Hiếu hạnh của người xuất gia
Ngày nay sống trong xã hội văn minh, khoa học kỹ thuật phát triển, đời sống vật chất được nâng cao, cho nên có một số người dựa trên tiêu chuẩn vật chất, mà có những suy nghĩ cạn cợt, dẫn đến sự phán xét, nhận định sai lầm về những vị xuất gia đầu Phật. Họ cho rằng những người xuất gia là những người bất hiếu, trốn tránh trách nhiệm, không lo cho gia đình, không phụng dưỡng cha mẹ, vào chùa tìm sự bình an cho riêng mình. Đây là những nhận định của những người đứng bên ngoài, chưa am tường về đạo Phật. Kỳ thật những người xuất gia mới là những người con chí hiếu.
Người xuất gia ý thức cuộc đời vô thường, rời khỏi gia đình, tự khép đời mình trong giới luật, theo nếp sống phạm hạnh, tiến theo đạo lộ của các bậc thánh giả, tìm cầu chân lý, giá trị đích thực của hạnh phúc, để hướng mọi người đến con đường giác ngộ và giải thoát, xa lìa mọi khổ đau.
“Hủy hình thủ khí tiết,
Cát ái từ sơ thân
Xuất gia hoằng Phật đạo,
Thệ độ nhất thế nhân”.
Để đạt được mục đích cao thượng và thánh thiện ấy, mà con đường nhân đạo chưa thực hiện được thì làm sao có thể thành tựu?. Vì vậy, trước tiên người xuất gia phải tự hoàn bị nhân cách, đạo đức của một con người. Nhân cách, đạo đức ấy, lấy hiếu đạo làm chuẩn mực căn bản. Hiếu là điều quan trọng nhất của đạo làm người. Đức Khổng Tử nói: “Quân tử vụ bản, bổn lập vị đạo sinh, hiếu để dã giả, kỳ vi nhân chi bổn”. (Người quân tử coi trọng cội gốc, gốc vững thì đạo phát sinh. Hiếu thuận là cội gốc của đạo làm người).
Và các bậc cổ đức cũng dạy :
“Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ,
Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên”.
(Trời có bốn mùa xuân là gốc,
Nhân sinh trăm nếp hiếu đứng đầu).
Người không có tâm hiếu kính thì thành nhân còn không được huống nữa là thành thánh, thành Phật. Không có tâm hiếu kính mà muốn thành tựu quả vị tối thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì chẳng khác nào nấu cát mà muốn thành cơm. Do vậy, người xuất gia đúng nghĩa, không thể nào là con bất hiếu được. Đức Phật đã dạy:
“Hiếu tâm tức thị Phật tâm,
Hiếu hạnh vô phi Phật hạnh.
Dục đắc đạo đồng chư Phật,
Tiên tu hiếu dưỡng nhị thân”.
(Tâm hiếu chính là tâm Phật,
Hạnh hiếu cũng là hạnh Phật.
Muốn được đạo quả như Phật,
Trước phải hiếu dưỡng song thân).
(Liên Tông Bảo Giám)
Nhưng hiếu kính trong tinh thần của nhà Phật khác với sự hiếu kính thông thường của người thế gian. Người thế gian chỉ nghĩ đến việc chu toàn những nhu yếu cần thiết về đời sống vật chất cho cha mẹ là đủ. Vì quan niệm phiến diện như vậy, cho nên dẫn đến nhận định lệch lạc về người xuất gia.
Để tránh ý niệm sai lầm ấy, trước tiên chúng ta phải hiểu nghĩa “xuất gia” như thế nào.
Xuất gia tức là xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Nghĩa là ra khỏi nhà thế tục, ra khỏi nhà phiền não: tham lam, sân hận, si mê, và ra khỏi nhà lửa tam giới.
