Tâm trộm
Ngày đăng: 03:40:49 31-01-2015 . Xem: 1612
Thưa toàn thể quý Phật tử,
Khi quý vị quy y Tam bảo, thọ Ngũ giới thì giới thứ hai là giới "không trộm cướp", phải không? Dù quý vị đã quy y Tam bảo hay chưa quy y thì chúng ta đều biết rằng trộm cướp là một điều không nên làm. Nhưng trộm cướp là gì quý vị có biết không? Trộm có nghĩa là lén lấy, mà cướp có nghĩa là đoạt lấy, tức là của gì người không cho mà mình lén lấy hoặc đoạt lấy, đó là trộm cướp. Đó là nói về phần trộm cướp của người.
Còn một phần nữa là, nếu không khéo, chúng ta sẽ trộm lấy của báu của chính mình mà mình không hay. Quý vị thấy có lạ không? Đã là của báu của chính mình, lẽ ra mình phải có quyền tự do sử dụng, tại sao lại có chuyện trộm lấy của báu chính mình? Để giải đáp thắc mắc và làm sáng tỏ vấn đề này, hôm nay quý Thầy sẽ nói chuyện với quý vị về đề tài “Tâm trộm”.
1/ TÂM TRỘM KHÔNG THỂ CHE GIẤU
Bây giờ thử đặt lại một câu hỏi, tại sao mình không được ăn trộm? Thứ nhất, ăn trộm là một hành vi không tốt nên mình không làm. Thứ hai, khi mình ăn trộm thì quả báo xấu sẽ không mất cho nên mình không dám làm. Nhưng làm sao biết được quả báo xấu không mất? Thí dụ một hôm mình lấy của ai một vật gì đó, bị người bắt gặp và báo công an, bị bắt ở tù thì mình thấy được quả báo, phải không? Nhưng nếu mình lén lấy mà không có ai biết, đáng ra là an toàn, nhưng tại sao quả báo lại không mất? Để rõ vấn đề này, quý Thầy sẽ kể quý vị nghe một câu chuyện, nếu quý vị khéo nghiệm thì sẽ thấy rõ:
Ngày xưa, trong gia đình tại một vương quốc nọ có ba anh em, không may cha mẹ đều qua đời và để lại một số tài sản. Số tài sản đó ba anh em đều chung nhau dùng và không cần phải chia ra, vì họ là những người rất tốt. Bất ngờ một hôm, một viên ngọc quý giá trong số tài sản đó không cánh mà tự bay (mất đi). Ba người đều lên án hành động này và cho rằng một trong số họ phải có một người là thủ phạm ăn cắp viên ngọc. Vì ngoài ba anh em ra, không có một người nào khác có thể biết viên ngọc để lấy.
Sự việc đã được thưa trình ở rất nhiều cấp nhưng vẫn chưa giải quyết được, cuối cùng được đưa thẳng lên triều đình. Trong triều có một vị công chúa rất thông minh, khi nghe sự việc khó khăn, cô xin vua cha cho mặc áo thẩm quan và lên ngồi tòa chánh thẩm. Khi công chúa xét khẩu cung của ba người này thì cả ba người đều chấp nhận rằng, một trong ba người phải là thủ phạm lấy viên ngọc. Nghe xong, công chúa mới kể cho ba người nghe một câu chuyện như thế này:
Ngày xưa ở một vương quốc nọ có một cô công chúa trẻ, mỗi buổi sáng bác giữ vườn thường tặng cho cô một bông hồng rất đẹp. Như thường lệ, cô nhận bông hồng xong, mỉm cười và nói với bác một câu: “Ngày về nhà chồng, ta sẽ biếu cho bác một bông hồng bằng vàng”. Bác giữ vườn chỉ mỉm cười, gật đầu và chào lui chứ không nói thêm gì, nhưng trong nét cười của bác, cô công chúa đoán rằng bác không tin lời mình, vì thế cô mới khẳng định thật mạnh để bác thấy được tấm lòng chân thật của cô: “Rồi bác xem, ta sẽ đến ngay trong đêm tân hôn và chỉ đến một mình để trao cho bác bông hồng bằng vàng đó”.
Trải một thời gian không lâu, cô công chúa đã đến tuổi trưởng thành và lấy chồng. Trong đêm tân hôn, cô trình bày và ngỏ ý xin phò mã cho mình được thực hiện lời hứa năm xưa với bác giữ vườn. Vị phò mã rất thông cảm và để cô đi. Công chúa trong bộ trang sức của một cô dâu, một mình ra đi trong đêm để đến nhà bác giữ vườn với mục đích là tặng bác một bông hồng bằng vàng thật. Trên đường đi cô gặp một tên cướp chặn lại và tính cướp lấy nữ trang. Cô trình bày sự việc và xin phép được làm tròn lời nguyện của mình trước, rồi sau đó khi trở về thì tên cướp muốn lấy gì tùy ý. Tên cướp bằng lòng. Đi một đoạn nữa, cô gặp một con cọp chặn đường đòi ăn thịt, cũng với sự trình bày giống như trước, cọp sẵn sàng tha cho cô đi để làm tròn lời hứa, khi về rồi sẽ ăn thịt. Cuối cùng cô công chúa đến được nhà bác giữ vườn và trao cho bác một bông hồng bằng vàng. Bác rất ngạc nhiên và cảm động trước sự hiện diện của một cô công chúa kỳ đặc, đã vượt qua nhiều hiểm nguy mới đến một nơi tầm thường như mình chỉ để làm tròn một lời hứa năm xưa. Bác tình nguyện đưa cô trở về nhà. Trên đường về, do bác có tướng vạm vỡ nên cọp và tên cướp đều sợ hãi và bỏ chạy, cô công chúa về nhà được an toàn.
Kể xong câu chuyện, vị công chúa thẩm phán hỏi ba anh em: Theo ba vị, các nhân vật trong câu chuyện trên, ai là người có tâm hồn bao dung và cao thượng nhất? Người anh đầu tiên nói: Chính phò mã là người có tâm hồn bao dung cao thượng nhất. Vì một người chồng mà để cho vợ của mình đi ban đêm một mình như vậy thì rất hiếm, mà phò mã đã dám chấp nhận thì phò mã là người có tâm hồn bao dung và cao thượng nhất. Người anh kế tiếp tục trả lời: Chính con cọp có tâm hồn bao dung rộng lượng nhất. Tại vì đang đói mà nó nhịn được để công chúa đi rồi trở về ăn sau, như vậy nó có một tâm hồn rất cao thượng. Đến người em út thì trả lời: Chính tên cướp là người có tâm hồn bao dung rộng lượng nhất, vì nó đã chiến thắng được lòng tham.
Bấy giờ vị công chúa thẩm phán hỏi người anh thứ nhất: Có phải anh đã có gia đình rồi phải không? Anh nói: Thưa phải, tôi đã có gia đình rồi. Cô hỏi người anh thứ hai: Ở nhà anh có tật tham ăn, phải không? Anh này cúi đầu, nhưng hai người kia đều xác nhận rằng anh này ở nhà rất tham ăn. Vị công chúa mới nói rằng:Phàm người khen một đối tượng nào thì thường khen những cái gì na ná giống như lòng của mình. Sở dĩ người anh thứ nhất khen phò mã là người có tâm hồn khoan dung độ lượng nhất vì anh đứng trên cương vị của một người chồng cho nên rất thông cảm về vấn đề phải cho vợ đi ban đêm một mình. Người anh thứ hai khen con cọp là cao thượng tại vì anh là người ham ăn, nên cho người nhịn ăn là cao thượng. Người em thứ ba khen tên cướp là cao thượng, vì chính mình do lòng tham đã lấy viên ngọc đó nên mới khen tên cướp đó là giỏi, là bao dung độ lượng vì thắng được lòng tham. Nghe qua kết luận, mọi người đều vỗ tay hoan nghênh công chúa rất thông minh, xử kiện rất giỏi.
Qua đó quý vị thấy, thông thường mình tưởng rằng khi khen một người là mình khen người đó, nhưng thực tế là mình khen những cái của người đó giống như mình. Ở ngoài đời, thấy ai chơi thân với một người bạn nào, nếu mình biết tính tình của người bạn đó, mình có thể suy ra tính tình người này thế nào liền, phải không? Quý vị thấy người em thứ ba giấu kín việc ăn trộm trong lòng, nhưng tại sao công chúa lại phát hiện được? Thông thường mình nghĩ rằng khi lấy trộm của ai thì tự mình nghĩ giấu kín cái đó không cho ai biết là an toàn. Nhưng quý vị gẫm lại sẽ thấy: Khi mình muốn giấu kín một điều gì đó thì phải có một niệm trong lòng mới giấu kín, phải thấy "niệm trộm" đó cho nên mới giấu kín. Và giấu kín là giấu kín niệm trộm đó. Như vậy, niệm trộm đó chính mình đã phát hiện và thấy rồi thì mình có thể giấu được không? Có thể giấu được với người khác, nhưng không thể giấu được với chính mình.Chính vì không giấu được, có một cái móng tâm như vậy, nên vị công chúa này mới phát hiện người em thứ ba là người ăn cắp viên ngọc.
Giả sử hôm nay quý vị lấy trộm của ai một vật gì đó, nếu mình chưa nghe câu chuyện trên thì từ cái niệm trộm trong lòng đó, mình khen tên ăn trộm là người khoan dung độ lượng nhất. Bây giờ mình nghe giảng, biết rồi, thì khi niệm trộm khởi lên, từ niệm trộm đó mình suy ra một niệm khác, là khen con cọp có tâm hồn bao dung rộng lượng nhất chẳng hạn thì thiên hạ cũng đâu ai biết. Nhưng thực ra, khi mình muốn nói qua một cái khác thì phải có cái này mới nói trớ qua cái khác được, mà cái này chính là cái tâm trộm đã ngự trị trong lòng mình rồi. Cho nên dù mình có trở qua trở về hay là tráo trở thế nào đi nữa, nhưng cũng không ngoài một niệm trộm đó. Mà niệm trộm đó chính mình đã thấy thì không thể thoát được, nó là tác nhân để chiêu lấy quả. Hôm nay mình trộm của người thì ngày sau mình phải chịu mất của, đó là quả báo không ai có thể tránh được. Chính vì mình giác biết cái quả báo xấu không thể mất cho nên mình không dám lấy trộm của người. Đó là phần thứ nhất về lấy trộm của người.
2/ TRỘM CỦA CHÍNH MÌNH
Bây giờ qua phần thứ hai là lấy trộm của chính mình. Muốn hiểu mình đã lấy trộm của báu của chính mình như thế nào thì trước tiên phải xác định được cái gì là của báu của chính mình. Nếu không biết của báu của mình là gì thì làm sao nói là lấy trộm được. Cho nên bây giờ phải xác định "Cái gì là của báu chính mình?" và "Mình đã lấy trộm nó như thế nào?". Nếu thực sự là của báu chính mình, nó phải đảm bảo những đặc tính sau:
- Nó phải ngay nơi chính mình chứ không phải mang từ bên ngoài vào.
- Nó phải chân thật không hư dối, tức là không phải là đồ giả. Vì nếu là đồ giả thì không thể gọi là quý báu được.
- Nó phải không hư hoại, tức là không sanh, không diệt. Nếu nói là của quý báu mà hư hoại thì không còn nghĩa là quý báu nữa rồi.
Bây giờ coi lại, cái gì là của báu ngay nơi mỗi người? Nơi thân thể con người chúng ta có hai phần: phần thứ nhất là sắc chất có nghĩa là thân này, và phần thứ hai là tinh thần là những cái nghĩ suy ở trong nội tâm mình. Trước tiên mình xét thân sắc chất này có phải là mình không?Nếu thân này là mình thật thì giả sử có một lúc nào đó, một phần cơ thể bị tách ra khỏi thân thì cái đó là của ai? Nếu thân là mình thì khi tách ra phần đó cũng phải là mình, phải không? Nhưng nếu cái được tách ra là mình thì cái đang nhìn đó là ai? Như vậy cái đối diện đó là mình và đây cũng là mình thì có hai cái mình, nếu có hai cái mình thì đó chưa phải là mình thật. Kế nữa, thân này nó chỉ tồn tại được trong vòng một thời gian rồi nó sẽ chết và hư hoại đi. Vì nó là cái bại hoại vô thường nên không phải thật là mình được. Như vậy phần sắc chất không phải là mình.
Bây giờ tới phần thứ hai là phần tinh thần, có nghĩa là tâm sanh diệt, tâm suy nghĩ khởi niệm ở trong mình. Cái tâm này có rất nhiều thứ như buồn, vui, mừng, giận, thương, ghét… Vậy những thứ đó, cái nào là mình đây? Nếu giả sử quý vị thích vui thì bây giờ vui là mình, còn khi buồn là ai? Nếu thật cái vui là mình thì mình sẽ vui hoài và không bao giờ buồn, phải không? Nhưng con người mình có lúc buồn, lúc vui. Nếu vui và buồn cùng là mình thì mừng, giận, thương, ghét cũng là mình, vậy thì một ngày có rất nhiều cái mình, cái mình đó là cái lộn xộn chứ không phải là cái mình chân thật.
Như vậy, thân sắc chất này và tâm suy nghĩ sanh diệt, hai cái đó không phải là mình rồi thì cái gì là mình? Thông thường người thế gian thường hay cho cái niệm tưởng suy nghĩ là mình nên khi khởi một niệm gì thì nói tôi nghĩ thế này, tôi nghĩ thế khác, chấp nhận cái đó là mình. Nhưng hôm nay qua phân tích, quý vị biết cái đó không còn là mình nữa, thân này cũng không phải thật là mình nữa thì bây giờ: Cái gì là mình đây?
Nếu quý vị đã nghe Hòa thượng giảng thì chắc còn nhớ, Hòa thượng nói, giả sử một lúc nào đó bao nhiêu duyên bên ngoài không màng tới, và trong lòng cũng không có gì bận bịu phải lo nghĩ, mình ngồi thảnh thơi buông hết toàn bộ. Lúc đó trong lòng không có một gợn niệm nào khác, nhưng khi người đi qua quý vị có biết không? Vẫn biết vẫn thấy. Đâu phải đợi khởi nghĩ mới biết, mới thấy.Gió thổi qua mình thấy mát, người vật đi qua, mình đều thấy biết hết, nhưng trong không gợn một niệm thì cái biết đó chính là chân thật nơi mỗi con người chúng ta.
Tại sao quý Thầy dám quả quyết đó là thật? Quý vị biết tại sao thật chưa? Lâu nay mình chỉ nghe một chiều, nghe giảng thì tin là thật, nhưng bây giờ đặt lại câu hỏi: "Tại sao dám quả quyết nó là thật nơi mình?" Phải đặt lại câu hỏi đó thì mới có sự đánh động tới tận tâm can và niềm tin mới vững chắc không bao giờ đổi.
