Đi tu, hành trình khám phá tâm linh
Ngày đăng: 20:09:26 21-10-2014 . Xem: 1615
Đi tu không có nghĩa là phải vào chùa, cạo bỏ râu tóc mà phải được hiểu rộng rãi hơn nhiều! Đi tu là một quá trình khám phá tâm linh. Chúng ta học ứng dụng những lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày của mình. Tu là chuyển hóa bản thân, từ vô minh đến trí tuệ, là tìm kiếm, khám phá con đường đưa đến hạnh phúc và an lạc. Cho nên Ông bà mình có câu: 'Tu là cõi phúc, tình là giây oan.' Tu là cõi phúc vì mình đang tìm đường vượt cõi phiền não, khổ đau đến cõi phúc lạc, tự tại.
Trong ‘Kinh Người Áo Trắng’ do Sư ông Nhất Hạnh dịch nói về pháp tu của một người đệ tử tại gia như sau: ‘Xá Lợi Phất, thầy nên ghi nhớ rằng một người đệ tử áo trắng nếu thực tập được năm giới pháp và tu tập bốn tâm cao đẹp là đã chấm dứt được sự sa đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và các đường dữ khác, đã chứng đạt được quả vị Tu Đà Hoàn, không còn thối đọa vào các ác pháp. Người ấy chắc chắn đang đi về nẻo chánh giác và chỉ cần qua lại tối đa là bảy lần nữa trong các cõi trời và người là có thể đạt tới biên giới của sự hoàn toàn giải thoát diệt khổ.’Như vậy, đi tu là đi tìm khám phá một phương pháp hành trì để chuyển hóa tâm linh và con người mình.
Nhưng nếu tu không khéo có thể là ngược lại! Như trong kinh 'Người Bắt Rắn' của Sư ông Nhất Hạnh dịch và giải: ‘Họ cũng giống như người đi bắt rắn mà biết sử dụng một khúc cây có nạng sắt: khi đi đến vùng hoang dã, thấy rắn lớn, họ ấn nạng ngay xuống cổ rắn và lấy tay bắt ngay đầu rắn. Rắn kia tuy có thể quẫy đuôi, quấn tay, quấn chân hoặc một bộ phận khác của cơ thể người bắt rắn, nhưng không thể nào mổ người ấy được. Bắt rắn như vậy không cực khổ mà cũng không lao nhọc, chỉ vì người ấy biết rõ thủ thuật bắt rắn. Người con trai hoặc con gái nhà lành khi học hỏi kinh điển cũng phải khéo léo tiếp nhận văn và nghĩa kinh một cách không đảo lộn thì mới nắm được chánh pháp. Họ không học hỏi với mục đích ba hoa tranh cãi mà chỉ học với mục đíchtìm cầu giải thoát. Họ không cần trải qua những cực khổ và nhọc nhằn.’
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm! Nếu mình không biết bắt rắn bằng đầu của nó, mình sẽ bị nó cắn lại. Cho nên có thể nói rằng tu là sống theo lời Phật dạy: Biết sống hạnh phúc an lạc, xa lìa phiền não, khổ đau. Chính vì vậy mà khi Phật lần đầu chuyển Pháp luân đã dạy Bốn Sự Thật Vô thượng (Tứ Thánh Đế) chỉ cho chúng ta con đường đưa đến chấm dứt khổ đau. Nếu chúng ta tự nhận mình đang tu mà không tìm thấy an lạc, như vậy là mình đang tu sai đường, không đúng như chánh pháp Phật đã dạy. Đừng để những ngộ nhận giáo lý hay lời Phật dạy là quả vị chứng đắc, nên nhớ đó chỉ là 'cái bè giáo lý' đưa mình sang bờ giác ngộ. Phật dạy 'Nhất thiết tu-đa-la như tu chỉ nguyệt,' nghĩa là tất cả các lời Phật dạy, hay kinh tạng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng. Mặt trăng mới chính là mục tiêu để giác ngộ. Các pháp môn, kinh điển chỉ là ngón tay chỉ hướng cho chúng ta mà thôi! Nếu chúng ta ngộ nhận ngón tay là mặt trăng thì sẽ hối tiếc khôn nguôi!
