Về việc nghiên cứu mỹ học Thiền
Ngày đăng: 05:13:52 25-10-2014 . Xem: 7755

>> Mê và ngộ
>> Quan điểm tu tập trong Phật giáo Nguyên Thủy
>> Phiền não tức bồ đề
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Khởi thủy, từ lúc Phật cầm nhành hoa sen đưa lên, thiền theo cách hiểu của truyền thống là ý niệm chỉ sự thức nhận về quả hoan hỷ của con đường giải thoát. Song, Phật chỉ hành động mà không nói, do đó ta có thể hiểu một cách đơn giản, ấy là một hành động sống trọn vẹn cho một sức sống mới lớn hơn. Vào Trung Hoa phát triển thành hệ phái rồi được truyền sang các nước xung quanh. Thiền được kiến giải ngày càng mang ý nghĩa thế tục, phổ thông. Trên đà đó văn học Thiền Tông ra đời và phát triển mạnh. Bằng nhãn quan thiền học, các nghệ sĩ thiền chiếm lĩnh nghệ thuật thực tại, sáng tạo ra một thế giới linh động trong sáng tác; có sức thu hút kỳ lạ đối với người đọc và nghiên cứu.
Thật ra, không chỉ có các nghệ sĩ thiền đạt đến chất lượng trong hành động sống và sáng tạo nghệ thuật như trên; trong quá trình sáng tác, người nghệ sĩ bình thường cũng đã từng có những phút giây “khải ngộ” của trực giác sáng tạo nghệ thuật. Thiền vốn gần gũi với kinh nghiệm sáng tác. Còn đối với công chúng thưởng lãm nghệ thuật, họ có thể bắt gặp đâu đó trong tác phẩm của các nghệ sĩ không phải là thiền gia, những “phong vị, ý vị, ý tượng thiền”. Thiền cũng gần gũi với đời thường, ai cũng có thể thức nhận nó! Do vậy, về mặt sáng tạo và thưởng lãm nghệ thuật, thiền như là một thứ tâm linh xúc cảm, khai phóng tâm thức, cơ hồ như có tính nhân loại phổ quát.
Hiện nay, có nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật thiền; nhìn chung các tác giả đều tập trung vào những vấn đề nội tại, gắn liền với ý thức tôn giáo. Kiến giải những vấn đề của mỹ học thiền bằng những kinh nghiệm tu tập và đối chứng từ trong hệ thống kinh điển và lịch sử phát triển của Phật giáo. Có thể xem đấy là giai đoạn nghiên cứu cơ bản, tối cần thiết và hết sức quý giá.
Theo thiển ý, từ nay chúng ta có thể trừu xuất, hệ thống hóa từ trong sáng tác văn học thiền giáo và từ các công trình nghiên cứu ra hệ thống mỹ học thiền như là một đối tượng nghiên cứu tương đối độc lập.
2. CÁCH TIẾP CẬN VÀ KIẾN GIẢI
2.1. D.T. Suzuki trong công trình “Phật giáo thiền tông và ảnh hưởng của nó trên văn hóa Nhật Bản” (1938); và N.W.Ross trong “Ba con đường minh triết Á Châu” đã nêu lên những khuynh hướng tiếp cận với thiền học, nhìn từ hệ thống lý luận phương Tây hiện đại như: Hiện tượng luận, Chủ nghĩa hiện sinh, Tâm phân học . . . Cái mới của vấn đề là không chỉ “kinh nghiệm về Thiền cũng có thể cắt nghĩa được bằng triết học phương Tây” (N.W.Ross, 2005, tr.207). Chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng hệ thống khái niệm triết học và lý luận văn học phương Tây để phân tích, kiến giải những vấn đề cụ thể của thiền học. Nhiều nhà nghiên cứu lý luận hiện nay đã làm như vậy. Song, chỗ đặc biệt có ý nghĩa là việc vận dụng này bổ sung cho truyền thống lý luận phương Đông, vốn ít chú ý đến sự biện biệt và minh giải các khái niệm triết học, văn học một cách tường tận và có hệ thống chặt chẽ.
Thiền “bất lập văn tự” và chuộng “giáo ngoại biệt truyền”. Tính năng động tự do của thiền bắt nguồn từ đó. Xem tự do như một trạng thái nội tại của con người là một điều hết sức đúng đắn. Song, gốc khó khăn cho việc tìm hiểu và thức nhận “kết quả” của thiền cũng lại là ở chỗ đó. Nói bất lập văn tự không có nghĩa là thiền không sử dụng ngôn ngữ để thuyết giáo; dùng ngôn ngữ làm phương tiện trực chỉ chân tâm. Do đó, lối nói của thiền cũng là sáng tạo ngôn từ nghệ thuật, không chỉ giống ngôn ngữ nghệ thuật chỗ “ý tại ngôn ngoại” ở người nói và viết mà người tiếp nhận phải tự thức nhận bằng cái biết của kinh nghiệm thực chứng, phải nhìn vào tận cái thấy cái biết của ngôn ngữ sinh tồn.