Khi quý vị có niệm nghĩ suy thì đó là tướng gì? Là tướng động. Khi không có niệm nghĩ suy thì đó là tướng gì? Là tướng tịnh. Khi khởi là động, khi không khởi là tịnh, đó là hai tướng của tiền trần, có động và có tịnh. Nhưng cái mà khi khởi niệm cũng biết, khi niệm đã bặt rồi, không còn niệm tưởng nó vẫn hằng sáng biết thì cái biết đó có bị lệ thuộc trên tướng động và tướng tịnh không? Cái biết đó luôn hiện hữu trên hai tướng động và tịnh, nó không phải là tướng của sanh diệt. Mà không phải là cái sanh diệt thì chính nó là cái chân thật ở nơi mình.
Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy Ngài A-nan: “Nếu rời tiền trần mà có tánh phân biệt tức là tâm ông. Nếu tánh phân biệt đó rời tiền trần mà không có thật thể thì đó là bóng dáng phân biệt của tiền trần”. Ví dụ chúng ta cùng nhìn bình hoa này, ai nhìn cũng biết. Nhưng làm sao nhận ra cái biết như thế nào là biết chân thật và biết như thế nào không phải là chân thật mình? Khi quý vị nhìn bình hoa này thì quý vị biết bình hoa, khi quý Thầy cất bình hoa đi, nếu quý vị nói rằng không còn biết gì nữa thì cái biết đó là cái biết gì? Đó là cái biết của tiền trần, là bóng dáng phân biệt tiền trần. Tại sao? Tại vì đợi có bình hoa (tiền trần) nó mới có biết, cất bình hoa đi thì nó không còn thấy biết nữa, biết theo bình hoa bên ngoài, theo bình hoa bên ngoài mà sanh diệt cho nên nó là bóng dáng phân biệt tiền trần.
Nhưng bây giờ chúng ta tỉnh sáng lại, không bám theo bình hoa, thì khi có bình hoa này mình cũng biết và khi không có bình hoa này mình vẫn hằng thấy biết thì cái đó là "rời tiền trần mà vẫn có tánh phân biệt”, vẫn có cái thấy biết hằng hữu, cho nên cái đó “chính là tâm ông”. Trên tướng động nó cũng có, trên tướng diệt nó cũng có, cho nên nó không sanh không diệt, là hằng hữu, là chân thật, là không hư dối. Cái không sanh diệt trên tướng động và tịnh đó là của báu chân thật nơi chính mình. Của báu đó ở đâu? Trong hai câu cuối của bài kệ kết thúc bài "Phú Cư Trần Lạc Đạo", vua Trần Nhân Tông đã nói: “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.
Khi đối cảnh mà không có một niệm khởi phân biệt thứ hai thì ngay đó là vô tâm. Vô tâm nhưng mình vẫn thấy biết thì cái thấy biết vô tâm đó mới có thể thấy biết được trên vật và không vật, trên cả tướng động và tịnh. Còn nếu cái thấy biết có tâm, tức là có khởi phân biệt, có bóng dáng phân biệt của tiền trần thì nó không phải là tâm của chính mình. Ngài nói: “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm”, của báu đó là đối cảnh vô tâm, nhưng mà ở đâu? Ở trong nhà, là ngay nơi mỗi chúng ta, của báu đó là nơi mỗi quý vị chứ không phải ai đem cho cả. Tới đây quý vị đã tin ngay nơi mình,mỗi người ai cũng sẵn có của báu chưa? Đã sẵn có, nhưng chưa dùng được trọn vẹn, đúng không? Và có người cả đời không biết và dường như cũng không có ai nói cho biết. Tại sao lâu nay chúng ta lại bị khuất lấp, mê mờ đến vậy?
Bây giờ quý Thầy ví dụ như thế này, quý vị nào khéo thì sẽ thấy. Khi quý vị bận rất nhiều việc và trong lòng lăng xăng nhiều thứ thì để cái gì ở đâu là quên ở đó, phải vậy không? Hễ mình để chùm chìa khóa ở đây là quên, tìm hoài cũng không ra, càng tìm càng rối. Tại vì bao nhiêu thứ nghĩ đã ngổn ngang một đống trong đầu, bây giờ thêm một cái niệm tìm là thêm một đống thứ hai nữa thì làm sao tìm ra được? Mình cũng chưa biết chắc bằng cách nào để tìm ra nữa. Nhưng đến tối, quyết định buông hết để ngủ cho khỏe, khi vừa nằm xuống thì liền nhớ ra chùm chìa khóa đã bỏ quên ở đâu. Như vậy có phải những cái nghĩ suy ồn ào hằng ngày đó đã che lấp đi tánh giác sáng của mình không?
Chính những niệm tưởng lăng xăng đó đã che lấp đi của báu chính mình, tuy rằng của báu không mất, nhưng bị che lấp đi mà mình không biết thì coi như đã mất, mà mất là do ai ăn trộm? Niệm tưởng che lấp giấu đi thì chính niệm tưởng là kẻ ăn trộm rồi. Nhưng niệm tưởng đó ở đâu? Trong mình chứ đâu phải ai đem tới. Như vậy, c
hính mình lại đi ăn trộm của mình, mới nghe qua tưởng là vô lý, nhưng bây giờ thì thấy có lý.
Tại sao gọi là ăn trộm? Những niệm tưởng lăng xăng đó là vọng tưởng khởi nghĩ, sanh diệt âm thầm bên trong, đâu có ai thấy được. Đồng thời nó lại có khả năng che lấp đi kho báu của chính mình mà mình không nhận ra. Những vọng tưởng đó, dù người đã phát hiện hay chưa phát hiện ra, nó cũng âm thầm lén lút lao ra. Chính vì nó có tính chất âm thầm và lén lút giấu đi của báu chân thật chính mình cho nên nó là tâm trộm của mình, cướp đi của báu chính mình mà mình không hề hay biết.
3/ TÂM TRỘM NƠI CHÚNG TA ĐÃ CƯỚP ĐI CỦA BÁU CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?
Tới đây quý vị đã phát hiện được chú trộm chưa? Bây giờ phát hiện được, bắt được rồi phải không? Hôm nay quý vị phát hiện được chú trộm ngay nơi mình, chính chú tâm trộm này đã âm thầm lén lút trộm của báu của mình khiến cho chúng ta phải nghèo nàn đi trong sanh tử không biết từ hồi nào tới bây giờ vẫn còn nghèo. Và quý vị đã biết hành tung của nó ăn trộm như thế nào chưa? Biết hành tung tức là biết được đường đi nẻo về của nó, nó lén ở góc nào, nó cướp của báu mình như thế nào. Bây giờ quý Thầy kể một câu chuyện để quý vị thấy được chú trộm đó đã lén ăn cắp một cách rất tinh vi như thế nào.
Vào thời Đức Phật có một vị trưởng giả tên là Tăng Hộ, sau khi thọ tam quy ngũ giới, vị này phát tâm thêm và xin được xuất gia. Khi được xuất gia, vị này tu hành miên mật, không bao lâu chứng được Thánh quả A-la-hán. Trong lúc đó người em gái vị Tỳ-kheo này sanh hạ được một người con và cũng đặt tên là Tăng Hộ (Tăng Hộ cháu). Tuổi vừa lớn, người em gái cho con mình đến xuất gia với người cậu (vị Tỳ-kheo đã chứng A-la-hán). Thế là người cháu được chấp thuận cho xuất gia và làm bổn phận hầu thầy một thời gian thì xin đi an cư ở một vùng khác. Sau mùa an cư, vị Tăng Hộ cháu này nhận được hai xấp vải do thí chủ cúng dường. Người cháu muốn dâng vật phẩm này lên cúng dường lại cho thầy là cậu mình, nhưng vị thầy nói: - Ta đã đủ y rồi, con cứ cất đi mà dùng. Nhưng người cháu nói: - Thưa Thầy, Thầy hoan hỉ nhận cho con, vì khi nhận xấp y này con đã có ý niệm là sẽ cúng dường cho Thầy, xin Thầy hoan hỉ nhận cho. Vị thầy vẫn một mực từ chối: - Con cứ cất đi, ta đã đủ y rồi, ta không nhận nữa. Mãi đến lần thứ ba, người cháu mới nói: - Bạch Thầy, hồi nào tới giờ con chưa có dịp để cúng dường cho Thầy, hôm nay không có vật gì để cúng, con có xấp y này mong Thầy nhận để cho con có phước.
Người thầy vẫn từ chối và không nhận. Người cháu đang đứng quạt hầu thầy mà tâm ngổn ngang trăm mối: "Mình tứ cố vô thân, cha mẹ thì mình đã bỏ lại ở đời mà đi tu rồi, chung quanh bạn bè không còn ai, chỉ còn nương tựa vào người thầy mình, mà đặc biệt người thầy lại là cậu ruột nữa. Mình cũng hết lòng hầu thầy một cách chu đáo và hôm nay muốn cúng dường cho thầy xấp vải này mà thầy không nhận, chứng tỏ rằng thầy mình chẳng thương mình chút nào cả. Cô quạnh quá biết làm sao bây giờ, buồn quá tu hành chi nữa, thôi về nhà, nhưng làm gì để có ăn bây giờ? Thôi thì còn hai xấp vải mình bán đi để mua một số dê, loài này sanh trưởng nhanh lắm. Bán dê con kiếm được nhiều tiền, mua vườn tược, sắm nhà cửa rồi kiếm một cô bạn cùng sống. Khi cô bạn cho ra đời một người con thì hai vợ chồng cùng nhau bế con đến để quy y với cậu mình. Trên đường đi, trời nóng oi bức, thấy cô vợ cũng mệt mỏi rồi, mình định bế đứa bé một lúc. Nhưng cô vợ lại không cho. Giành qua giành lại, đứa bé rơi xuống đường, tức quá lấy cây đánh cho bà vợ một cái”. Dòng suy tư miên man đến đây, đột nhiên giật mình nghe vị thầy nói: Này con, con không đánh trúng cô vợ mất nết kia đâu, mà đã đánh trúng cái đầu trọc của Thầy đây này.
Quý vị thấy, hễ mình sơ suất một chút là nó đã lén đi rồi. Đang là một chú Sa-di đứng quạt cho thầy mà thả cho tâm tưởng đi miên man tít tận đâu, nào là bán dê, rồi mua vườn tược, cưới vợ sanh con đủ thứ. Đến khi đập người ta một cái rồi mới sực tỉnh ra, cuộc sống của mình trong lúc miên man đó có dính dáng gì khi mình đã tỉnh nữa đâu. Đến đây quý vị đã thấy tâm trộm này lén lút như thế nào chưa? Cho nên chúng ta thường gọi "mở mắt chiêm bao" là vậy. Thân đứng quạt hầu thầy, nhưng tâm vẫn lén lút và trốn đi. Đó là chuyện của ngài Tăng Hộ. Nhưng quý vị thử xét lại có lúc nào mình giống như vị này không? Giống. Mình phải thật thà, có sao nói vậy, giống thì nói là giống. Phải dám thấy rằng "mình đã có lần như vậy" thì mình mới dám thấy đó là trộm. Mà thấy là trộm, là giặc thì mới có thể loại bỏ nó ra được, chứ còn cứ bao che thì không bao giờ loại được giặc ra khỏi nhà.
Có lúc đang ngồi nghe pháp ở đây, nhưng thỉnh thoảng quý vị cũng có thể ra được phố Đà Lạt, cũng về được Sài Gòn, cũng coi được nhà khóa cửa chưa, rồi trưa nay mấy đứa đi học về ai đón, ai nấu cơm, không biết đồ ăn dặn như vậy nó nấu canh có ngon, có mặn không? Mình ngồi đây, đang ngồi sờ sờ đây nhưng nó cũng có quyền nghĩ thoáng một cái thứ hai nữa. Đó là nó đã lén, đã cướp đi của báu của mình rồi. Cái này không phải riêng một mình quý vị đâu mà đã là chúng sanh, nếu không khéo thì bị nó lén trộm thường lắm.
Hòa thượng có lần kể câu chuyện: Ngày xưa ở Quảng Ngãi trong một ngôi chùa nọ, hôm ấy người ta lập đàn chẩn tế và thỉnh Hòa thượng Trụ trì làm chủ lễ. Hòa thượng bận việc cho nên nhờ thầy Tri sự đi. Thầy Tri sự bận rất nhiều việc, khi phải đi đột xuất thì xách áo đi chứ không kịp sắp xếp gì cả. Khi đứng nghiêm trang trên đàn chẩn tế, bất chợt nhớ lại không biết chùm chìa khóa mình bỏ đâu rồi. Vì lo cái chùm chìa khóa nên suốt buổi chẩn tế miệng thì tụng kinh mà trong lòng cứ nhớ cái chùm chìa khóa. Tối đến Hòa thượng trụ trì nằm mộng thấy cô hồn về báo: “Bạch Hòa thượng, hôm nay thầy Tri sự cho tụi con ăn toàn chìa khóa”. Tại sao? Vì quỷ thần ăn qua tâm niệm của mình, khi niệm tụng mà nghĩ đến chìa khóa suốt buổi thì suốt buổi đó quỷ thần phải ăn chìa khóa. Như vậy một lúc mà có hai niệm thì trong đó phải có một cái là trộm chứ không khác đi được.
Ngày xưa ở Long Thành có một cô đi xe đạp chở con đến chợ để bán hàng. Buổi sáng hôm ấy có chuyện buồn gì đó nên vừa đạp xe mà tâm vừa nghĩ tưởng bâng quơ. Khi đến chợ, nhìn lại thì mới phát hiện ra người con không còn ngồi sau yên xe nữa. Quay lại đi tìm mới biết nó đã bị té tại đoạn đường có ổ gà mà không hay.
Có khi chúng ta đang đi mà vẫn trôi nổi trong vòng suy tư, nghĩ ngợi vẩn vơ, nhiều lúc mình không biết mình đang đi nữa. Có nhiều lúc quý vị nghe Hòa thượng nói mình thật giống người điên. Nghe thì thấy hơi lạ tai, khó nghe, nhưng xét lại thì mới thấy đúng. Người điên là người nói lảm nhảm ở ngoài miệng, còn mình điên thì nói ở đâu? Mình không nói ngoài miệng mà lảm nhảm ở trong tâm. Vừa đi nhưng mà trong bụng mình nó cứ lảm nhảm, cứ tính cái chuyện gì đâu đó mà mình không hay. Có nhiều lúc đi đụng cột nhà rồi mới biết. Bây giờ ngồi xét lại tâm niệm của mình mới thấy rằng có quá nhiều chú ăn trộm. Cái cần nghĩ thì mình nghĩ đã đành rồi, nhưng còn cái không cần nghĩ nó cũng không tha cho mình. Có khi mình ngủ rồi mà nó vẫn chưa chịu ngủ, nó cũng còn kéo mình đi nữa. Càng tơ tưởng viển vông nhiều thì nó càng không giúp ích gì mà lại che lấp đi của báu chính mình.Cho nên trong Luận Đại Trí Độ có nói: “Tâm tánh chúng sanh giống như dao bén, nhưng chỉ dùng để cắt bùn, bùn chẳng thành gì mà dao thì mỗi ngày một hư tổn”.