Thế còn các pháp môn thì sao? Pháp môn là những phương pháp hành trì nếu chúng ta chọn một pháp môn thích hợp với mình thì việc tu học sẽ có tiến bộ. Pháp môn là phương pháp, là chìa khoá để mở cánh cửa tâm linh của mình. Để tìm ra đúng chìa khóa để mở cửa, chúng ta phải thử nghiệm hành trì. Dùng trí tuệ để quán chiếu, soi sáng những thành quả đạt được qua công phu tu tập. Nếu thấy có tiến bộ, như vậy là mình đã tìm ra đúng chiếc chìa khóa cho tâm linh mình; bằng không mình phải tiếp tục tìm kiếm và thử nghiệm. Như pháp môn Tịnh độ hay còn gọi là Pháp môn Niệm Phật, Tịnh độ không chỉ là một cảnh giới mà còn là một trạng thái của tâm. Cho nên xưa chư Tổ có dạy 'Duy tâm Tịnh độ' hay 'Cực lạc hiện tiền', có nghĩa là Tịnh độ đến từ tâm và Cực lạc không phải đợi vãng sanh mới có, mà hiện diện ngay trong phút giây này! Nếu chúng ta thực tập pháp môn này mà tâm mình vẫn còn phiền não, sân hận thì rõ ràng chúng ta hoặc là đã thực tập sai, hay là đã chọn không đúng pháp môn, không đúng chìa khóa.
Trong giáo nghĩa Tứ tất đàn - Bốn tiêu chuẩn giáo hóa được thành tựu, Phật dạy các pháp môn tùy theo căn cơ của chúng sinh, như tùy bệnh mà cho thuốc. Do vậy, việc tu tập cần phải dụng tâm, quán xét mỗi khi hành trì để tìm đúng phương pháp chính đáng cho mình, không nên quá cố chấp vì chính sự hiểu biết của mình cũng phải trải qua những thay đổi tùy theo mức độ hành trì, thử nghiệm của mình. Do đó, chúng ta phải nắm cho được cái ‘tùy duyên bất biến và bất biến tùy duyên’ ở trong đạo Phật. Nói đến việc tùy bệnh cho thuốc, có nghĩa là đức Phật muốn chúng ta sau khi thử qua phương thuốc chữa trị của Ngài, mình phải cảm thấy kết quả của việc 'uống' thuốc đó.
Cho nên Phật dạy: Tu tập đúng chánh pháp sẽ thành tựu được 'hiện pháp lạc trú,' nghĩa là mình sẽ tìm thấy an lạc, hạnh phúc ngay trong lúc hành trì, không phải chờ đợi về sau. Trong thời Phật còn tại thế, Ngài đã quở trách một số thầy có quan niệm là tu tập để có quả tốt về sau, cũng như một số giáo sĩ ngoai đạo đến hỏi Ngài về việc này. Phương pháp thực hành 'hiện pháp lạc trú' mà các nhà Phật học trình bày trong nhiều sách báo, tạp chí Phật giáo là tinh thần Phật dạytrong “Kinh Tương Ưng Bộ,” phẩm Cây Lau, Kinh Rừng Núi do HT. Minh Châu dịch:
Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp tới,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy, sắc thù diệu.
Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh rời cành.
Cũng với nội dung này, sau đó đến “Kinh Trung Bộ” Kinh Nhứt Dạ Hiền Giả (Bhaddekarattasuttam) cũng có bài kệ:
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập.
'Chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính ở đây!' cho chúng ta thấy hoa trái, kết quả của việc đi tu không phải là một sự mong chờ, hy vọng viển vông, mà là một sự gặt hái cụ thể, ngay trong hiện tại! Không những thế, quả hiện tại vui còn mang chúng ta đến một tương lai vui. Như Trong “Kinh Trung Bộ” Phẩm Ðại / Tiểu kinh pháp hành, do HT. Minh Châu dịch:
Hiện tại vui, sau vui
Là từ bỏ 10 ác
Với tâm trạng hân hoan
Chết sinh vào cõi lành
Như thuốc ngon lại bổ.