Có thể nói, các nghệ sĩ thiền không bám chắc và chặt vào lời nói và câu chữ của cái vỏ ký hiệu ngôn ngữ; phủ định mọi cách lý giải và cắt nghĩa không khớp với tiến trình vận động tự nhiên của thực tại. Về điều này, chúng ta có thể rút ra nhiều dẫn chứng minh định vấn đề từ các bộ Truyền Đăng Lục. Đặc biệt là những câu chuyện về các thiền sư nghe tiếng đẵn tre, lá rơi, nghe chim cú kêu, tiếng người hét mà hoát nhiên đại ngộ. Chẳng khác gì chuyện Newton nghe – thấy quả táo rơi mà phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn. Ngôn từ sáng tạo của thiền được hiểu và cắt nghĩa bằng cách “tổ chức lại” như nhiên hệ thống ký hiệu ngôn ngữ - cái mà con người phát hiện ra, sắp xếp lại vốn có tính võ đoán và ước định. Vấn đề không chỉ ở khoảnh khắc “đốn ngộ” mà là “sáng ra” cả một tiến trình vận động, tinh tấn; luôn biến đổi, luôn vượt qua, luôn thêm chất lượng sống mới. Do vậy, văn học Thiền Tông bàng bạc tinh thần “viên dung vô ngại”, có sức hấp thu, dung nạp về mình mọi cái mới phù hợp, rất lớn. Xét vấn đề trên tinh thần tương quan “duyên sinh đối đãi” thì có sự cố gắng diễn đạt, lý giải, lĩnh hội. Có sự biện biệt, phân giải một cách đặc thù. Mọi cái nhằm đạt đến thức nhận một bản thể duy nhất: khơi dòng sinh lực bất tận của thân tâm con người, trải lòng ra mà hòa vào sự vận động vĩnh cửu của thế giới sự vật hiện tượng. “Còn, bản chất của thực tại, nó vốn là dòng vận hành bất tuyệt, không đối đãi, không tên gọi và không mâu thuẫn. Nó là vậy thôi” (Thích Tâm Thiện, 1999, tr 103).
Sức bao quát và khả năng dung nạp mọi sự kiến giải từ một khía cạnh cơ bản và tế nhị nhất của thiền học, cho phép chúng ta nhận định: cách tiếp cận các vấn đề mỹ học thiền, bằng đối sánh xuyên văn hóa Đông – Tây là có cơ sở khoa học cùng thực tiễn. Và cần phải tiếp tục nghiên cứu, khám phá.
Nhân tiện, xin được nói thêm: Việc mở rộng phạm vi và phương pháp nghiên cứu đã buộc chúng ta không chỉ minh đinh vấn đề bằng cách đối chứng với giáo điển, giáo nghĩa trong lịch sử truyền giáo và Phật học. Cần tôn trọng và chú ý nhiều hơn nguyên tắc phân kỳ lịch sử tư tưởng Phật giáo và phân kỳ giáo nghĩa. Bởi lẽ, thiền vốn là sản phẩm vừa đấu tranh vừa hấp thu tinh hoa của các tư tưởng khác; vừa đào sâu ý nghĩa phổ quát lời phật dạy, vừa làm mới thêm tư tưởng của Phật. Và, trên thực tế đã có những kiến giải đi xa hơn lời thuyết giảng của vị giáo chủ.
2.2. Cùng cách tiếp cận như vậy, trên hai bình diện nghiên cứu: tổng kết và tiếp tục minh giải những vấn đề cơ bản của tư tưởng lý luận truyền thống; các học giả Trung Quốc đương đại như Khâu Chấn Thanh, Lý Trạch Hậu và đặc biệt là Chu Quang Tiềm đã có những thành tựu xuất sắc về mặt đối sánh phân giải, họ đã làm sáng tỏ và hiểu sâu hơn tinh hoa lý luận cổ điển; đồng thời có nhiều phát hiện mới. Thành công đó đã gợi ý cho chúng ta những mặt tiềm năng khi nghiên cứu về mỹ học thiền. Phân định khá rõ các phạm trù ĐẠO, MỸ, TÌNH, NGÃ, phân giải sự khác biệt giữa “phong vị” và “ý vị”; “hình tượng” và “ý tượng”. Từ đó, chúng ta có thể phát triển thêm, tiếp tục trừu xuất và hệ thống hóa một cách có căn cơ mà không sợ mất đi cái phong vị của học thuật Á Đông.
Mặt khác, họ đã có sự gặp gỡ lý thú về mặt phát hiện nội dung và phương pháp tiếp cận vấn đề với học giả người Pháp Francois Jullien, trong hai công trình vừa mới được dịch sang tiếng Việt: “Bàn về cái Nhạt dựa vào tư tưởng và mỹ học Trung Hoa” cùng “Bàn về chữ “Thời” những yếu tố của một triết lý sống”. (Francois Jullien, 2003, 2004).