Tâm tánh của mình giống như dao bén, tức là tâm mình vốn sáng suốt thanh tịnh, nhưng mình không biết dụng tâm tánh mà khởi theo những niệm tưởng, đó chẳng khác nào dùng dao bén để cắt bùn. Nhưng niệm tưởng đó lại không giúp ích gì cho tuệ mạng của mình mà chỉ làm mờ đi tánh sáng vốn tịnh, cho nên Ngài nói “bùn chẳng thành gì mà dao thì mỗi ngày một hư tổn”. Càng khởi tưởng nhiều thì nó càng che lấp chân tánh của mình, giống như con dao vốn bén mà đem đi cắt bùn sình thì nó sẽ bị cùn lụt đi, rất là đáng tiếc. Ngài nói tiếp: “Lý thể thì thường diệu mà chúng sanh tự thô, nếu ai hay khéo dùng đó thì liền hợp với bản diệu”. Tức là lý thể nơi mỗi chúng ta luôn là ảo diệu, vốn là nhiệm mầu, nhưng vì chúng ta khởi nghĩ theo vọng cho nên chính mình làm cho nó thành thô, không còn diệu nữa. Nhưng nếu ai khéo dùng, tức là khéo nhận lại và sống trọn vẹn với thể vốn sẵn đó thì liền khế hợp với bản diệu, khế hợp với cái diệu ban đầu sẵn có nơi mỗi chúng ta.
Bây giờ mình đã phát hiện được rằng, sở dĩ lâu nay tâm tánh mình bị che mờ mà sanh ra bao nhiêu lỗi lầm và đau khổ là vì một chú tâm trộm đó. Tuy tâm trộm là nhiều, nhưng quy lại chỉ là một niệm tưởng thôi chớ không có gì lạ. Khi nghĩ thiện thì nó mặc áo trắng, khi nghĩ ác thì mặc áo xanh, khi vui thì mặc áo hồng,... Nó mặc rất nhiều thứ áo, nhưng chỉ là một loại niệm tưởng chứ không có chú nào khác vào đây cả. Chỉ cần nắm ngay chú đó mà giải quyết là sẽ nhận lại kho báu chính mình.
Ngài Linh Nguyên Duy Thanh, một Thiền sư ở Trung Hoa nói rằng: “Người học thời nay chưa thoát sanh tử, bệnh tại chỗ nào? Lỗi tại tâm trộm chưa chết. Người học thời xưa ngay một câu nói liền thoát sanh tử, công hiệu tại chỗ nào? Tại tâm trộm đã chết”. Tức là các Ngài xưa kia ngay một lời nói, ngay một lời khai thị mà sạch cái tâm trộm trong lòng đi thì của báu hiện ra sờ sờ, đó là giải thoát sanh tử, các Ngài sống an lạc và đầy đủ diệu dụng. Còn chúng ta hôm nay nghe một lời khai thị, nghe một lời giảng, nhưng mình chưa dồn hết sức để nghe mà còn lén chạy ra nữa, cho nên tâm trộm chưa chết. Và do cái tâm trộm thứ hai chưa chết đó nên bản tánh vẫn bị mờ, nhà mình có của báu mà không xài được.
Vậy học đạo công hiệu hay không là ở chỗ tâm trộm của chúng ta có chịu chết hay chưa, chứ không phải là do người xưa có một cái gì kỳ đặc hơn bây giờ. Thời nay nếu quý vị nào khéo phát hiện và làm chủ, thắng được tâm trộm nơi mình thì học đạo cũng tiến bộ và có công hiệu giống như quý Ngài thời xưa không khác. Quý vị phải dám tin mạnh điều đó, như thế mình mới có một niềm tin sâu mạnh vào của báu nhà mình và thấy rõ tâm trộm kia.
4/ VÌ SAO BIẾT MÀ VẪN BỊ NÓ LÉN LÚT DẪN ĐI?
Giờ quý vị đã thấy được hành tung của tâm trộm mình nó như thế nào rồi, hễ mình lơ đễnh một chút là nó lén đi, cướp mất của báu nhà mình liền. Biết là như vậy, nhưng tại sao thỉnh thoảng vẫn bị nó lén lút trốn đi? Bây giờ đã tin chắc mình có của báu, Hòa thượng đã chỉ rất rõ và lắm lúc mình gần như thấy ra rõ ràng nữa. Có khi mình cũng biết rằng của báu đó nó có tác dụng lớn, vọng tưởng kia chỉ là cái không đâu, che lấp của báu chính mình. Đã biết như vậy, nhưng tại sao nó lại hay lén lút trốn đi? Nếu chưa nhận ra căn nguyên của nó thì chúng ta vẫn bị nó ăn cắp của báu hoài. Hòa thượng cũng đã chỉ nhiều rồi, ngồi trong đây thì quý vị có thể nhận được phần nào, nhưng mà khi bước ra khỏi phòng thì bị nó cướp đi hồi nào không hay, mình vẫn là kẻ nghèo nàn đói khổ.
Theo quý thầy, có ba lý do khiến mình để chú trộm đó cướp đi châu báu của mình:
- Thứ nhất là mình chưa biết hết giá trị của báu nhà mình, nên chưa trân quý của báu đó một cách đúng mức. Giả sử có một vật gì đó quý nhất trên thế gian này như viên ngọc chẳng hạn, khi biết nó quý rồi, quý vị cất trong tủ khóa kỹ lại hay là để hời hợt bên ngoài cho dễ mất? Hễ mà biết quý thì bằng mọi cách cất giữ khóa lại thật cẩn thận. Nhưng hôm nay mình nghe có của báu chân thật nơi mình, của báu đó còn quý hơn tất cả các loại báu ở thế gian nữa, mà mình vẫn để cho bị trộm đi là vì mình chưa thấy hết giá trị của nó, nên chưa trân quý nó một cách đúng mức và để bị trộm cắp đi.
- Thứ hai là mình chưa thấy hết sự nguy hiểm và giả dối của tâm trộm đó. Nếu quý vị thấy nó nguy hiểm và giả dối thì chắc mình không bao giờ để cho nó trộm đi.
- Thứ ba nữa là mình chưa dám thật thà với chính mình mà còn che giấu nuôi dưỡng nó nên bị nó gạt. Chính vì vậy cho nên chư Tổ nói "mình nhận giặc làm con" tức là còn chứa chấp, dung dưỡng nó. Mà nhận giặc làm con thì giặc nó cướp của báu mà mình không hay.
Bây giờ quý vị biết ba lý do mình bị tâm trộm cướp đi của báu của mình thì quý vị muốn dừng tâm trộm đó, không cho nó cướp của báu nữa hay là vẫn tiếp tục cho nó ăn trộm? Phải dừng để lấy lại của báu. Muốn dừng một cách mạnh mẽ và có hiệu quả thì trước tiên phải biết ba điều kiện cần thiết:
- Thứ nhất là phải biết trân quý của báu nơi chính mình, của báu này là của báu xuất thế gian, có thể giúp chúng ta giải quyết được cái khổ lớn sanh tử. Tất cả quý vị có ai là người không sợ cái khổ sanh tử? Khổ sanh tử là cái khổ lớn nhất mà ai cũng sợ, sanh ra đời này là khổ lắm rồi. Vì sợ khổ sanh tử nên mình mới tìm đường học đạo để giác ngộ và giải thoát, hôm nay mới ngồi đây để nghe giảng. Chư Phật, chư Tổ sở dĩ giải thoát được khổ sanh tử là bởi các Ngài ngộ lại Phật tâm nơi chính mình, mà Phật tâm đó, các Ngài nói rằng, nơi mỗi chúng sanh đều có, Phật tâm đó chính là của báu chính mình. Các Ngài nhận lại của báu này nên giải thoát khổ sanh tử, vậy thì chúng ta nhận lại của báu này không lẽ chúng ta còn đau khổ hay sao? Vô lý! Do vậy, chúng ta phải cố gắng giữ gìn của báu này, không bao giờ để cho chú trộm lấy mất. Để mất là chúng ta phải chịu khổ một cách rất oan uổng và đáng thương.
- Thứ hai là phải thấy rõ sự nguy hiểm của tâm trộm đó. Xét lại, sở dĩ mình bị luân hồi, chịu khổ trong sanh tử cho tới hôm nay là do nghiệp mình đã tạo. Mà nghiệp là từ thân, miệng và ý tạo nên. Nhưng thân, miệng là cái làm theo ý khởi tưởng, mà khởi tưởng chính là chú tâm trộm này. Như vậy, phát hiện ra kẻ tạo nghiệp để đi trong sanh tử chịu nhiều khổ đau cũng lại là chú tâm trộm này nữa. Chính tâm trộm này đã lén lút cướp đi của báu của mình, khiến chúng ta phải lang thang chịu khổ từ kiếp này sang kiếp nọ trong vòng luân hồi sanh tử, khi thì sanh vào loài ngạ quỷ đói khát khổ sở, khi thì làm súc sanh ngu muội không biết gì, lúc thì làm người bữa đói bữa no, đủ thứ khổ. Đã nhiều kiếp như vậy rồi mà chúng sanh vẫn không hề hay biết, vẫn lần lữa trong đó mà chịu khổ. Giờ biết rõ sự nguy hiểm và giả dối của chú tâm trộm này rồi, quý vị còn dám tha thứ và để cho chú lén trộm của báu mình nữa không?
- Thứ ba, là phải dám mạnh dạn trung thực, dám can đảm thật thà với chính mình để thấy rõ nó thì có thể thắng được, nếu còn che giấu để cho nó lén lút lừa gạt và lấy trộm của mình hoài thì không bao giờ thắng được mà còn phải chịu khổ nữa. Nó ẩn trong bóng tối của sự lén lút và che giấu, nhưng nếu mình trung thực và thật thà thì đó là ánh sáng, đem ánh sáng soi rọi nó, đó là “cháy nhà ra mặt chuột”.
Sở dĩ chúng ta thường suy nghĩ mông lung trong lòng một cách tự do, không sợ sệt, không hổ thẹn gì cả, là vì mình nghĩ rằng những suy nghĩ đó chỉ có một mình mình thấy thôi chứ người thứ hai không thấy. Nhưng giả sử mình sống gần một người nào đó mà khi mình nghĩ bất cứ điều gì, họ đều thấy rõ hết tâm niệm của mình thì quý vị có dám nghĩ tầm bậy không? Không bao giờ, thậm chí còn phải chăn giữ tâm rất kỹ. Như vậy để thấy rằng, mình chưa thật thà với chính mình. Dù người khác biết hay không biết, mình vẫn phải chăn giữ tâm cho kỹ thì mới gọi là trung thực và thật thà. Quý vị dám gan dạ như vậy thì bảo đảm không có một chú trộm đen tối nào có thể lẩn trong tâm mình được hết và việc tu hành của mình sẽ rất mau tiến.
Quý Thầy kể quý vị nghe một câu chuyện: Vào thời Đức Phật có sáu mươi vị Tỳ-kheo, sau khi nhận Thiền quán từ nơi Đức Phật xong, các vị ra đi đến một ngôi làng rất bình yên dưới chân núi tại nước của vua Ba-tư-nặc để tìm chỗ an cư và tu tập. Khi đến, bà mẹ của vị thôn trưởng Ma-ti-ca đón các vị Tỳ-kheo vào và dâng đồ cúng dường. Sau đó bà quỳ và tác bạch: “Thưa thỉnh các Ngài có muốn gì không?” Bấy giờ các vị Tỳ-kheo trình bày ý nguyện của mình là muốn tìm một nơi an ổn để tu tập trong mùa an cư sắp tới. Bà mẹ của thôn trưởng Ma-ti-ca là người rất có tín tâm, hoan hỉ thỉnh quý vị này: “Thưa cái Ngài, mời các Ngài ở lại đây an cư trong mùa hạ, con hứa sẽ giữ gìn trai giới một cách kỹ lưỡng và cúng dường các Ngài đầy đủ để quý Ngài an cư và tu hành ở đây”. Sau khi sáu mươi vị Tỳ-kheo này đồng ý rồi, bà xây cất tinh xá có nơi ăn ở đàng hoàng, thỉnh các thầy Tỳ-kheo này về an cư, hằng ngày bà cung cấp thức ăn thức uống một cách chu đáo.
Đến nơi, các thầy Tỳ-kheo nói với nhau: “Chúng ta phải thấy rằng cửa địa ngục ở trước mắt mình, nó đang mở ra, rất nguy hiểm. Đời người thì rất chóng vánh, muốn thoát khỏi khổ sanh tử không gì hơn là đạo vị. Ân huệ của chư Phật không thể mang đến cho một người chưa dám thật thà và tu hành”. Các thầy Tỳ-kheo quy định với nhau rằng, mỗi người phải đến một gốc cây và chuyên tâm để tu tập, hai người không được ở chung một chỗ để bàn chuyện ồn ào. Mỗi khi có bệnh tật gì cần phải gặp thì rung chuông để biết và đến giúp đỡ nhau. Sau đó mỗi người chia tay đi một nơi, đến từng gốc cây riêng biệt để thiền quán.
Bà mẹ thôn trưởng Ma-ti-ca tới tinh xá, bà không thấy ai cả, tưởng các Ngài giận và cãi nhau bỏ đi. Bà thắc mắc thì được một người khuyên rằng “nếu muốn gặp các thầy Tỳ-kheo này thì rung chuông là quý vị tới liền”. Khi tiếng chuông vang lên, bà thấy quý thầy từ mỗi gốc cây, mỗi người ôm bình bát đi lại, đi riêng rẽ chứ không ai đi chung với ai cả. Bà ngạc nhiên và nói: “Thưa các Ngài, có phải là các Ngài không vui với nhau không? Tại sao khi đến đây thì quý Ngài đi chung thành đoàn các thầy Tỳ-kheo trang nghiêm mà bây giờ mỗi thầy lại đi riêng mỗi nơi như vậy? Có phải các Ngài đã phiền lòng nhau?” Quý thầy Tỳ-kheo thưa: “Không phải, tại vì chúng tôi đã quy định với nhau và sống như vậy để thiền định”.