Lại như mặt trời lên
Tan mây mù hắc ám
Pháp hành hiện tại lạc
Quả tương lai cũng vui
Do Như Lai giảng dạy
Phá tan mọi tà thuyết.
Tất nhiên để thụ hưởng được sự an lạc nầy, chúng ta phải thay đổi cách sống và cư xử hàng ngày. Những thói quen, tập khí cũ đưa ta đến khổ đau phải được cắt đứt, đình chỉ. Mình giống như con kén đang từ từ lột xác để hóa thành con bướm đẹp đẻ rực rỡ! Chính trong quá trình chuyển hóa, lột xác này chúng ta mới cảm nghiệm sâu sắc được pháp môn an lạc ngay trong hiện tại. Như Sơ Tổ Trúc Lâm Vua Trần Nhân Tông (1258- 1308) trong bài phú Cư trần lạc đạo:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền!
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, nhọc ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm, chớ hỏi thiền!)
(HT.Thanh Từ dịch)
Vậy hành trình khám phá tâm linh là con đường đi tu để thoát khổ. Chúng ta có thể tìm thấy trong tất cả các kinh tạng. Phật luôn luôn nói về mục đích của đạo Phật là giải thoát mọi đau khổ, vì vậy các pháp môn được thiết lập, mọi nỗ lực tu tập đều hướng về mục tiêu ấy. Mà hễ hết khổ là vui, là hạnh phúc! Tóm lại, đi tu là nhìn lại những đầu mối gây đau khổ mà do chính mình đã tạo ra trong quá khứ, hay trong hiện tại. Và, lần lần tháo gỡ (chuyển hóa) những mối gút mắc, hay thay đổi cách sống, thái độ. Nếu mình chỉ chờ đợi một cơ may nào đó xảy đến để mình có hạnh phúc là một sự mơ tưởng viễn vông, không đúng chánh pháp như Phật đã dạy. Một người đi tu có chánh kiến là biết mình phải chọn một pháp môn thích hợp và ra công hành trì để chuyển hóa chính mình. Nếu không ‘nằm chờ sung rụng’ thì biết ngày nào có được an lạc thật sự.
Thiện Ý
Trong ‘Kinh Người Áo Trắng’ do Sư ông Nhất Hạnh dịch nói về pháp tu của một người đệ tử tại gia như sau: ‘Xá Lợi Phất, thầy nên ghi nhớ rằng một người đệ tử áo trắng nếu thực tập được năm giới pháp và tu tập bốn tâm cao đẹp là đã chấm dứt được sự sa đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và các đường dữ khác, đã chứng đạt được quả vị Tu Đà Hoàn, không còn thối đọa vào các ác pháp. Người ấy chắc chắn đang đi về nẻo chánh giác và chỉ cần qua lại tối đa là bảy lần nữa trong các cõi trời và người là có thể đạt tới biên giới của sự hoàn toàn giải thoát diệt khổ.’Như vậy, đi tu là đi tìm khám phá một phương pháp hành trì để chuyển hóa tâm linh và con người mình.
Nhưng nếu tu không khéo có thể là ngược lại! Như trong kinh 'Người Bắt Rắn' của Sư ông Nhất Hạnh dịch và giải: ‘Họ cũng giống như người đi bắt rắn mà biết sử dụng một khúc cây có nạng sắt: khi đi đến vùng hoang dã, thấy rắn lớn, họ ấn nạng ngay xuống cổ rắn và lấy tay bắt ngay đầu rắn. Rắn kia tuy có thể quẫy đuôi, quấn tay, quấn chân hoặc một bộ phận khác của cơ thể người bắt rắn, nhưng không thể nào mổ người ấy được. Bắt rắn như vậy không cực khổ mà cũng không lao nhọc, chỉ vì người ấy biết rõ thủ thuật bắt rắn. Người con trai hoặc con gái nhà lành khi học hỏi kinh điển cũng phải khéo léo tiếp nhận văn và nghĩa kinh một cách không đảo lộn thì mới nắm được chánh pháp. Họ không học hỏi với mục đích ba hoa tranh cãi mà chỉ học với mục đíchtìm cầu giải thoát. Họ không cần trải qua những cực khổ và nhọc nhằn.’