Có thể thấy trừu xuất ra cái NHẠT và minh định được cái hay của nó là một kiến giải độc đáo của Jullien. Ông xem cái Nhạt là giá trị của sự trung hòa, nó nằm ở điểm xuất phát của mọi tiềm năng và khiến cho các tiềm năng này giao lưu với nhau. Định vị được cái nhạt trong trường văn hóa – tư tưởng truyền thống Trung Hoa (Nho – Phật – Lão) và rằng nó hợp thành sự trọn vẹn, có khả năng thâm nhập vào trung tâm. Cũng không xa lạ gì với cái vị đạm bạc trong cảm giác nhận thức và trong tình cảm ứng xử của Long Thọ bồ tát (NagarJuna) trình bày trong Trung Quán Luân (Màdhyamika). Nó luôn ở thế kín đáo ẩn náo trong lĩnh vực đời sống cảm xúc. Do vậy, ngay từ đầu Jullien đã minh định: “Mô-tip cái nhạt cứ thế mà gây dựng nên truyền thống mỹ học Trung Hoa: không chỉ vì những ngành nghệ thuật ở Trung Quốc phát triển dựa vào trực giác mà chúng còn có khả năng biến cái vô vị cơ bản này thành cái nhạy cảm. chúng có sứ mệnh làm biểu lộ cái gì đằng sau cái nhạt: qua âm nhạc, thơ ca, hội họa cái nhạt trở thành kinh nghiệm” (Francois Jullien, 2003, tr 21).
Cũng gần với ý nghĩ trên, N.W.Ross trong công trình đã dẫn, đã xem cái tinh tế như là nét đặc trưng cơ bản của văn nghệ thiền, dù tác giả không chủ tâm lý giải cho ra lẽ.
Như vậy, trong thế thống hợp trừu xuất, ít ra là chúng ta đã có một lối đi căn cơ và hiện đại; từ đó có thể hình thành nên một hệ thống tương đối đầy đủ về những vấn đề bản chất khi nghiên cứu mỹ học thiền.
3. LỜI KẾT
Với ý nghĩa nhân sinh, thiền là một lẽ sống khơi nguồn luôn cầu tiến và sáng tạo. Mưu cầu sống hài hòa trong sự tương duyên đối đãi với những cái được gọi là qui luật khách quan. Và, nếu chúng ta quan niệm rằng mỹ học thiền là một hệ thống triết lý sinh thành và phát triển của một ý thức nghệ thuật đặc thù, lấy tình cảm nhân tính làm gốc thì vấn đề cơ bản của nó, có thể được xem xét ở mấy điểm: quan niệm và nội dung chiếm lĩnh thực tại; giải phóng con người và sáng tạo thực tại trong nghệ thuật; trầm tư tiếp nhận và vấn đề “bất lập văn tự”; thể loại đặc thù. Từ đó, chúng ta tiến đến luận chứng khoa học xem cái tinh tế, hài hòa, “quán không xả bỏ” như là các phạm trù mỹ học cơ bản của đối tượng nghiên cứu vậy.
“Dân tộc ta có hai lần nhảy vọt về tư tưởng: Lần đầu tiên dân tộc ta gặp Phật Giáo. Lần thứ hai gặp chủ nghĩa Mác – Lênin”. (Lê Duẩn, 1972). Do vậy, nghiên cứu mỹ học thiền có ý nghĩa cấp thiết và lâu dài đối với công cuộc đổi mới của nước ta hiện nay.
Võ Phước Lộc
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Chu Quang Tiềm. 1991.Tâm lý văn nghệ TP Hồ Chí Minh: Nxb. TP Hồ Chí Minh.
D.T.SuZuKi.1973.Thiền luận- Quyển hạ. Saigon: Nxb An Tiêm.
Đoàn Thị Thu Vân. 1996. Khảo sát đặc trưng nghệ thuật của thơ thiền Việt Nam thế kỷ X- thế kỷ XIV. TP Hồ Chí Minh: Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nxb văn học.
FrancoisJullien. 2003. Bàn về cái nhạt dựa vào tư tưởng và mỹ học Trung Hoa. Đà Nẵng: Nxb Đà Nẵng.
Lê Duẩn. 1972. Chế độ mới , kinh tế mới, con người mới. Bài nói chuyện với Bộ Biên tập báo Nhân Dân tháng 12 năm 1972.
Lý Trạch Hậu. 2002. Bốn bài giảng Mỹ học. Hà Nội: Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Nancy Wilson Ross. 2005. Ba con đường minh triết Á Châu. Hà Nội: Nxb Văn hóa Thông Tin.
Nguyễn Công Lý. 1997. Bản sắc dân tộc trong Văn học Thiền Tông thời Lý Trần. Hà Nội: Nxb Văn Hóa Thông Tin.
Thích Tâm Thiện. 1999. Lịch sử tư tưởng và triết học tánh không. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 1 (101)- 2007, trang 11-14.
................................
(*) Võ Phước Lộc: NCS. Trường Đại học Tiền Giang.
Các Tin Khác