Quan niệm thời gian trong Phật Giáo
Ngày đăng: 15:34:26 28-02-2015 . Xem: 2653
QUAN NIỆM THỜI GIAN TRONG PHẬT GIÁO
Quan niệm THỜI GIAN theo KINH PHÁP HOA
HT.Thích Trí Quảng
***
Thời gian là tác nhân chi phối sự hình thành và sự tiến hóa của vạn vật trong vũ trụ. Khái niệm này hầu như được các học thuyết xưa nay công nhận.
Khi Đức Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, với tuệ giác, Ngài thấu suốt tận cội nguồn sự tồn tại và sự biến dịch của vạn pháp trong vũ trụ, nhưng hầu như Đức Phật ít đề cập đến sự khởi đầu của sự sống trên trái đất này, hay những vấn đề liên quan đến thời gian. Ngài thường đưa ra ví dụ người bị trúng mũi tên độc thì phải cần thiết và cấp bách cứu sống họ hơn là lo tìm hiểu những việc cao siêu khác.
Trong Phật giáo Nguyên thủy cũng như trong các kinh điển Đại thừa đều khẳng định rằng, khái niệm về thời gian chỉ hiện hữu đối với tâm thức của phàm nhân còn bị chi phối bởi vọng kiến, phân biệt. Và tiến xa hơn nữa, các bộ kinh lớn của Phật giáo Đại thừa như kinh Hoa Nghiêm, hay kinh Đại Bát Nhã đã nói lên sự dung thông của ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, vì có chung một đặc tính là vô tướng. Vì vậy, với tri thức rất hạn hẹp của con người, lại thêm bị vô minh vọng kiến ngăn che, thì hàng phàm phu không thể nào biết được sự khởi đầu cho đến sự kết thúc của dòng thời gian, một sự biến dịch kéo dài từ vô thỉ đến vô chung, mà chỉ có bậc Đại trí Thế Tôn mới thấu tỏ được.
Ngoài ra, tùy theo chánh báo của mỗi loài chúng sinh mà thời gian thay đổi khác nhau, thí dụ như một kiếp ở thế giới Ta bà của Đức Phật Thích Ca bằng một ngày một đêm ở thế giới Cực lạc của Đức Phật Di Đà, một kiếp ở thế giới Cực lạc bằng một ngày một đêm ở thế giới Ca Sa Tràng của Đức Phật Kim Cang Kiên. Trong kinh cũng nói rõ, chư Phật hằng hữu trong những cảnh giới, không bị sự chi phối bởi thời gian và không gian, vì nơi đó thời gian là vô tận và không gian là vô cùng.
Ngài Long Thọ trong Trung Luận đã khẳng định rằng thời gian không thực có và là vô tướng. Luận sư Vô Trước trong A Tỳ Đạt Ma Tập luận lý giải rằng: “Thời gian là tên gọi chỉ cho sự tiếp nối tương tục của nhân và quả”.
Riêng trong kinh Pháp Hoa, thời gian đã được diễn tả một cách sâu sắc trong các phẩm của kinh. Thật vậy, ngay trong phẩm Phương tiện thứ hai, Đức Phật đã khẳng định về pháp khó hiểu ít có là thập như thị, qua đó, nhân quả được kiến giải rất tinh tế giúp chúng ta có thể nhận chân rằng khái niệm thời gian là sự tương tục nối tiếp một cách mật thiết của sự vận hành theo quy luật “Thập như thị”. Tất cả các pháp đều chịu sự tác động của quy trình trải qua 10 trạng thái thay đổi khác nhau là như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh. Đó có thể được coi như là nền tảng cho sự nhận thức về thời gian theo quan điểm của kinh Pháp Hoa. Và thể hiện sự thông suốt về sự diễn tiến của thập như thị, Đức Phật đã phóng quang cho chúng hội thấy cuộc đời của Ngài từ vô thỉ kiếp đến khi thành Phật, Ngài đã bố thí tài sản, thân mạng, hoặc thiền định, giáo hóa chúng sinh khắp mười phương (Phẩm Tựa thứ nhất).