Nghe vậy bà giật mình, bà nghĩ người đời mà đi riêng như vậy có nghĩa là giận dỗi, còn quý vị Tỳ-kheo này đi riêng là để thiền định. Lần đầu tiên, điều rất lạ này tác động mạnh vào đầu bà, bà nói: “Vậy thưa quý Ngài, pháp Thiền quán đó chỉ có quý Ngài mới áp dụng được, hay tôi cũng có thể áp dụng được?” Quý thầy Tỳ-kheo nói: “Nếu bà muốn thì vẫn áp dụng được, không phân biệt ai cả, tại gia hay xuất gia đều thực hành được”. Bấy giờ bà thưa thỉnh quý thầy chỉ dạy pháp Thiền quán. Với nhiệt tâm nỗ lực tu hành, kết quả trong một thời gian ngắn bà chứng được Tam quả A-na-hàm và được các thần thông trước cả quý thầy Tỳ-kheo này nữa.
Quý vị biết tại sao bà này tu tập mau có kết quả không? Vì lần đầu tiên nghe một điều rất lạ và quý cho nên bà dồn hết tâm lực để làm cho bằng được. Vì thiết tha, nỗ lực, cố gắng công phu một cách mạnh mẽ cho nên bà chứng quả trước cả quý vị Tỳ-kheo. Còn "quý thầy Tỳ-kheo này" có lẽ nghe Phật giảng hoài cho nên hơi bị nhàm, làm lơi lơi chưa đủ mạnh lắm. Vì thế cho nên nhiều lúc tin mà không lấy ra xài được. Còn bà này mới nghe cho nên bà quý trọng, cố gắng thực hành thành ra bà lấy ra xài được liền. Trong đây, nếu quý vị nào tôn trọng pháp, thiết tha cố gắng tu tập và chứng quả trước quý thầy thì đó là một điều rất tốt, đáng trân quý chứ không phải thường. Quý vị có quyền chứng quả trước, không ai cấm cả, điều này rất bình đẳng và tự do, là quyền của mỗi người. Còn nếu nghe pháp lâu năm, thấy pháp sẵn quá và mình nghe thì hiểu liền rồi xem thường, không thiết tha dụng công tu tập cho đến nơi đến chốn thì đành phải chậm tiến hơn thôi.
Khi đã chứng quả A na hàm và có thần thông, trong đó có tha tâm thông thì ai nghĩ gì là bà biết hết, sáu mươi vị Tỳ-kheo này còn là phàm phu nên nghĩ gì là bà cũng thấy hết. Bà xem xét lại: “Tại sao quý thầy Tỳ-kheo này chưa chứng quả như mình?” Bà thấy rõ ràng là tại quý vị này còn nghĩ tưởng lung tung quá, bèn quyết định sẽ giúp quý thầy chứng quả giống như mình. Bấy giờ bà mới quán tưởng "bạn bè đồng hạnh có hòa hợp không?" thì thấy rõ ràng mấy vị Tỳ-kheo này hòa hợp, "quý vị này chỗ ở có yên ổn không?" thì chỗ ở cũng yên ổn ấm áp, lại quán "thức ăn có đủ không?", thì ra thức ăn không được đủ cho nên cái bụng cồn cào tu không hiệu nghiệm. Bà liền bắt đầu nấu những loại cháo ngon đem cúng dường các vị Tỳ-kheo này. Đúng vậy, khi ăn những loại cháo ngon này, quý vị Tỳ-kheo sức khỏe được tăng trưởng và phấn chấn tinh thần tu hành, qua mùa an cư thì cả sáu mươi vị đều chứng Tứ quả A-la-hán, tức là hơn vị thí chủ này một quả vị nữa.
Mãn mùa hạ, các vị Tỳ-kheo từ giã vị thí chủ này và trở về gặp Đức Phật. Đức Phật hỏi: “Có lẽ mùa an cư này có người chăm sóc chu đáo nên các thầy trông có vẻ khỏe?” Các vị Tỳ-kheo liền thuật lại câu chuyện, Phật khen các thầy Tỳ-kheo đã tu hành tốt và vị thí chủ kia đã khéo hộ trì nên các thầy tu hành có kết quả. Khi kể như vậy, có một Tỳ-kheo đứng bên nghe được thích quá, bèn nghĩ: "Bà này cúng dường hộ trì chu đáo như vậy khiến quý thầy tu hành chứng quả thì ai mà không thích. Bây giờ xin đức Thế Tôn cho tới đó để tu tập một thời gian, mong chứng quả như các Tỳ-kheo bạn”.
Được chấp thuận, vị Tỳ-kheo này tới tinh xá của bà, khi vừa tới nơi thì nghĩ: “Chà, mình đi đường mệt mỏi thế này, phải chi có ai quét dọn tinh xá và bưng cho một ly nước mát tới thì ngon biết mấy”. Vừa nghĩ xong thì bà thấy tâm liền. Đúng như tâm thầy Tỳ-kheo này nghĩ, bà cho người bưng một ly nước tới và cho người quét dọn sạch sẽ. Cho đến thầy này nghĩ đến ăn món gì là bà liền cho người mang đến món đó... Bấy giờ vị Tỳ-kheo mới nghĩ: "Chết rồi, như vậy là mình nghĩ cái gì bà này cũng thấy hết. Mình còn là phàm phu thì nghĩ thiện cũng có mà nghĩ ác cũng có, nghĩ hay cũng có mà nghĩ xấu cũng có, lỡ mà nghĩ tầm bậy, bà này thấy thì nguy to. Thôi bây giờ nên trốn trở về lại nơi Đức Phật". Ngài hốt hoảng chạy về gặp đức Thế Tôn và kể lại mọi chuyện: “...Con nghĩ gì thì bà này đều biết hết, nếu con nghĩ điều xấu thì nguy hiểm quá, nên con phải trở về”. Đức Phật nói: “Chính đó là chỗ mà ông phải nên đến để tu tập”.
Vị Tỳ-kheo nói rằng: “Con không dám, tại vì con còn phàm phu nghĩ nhiều thứ quá, nếu bà này thấy, con không ở được”. Phật mới an ủi: “Vậy Tỳ-kheo, ông có thể canh chừng được một việc duy nhất hay không?” Thầy Tỳ-kheo trả lời: “Bạch Thế Tôn, nếu nhiều thì khó, chứ một việc thì được”. Đức Phật mới dạy: “Ông chỉ canh chừng tâm của ông, tâm ý rất khó kiểm soát, đừng nghĩ thêm việc gì khác. Tại vì tâm thường dao động, cho nên ông chỉ làm một việc là canh chừng tâm của mình thôi”. Vị Tỳ-kheo này nghe Phật mới nhận ra rằng, tuy nghĩ thì nhiều, nhưng mà chỉ có chăn tâm là xong, thấy cũng có khả năng làm được cho nên trở lại tu tập. Do chăn tâm rất kỹ nên trong vòng ba hôm thì vị này chứng được Tứ quả A-la-hán.
Sau đó, bằng vào sức thần thông có được, Ngài ngồi lại để xét xem kiếp trước bà này với mình đã có nhân duyên gì mà hôm nay lại hộ trì mình tu như vậy. Mới thấy rằng, trong kiếp thứ chín mươi chín mình có nhân duyên vợ chồng với bà, và bà đã có một ác tâm cho nên mình bị mất mạng. Đến đây, vị Tỳ-kheo này không được vui. Bà thí chủ này dùng tha tâm thông biết được tâm thầy này đang nghĩ và đang làm gì cho nên bà dùng tâm khuyên thầy quán tới kiếp thứ một trăm thì thấy trong kiếp ấy, thầy đáng tội chết nhưng bà đã tha cho thầy. Khi biết rõ mọi nhân duyên tiền kiếp, thầy Tỳ-kheo này mới quán xét lại và hướng dẫn cho bà cách để đạt đến quả vị A-la-hán, rồi sau đó Ngài mới nhập vào Vô dư y Niết Bàn.
Qua câu chuyện đó, quý vị xét lại coi, sáu mươi vị Tỳ-kheo trên chứng được A-la-hán là do điều phục và chăn giữ tâm ý một cách chu đáo, miên mật và kỹ lưỡng. Nhưng đặc biệt vị Tỳ-kheo đến sau một mình này, hễ Ngài vừa khởi nghĩ điều gì thì bà thí chủ kia liền thấy hết, đọc được tâm Ngài một cách vanh vách, giống như là đi dép trong bụng vậy, do đó Ngài chăn tâm kỹ lưỡng hơn, không dám nghĩ gì cả. Chính vì vậy cho nên ba ngày là Ngài chứng quả vị A-la-hán chứ không đợi đến ba tháng.
Bây giờ xét lại nơi mình, khi khởi nghĩ một điều gì, do vì không ai thấy cho nên mình đã buông thả và tơ tưởng dệt thêm thành đàn thành đống. Có khi cũng soi xét lại nhưng không kỹ lưỡng và dứt khoát, cho nên nó đã che mờ đi tâm tánh của mình. Thì ra lâu nay cái tâm trộm đó nó lén lút, nó lộng hành mình một cách tự do là do mình chưa thật thà với mình, vì vậy cho nên tu hành chậm tiến. Còn nếu mình nghĩ một điều gì mà chung quanh mọi người đều biết thì mình không dám nghĩ tầm bậy, do đó việc tu hành sẽ mau tiến bộ hơn.
Như vậy, tu hành chậm tiến hay mau tiến là chính tại nơi mình, mà lâu nay có khi mình vẫn đổ thừa tại nhiều duyên khác bên ngoài. Giờ muốn tu tiến thì mình phải công bằng với mình mới được. Công bằng là sao? Giả sử khi mình khởi một điều gì thì mình coi như mọi người đang thấy hết những khởi nghĩ của mình, như vậy không bao giờ mình dám khởi nghĩ tầm bậy. Nếu khi ở một mình chúng ta cũng sống giống như khi đang tiếp khách đông người, những điều mình nghĩ trong lòng giống như những điều mình đang nói ra cho mọi người biết, dám thật thà như vậy thì giống như mình đem ánh sáng soi vào bóng tối, kết quả không có một chú đen tối nào có thể lẩn trốn được hết. Quý vị tập thử như vậy sẽ thấy sự tu hành của mình sẽ rất mau thăng tiến.
Chính vì thế nên các bậc Cổ đức có nói:“Công tâm nếu bằng với tư tâm thì không việc gì mà không thành tựu. Đạo niệm nếu bằng với tình niệm thì thành Phật đã lâu rồi”.Công tâm tức là cái tâm chất trực ngay thẳng, tâm nghĩ về việc chung. Nếu cái tâm chung ấy bằng với cái tâm lén lút suy nghĩ riêng tư cho mình thì làm việc gì cũng được thành tựu cả. Lâu nay mình làm việc khó thành tựu là vì mình không nghĩ đến cái chung mà chỉ nghĩ đến cái riêng cho mình, cái nhỏ nhoi này nó cản trở cho nên làm không được thành tựu. Còn "đạo niệm" tức là cái niệm nghĩ nhớ về đạo (chưa nói tới cách sống đạo chân thật), nếu nó bằng với cái tình niệm (niệm tưởng phàm tình) thì mình đã thành Phật lâu rồi. Hôm nay mình vẫn còn làm chúng sanh ngồi đây thì cái nào nhiều hơn? Niệm suy nghĩ về phàm tình nhiều hơn, cho nên còn làm chúng sanh, luân hồi trong sanh tử đã nhiều kiếp từ xưa tới giờ.
Bây giờ quý vị thử kiểm lại nơi mình thì thấy rất rõ. Hằng ngày mình nghĩ tới chuyện hơn thua phải quấy tốt xấu của người khác nhiều hay là nghĩ soi xét về mình nhiều? Nếu nghĩ chuyện hơn thua phải quấy nhiều thì đó là niệm tưởng phàm tình. Còn nếu quý vị nhớ tới chuyện tu thôi, chưa nói tới chuyện mình phải nhận được bản tâm chân thật đó, thì mình cũng thành Phật nữa. Cho nên bây giờ phải cân bằng lại, thay vì ngày xưa mình suy nghĩ phàm tình nhiều thì ngày hôm nay mình suy nghĩ chuyện tu hành nhiều hơn, có thế việc tu hành mới tiến bộ. Quý vị cần thấy rõ như vậy để cố gắng thực hành.
Ngài Quy Sơn dạy: “Phàm là tâm của người học đạo phải ngay thẳng chân thật, không dối gạt, tâm hạnh sau lưng trước mặt lừa phỉnh. Trong tất cả thời thấy nghe bình thường không có chiều uốn (không thuận theo tình niệm). Cũng chẳng phải nhắm mắt bịt tai, chỉ lòng chẳng chạy theo vật là được. Từ trước chư Thánh chỉ nói, bên nhơ bợn là lỗi lầm. Nếu không như thế, lòng nhiều nghĩ ác là việc tình kiến tưởng lập. Ví như nước mùa thu lóng đứng trong trẻo lặng lẽ không động, không ngại, gọi người này là đạo nhơn, cũng gọi là người vô sự”.
Nếu chúng ta chiều uốn theo tình niệm riêng tư thì bị tình niệm gạt. Vì lý do đó cho nên tâm quanh co, lòng nhiều nghĩ ác, việc tình kiến tưởng nương theo đây mà sanh khởi, càng trái xa đạo. Tâm mình chân thật, ngay thẳng trong từng tâm niệm và việc làm, không để cho tình niệm kéo lôi thì trong lòng mới rỗng rang, thanh thản, thanh tịnh, mới khế hợp với đạo chân thật.
5/ CHINH PHỤC TÊN TRỘM, NHẬN LẠI CỦA BÁU NHÀ MÌNH
Nãy giờ nghe giảng, quý vị đã thấy rõ nơi mình có một chú trộm ẩn núp từ xưa tới giờ, lén trộm của báu mình mà mình không hề hay biết gì cả. Bây giờ mới biết chứ từ trước tới giờ đâu có biết. Nhiều lúc thấy mà lờ mờ vậy thôi, cho nên nó cũng ẩn núp ăn cắp hoài, để mình phải chịu khổ rất đau đớn. Bây giờ mình biết chú rồi thì mình phải dứt khoát loại trừ. Tất cả quý vị ở đây, ai cũng muốn loại trừ chú tâm trộm đó, nhưng mà loại trừ nó khó hay dễ? Nếu mà nói khó thì chắc không ai tu hành được, cho nên cũng là dễ thôi. Nhưng mà nếu nói dễ thì tại sao hôm nay mình cũng chưa thắng được nó mà còn ngồi đây? Như vậy là khó hay dễ đây? Chính xưa kia quý Ngài tu hành, khi chưa sáng đạo, quý Ngài vẫn thấy rằng "giặc nhà là khó giữ" nữa, huống gì mình bây giờ nhiều lúc thấy khó cũng phải, ai mà khéo tu thì thấy dễ cũng phải. Nhưng bây giờ muốn công phu có hiệu quả, muốn chăn giữ có hiệu quả thì phải biết cách chăn giữ như thế nào mới có thể thắng được chú tâm trộm đó.
