nước chè tươi, chè nụ, chè xanh, người ta còn lấy lá chè già phơi khô, vò nhỏ để uống dần (gọi là chè khô). Nước chè khô và chè nụ có mầu đỏ. Đặc biệt ở những vùng trồng trà có tiếng như Thái Nguyên, Phú Thọ có “chè mộc”, “chè sao suốt” hoặc “chè móc câu”... Người Việt từ xưa đã biết ướp trà với hoa sen, nhài, hoa ngâu, hoa cúc, hoa lan... Đặc biệt nhất là trà sen. Trà được ướp mang những hương vị rất đặc biệt.
Nghệ thuật uống trà của người Việt được gói lại trong câu: Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh. Muốn có một chén trà ngon, điều trước tiên phải tìm cho được nguồn nước quý tự nhiên thanh khiết. Nước pha trà ngon nhất là những giọt sương sớm đọng trên lá sen, hay nước mưa hứng từ tàu cau xanh mướt trên cao. Người cầu kỳ pha nước giếng với nước mưa, gọi là nước âm dương. Nước phải đun bằng ấm đất trên bếp lò đốt bằng than. Than dùng để đun nước vì nó không bốc mùi như củi khô, hay các loại dầu. Đun vừa đủ sôi, không đun sôi quá hoặc không đủ sôi. Sau đó bỏ một lượng trà vừa phải, đổ nước sôi vào để tráng trà, chế nước vào tiếp và dùng. Đó là cả một hành trình dằng dặc mà mỗi chặng, mỗi nhịp đều phải đạt đến được cái chân nghệ thuật thì cái đích cuối cùng: một chén trà ngon mới thật là viên mãn. Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các thức uống của cõi nhân sinh này, trà được xem là nghệ thuật tinh vi nhất. Phần “ngũ quần anh” là bạn trà. Việc rót trà ra chén cũng không đơn giản. Việc chọn trà, pha trà, mời trà là một ứng xử văn hóa biểu hiện sự tinh tế và lòng mến khách của người Việt. Thậm chí từ cách nâng ly, cách mời khách, cách uống đều thể hiện nét văn hóa.
Trong nghệ thuật thưởng trà, người Việt cũng không quá cầu kỳ nhưng cũng không đơn giản. Người Việt uống trà với mong ước hòa hợp với thiên nhiên, thể hiện thái độ bình đẳng, khiêm nhường. Người Việt không đòi hỏi một không gian riêng để thưởng trà và cũng không nhất thiết phải có bánh khi dùng trà, người Việt chủ yếu chú trọng đến người ngồi uống chung và hương vị của trà.
Nhấp một lần thôi nhớ cả đời
Uống trà như uống giọt trăng rơi
Chạm môi nhẹ chút thành thương nhớ
Thoáng chút hương đưa đến bồi hồi.
Nguyên nhân của ảnh hưởng văn hóa trà Việt-Hoa:

Chè mạn là một loại trà Tàu phổ biến nhất. Nghệ thuật thưởng trà Tàu theo kiểu Minh-Thanh phát triển mạnh ở nước ta, vì vậy các bộ đồ trà của ta thường mang kiểu Khang Hy, Càn Long. Tuy nhiên, đối tượng tiếp nhận trà Tàu chủ yếu là dân thượng lưu thời phong kiến.Sự giao lưu và tiếp biến văn hóa Việt-Hoa là rất lớn. Có thể coi, Trung Hoa là nguồn phát ra văn hóa trà và Việt Nam là nguồn nhận. Tuy nhiên, người Việt tiếp nhận văn hóa trà của người Trung Hoa nhưng lại có những cải biến cho phù hợp với văn hóa của dân tộc mình. Ví dụ như người Nhật cũng tiếp nhận văn hóa trà của Trung Hoa và cải biến thành Trà Đạo thì người Việt lại dung hoà được cả cái nghi lễ của Nhật Bản, cái thưởng ngoạn của Trung Hoa, cái nhàn nhã ung dung của người Việt, phản ánh tư duy tổng hợp của một nền văn hóa bao quát, dung hòa. Có thể nói nếu đặc trưng của văn hóa thưởng trà Trung Hoa là sự quý tộc hóa các nghi thức trong đó đặc biệt chú ý tới hương vị của trà; người Nhật cố gắng tạo một sự giản dị, thanh bần trong nghi thức tinh tế đến tột bậc thì người Việt ta lại chuộng sự dân dã, mộc mạc của lá chè tươi cùng phong thái bình dị, chân tình.
Tuy nhiên, khu vực miền bắc Việt Nam, từ xa xưa cũng có cây chè, bây giờ thì những cây chè đó đã trở thành những cây chè đại thụ chứng tỏ cây chè có mặt tại nước ta từ rất lâu cùng với việc phát hiện ra các hóa thạch về cây chè đã chứng minh điều đó. Sách Trà Kinh của Lục Vũ đời Đường chép rằng nước ta cũng có loại chè gần giống như cây trà của Trung Hoa. Chè với công dụng làm con người tỉnh táo đã trở thành thức uống giải khát của người Việt từ thế kỷ III. Không những thế, trà còn được nâng lên thành một nét phong tục, một thú vui thanh cao mà bình dị gắn bó với tâm hồn của mỗi người Việt Nam. Cây chè có mặt ở nước ta từ lâu nên người Việt cũng biết cách uống chè rất riêng và độc đáo, tuy nhiên không được ghi chép và truyền bá ra thế giới như trà của Trung Hoa hay Trà Đạo.
3. Tổng kết.
Người Việt tiếp nhận văn hóa trà của người Trung Hoa nhưng đã có những cải biến để tạo nên những nét riêng. Qua so sánh cũng thấy được những nét chung và riêng giữa văn hóa trà Trung Hoa và văn hóa trà Việt. Người Việt đã gửi vào nền văn hóa trà của mình những giá trị vật chất lẫn tinh thần. Trà nói lên tính lạc quan, yêu đời của người Việt, cộng với tinh thần tự do phóng khoáng, ít chịu ràng buộc khiến trà Việt phát triển một cách dàn trải và thấm đượm tính dân gian.Trà giúp con người tỉnh táo, khỏe mạnh, giúp liên kết con người với con người. Hiện nay, trà đã trở thành thức uống rất phổ biến và dần nâng lên thành nghệ thuật, văn hóa trà.
Bích Liễu
Các Tin Khác