Nếu phân biệt theo tri thức bình thường của thế nhân, thì thời gian là những quy ước mà con người đặt ra một cách cụ thể như ngày giờ, năm tháng. Nhưng thời gian trong kinh Pháp Hoa, một bộ kinh quan trọng diễn tả áo nghĩa của tư tưởng Đại thừa, thì không hạn cuộc trong vòng năm tháng của sự phân biệt theo trí phàm nhân. Vì vậy, trong phẩm Tựa thứ nhất, mở đầu bộ kinh đã giới thiệu cho chúng ta thời gian mà Đức Phật và hội chúng thâm nhập thế giới Pháp Hoa như sau: “Bấy giờ Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh từ trong chánh định mà dậy, vì Diệu Quang Bồ tát nói kinh Đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm, trải qua 60 tiểu kiếp chẳng rời chỗ ngồi. Lúc ấy, trong hội người nghe pháp cũng ngồi một chỗ đến 60 tiểu kiếp, thân tâm đều không lay động, nghe Đức Phật nói pháp cho như là trong khoảng bữa ăn”.
1 tiểu kiếp = 16.798.000 năm mà chúng hội thấy như khoảng bữa ăn. Vậy thời gian này phải hiểu như thế nào? Bộ kinh Pháp Hoa mà Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh nói lâu đến hơn 16 triệu năm, chắc chắn không phải là bộ kinh bình thường bằng giấy trắng mực đen và càng không phải là Phật nói bằng ngôn ngữ con người. Thời gian diễn ra thế giới Pháp Hoa đó phải được điều động bởi một bậc đại trí đã vượt khỏi vòng sanh diệt của luân hồi, nghĩa là vượt ngoài sự ràng buộc của thời gian. Và chúng hội thâm nhập vào thế giới Pháp Hoa cảm nhận thời gian hơn 16 triệu năm đó như khoảng bữa ăn. Điều này thật là vi diệu khi hành giả Pháp Hoa được an trú trong diệu lực kỳ vĩ của Đức Phật, nên cũng vượt ngoài sự chi phối của căn trần thức, của hệ lụy thời gian. Thiết nghĩ, đây là cảnh giới nằm ngoài vọng tưởng phân biệt của hành giả hội đủ phước duyên tham dự hội Pháp Hoa mà người ngoại cuộc lạm bàn cũng khó nói cho chính xác.
Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật thấy được mọi diễn biến của muôn sự muôn vật theo thập như thị, đó là cái thấy như thật và siêu thời gian, Phật thấy suốt từ quá khứ đến vị lai của mọi người và tất cả các pháp, không phải một pháp, Ngài mới thọ ký được. Không còn gì mà Phật không am tường, dù là việc nhỏ nhất lâu xa nhất, gọi là bản mạt cứu cánh. Vì vậy, bằng tuệ giác của bậc Đại trí, Đức Phật đã thọ ký cho Xá Lợi Phất: “Ông đến đời vị lai quá vô lượng vô biên bất khả tư nghị kiếp, cúng dường bao nhiêu nghìn muôn ức Phật, phụng trì Chánh pháp, đầy đủ đạo tu hành của Bồ tát, sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư Phật Thế Tôn” (Phẩm Thí dụ thứ 3). Ngoài ra, Đức Phật cũng thọ ký cho Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, A Nan, La Hầu La và 2.000 vị hữu học. (Phẩm thứ 6 và thứ 8).
Qua phần thọ ký của Đức Phật cho các vị Thanh văn, chúng ta nhận thấy điểm nổi bật ở đây là tất cả các vị đại đệ tử này đều phải trải qua vô lượng kiếp tu hạnh Bồ tát như phụng thờ, cúng dường, cung kính, tôn trọng ngợi khen nghìn muôn ức Phật, xây dựng tháp miếu, phụng trì Chánh pháp, diễn nói vô lượng đại pháp của các Đức Phật, thường tu hạnh thanh tịnh, v.v… cho đến thành tựu viên mãn hạnh Bồ tát, mới thành Phật, nếu chỉ tu trong vài chục năm theo hình thức thì quả vị Thánh còn xa, nói chi đến Phật quả.
Phải trải qua vô lượng kiếp phát huy trí giác và đạo hạnh, điều đó nhằm nhắc nhở hành giả Pháp Hoa phải nỗ lực, tinh cần thực hiện Bồ tát hạnh trong từng phút giây hiện tại, tinh tấn và tinh tấn không gián đoạn trên con đường Phật đạo cho đến vô số kiếp; đó là điều rất quan trọng theo tinh thần Pháp Hoa. Việc tận dụng giá trị của thời khắc hiện tại cũng đã được Đức Phật dạy trong kinh Trung Bộ III rằng, không nên truy tìm quá khứ vì quá khứ thì đã qua, cũng chẳng nên ước mơ về tương lai vì tương lai thì chưa đến, chỉ có hiện tại là phút giây quý báu đích thực giúp cho sự phát huy đạo hạnh của mỗi người.