Quý thầy dẫn một giai thoại sau đây để quý vị thấy người xưa tu hành cũng thao thức về vấn đề khó giải quyết chú tâm trộm này. Một hôm thầy Tri viên hỏi Thiền sư Duyên Quán (ở Lương Sơn): “Khi giặc nhà khó giữ thì thế nào?” Tức là Ngài biết tâm trộm là giặc trong nhà rồi, biết thỉnh thoảng nó vẫn lén lút trốn đi và ăn cắp của báu của mình nữa. Chỉ cần quên một chút là nó lén trốn đi liền. Sở dĩ ngày nay mình tu hành khó khăn cũng là lỗi tại mình hay quên, phải không? Chính vì quên cho nên việc tu hành của mình phải nhọc nhằn, giữ chú tâm trộm này rất khó. Ngài đã nhận biết và thao thức phải làm sao để giữ gìn được. Bấy giờ Thiền sư Duyên Quán đáp: “Biết được thì chẳng phải là oan gia”.
Tới đây quý vị thấy khó hay dễ? Mới đầu mình thấy nó là giặc thì khó, nhưng nếu khéo nhận biết chú đúng cách thì chú không còn là oan gia nữa, thì dễ rồi phải không? Lâu nay vì chúng ta mê lầm nên nó mới trở chứng và trộm của báu mình mà mình không hay biết, cho nên mới trở thành giặc. Bây giờ mình biết được nó thì không còn bị nó gạt nữa. Không còn bị gạt thì nó không còn là kẻ thù, là oan gia nữa, tức là nó không còn hại chúng ta được nữa. Cho nên ngài Duyên Quán mới nói “khi biết được thì không còn là oan gia”, không còn gì phải gọi là khó giữ nữa. Mới đầu tưởng chú ta cố định là giặc nhà thật nên khó giữ, nhưng nếu nhận biết được chú ta rồi thì không còn là oan gia nữa. Nhưng biết như thế nào đây? Mình phải đặt câu hỏi tới cùng thì thực hành mới có hiệu quả. Sở dĩ mình thấy giữ chú tâm trộm này khó, là do mình thấy chú giặc đó là thật, phải không? Nhưng khi biết chú là giả, là không thật rồi thì không còn khó nữa.
Khi chúng ta mê, bỏ quên đi tánh chân, tức là bỏ của báu mình mà theo vọng cho nên có chú giặc đó. Như vậy chú giặc đó có là do mê. Biết như vậy rồi thì bây giờ xoay trở lại, giác lại, không theo vọng nữa, tức là không theo chú giặc đó nữa. Khi nó khởi lên, mình liền giác biết tột nó là vọng, là giặc thì ngay đó liền là chân, không còn mê nữa, phải không? Tại sao như vậy? Bây giờ quý vị nào khéo công phu thì sẽ thấy rõ vấn đề này. Tại sao tâm trộm là vọng, là giả? Lâu nay mình từng nghe Hòa thượng giảng, niệm tưởng của mình là giả, là vọng. Nhưng quý vị biết nó là giả là vọng mà tại sao nó vẫn cứ lén lút dẫn mình đi hoài? Tại sao nó vẫn còn chi phối được mình? Mình phải đặt câu hỏi để xét cho tới cùng. Tại vì mình chỉ nghe Hòa thượng nói là vọng nhưng tự nơi mình thì chưa thấy tột nó là vọng. Nếu thấy tột là giả thì không bao giờ chúng ta còn theo cái giả cả. Nhưng miệng thì nói giả mà trong tâm vẫn âm thầm cho là thật, còn muốn giữ cho nên mới bị nó dẫn đi.
Cũng giống như khi quý vị bị nhậm mắt, mắt bị nhòa đi thì thấy trong hư không có chớp chớp, có hoa đốm. Hoa đốm trong hư không mình đang thấy tùm lum đó, từ đâu mà có? Người bị mắt nhậm thì thấy, còn người bên cạnh không bị nhậm mắt thì có thấy đâu. Nhưng khi đang bị nhậm mắt, đang thấy hoa đốm thì không thể nói là không có được. Tuy nhiên, nếu mình hỏi người đang thấy hoa đốm đó là hoa đốm ở đâu, anh chỉ giùm tôi coi, chỉ được không? Chỉ không được thì hoa đốm đó là thật hay giả? Nếu nói là thật có thì phải chỉ ra, nhưng nói là không có thì đang thấy đó làm sao nói là không được. Cho nên, nó không phải có mà cũng không phải không, nó là giả có, mà đã thấu tột nó là giả thì mình có nên theo cái giả không?
Cái tâm trộm, cái tâm sanh diệt nơi mỗi chúng ta cũng giống như vậy. Bây giờ quý vị xét lại coi, mình đang ngồi đây, trong lòng chưa nghĩ một cái gì hết thì tâm mình có niệm tưởng nào không? Mình vẫn hằng biết, vẫn trong sáng, nhưng không có một niệm tưởng nào cả. Nhưng thoạt quên thì nó dấy lên liền. Như vậy từ đâu mà nó có? Quên thì có ra thôi chứ đâu phải là thật. Nếu có một chỗ sanh ra nó thì nó sẽ sanh hoài không dứt, nhưng không có chỗ nào sanh ra nó cả, mà hễ vừa quên thì nó tạm có vậy thôi cho nên nó chỉ là giả có chứ không thật.
Do thoạt quên thì vọng khởi, tức là nó không có đầu mối và nguồn cội gì cả. Nó có ra là do mình mê và quên vậy thôi. Bây giờ khi nó đang có, khi đang có vọng vậy đó, quý vị tìm lại coi, cái gì là vọng, quý vị đem ra cho quý thầy coi thử được không? Tìm lại không được, vừa quay lại tìm thì nó mất liền. Như vậy nó là thật được không? Nếu là thật thì đem ra cho quý thầy coi được, nhưng vừa tìm lại thì không những không đem được mà nó mất tăm dạng ngay. Vậy nó mất đi đâu? Hễ mê thì có, mà tìm lại thì không còn, không thể nói đi đâu cả. Giống như khi chưa mở đèn thì bóng tối tạm có, mở đèn lên thì bóng tối liền tan, chúng ta không thể nói là bóng tối đi đâu cả, vì nó có thật đâu mà có chỗ đi. Vọng tưởng cũng vậy, chỗ sanh không có, khi mất cũng không có chỗ nơi trở về, hiện tại thì chỉ ra không được, vậy nói nó thật được không? Thế mà lâu nay mình vẫn âm thầm coi nó là thật, vô lý quá phải không?
Bây giờ mình đã rõ tâm trộm, tâm sanh diệt đó là giả, là không thật rồi thì có nên theo cái giả không? Chúng ta không ai muốn bỏ cái thật mà theo cái giả cả, nhưng vì chưa thấy tột nó là giả, cho nên mình bị nó lừa một lúc vậy thôi. Tuy nói là một lúc, nhưng từ hồi sanh tử tới giờ đã lâu chưa? Mê trong thời gian lâu dài như vậy, nghĩ lại thấy rất mệt và chán, nhưng giác lại thì còn ngồi đây sáng suốt, an ổn tu hành được, thì cũng không phải là ở đâu lâu xa cả. Đang ngủ thì mơ mộng lung tung, mà tỉnh ra thì đầu chưa rời gối, vẫn còn nằm đó. Mộng của một đêm là giấc mộng ngắn, mộng trong sanh tử là giấc mộng dài. Dài hay ngắn cũng đồng một loại là mộng thôi. Đã đồng là mộng thì có dính dáng gì mình đâu. Chỉ cần tỉnh ra thì hiện nguyên hình thể là mình, hết mộng. Đó cũng là một đặc ân an ủi cho mình. Khi còn đang mê dù đi xa muôn kiếp, nhưng khi giác lại thì liền đó là quê nhà, không ở đâu xa cả.
Bây giờ tiến thêm một mức nữa, quý vị biết chú tâm trộm là giả rồi, không còn là oan gia nữa, chú không còn cướp của báu mình nữa, nhưng bây giờ làm sao lấy lại của báu đây? Lâu nay lỡ bị cướp rồi, bây giờ biết chú là giả, thấy rõ chú rồi đó và có thể không theo chú và không để chú gạt nữa, nhưng mà lỡ bị lấy rồi, bây giờ làm sao quý vị đòi lại của báu đây? Quý vị đã nghe Đức Phật dạy trong Kinh Viên Giác “tri huyễn tức ly”, biết huyễn thì ngay đó liền là lìa. Sở dĩ mình còn ôm cái tâm vọng vì mình vẫn còn âm thầm thấy nó là hơi thật và chưa thấy tột nó là giả. Còn nếu thấy tột vọng là giả rồi thì không ai dại gì mà theo cái giả cả. Cho nên biết tột nó là vọng, là huyễn, là giả thì liền đó là lìa. Bấy giờ cái "lìa" này nó không còn có một hành động thành tướng lìa nữa, mà biết tột là giả thì ngay đó tự nó liền là lìa, phải không?
Ví dụ quý vị đi đường mà thấy có một cục vàng thì mình mới lượm, chứ còn gặp một tờ giấy loại thì mình có thèm lượm đâu. Khi biết nó là giả thì không bao giờ mình ngó ngàng tới. Quý vị có cố tâm, có cố gắng để đừng lượm tờ giấy loại không? Biết nó là giả thì mình không lượm vậy thôi, cho nên liền là lìa, thì "lìa" bây giờ không còn là một động từ nữa, mà chỉ thấy tột là giả, thì ngay đó liền lìa. Nhưng khi biết là giả rồi, lìa rồi thì không còn gì nữa sao? Giả sử như mình đang khởi nghĩ, vọng thoạt sanh phải không? Bây giờ biết giả, tìm lại nó thì nó không có, biết giả liền là lìa, thì lúc này quý vị có còn biết không? Tuy cái vọng mất đi, nhưng mình vẫn còn biết, hằng biết, thì "cái biết” đó, có vọng nó cũng biết, mất vọng nó cũng vẫn hằng biết, "cái sáng suốt hằng biết đó" là của báu chính mình, nó vẫn nằm y nguyên đó, chưa mất bao giờ. Vậy quý vị đã lấy lại của báu được chưa? Lâu nay chú trộm rình đó che lấp một chút chơi vậy thôi chứ đâu có mất đi đâu. Bây giờ hễ mình phát hiện, chỉ cần vạch ra một cái thì liền lấy lại ngay của báu giàu có vô kể. Cho nên Đức Phật nói tiếp “ly huyễn tức giác”. Biết huyễn liền lìa, ngay khi biết huyễn thì vọng huyễn nó lặng liền. Ngay trong cái lặng, hằng biết mà lặng lẽ đó, tánh chân của báu hiện ra, cho nên Phật nói "ngay khi lìa đó tức là giác" tức là tánh giác hiện sẵn đó, mà giác tức là Bồ đề. Tu hành quá dễ phải không? Dễ nhưng mà lâu nay mình vẫn trậm trầy trậm trật là tại vì mình chưa mạnh dạn buông xuống, chưa có công phu mạnh mẽ nên chưa được tương ưng.
Như vậy quý vị thấy chân và vọng không phải xa, không phải bỏ cái này để tìm cái khác, mà mình phải khéo léo ngay trên vọng không theo nó thì tánh chân hiện tiền, và phát hiện rõ ràng rằng, trên vọng tánh chân vẫn sẵn đủ. Tại vì khi khởi niệm mình bận theo niệm đó mà quên đi "cái hằng biết" nên tạm gọi là mất đi. Nhưng khi vọng niệm lặng đi mình còn "cái sáng biết" đó, mới hay ra chưa thiếu vắng bao giờ. Bây giờ quý vị quay trở ngược lại thì sẽ thấy, ngay trên vọng "cái đó" không có vắng, tại vì chúng ta bám cái này mà quên cái khác vậy thôi.
Ví dụ trên mặt bàn này có tất cả mọi đồ vật đây, nếu quý vị nhìn bình hoa này cho nó là đẹp thì không bao giờ thấy được tất cả các vật khác, không thấy được cái mặt bàn vàng và sáng này. Nhưng khi quý thầy dẹp tất cả những vật này đi, quý vị không còn gì để thấy nữa, thì bắt buộc mình phải thấy cái mặt bàn vàng sáng này thôi. Mặt bàn sáng này là dụ cho cái kho báu của mình, sẵn đó từ bao giờ mà tại sao lâu nay mình không biết? Tại mình chỉ thấy theo vọng tưởng mà quên nhận lại tánh thấy biết chưa từng động này. Cũng như khi chúng ta trụ vào bình hoa này cho nên quên sự hiện hữu của mặt bàn, nhưng nó vẫn hằng có đây. Khi có bình hoa, mặt bàn vẫn hằng có ở đây, nhưng theo bình hoa này thì quên đi sự hiện hữu của nó.
Bây giờ dẹp bình hoa này đi thì nó lộ bày ra. Như vậy chứng tỏ rằng trên vọng, tánh sáng biết đó vẫn có, nhưng mà theo vọng phân biệt nên quên đi cái tánh giác kia. Bây giờ mình biết vọng là giả, lặng xuống thì tánh giác đó lộ rõ ra. Khi tánh giác lộ rõ ra rồi thì mình thấy rằng, lâu nay trên mê nhưng nó chưa từng thiếu vắng bao giờ, của báu vẫn còn nằm sẵn trong nhà đó. Quý vị có mừng không? Tuy bị ăn trộm lâu rồi mà hôm nay được trao lại của báu thì rất là mừng. Ai cho? Chỉ là nhận lại thôi, đâu phải ở đâu bên ngoài mà phải đợi người khác cho!
6/ TÓM KẾT
Bây giờ biết rồi thì quý vị phải tỉnh giác, đừng quên và lơ đễnh, bất giác để cho chú tâm trộm đó có cơ hội ăn trộm của báu chính mình nữa. Quên thì bị nó trộm và cướp của báu, từ đó lâm vào cảnh cửa mất nhà tan, chịu nghèo nàn và lang thang đói khổ. Nhớ lại thì không theo nó, liền đó ngồi trong nhà mình, của báu đầy nhà ăn xài không hết, phút chốc bỗng trở thành trưởng giả giàu sang ngay. Như vậy giàu hay nghèo là do mình hay là do ai? Do mình quên hay nhớ thôi.