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm! Nếu mình không biết bắt rắn bằng đầu của nó, mình sẽ bị nó cắn lại. Cho nên có thể nói rằng tu là sống theo lời Phật dạy: Biết sống hạnh phúc an lạc, xa lìa phiền não, khổ đau. Chính vì vậy mà khi Phật lần đầu chuyển Pháp luân đã dạy Bốn Sự Thật Vô thượng (Tứ Thánh Đế) chỉ cho chúng ta con đường đưa đến chấm dứt khổ đau. Nếu chúng ta tự nhận mình đang tu mà không tìm thấy an lạc, như vậy là mình đang tu sai đường, không đúng như chánh pháp Phật đã dạy. Đừng để những ngộ nhận giáo lý hay lời Phật dạy là quả vị chứng đắc, nên nhớ đó chỉ là 'cái bè giáo lý' đưa mình sang bờ giác ngộ. Phật dạy 'Nhất thiết tu-đa-la như tu chỉ nguyệt,' nghĩa là tất cả các lời Phật dạy, hay kinh tạng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng. Mặt trăng mới chính là mục tiêu để giác ngộ. Các pháp môn, kinh điển chỉ là ngón tay chỉ hướng cho chúng ta mà thôi! Nếu chúng ta ngộ nhận ngón tay là mặt trăng thì sẽ hối tiếc khôn nguôi!
Thế còn các pháp môn thì sao? Pháp môn là những phương pháp hành trì nếu chúng ta chọn một pháp môn thích hợp với mình thì việc tu học sẽ có tiến bộ. Pháp môn là phương pháp, là chìa khoá để mở cánh cửa tâm linh của mình. Để tìm ra đúng chìa khóa để mở cửa, chúng ta phải thử nghiệm hành trì. Dùng trí tuệ để quán chiếu, soi sáng những thành quả đạt được qua công phu tu tập. Nếu thấy có tiến bộ, như vậy là mình đã tìm ra đúng chiếc chìa khóa cho tâm linh mình; bằng không mình phải tiếp tục tìm kiếm và thử nghiệm. Như pháp môn Tịnh độ hay còn gọi là Pháp môn Niệm Phật, Tịnh độ không chỉ là một cảnh giới mà còn là một trạng thái của tâm. Cho nên xưa chư Tổ có dạy 'Duy tâm Tịnh độ' hay 'Cực lạc hiện tiền', có nghĩa là Tịnh độ đến từ tâm và Cực lạc không phải đợi vãng sanh mới có, mà hiện diện ngay trong phút giây này! Nếu chúng ta thực tập pháp môn này mà tâm mình vẫn còn phiền não, sân hận thì rõ ràng chúng ta hoặc là đã thực tập sai, hay là đã chọn không đúng pháp môn, không đúng chìa khóa.
Trong giáo nghĩa Tứ tất đàn - Bốn tiêu chuẩn giáo hóa được thành tựu, Phật dạy các pháp môn tùy theo căn cơ của chúng sinh, như tùy bệnh mà cho thuốc. Do vậy, việc tu tập cần phải dụng tâm, quán xét mỗi khi hành trì để tìm đúng phương pháp chính đáng cho mình, không nên quá cố chấp vì chính sự hiểu biết của mình cũng phải trải qua những thay đổi tùy theo mức độ hành trì, thử nghiệm của mình. Do đó, chúng ta phải nắm cho được cái ‘tùy duyên bất biến và bất biến tùy duyên’ ở trong đạo Phật. Nói đến việc tùy bệnh cho thuốc, có nghĩa là đức Phật muốn chúng ta sau khi thử qua phương thuốc chữa trị của Ngài, mình phải cảm thấy kết quả của việc 'uống' thuốc đó.