Thật vậy, nếu thời khắc hiện tại được sử dụng có ý nghĩa, lợi lạc cho việc tiến tu Bồ tát đạo, thì nó sẽ trở thành hành trang quý báu dành dụm được vào kho tư lương quá khứ khi thời gian hiện tại qua đi và với nền tảng là quá khứ tốt đẹp như vậy, cùng với nhịp bước hiện tại tiếp theo đúng Chánh pháp thì chắc chắn sẽ mở ra một chân trời tương lai tươi sáng cho hành giả. Thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai theo Pháp Hoa cứ như vậy mà thông suốt một cách sâu sắc và tốt đẹp.
Bồ tát theo kinh Pháp Hoa lấy sinh mạng tương tục làm chính yếu, nghĩa là thời gian thọ mạng của Báo thân Bồ tát không phải được tính trong thời gian hữu hạn của phàm nhân là vài chục năm, hay trong một đời người. Thọ mạng của Báo thân Bồ tát trên lộ trình tiến tu Bồ tát đạo cho đến ngày thành Phật được coi là siêu thời gian, mà kinh thường diễn tả là trải qua vô lượng vô số kiếp. Thật vậy, cứ mỗi một đời, Bồ tát tu tạo được một số công đức, thành tựu được một phần Báo thân. Đến khi chấm dứt thân hiện đời, Bồ tát tái sanh thì sinh mạng của Báo thân Bồ tát lại được tiếp nối trong đời kế tiếp và thăng tiến hơn, cứ như vậy mà Bồ tát Pháp Hoa luôn dấn thân vào thế giới Ta bà để tiếp tục hành trình thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh của mình, đó là sinh mạng tương tục của Báo thân Bồ tát, bất kể thời gian dài hay ngắn, hay nói đúng hơn, Bồ tát không bị ràng buộc bởi sự hạn cuộc của thời gian, mà Bồ tát chỉ chuyên tâm tinh cần phát huy Bồ tát hạnh cho mình và cho mọi người trong từng sát na tâm, để thẳng tiến đến mục tiêu là thành tựu viên mãn Báo thân và đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy, thời gian hành Bồ tát đạo của Bồ tát Pháp Hoa là vô cùng và có giá trị siêu việt đối với những bậc xuất trần thượng sĩ, tự tại an nhiên ra vào cõi Ta bà ngũ trược mà quy luật vô thường không lay động được một mảy tâm của các Ngài.
Trên dòng sinh mệnh tương tục, Bồ tát tu tạo công đức theo từng bước chân đi trong thời gian vô tận như vậy, còn Đức Phật đối với thời gian thì như thế nào? Trong phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16, kinh Pháp Hoa, Đức Phật xác định rằng Ngài thành Phật từ ngũ bách ức trần điểm cho đến nay vẫn ở thế giới Ta bà thuyết pháp giáo hóa chưa từng ngừng nghỉ, nhưng có người thấy Phật, có người không thấy. Vì thương chúng sinh nghiệp cấu nặng không thấy Phật, sanh tâm buông lung kiêu mạn, Phật dùng phương tiện nói có Phật ra đời và Phật Niết bàn.
Tuy sắc thân Phật vắng bóng trên cuộc đời, nhưng Pháp thân Ngài vẫn thường trụ hằng hữu. Thật vậy, những lời dạy cao quý và cuộc sống phạm hạnh thanh tịnh của Ngài, uy đức của Ngài vẫn còn là kim chỉ nam soi đường dẫn bước cho hàng đệ tử trên khắp năm châu. Đối với Pháp thân Phật vĩnh hằng bất tử ở thế giới Thường Tịch Quang mãi mãi là điểm nương tựa an bình cho nhân loại trải qua hơn 2.600 năm, thì thời gian trở thành vô nghĩa. Và bước theo dấu chân Phật, những hành giả Pháp Hoa luôn sống tỉnh giác trong từng phút giây hiện tại dưới sự soi sáng của Phật huệ để nuôi lớn Báo thân và Pháp thân của chính mình, góp phần làm vững mạnh thêm cho sự trường tồn của mạng mạch Phật pháp trên cõi nhân gian này.
NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ SỐ 188