Nghĩa cơ bản của xuất gia là ra khỏi nhà thế tục, từ bỏ cha mẹ, lục thân quyến thuộc, họ hàng thân thích, để tiến bước trên đạo lộ giải thoát. Nhưng chúng ta không nên hiểu chữ “từ bỏ” là không còn gì hết, không cha mẹ, không bà con, mặc tình họ như thế nào, mình cũng không biết đến, mà “từ bỏ” ở đây, là từ bỏ tâm luyến ái, tâm sở hữu tình cảm hẹp hòi vị kỷ của người thế gian; từ bỏ tâm tham lam, sân hận. Vì đó là tình cảm dẫn đi trong luân hồi sanh tử, đưa đến khổ đau, cho nên phải buông xả nó, để sống với tâm thương yêu rộng lớn hơn, thương tất cả mọi người, mọi loài, không còn sự phân biệt thân sơ, xem tất cả đều là người thân, vì trong quá trình luân hồi, ai cũng đã từng là cha mẹ, anh em, bà con ruột thịt của mình. “Này các Tỳ kheo, không dễ gì tìm thấy một chúng sanh chưa từng là cha, là mẹ, là anh, là chị, là con trai, là con gái của các Thầy trong bước đường dài của sự tái sanh”. (Tương ưng Bộ Kinh II)
Hiếu hạnh của người đệ tử Phật, không phải chỉ ở đời sống cơm áo gạo tiền, mà phải còn chăm sóc đời sống tâm linh cho cha mẹ nữa. Nếu chỉ một mặt chu cấp, chăm sóc cho cha mẹ đầy đủ đời sống tiện nghi vật chất thôi, thì đối với đạo Phật, đó chưa phải là sự hiếu kính trọn vẹn. Bởi vì đời sống vật chất chỉ có giá trị nhất thời, giúp cha mẹ qua cơn khổ của đói khát, của nóng lạnh, còn nỗi trống vắng khổ đau về tinh thần, khổ đau trong vòng luân hồi sanh tử, vật chất không thể giải quyết được.
Người xuất gia có nhìn xa hơn, ý thức cuộc đời vô thường, giả tạm, thân thể vật lý chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi. Đời sống xa hoa, sơn hào hải vị, chăn êm nệm ấm, chưa phải những thứ đem lại giá trị hạnh phúc đích thực, chân thật vĩnh viễn. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta nhìn xem, không ít người tiền rừng bạc bể, vậy mà họ có thật sự an vui đâu?. Nếu vật chất đem lại hạnh phúc thật sự cho con người thì chắc không có câu “người giàu cũng khóc” phải vậy không?. Đôi khi vì sự sung túc về vật chất sẽ làm cho những người thiếu đạo đức dễ rơi vào những tệ nạn: ăn chơi sa đọa, bài bạc, rượu chè…, để rồi nhận lấy hậu quả khổ đau, bất hạnh. Do vậy, người xuất gia luôn chú trọng, chăm sóc cha mẹ ở phần đời sống tinh thần nặng hơn.
Báo hiếu của người xuất gia đầu tiên, là xây dựng cho cha mẹ có một niềm tin sâu sắc đối với Tam Bảo, tin vào quy luật nhân quả, nghiệp báo luân hồi. Cha mẹ chưa quy y Tam Bảo thì khuyến khích cha mẹ quy y Tam Bảo, khuyên bỏ ác làm lành, tu học chánh pháp, bố thí, cúng dường, xả bỏ tâm ích kỷ, tham lam, sân giận, nhận thức đời sống dục vọng là cội nguồn của khổ đau, nên biết sống thiểu dục tri túc, phát triển tinh thần từ bi, trí tuệ; giúp cha mẹ sống trong tình thương yêu và tôn kính với nhau. Được vậy, thì dù cho đời sống vật chất có thiếu thốn, nhưng cha mẹ có niềm tin sâu sắc với Tam Bảo sẽ cảm thấy an vui, tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng, đó mới là cách báo hiếu cao quý.
Sở dĩ người xuất gia trước tiên xây dựng niềm tin cho cha mẹ, vì niềm tin là điều tối quan trọng. Nếu thiếu niềm tin thì chúng ta không thể làm gì được. Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”. Niềm tin là mẹ đẻ tất cả mọi công đức lành. Nếu không có lòng tin đối với chánh pháp, cha mẹ sẽ tạo các nghiệp ác, nuôi dưỡng lòng tham lam, sân hận và si mê. Người chứa đầy những tâm lý độc hại như vậy, dù chúng ta có cung phụng món ngon vật lạ, có lót nhung êm nệm ấm đi chăng nữa, cũng không làm cho họ thỏa mãn, họ luôn luôn cảm thấy thiếu thốn. Nhưng nếu hiểu được chánh pháp, biết sống đời sống thiểu dục tri túc, biết thương yêu và cảm thông trước sự khó khăn của con cái, thì dù chỉ dâng một bát cơm với tương dưa, một tấm áo vải thô sơ, nhưng đậm đà tình mẫu tử, cũng đủ làm cho cha mẹ ấm lòng, yên dạ, hạnh phúc lắm rồi, đâu cần đòi hỏi gì thêm nữa. Ngược lại, muốn thể hiện lòng hiếu kính của mình, bằng cách tìm kiếm nhiều của cải để cung phụng cho cha mẹ mà bất chấp tội lỗi, tạo các nghiệp ác, thì không ích gì, tự mình không biết tu tập, không hướng dẫn cha mẹ tu tập, thì sự cung phụng đó chỉ dẫn đến khổ đau cho cả đôi bên, đời này và đời sau. Như vậy, chúng ta thấy phần lớn khổ đau hay hạnh phúc, là do tâm biết tu hay không biết tu, còn yếu tố vật chất chỉ đóng vai trò phụ.Trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Tri túc chi nhân tuy ngọa địa thượng du vi an lạc, bất tri túc giả tuy xứ thiên đường diệc bất xứng ý” (Người biết đủ tuy nằm trên đất cũng thấy an vui, người không biết đủ tuy ở thiên đường cũng không vừa ý).