Đến đây quý vị đã trả lời được câu hỏi: "Của báu của mình thì mình phải có quyền thọ dụng chứ tại sao mình lại ăn trộm của mình” chưa? Đành rằng của báu của mình thì mình có quyền xài. Nhưng nếu không biết xài, để quên đi thì sẽ bị che lấp. Mà ai che lấp? Chú trộm đã che lấp. Chú trộm đó từ đâu? Cũng trong nhà mình. Cho nên mình đã cướp của báu của mình. Bây giờ quý vị phát hiện được rồi thì nhận rõ ra, quên thì nghèo mà nhớ lại thì giàu, giàu hay nghèo là do mình, chỉ ở trong khoảng khắc quên và nhớ thôi chứ không xa.
Quý vị trong đây muốn mình là người giàu hay người nghèo? Ai cũng muốn mình giàu, cho nên hôm nay quý vị mới tới đây khiếu nại với quý thầy: "Thầy làm sao kiện giùm tôi, bắt thằng ăn trộm trả lại của báu cho tôi, tôi nghèo quá rồi. Tôi nghe người ta kể là tổ tiên tôi để lại một tài sản lớn lắm nhưng bị nó ăn cắp, bây giờ tôi cũng chẳng biết lai lịch, mà hồ sơ thì bị cháy hết trơn rồi, bây giờ làm sao Thầy bắt lại tên trộm giùm và đòi nó trả lại của báu cho tôi”. Vì muốn giàu nên hôm nay quý vị mới đến đây ngồi khiếu nại. Bây giờ đã nghe quý thầy chỉ rồi thì quý vị có muốn lấy lại kho báu của mình hay không? Nếu muốn thì kể từ đây, mỗi vị không có quyền quên nữa. Nhớ lại thì lấy lại được của báu chính mình và trở thành giàu sang vô kể, mà quên đi thì thành kẻ lang thang nghèo nàn, đói khát khổ sở. Đến đây quý vị đã nhận biết rõ hết rồi, quý Thầy xin chúc toàn thể quý vị khéo chăn tên trộm, khéo nhận lại của báu nhà mình để mỗi vị đều trở thành một ông trưởng giả giàu mãi không bao giờ nghèo.
Khi quý vị quy y Tam bảo, thọ Ngũ giới thì giới thứ hai là giới "không trộm cướp", phải không? Dù quý vị đã quy y Tam bảo hay chưa quy y thì chúng ta đều biết rằng trộm cướp là một điều không nên làm. Nhưng trộm cướp là gì quý vị có biết không? Trộm có nghĩa là lén lấy, mà cướp có nghĩa là đoạt lấy, tức là của gì người không cho mà mình lén lấy hoặc đoạt lấy, đó là trộm cướp. Đó là nói về phần trộm cướp của người.
Còn một phần nữa là, nếu không khéo, chúng ta sẽ trộm lấy của báu của chính mình mà mình không hay. Quý vị thấy có lạ không? Đã là của báu của chính mình, lẽ ra mình phải có quyền tự do sử dụng, tại sao lại có chuyện trộm lấy của báu chính mình? Để giải đáp thắc mắc và làm sáng tỏ vấn đề này, hôm nay quý Thầy sẽ nói chuyện với quý vị về đề tài “Tâm trộm”.
1/ TÂM TRỘM KHÔNG THỂ CHE GIẤU
Bây giờ thử đặt lại một câu hỏi, tại sao mình không được ăn trộm? Thứ nhất, ăn trộm là một hành vi không tốt nên mình không làm. Thứ hai, khi mình ăn trộm thì quả báo xấu sẽ không mất cho nên mình không dám làm. Nhưng làm sao biết được quả báo xấu không mất? Thí dụ một hôm mình lấy của ai một vật gì đó, bị người bắt gặp và báo công an, bị bắt ở tù thì mình thấy được quả báo, phải không? Nhưng nếu mình lén lấy mà không có ai biết, đáng ra là an toàn, nhưng tại sao quả báo lại không mất? Để rõ vấn đề này, quý Thầy sẽ kể quý vị nghe một câu chuyện, nếu quý vị khéo nghiệm thì sẽ thấy rõ:
Ngày xưa, trong gia đình tại một vương quốc nọ có ba anh em, không may cha mẹ đều qua đời và để lại một số tài sản. Số tài sản đó ba anh em đều chung nhau dùng và không cần phải chia ra, vì họ là những người rất tốt. Bất ngờ một hôm, một viên ngọc quý giá trong số tài sản đó không cánh mà tự bay (mất đi). Ba người đều lên án hành động này và cho rằng một trong số họ phải có một người là thủ phạm ăn cắp viên ngọc. Vì ngoài ba anh em ra, không có một người nào khác có thể biết viên ngọc để lấy.
Sự việc đã được thưa trình ở rất nhiều cấp nhưng vẫn chưa giải quyết được, cuối cùng được đưa thẳng lên triều đình. Trong triều có một vị công chúa rất thông minh, khi nghe sự việc khó khăn, cô xin vua cha cho mặc áo thẩm quan và lên ngồi tòa chánh thẩm. Khi công chúa xét khẩu cung của ba người này thì cả ba người đều chấp nhận rằng, một trong ba người phải là thủ phạm lấy viên ngọc. Nghe xong, công chúa mới kể cho ba người nghe một câu chuyện như thế này:
Ngày xưa ở một vương quốc nọ có một cô công chúa trẻ, mỗi buổi sáng bác giữ vườn thường tặng cho cô một bông hồng rất đẹp. Như thường lệ, cô nhận bông hồng xong, mỉm cười và nói với bác một câu: “Ngày về nhà chồng, ta sẽ biếu cho bác một bông hồng bằng vàng”. Bác giữ vườn chỉ mỉm cười, gật đầu và chào lui chứ không nói thêm gì, nhưng trong nét cười của bác, cô công chúa đoán rằng bác không tin lời mình, vì thế cô mới khẳng định thật mạnh để bác thấy được tấm lòng chân thật của cô: “Rồi bác xem, ta sẽ đến ngay trong đêm tân hôn và chỉ đến một mình để trao cho bác bông hồng bằng vàng đó”.
Trải một thời gian không lâu, cô công chúa đã đến tuổi trưởng thành và lấy chồng. Trong đêm tân hôn, cô trình bày và ngỏ ý xin phò mã cho mình được thực hiện lời hứa năm xưa với bác giữ vườn. Vị phò mã rất thông cảm và để cô đi. Công chúa trong bộ trang sức của một cô dâu, một mình ra đi trong đêm để đến nhà bác giữ vườn với mục đích là tặng bác một bông hồng bằng vàng thật. Trên đường đi cô gặp một tên cướp chặn lại và tính cướp lấy nữ trang. Cô trình bày sự việc và xin phép được làm tròn lời nguyện của mình trước, rồi sau đó khi trở về thì tên cướp muốn lấy gì tùy ý. Tên cướp bằng lòng. Đi một đoạn nữa, cô gặp một con cọp chặn đường đòi ăn thịt, cũng với sự trình bày giống như trước, cọp sẵn sàng tha cho cô đi để làm tròn lời hứa, khi về rồi sẽ ăn thịt. Cuối cùng cô công chúa đến được nhà bác giữ vườn và trao cho bác một bông hồng bằng vàng. Bác rất ngạc nhiên và cảm động trước sự hiện diện của một cô công chúa kỳ đặc, đã vượt qua nhiều hiểm nguy mới đến một nơi tầm thường như mình chỉ để làm tròn một lời hứa năm xưa. Bác tình nguyện đưa cô trở về nhà. Trên đường về, do bác có tướng vạm vỡ nên cọp và tên cướp đều sợ hãi và bỏ chạy, cô công chúa về nhà được an toàn.
Kể xong câu chuyện, vị công chúa thẩm phán hỏi ba anh em: Theo ba vị, các nhân vật trong câu chuyện trên, ai là người có tâm hồn bao dung và cao thượng nhất? Người anh đầu tiên nói: Chính phò mã là người có tâm hồn bao dung cao thượng nhất. Vì một người chồng mà để cho vợ của mình đi ban đêm một mình như vậy thì rất hiếm, mà phò mã đã dám chấp nhận thì phò mã là người có tâm hồn bao dung và cao thượng nhất. Người anh kế tiếp tục trả lời: Chính con cọp có tâm hồn bao dung rộng lượng nhất. Tại vì đang đói mà nó nhịn được để công chúa đi rồi trở về ăn sau, như vậy nó có một tâm hồn rất cao thượng. Đến người em út thì trả lời: Chính tên cướp là người có tâm hồn bao dung rộng lượng nhất, vì nó đã chiến thắng được lòng tham.
Bấy giờ vị công chúa thẩm phán hỏi người anh thứ nhất: Có phải anh đã có gia đình rồi phải không? Anh nói: Thưa phải, tôi đã có gia đình rồi. Cô hỏi người anh thứ hai: Ở nhà anh có tật tham ăn, phải không? Anh này cúi đầu, nhưng hai người kia đều xác nhận rằng anh này ở nhà rất tham ăn. Vị công chúa mới nói rằng:Phàm người khen một đối tượng nào thì thường khen những cái gì na ná giống như lòng của mình. Sở dĩ người anh thứ nhất khen phò mã là người có tâm hồn khoan dung độ lượng nhất vì anh đứng trên cương vị của một người chồng cho nên rất thông cảm về vấn đề phải cho vợ đi ban đêm một mình. Người anh thứ hai khen con cọp là cao thượng tại vì anh là người ham ăn, nên cho người nhịn ăn là cao thượng. Người em thứ ba khen tên cướp là cao thượng, vì chính mình do lòng tham đã lấy viên ngọc đó nên mới khen tên cướp đó là giỏi, là bao dung độ lượng vì thắng được lòng tham. Nghe qua kết luận, mọi người đều vỗ tay hoan nghênh công chúa rất thông minh, xử kiện rất giỏi.
Qua đó quý vị thấy, thông thường mình tưởng rằng khi khen một người là mình khen người đó, nhưng thực tế là mình khen những cái của người đó giống như mình. Ở ngoài đời, thấy ai chơi thân với một người bạn nào, nếu mình biết tính tình của người bạn đó, mình có thể suy ra tính tình người này thế nào liền, phải không? Quý vị thấy người em thứ ba giấu kín việc ăn trộm trong lòng, nhưng tại sao công chúa lại phát hiện được? Thông thường mình nghĩ rằng khi lấy trộm của ai thì tự mình nghĩ giấu kín cái đó không cho ai biết là an toàn. Nhưng quý vị gẫm lại sẽ thấy: Khi mình muốn giấu kín một điều gì đó thì phải có một niệm trong lòng mới giấu kín, phải thấy "niệm trộm" đó cho nên mới giấu kín. Và giấu kín là giấu kín niệm trộm đó. Như vậy, niệm trộm đó chính mình đã phát hiện và thấy rồi thì mình có thể giấu được không? Có thể giấu được với người khác, nhưng không thể giấu được với chính mình.Chính vì không giấu được, có một cái móng tâm như vậy, nên vị công chúa này mới phát hiện người em thứ ba là người ăn cắp viên ngọc.
Giả sử hôm nay quý vị lấy trộm của ai một vật gì đó, nếu mình chưa nghe câu chuyện trên thì từ cái niệm trộm trong lòng đó, mình khen tên ăn trộm là người khoan dung độ lượng nhất. Bây giờ mình nghe giảng, biết rồi, thì khi niệm trộm khởi lên, từ niệm trộm đó mình suy ra một niệm khác, là khen con cọp có tâm hồn bao dung rộng lượng nhất chẳng hạn thì thiên hạ cũng đâu ai biết. Nhưng thực ra, khi mình muốn nói qua một cái khác thì phải có cái này mới nói trớ qua cái khác được, mà cái này chính là cái tâm trộm đã ngự trị trong lòng mình rồi. Cho nên dù mình có trở qua trở về hay là tráo trở thế nào đi nữa, nhưng cũng không ngoài một niệm trộm đó. Mà niệm trộm đó chính mình đã thấy thì không thể thoát được, nó là tác nhân để chiêu lấy quả. Hôm nay mình trộm của người thì ngày sau mình phải chịu mất của, đó là quả báo không ai có thể tránh được. Chính vì mình giác biết cái quả báo xấu không thể mất cho nên mình không dám lấy trộm của người. Đó là phần thứ nhất về lấy trộm của người.
2/ TRỘM CỦA CHÍNH MÌNH
Bây giờ qua phần thứ hai là lấy trộm của chính mình. Muốn hiểu mình đã lấy trộm của báu của chính mình như thế nào thì trước tiên phải xác định được cái gì là của báu của chính mình. Nếu không biết của báu của mình là gì thì làm sao nói là lấy trộm được. Cho nên bây giờ phải xác định "Cái gì là của báu chính mình?" và "Mình đã lấy trộm nó như thế nào?". Nếu thực sự là của báu chính mình, nó phải đảm bảo những đặc tính sau:
- Nó phải ngay nơi chính mình chứ không phải mang từ bên ngoài vào.
- Nó phải chân thật không hư dối, tức là không phải là đồ giả. Vì nếu là đồ giả thì không thể gọi là quý báu được.
- Nó phải không hư hoại, tức là không sanh, không diệt. Nếu nói là của quý báu mà hư hoại thì không còn nghĩa là quý báu nữa rồi.
Bây giờ coi lại, cái gì là của báu ngay nơi mỗi người? Nơi thân thể con người chúng ta có hai phần: phần thứ nhất là sắc chất có nghĩa là thân này, và phần thứ hai là tinh thần là những cái nghĩ suy ở trong nội tâm mình. Trước tiên mình xét thân sắc chất này có phải là mình không?Nếu thân này là mình thật thì giả sử có một lúc nào đó, một phần cơ thể bị tách ra khỏi thân thì cái đó là của ai? Nếu thân là mình thì khi tách ra phần đó cũng phải là mình, phải không? Nhưng nếu cái được tách ra là mình thì cái đang nhìn đó là ai? Như vậy cái đối diện đó là mình và đây cũng là mình thì có hai cái mình, nếu có hai cái mình thì đó chưa phải là mình thật. Kế nữa, thân này nó chỉ tồn tại được trong vòng một thời gian rồi nó sẽ chết và hư hoại đi. Vì nó là cái bại hoại vô thường nên không phải thật là mình được. Như vậy phần sắc chất không phải là mình.