Cho nên Phật dạy: Tu tập đúng chánh pháp sẽ thành tựu được 'hiện pháp lạc trú,' nghĩa là mình sẽ tìm thấy an lạc, hạnh phúc ngay trong lúc hành trì, không phải chờ đợi về sau. Trong thời Phật còn tại thế, Ngài đã quở trách một số thầy có quan niệm là tu tập để có quả tốt về sau, cũng như một số giáo sĩ ngoai đạo đến hỏi Ngài về việc này. Phương pháp thực hành 'hiện pháp lạc trú' mà các nhà Phật học trình bày trong nhiều sách báo, tạp chí Phật giáo là tinh thần Phật dạytrong “Kinh Tương Ưng Bộ,” phẩm Cây Lau, Kinh Rừng Núi do HT. Minh Châu dịch:
Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp tới,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy, sắc thù diệu.
Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh rời cành.
Cũng với nội dung này, sau đó đến “Kinh Trung Bộ” Kinh Nhứt Dạ Hiền Giả (Bhaddekarattasuttam) cũng có bài kệ:
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập.
'Chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính ở đây!' cho chúng ta thấy hoa trái, kết quả của việc đi tu không phải là một sự mong chờ, hy vọng viển vông, mà là một sự gặt hái cụ thể, ngay trong hiện tại! Không những thế, quả hiện tại vui còn mang chúng ta đến một tương lai vui. Như Trong “Kinh Trung Bộ” Phẩm Ðại / Tiểu kinh pháp hành, do HT. Minh Châu dịch:
Hiện tại vui, sau vui
Là từ bỏ 10 ác
Với tâm trạng hân hoan
Chết sinh vào cõi lành
Như thuốc ngon lại bổ.
Lại như mặt trời lên
Tan mây mù hắc ám
Pháp hành hiện tại lạc
Quả tương lai cũng vui
Do Như Lai giảng dạy
Phá tan mọi tà thuyết.
Tất nhiên để thụ hưởng được sự an lạc nầy, chúng ta phải thay đổi cách sống và cư xử hàng ngày. Những thói quen, tập khí cũ đưa ta đến khổ đau phải được cắt đứt, đình chỉ. Mình giống như con kén đang từ từ lột xác để hóa thành con bướm đẹp đẻ rực rỡ! Chính trong quá trình chuyển hóa, lột xác này chúng ta mới cảm nghiệm sâu sắc được pháp môn an lạc ngay trong hiện tại. Như Sơ Tổ Trúc Lâm Vua Trần Nhân Tông (1258- 1308) trong bài phú Cư trần lạc đạo:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền!
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, nhọc ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm, chớ hỏi thiền!)
(HT.Thanh Từ dịch)
Vậy hành trình khám phá tâm linh là con đường đi tu để thoát khổ. Chúng ta có thể tìm thấy trong tất cả các kinh tạng. Phật luôn luôn nói về mục đích của đạo Phật là giải thoát mọi đau khổ, vì vậy các pháp môn được thiết lập, mọi nỗ lực tu tập đều hướng về mục tiêu ấy. Mà hễ hết khổ là vui, là hạnh phúc! Tóm lại, đi tu là nhìn lại những đầu mối gây đau khổ mà do chính mình đã tạo ra trong quá khứ, hay trong hiện tại. Và, lần lần tháo gỡ (chuyển hóa) những mối gút mắc, hay thay đổi cách sống, thái độ. Nếu mình chỉ chờ đợi một cơ may nào đó xảy đến để mình có hạnh phúc là một sự mơ tưởng viễn vông, không đúng chánh pháp như Phật đã dạy. Một người đi tu có chánh kiến là biết mình phải chọn một pháp môn thích hợp và ra công hành trì để chuyển hóa chính mình. Nếu không ‘nằm chờ sung rụng’ thì biết ngày nào có được an lạc thật sự.
Thiện Ý