Nói như thế, không có nghĩa là người xuất gia tuyệt nhiên không phụng dưỡng cho cha mẹ, bỏ mặc song thân, đói cơm rách áo không màng. Trong trường hợp cần thiết phải phụng dưỡng song thân bằng vật chất, Đức Phật vẫn cho phép nuôi cha mẹ bằng vật thực của mình khất thực được. Khi Đức Phật còn tại thế, Thầy Tỳ kheo Tất Lăng Già Bà Ta, có cha mẹ già yếu, không ai nuôi dưỡng, nên muốn đem thức ăn của mình để phụng dưỡng cha mẹ, nhưng sợ vi phạm giới luật. Một hôm, Ngài đi đến hầu Đức Thế Tôn, trình bày tâm trạng của mình. Nhân đó, Đức Phật cho gọi các Thầy Tỳ kheo lại dạy rằng: “…Từ nay ta cho phép các Tỳ kheo suốt đời hết lòng cúng dường cha mẹ. Nếu ai không cúng dường được thì phạm tội nặng” (Luật Ngũ Phần).
Vâng lời dạy của Đức Phật, mỗi ngày khi đi khất thực về, Ngài chia thực phẩm làm ba phần, dâng cha mẹ hai phần, phần còn lại Ngài dùng. Lòng hiếu thảo của Tôn giả được nhiều người biểu dương, khen ngợi.
Đức Phật đã từng đưa vị trí cha mẹ lên ngang hàng với Ngài: “Sinh ra đời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật” (kinh Đại Tập) hoặc “Phụ mẫu tại tiền như Phật tại thế”, và trong kinh Tăng Nhất A Hàm Đức Phật cũng dạy: “Này các Tỳ kheo, có hai người mà các thầy hướng dẫn làm điều thiện đi nữa cũng vẫn chưa trả ân được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, đồ nằm và thuốc thang, để cha mẹ tiểu tiện, đại tiện trên vai mình đi nữa, cũng chưa trả hết ân cha mẹ. Các thầy phải hiểu ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, không bỏ lỡ cơ hội, làm cho ta trưởng thành, vì thế mà biết ơn đó rất khó trả. Do đó các thầy phải phụng dưỡng cha mẹ, luôn hiếu thuận đúng lúc, không lỡ mất cơ hội. “Này các Tỳ kheo, có hai việc làm cho phàm phu được công đức lớn, được quả báo lớn, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, đó là phụng sự cha và phụng sự mẹ. Phụng sự cha mẹ được công đức lớn, được quả báo lớn như cúng dường cho vị Bồ Tát chỉ còn một đời nữa là thành Phật. Vì vậy, các thầy phải luôn luôn ghi nhớ mà hiếu thuận phụng sự cha mẹ”.
Chính cuộc đời Đức Phật là một tấm gương sáng về hiếu hạnh, được chúng sanh trong tam giới tôn xưng là bậc đại hiếu :
“Khể thủ tam giới chủ
Đại hiếu Thích Ca văn
Lụy kiếp báo thâm ân
Tích nhân thành chánh giác”.
(Vu Lan Bồn Sớ)
Sau khi thành đạo, Đức Phật nghĩ đến thâm ân cha mẹ, Ngài lên cung trời Đao Lợi thuyết độ thân mẫu Maya, chứng được thánh quả; trở về thành Ca Tỳ La Vệ để giáo hóa phụ hoàng và di mẫu được dự vào dòng thánh. Trong lúc phụ hoàng lâm trọng bệnh, Ngài luôn cận kề bên giường bệnh thuyết pháp độ phụ thân đắc quả A La Hán, trước lúc xả bỏ báo thân này. Khi tiến hành lễ nhập quan, chính Đức Phật là người tắm rửa cho phụ vương. Ngày nghinh tống kim quan, đến nơi trà tỳ, Đức Phật là người bưng bát hương đi đầu. Hình ảnh của Ngài, đối với song thân như vậy, thì có thể gọi những vị đệ tử xuất gia, học theo hạnh của Ngài là những người bất hiếu được sao ?.