Bây giờ tới phần thứ hai là phần tinh thần, có nghĩa là tâm sanh diệt, tâm suy nghĩ khởi niệm ở trong mình. Cái tâm này có rất nhiều thứ như buồn, vui, mừng, giận, thương, ghét… Vậy những thứ đó, cái nào là mình đây? Nếu giả sử quý vị thích vui thì bây giờ vui là mình, còn khi buồn là ai? Nếu thật cái vui là mình thì mình sẽ vui hoài và không bao giờ buồn, phải không? Nhưng con người mình có lúc buồn, lúc vui. Nếu vui và buồn cùng là mình thì mừng, giận, thương, ghét cũng là mình, vậy thì một ngày có rất nhiều cái mình, cái mình đó là cái lộn xộn chứ không phải là cái mình chân thật.
Như vậy, thân sắc chất này và tâm suy nghĩ sanh diệt, hai cái đó không phải là mình rồi thì cái gì là mình? Thông thường người thế gian thường hay cho cái niệm tưởng suy nghĩ là mình nên khi khởi một niệm gì thì nói tôi nghĩ thế này, tôi nghĩ thế khác, chấp nhận cái đó là mình. Nhưng hôm nay qua phân tích, quý vị biết cái đó không còn là mình nữa, thân này cũng không phải thật là mình nữa thì bây giờ: Cái gì là mình đây?
Nếu quý vị đã nghe Hòa thượng giảng thì chắc còn nhớ, Hòa thượng nói, giả sử một lúc nào đó bao nhiêu duyên bên ngoài không màng tới, và trong lòng cũng không có gì bận bịu phải lo nghĩ, mình ngồi thảnh thơi buông hết toàn bộ. Lúc đó trong lòng không có một gợn niệm nào khác, nhưng khi người đi qua quý vị có biết không? Vẫn biết vẫn thấy. Đâu phải đợi khởi nghĩ mới biết, mới thấy.Gió thổi qua mình thấy mát, người vật đi qua, mình đều thấy biết hết, nhưng trong không gợn một niệm thì cái biết đó chính là chân thật nơi mỗi con người chúng ta.
Tại sao quý Thầy dám quả quyết đó là thật? Quý vị biết tại sao thật chưa? Lâu nay mình chỉ nghe một chiều, nghe giảng thì tin là thật, nhưng bây giờ đặt lại câu hỏi: "Tại sao dám quả quyết nó là thật nơi mình?" Phải đặt lại câu hỏi đó thì mới có sự đánh động tới tận tâm can và niềm tin mới vững chắc không bao giờ đổi.
Khi quý vị có niệm nghĩ suy thì đó là tướng gì? Là tướng động. Khi không có niệm nghĩ suy thì đó là tướng gì? Là tướng tịnh. Khi khởi là động, khi không khởi là tịnh, đó là hai tướng của tiền trần, có động và có tịnh. Nhưng cái mà khi khởi niệm cũng biết, khi niệm đã bặt rồi, không còn niệm tưởng nó vẫn hằng sáng biết thì cái biết đó có bị lệ thuộc trên tướng động và tướng tịnh không? Cái biết đó luôn hiện hữu trên hai tướng động và tịnh, nó không phải là tướng của sanh diệt. Mà không phải là cái sanh diệt thì chính nó là cái chân thật ở nơi mình.
Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy Ngài A-nan: “Nếu rời tiền trần mà có tánh phân biệt tức là tâm ông. Nếu tánh phân biệt đó rời tiền trần mà không có thật thể thì đó là bóng dáng phân biệt của tiền trần”. Ví dụ chúng ta cùng nhìn bình hoa này, ai nhìn cũng biết. Nhưng làm sao nhận ra cái biết như thế nào là biết chân thật và biết như thế nào không phải là chân thật mình? Khi quý vị nhìn bình hoa này thì quý vị biết bình hoa, khi quý Thầy cất bình hoa đi, nếu quý vị nói rằng không còn biết gì nữa thì cái biết đó là cái biết gì? Đó là cái biết của tiền trần, là bóng dáng phân biệt tiền trần. Tại sao? Tại vì đợi có bình hoa (tiền trần) nó mới có biết, cất bình hoa đi thì nó không còn thấy biết nữa, biết theo bình hoa bên ngoài, theo bình hoa bên ngoài mà sanh diệt cho nên nó là bóng dáng phân biệt tiền trần.
Nhưng bây giờ chúng ta tỉnh sáng lại, không bám theo bình hoa, thì khi có bình hoa này mình cũng biết và khi không có bình hoa này mình vẫn hằng thấy biết thì cái đó là "rời tiền trần mà vẫn có tánh phân biệt”, vẫn có cái thấy biết hằng hữu, cho nên cái đó “chính là tâm ông”. Trên tướng động nó cũng có, trên tướng diệt nó cũng có, cho nên nó không sanh không diệt, là hằng hữu, là chân thật, là không hư dối. Cái không sanh diệt trên tướng động và tịnh đó là của báu chân thật nơi chính mình. Của báu đó ở đâu? Trong hai câu cuối của bài kệ kết thúc bài "Phú Cư Trần Lạc Đạo", vua Trần Nhân Tông đã nói: “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.
Khi đối cảnh mà không có một niệm khởi phân biệt thứ hai thì ngay đó là vô tâm. Vô tâm nhưng mình vẫn thấy biết thì cái thấy biết vô tâm đó mới có thể thấy biết được trên vật và không vật, trên cả tướng động và tịnh. Còn nếu cái thấy biết có tâm, tức là có khởi phân biệt, có bóng dáng phân biệt của tiền trần thì nó không phải là tâm của chính mình. Ngài nói: “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm”, của báu đó là đối cảnh vô tâm, nhưng mà ở đâu? Ở trong nhà, là ngay nơi mỗi chúng ta, của báu đó là nơi mỗi quý vị chứ không phải ai đem cho cả. Tới đây quý vị đã tin ngay nơi mình,mỗi người ai cũng sẵn có của báu chưa? Đã sẵn có, nhưng chưa dùng được trọn vẹn, đúng không? Và có người cả đời không biết và dường như cũng không có ai nói cho biết. Tại sao lâu nay chúng ta lại bị khuất lấp, mê mờ đến vậy?
Bây giờ quý Thầy ví dụ như thế này, quý vị nào khéo thì sẽ thấy. Khi quý vị bận rất nhiều việc và trong lòng lăng xăng nhiều thứ thì để cái gì ở đâu là quên ở đó, phải vậy không? Hễ mình để chùm chìa khóa ở đây là quên, tìm hoài cũng không ra, càng tìm càng rối. Tại vì bao nhiêu thứ nghĩ đã ngổn ngang một đống trong đầu, bây giờ thêm một cái niệm tìm là thêm một đống thứ hai nữa thì làm sao tìm ra được? Mình cũng chưa biết chắc bằng cách nào để tìm ra nữa. Nhưng đến tối, quyết định buông hết để ngủ cho khỏe, khi vừa nằm xuống thì liền nhớ ra chùm chìa khóa đã bỏ quên ở đâu. Như vậy có phải những cái nghĩ suy ồn ào hằng ngày đó đã che lấp đi tánh giác sáng của mình không?
Chính những niệm tưởng lăng xăng đó đã che lấp đi của báu chính mình, tuy rằng của báu không mất, nhưng bị che lấp đi mà mình không biết thì coi như đã mất, mà mất là do ai ăn trộm? Niệm tưởng che lấp giấu đi thì chính niệm tưởng là kẻ ăn trộm rồi. Nhưng niệm tưởng đó ở đâu? Trong mình chứ đâu phải ai đem tới. Như vậy, c
hính mình lại đi ăn trộm của mình, mới nghe qua tưởng là vô lý, nhưng bây giờ thì thấy có lý.
Tại sao gọi là ăn trộm? Những niệm tưởng lăng xăng đó là vọng tưởng khởi nghĩ, sanh diệt âm thầm bên trong, đâu có ai thấy được. Đồng thời nó lại có khả năng che lấp đi kho báu của chính mình mà mình không nhận ra. Những vọng tưởng đó, dù người đã phát hiện hay chưa phát hiện ra, nó cũng âm thầm lén lút lao ra. Chính vì nó có tính chất âm thầm và lén lút giấu đi của báu chân thật chính mình cho nên nó là tâm trộm của mình, cướp đi của báu chính mình mà mình không hề hay biết.
3/ TÂM TRỘM NƠI CHÚNG TA ĐÃ CƯỚP ĐI CỦA BÁU CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?
Tới đây quý vị đã phát hiện được chú trộm chưa? Bây giờ phát hiện được, bắt được rồi phải không? Hôm nay quý vị phát hiện được chú trộm ngay nơi mình, chính chú tâm trộm này đã âm thầm lén lút trộm của báu của mình khiến cho chúng ta phải nghèo nàn đi trong sanh tử không biết từ hồi nào tới bây giờ vẫn còn nghèo. Và quý vị đã biết hành tung của nó ăn trộm như thế nào chưa? Biết hành tung tức là biết được đường đi nẻo về của nó, nó lén ở góc nào, nó cướp của báu mình như thế nào. Bây giờ quý Thầy kể một câu chuyện để quý vị thấy được chú trộm đó đã lén ăn cắp một cách rất tinh vi như thế nào.
Vào thời Đức Phật có một vị trưởng giả tên là Tăng Hộ, sau khi thọ tam quy ngũ giới, vị này phát tâm thêm và xin được xuất gia. Khi được xuất gia, vị này tu hành miên mật, không bao lâu chứng được Thánh quả A-la-hán. Trong lúc đó người em gái vị Tỳ-kheo này sanh hạ được một người con và cũng đặt tên là Tăng Hộ (Tăng Hộ cháu). Tuổi vừa lớn, người em gái cho con mình đến xuất gia với người cậu (vị Tỳ-kheo đã chứng A-la-hán). Thế là người cháu được chấp thuận cho xuất gia và làm bổn phận hầu thầy một thời gian thì xin đi an cư ở một vùng khác. Sau mùa an cư, vị Tăng Hộ cháu này nhận được hai xấp vải do thí chủ cúng dường. Người cháu muốn dâng vật phẩm này lên cúng dường lại cho thầy là cậu mình, nhưng vị thầy nói: - Ta đã đủ y rồi, con cứ cất đi mà dùng. Nhưng người cháu nói: - Thưa Thầy, Thầy hoan hỉ nhận cho con, vì khi nhận xấp y này con đã có ý niệm là sẽ cúng dường cho Thầy, xin Thầy hoan hỉ nhận cho. Vị thầy vẫn một mực từ chối: - Con cứ cất đi, ta đã đủ y rồi, ta không nhận nữa. Mãi đến lần thứ ba, người cháu mới nói: - Bạch Thầy, hồi nào tới giờ con chưa có dịp để cúng dường cho Thầy, hôm nay không có vật gì để cúng, con có xấp y này mong Thầy nhận để cho con có phước.
Người thầy vẫn từ chối và không nhận. Người cháu đang đứng quạt hầu thầy mà tâm ngổn ngang trăm mối: "Mình tứ cố vô thân, cha mẹ thì mình đã bỏ lại ở đời mà đi tu rồi, chung quanh bạn bè không còn ai, chỉ còn nương tựa vào người thầy mình, mà đặc biệt người thầy lại là cậu ruột nữa. Mình cũng hết lòng hầu thầy một cách chu đáo và hôm nay muốn cúng dường cho thầy xấp vải này mà thầy không nhận, chứng tỏ rằng thầy mình chẳng thương mình chút nào cả. Cô quạnh quá biết làm sao bây giờ, buồn quá tu hành chi nữa, thôi về nhà, nhưng làm gì để có ăn bây giờ? Thôi thì còn hai xấp vải mình bán đi để mua một số dê, loài này sanh trưởng nhanh lắm. Bán dê con kiếm được nhiều tiền, mua vườn tược, sắm nhà cửa rồi kiếm một cô bạn cùng sống. Khi cô bạn cho ra đời một người con thì hai vợ chồng cùng nhau bế con đến để quy y với cậu mình. Trên đường đi, trời nóng oi bức, thấy cô vợ cũng mệt mỏi rồi, mình định bế đứa bé một lúc. Nhưng cô vợ lại không cho. Giành qua giành lại, đứa bé rơi xuống đường, tức quá lấy cây đánh cho bà vợ một cái”. Dòng suy tư miên man đến đây, đột nhiên giật mình nghe vị thầy nói: Này con, con không đánh trúng cô vợ mất nết kia đâu, mà đã đánh trúng cái đầu trọc của Thầy đây này.
Quý vị thấy, hễ mình sơ suất một chút là nó đã lén đi rồi. Đang là một chú Sa-di đứng quạt cho thầy mà thả cho tâm tưởng đi miên man tít tận đâu, nào là bán dê, rồi mua vườn tược, cưới vợ sanh con đủ thứ. Đến khi đập người ta một cái rồi mới sực tỉnh ra, cuộc sống của mình trong lúc miên man đó có dính dáng gì khi mình đã tỉnh nữa đâu. Đến đây quý vị đã thấy tâm trộm này lén lút như thế nào chưa? Cho nên chúng ta thường gọi "mở mắt chiêm bao" là vậy. Thân đứng quạt hầu thầy, nhưng tâm vẫn lén lút và trốn đi. Đó là chuyện của ngài Tăng Hộ. Nhưng quý vị thử xét lại có lúc nào mình giống như vị này không? Giống. Mình phải thật thà, có sao nói vậy, giống thì nói là giống. Phải dám thấy rằng "mình đã có lần như vậy" thì mình mới dám thấy đó là trộm. Mà thấy là trộm, là giặc thì mới có thể loại bỏ nó ra được, chứ còn cứ bao che thì không bao giờ loại được giặc ra khỏi nhà.
Có lúc đang ngồi nghe pháp ở đây, nhưng thỉnh thoảng quý vị cũng có thể ra được phố Đà Lạt, cũng về được Sài Gòn, cũng coi được nhà khóa cửa chưa, rồi trưa nay mấy đứa đi học về ai đón, ai nấu cơm, không biết đồ ăn dặn như vậy nó nấu canh có ngon, có mặn không? Mình ngồi đây, đang ngồi sờ sờ đây nhưng nó cũng có quyền nghĩ thoáng một cái thứ hai nữa. Đó là nó đã lén, đã cướp đi của báu của mình rồi. Cái này không phải riêng một mình quý vị đâu mà đã là chúng sanh, nếu không khéo thì bị nó lén trộm thường lắm.