Trong hàng thánh đệ tử, một hình ảnh hiếu đạo làm cảm động cả đất trời, cách đây hơn 25 thế kỷ, để hôm nay, mỗi khi nhắc lại làm lung chuyển hàng vạn con tim của nhân loại, đó là tấm gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên, được ghi trong kinh Vu Lan Bồn. Sau khi Tôn giả chứng đắc lục thông, tưởng niệm đến công ơn cha mẹ, dùng thiên nhãn xem thấy mẹ mình đang bị đọa làm ngạ quỷ, đói khát khổ sở. Ngài bèn mang cơm xuống tận địa ngục dâng cho mẹ, nhưng vì mẹ Ngài còn ôm ấp lòng tham lam, bỏn xẻn quá nặng, nên cơm hóa thành lửa dữ thiêu đốt:
“Bát cơm dâng mẹ tình tha thiết,
Hóa lửa than ôi! thảm sự tình”.
Thấy vậy, Tôn giả bèn trở về thỉnh Đức Phật chỉ cho phương pháp cứu giúp. Đức Phật dạy: Nhân ngày chúng Tăng tự tứ, thiết lễ cúng dường, nhờ thần lực chú nguyện của chúng Tăng, mới có thể cứu được mẹ ông, và Ngài làm theo lời Phật dạy, cứu được mẹ thoát khỏi kiếp ngạ qủy sanh về thiên giới trong ngày hôm ấy.
Gần hơn, ở Việt Nam, vào triều Nguyễn, một tấm gương hiếu thảo của Thiền sư Nhất Định, vị tổ sáng lập ngôi chùa Từ Hiếu cũng đã làm cảm động lòng người không kém. Khi đặt chân đến vùng đất cố đô Huế, Ngài liền tìm một nơi yên tĩnh, dựng một thảo am, gọi là am An Dưỡng để ẩn tu và phụng dưỡng mẹ già. Tại đây, Ngài hướng dẫn mẹ tụng kinh, niệm Phật, sống những tháng ngày an vui trong lời kinh tiếng kệ, dưới mái am tranh đơn sơ, đạm bạc, nơi cỏ cây hoang dã. Một hôm, thân mẫu Ngài lâm trọng bệnh, Ngài đích thân đi mời y sư về điều trị và được khuyên rằng bệnh tình của cụ bà cần phải bồi dưỡng bằng cá hoặc thịt thì mới có thể thuyên giảm. Thế là hằng ngày, vào mỗi buổi sáng, Ngài phải thân hành xuống chợ mua cá về nấu cháo cho mẹ ăn, nhờ vậy mà bệnh của mẹ Ngài ngày một thuyên giảm. Khi ấy, mọi người không hiểu, sanh tâm chê trách. Mặc cho người đời đàm tiếu, Ngài chẳng hề lưu tâm, miễn sao cho mẹ qua được cơn bệnh hiểm nghèo. Lâu ngày việc ấy đã đến tai vua Tự Đức, Vua cho người theo dõi và biết được sự thật, rất lấy làm cảm phục trước tấm lòng hiếu kính của Ngài, nên đã sắc ban biển ngự đổi am An Dưỡng thành “Sắc Tứ Từ Hiếu Tự” và cho tu bổ lại am tranh trở thành ngôi già lam khang trang. Để hôm nay mỗi khi đến chùa, khách thập phương nhìn thấy hai chữ “Từ Hiếu” là mọi người nhớ ngay gương hiếu hạnh của Ngài, tuy Ngài không còn nhưng danh thơm hiếu hạnh vẫn còn lan tỏa mãi.
Qua những lời dạy và cuộc đời của Đức Phật, cùng với hình ảnh các vị Tôn giả đệ tử của Ngài đã minh chứng tinh thần báo hiếu một cách trọn vẹn của người xuất gia đối với cha mẹ. Bằng cách hướng dẫn cha mẹ trở về với chánh pháp, quy y Tam Bảo, gìn giữ tịnh giới, tạo điều kiện cho cha mẹ gieo trồng nhân lành để được hưởng quả báo tốt đẹp ở hiện tại và mai sau. Như vậy, người xuất gia không những báo hiếu cho cha mẹ ở hiện đời mà còn giúp cha mẹ thoát khỏi sự khổ đau trong vĩnh kiếp. Thiết nghĩ, đây là cách báo đáp công ơn trời biển của cha mẹ đầy đủ và trọn vẹn hơn tất cả.
Sưu tầm