Hòa thượng có lần kể câu chuyện: Ngày xưa ở Quảng Ngãi trong một ngôi chùa nọ, hôm ấy người ta lập đàn chẩn tế và thỉnh Hòa thượng Trụ trì làm chủ lễ. Hòa thượng bận việc cho nên nhờ thầy Tri sự đi. Thầy Tri sự bận rất nhiều việc, khi phải đi đột xuất thì xách áo đi chứ không kịp sắp xếp gì cả. Khi đứng nghiêm trang trên đàn chẩn tế, bất chợt nhớ lại không biết chùm chìa khóa mình bỏ đâu rồi. Vì lo cái chùm chìa khóa nên suốt buổi chẩn tế miệng thì tụng kinh mà trong lòng cứ nhớ cái chùm chìa khóa. Tối đến Hòa thượng trụ trì nằm mộng thấy cô hồn về báo: “Bạch Hòa thượng, hôm nay thầy Tri sự cho tụi con ăn toàn chìa khóa”. Tại sao? Vì quỷ thần ăn qua tâm niệm của mình, khi niệm tụng mà nghĩ đến chìa khóa suốt buổi thì suốt buổi đó quỷ thần phải ăn chìa khóa. Như vậy một lúc mà có hai niệm thì trong đó phải có một cái là trộm chứ không khác đi được.
Ngày xưa ở Long Thành có một cô đi xe đạp chở con đến chợ để bán hàng. Buổi sáng hôm ấy có chuyện buồn gì đó nên vừa đạp xe mà tâm vừa nghĩ tưởng bâng quơ. Khi đến chợ, nhìn lại thì mới phát hiện ra người con không còn ngồi sau yên xe nữa. Quay lại đi tìm mới biết nó đã bị té tại đoạn đường có ổ gà mà không hay.
Có khi chúng ta đang đi mà vẫn trôi nổi trong vòng suy tư, nghĩ ngợi vẩn vơ, nhiều lúc mình không biết mình đang đi nữa. Có nhiều lúc quý vị nghe Hòa thượng nói mình thật giống người điên. Nghe thì thấy hơi lạ tai, khó nghe, nhưng xét lại thì mới thấy đúng. Người điên là người nói lảm nhảm ở ngoài miệng, còn mình điên thì nói ở đâu? Mình không nói ngoài miệng mà lảm nhảm ở trong tâm. Vừa đi nhưng mà trong bụng mình nó cứ lảm nhảm, cứ tính cái chuyện gì đâu đó mà mình không hay. Có nhiều lúc đi đụng cột nhà rồi mới biết. Bây giờ ngồi xét lại tâm niệm của mình mới thấy rằng có quá nhiều chú ăn trộm. Cái cần nghĩ thì mình nghĩ đã đành rồi, nhưng còn cái không cần nghĩ nó cũng không tha cho mình. Có khi mình ngủ rồi mà nó vẫn chưa chịu ngủ, nó cũng còn kéo mình đi nữa. Càng tơ tưởng viển vông nhiều thì nó càng không giúp ích gì mà lại che lấp đi của báu chính mình.Cho nên trong Luận Đại Trí Độ có nói: “Tâm tánh chúng sanh giống như dao bén, nhưng chỉ dùng để cắt bùn, bùn chẳng thành gì mà dao thì mỗi ngày một hư tổn”.
Tâm tánh của mình giống như dao bén, tức là tâm mình vốn sáng suốt thanh tịnh, nhưng mình không biết dụng tâm tánh mà khởi theo những niệm tưởng, đó chẳng khác nào dùng dao bén để cắt bùn. Nhưng niệm tưởng đó lại không giúp ích gì cho tuệ mạng của mình mà chỉ làm mờ đi tánh sáng vốn tịnh, cho nên Ngài nói “bùn chẳng thành gì mà dao thì mỗi ngày một hư tổn”. Càng khởi tưởng nhiều thì nó càng che lấp chân tánh của mình, giống như con dao vốn bén mà đem đi cắt bùn sình thì nó sẽ bị cùn lụt đi, rất là đáng tiếc. Ngài nói tiếp: “Lý thể thì thường diệu mà chúng sanh tự thô, nếu ai hay khéo dùng đó thì liền hợp với bản diệu”. Tức là lý thể nơi mỗi chúng ta luôn là ảo diệu, vốn là nhiệm mầu, nhưng vì chúng ta khởi nghĩ theo vọng cho nên chính mình làm cho nó thành thô, không còn diệu nữa. Nhưng nếu ai khéo dùng, tức là khéo nhận lại và sống trọn vẹn với thể vốn sẵn đó thì liền khế hợp với bản diệu, khế hợp với cái diệu ban đầu sẵn có nơi mỗi chúng ta.
Bây giờ mình đã phát hiện được rằng, sở dĩ lâu nay tâm tánh mình bị che mờ mà sanh ra bao nhiêu lỗi lầm và đau khổ là vì một chú tâm trộm đó. Tuy tâm trộm là nhiều, nhưng quy lại chỉ là một niệm tưởng thôi chớ không có gì lạ. Khi nghĩ thiện thì nó mặc áo trắng, khi nghĩ ác thì mặc áo xanh, khi vui thì mặc áo hồng,... Nó mặc rất nhiều thứ áo, nhưng chỉ là một loại niệm tưởng chứ không có chú nào khác vào đây cả. Chỉ cần nắm ngay chú đó mà giải quyết là sẽ nhận lại kho báu chính mình.
Ngài Linh Nguyên Duy Thanh, một Thiền sư ở Trung Hoa nói rằng: “Người học thời nay chưa thoát sanh tử, bệnh tại chỗ nào? Lỗi tại tâm trộm chưa chết. Người học thời xưa ngay một câu nói liền thoát sanh tử, công hiệu tại chỗ nào? Tại tâm trộm đã chết”. Tức là các Ngài xưa kia ngay một lời nói, ngay một lời khai thị mà sạch cái tâm trộm trong lòng đi thì của báu hiện ra sờ sờ, đó là giải thoát sanh tử, các Ngài sống an lạc và đầy đủ diệu dụng. Còn chúng ta hôm nay nghe một lời khai thị, nghe một lời giảng, nhưng mình chưa dồn hết sức để nghe mà còn lén chạy ra nữa, cho nên tâm trộm chưa chết. Và do cái tâm trộm thứ hai chưa chết đó nên bản tánh vẫn bị mờ, nhà mình có của báu mà không xài được.
Vậy học đạo công hiệu hay không là ở chỗ tâm trộm của chúng ta có chịu chết hay chưa, chứ không phải là do người xưa có một cái gì kỳ đặc hơn bây giờ. Thời nay nếu quý vị nào khéo phát hiện và làm chủ, thắng được tâm trộm nơi mình thì học đạo cũng tiến bộ và có công hiệu giống như quý Ngài thời xưa không khác. Quý vị phải dám tin mạnh điều đó, như thế mình mới có một niềm tin sâu mạnh vào của báu nhà mình và thấy rõ tâm trộm kia.
4/ VÌ SAO BIẾT MÀ VẪN BỊ NÓ LÉN LÚT DẪN ĐI?
Giờ quý vị đã thấy được hành tung của tâm trộm mình nó như thế nào rồi, hễ mình lơ đễnh một chút là nó lén đi, cướp mất của báu nhà mình liền. Biết là như vậy, nhưng tại sao thỉnh thoảng vẫn bị nó lén lút trốn đi? Bây giờ đã tin chắc mình có của báu, Hòa thượng đã chỉ rất rõ và lắm lúc mình gần như thấy ra rõ ràng nữa. Có khi mình cũng biết rằng của báu đó nó có tác dụng lớn, vọng tưởng kia chỉ là cái không đâu, che lấp của báu chính mình. Đã biết như vậy, nhưng tại sao nó lại hay lén lút trốn đi? Nếu chưa nhận ra căn nguyên của nó thì chúng ta vẫn bị nó ăn cắp của báu hoài. Hòa thượng cũng đã chỉ nhiều rồi, ngồi trong đây thì quý vị có thể nhận được phần nào, nhưng mà khi bước ra khỏi phòng thì bị nó cướp đi hồi nào không hay, mình vẫn là kẻ nghèo nàn đói khổ.
Theo quý thầy, có ba lý do khiến mình để chú trộm đó cướp đi châu báu của mình:
- Thứ nhất là mình chưa biết hết giá trị của báu nhà mình, nên chưa trân quý của báu đó một cách đúng mức. Giả sử có một vật gì đó quý nhất trên thế gian này như viên ngọc chẳng hạn, khi biết nó quý rồi, quý vị cất trong tủ khóa kỹ lại hay là để hời hợt bên ngoài cho dễ mất? Hễ mà biết quý thì bằng mọi cách cất giữ khóa lại thật cẩn thận. Nhưng hôm nay mình nghe có của báu chân thật nơi mình, của báu đó còn quý hơn tất cả các loại báu ở thế gian nữa, mà mình vẫn để cho bị trộm đi là vì mình chưa thấy hết giá trị của nó, nên chưa trân quý nó một cách đúng mức và để bị trộm cắp đi.
- Thứ hai là mình chưa thấy hết sự nguy hiểm và giả dối của tâm trộm đó. Nếu quý vị thấy nó nguy hiểm và giả dối thì chắc mình không bao giờ để cho nó trộm đi.
- Thứ ba nữa là mình chưa dám thật thà với chính mình mà còn che giấu nuôi dưỡng nó nên bị nó gạt. Chính vì vậy cho nên chư Tổ nói "mình nhận giặc làm con" tức là còn chứa chấp, dung dưỡng nó. Mà nhận giặc làm con thì giặc nó cướp của báu mà mình không hay.
Bây giờ quý vị biết ba lý do mình bị tâm trộm cướp đi của báu của mình thì quý vị muốn dừng tâm trộm đó, không cho nó cướp của báu nữa hay là vẫn tiếp tục cho nó ăn trộm? Phải dừng để lấy lại của báu. Muốn dừng một cách mạnh mẽ và có hiệu quả thì trước tiên phải biết ba điều kiện cần thiết:
- Thứ nhất là phải biết trân quý của báu nơi chính mình, của báu này là của báu xuất thế gian, có thể giúp chúng ta giải quyết được cái khổ lớn sanh tử. Tất cả quý vị có ai là người không sợ cái khổ sanh tử? Khổ sanh tử là cái khổ lớn nhất mà ai cũng sợ, sanh ra đời này là khổ lắm rồi. Vì sợ khổ sanh tử nên mình mới tìm đường học đạo để giác ngộ và giải thoát, hôm nay mới ngồi đây để nghe giảng. Chư Phật, chư Tổ sở dĩ giải thoát được khổ sanh tử là bởi các Ngài ngộ lại Phật tâm nơi chính mình, mà Phật tâm đó, các Ngài nói rằng, nơi mỗi chúng sanh đều có, Phật tâm đó chính là của báu chính mình. Các Ngài nhận lại của báu này nên giải thoát khổ sanh tử, vậy thì chúng ta nhận lại của báu này không lẽ chúng ta còn đau khổ hay sao? Vô lý! Do vậy, chúng ta phải cố gắng giữ gìn của báu này, không bao giờ để cho chú trộm lấy mất. Để mất là chúng ta phải chịu khổ một cách rất oan uổng và đáng thương.
- Thứ hai là phải thấy rõ sự nguy hiểm của tâm trộm đó. Xét lại, sở dĩ mình bị luân hồi, chịu khổ trong sanh tử cho tới hôm nay là do nghiệp mình đã tạo. Mà nghiệp là từ thân, miệng và ý tạo nên. Nhưng thân, miệng là cái làm theo ý khởi tưởng, mà khởi tưởng chính là chú tâm trộm này. Như vậy, phát hiện ra kẻ tạo nghiệp để đi trong sanh tử chịu nhiều khổ đau cũng lại là chú tâm trộm này nữa. Chính tâm trộm này đã lén lút cướp đi của báu của mình, khiến chúng ta phải lang thang chịu khổ từ kiếp này sang kiếp nọ trong vòng luân hồi sanh tử, khi thì sanh vào loài ngạ quỷ đói khát khổ sở, khi thì làm súc sanh ngu muội không biết gì, lúc thì làm người bữa đói bữa no, đủ thứ khổ. Đã nhiều kiếp như vậy rồi mà chúng sanh vẫn không hề hay biết, vẫn lần lữa trong đó mà chịu khổ. Giờ biết rõ sự nguy hiểm và giả dối của chú tâm trộm này rồi, quý vị còn dám tha thứ và để cho chú lén trộm của báu mình nữa không?
- Thứ ba, là phải dám mạnh dạn trung thực, dám can đảm thật thà với chính mình để thấy rõ nó thì có thể thắng được, nếu còn che giấu để cho nó lén lút lừa gạt và lấy trộm của mình hoài thì không bao giờ thắng được mà còn phải chịu khổ nữa. Nó ẩn trong bóng tối của sự lén lút và che giấu, nhưng nếu mình trung thực và thật thà thì đó là ánh sáng, đem ánh sáng soi rọi nó, đó là “cháy nhà ra mặt chuột”.
Sở dĩ chúng ta thường suy nghĩ mông lung trong lòng một cách tự do, không sợ sệt, không hổ thẹn gì cả, là vì mình nghĩ rằng những suy nghĩ đó chỉ có một mình mình thấy thôi chứ người thứ hai không thấy. Nhưng giả sử mình sống gần một người nào đó mà khi mình nghĩ bất cứ điều gì, họ đều thấy rõ hết tâm niệm của mình thì quý vị có dám nghĩ tầm bậy không? Không bao giờ, thậm chí còn phải chăn giữ tâm rất kỹ. Như vậy để thấy rằng, mình chưa thật thà với chính mình. Dù người khác biết hay không biết, mình vẫn phải chăn giữ tâm cho kỹ thì mới gọi là trung thực và thật thà. Quý vị dám gan dạ như vậy thì bảo đảm không có một chú trộm đen tối nào có thể lẩn trong tâm mình được hết và việc tu hành của mình sẽ rất mau tiến.
Quý Thầy kể quý vị nghe một câu chuyện: Vào thời Đức Phật có sáu mươi vị Tỳ-kheo, sau khi nhận Thiền quán từ nơi Đức Phật xong, các vị ra đi đến một ngôi làng rất bình yên dưới chân núi tại nước của vua Ba-tư-nặc để tìm chỗ an cư và tu tập. Khi đến, bà mẹ của vị thôn trưởng Ma-ti-ca đón các vị Tỳ-kheo vào và dâng đồ cúng dường. Sau đó bà quỳ và tác bạch: “Thưa thỉnh các Ngài có muốn gì không?” Bấy giờ các vị Tỳ-kheo trình bày ý nguyện của mình là muốn tìm một nơi an ổn để tu tập trong mùa an cư sắp tới. Bà mẹ của thôn trưởng Ma-ti-ca là người rất có tín tâm, hoan hỉ thỉnh quý vị này: “Thưa cái Ngài, mời các Ngài ở lại đây an cư trong mùa hạ, con hứa sẽ giữ gìn trai giới một cách kỹ lưỡng và cúng dường các Ngài đầy đủ để quý Ngài an cư và tu hành ở đây”. Sau khi sáu mươi vị Tỳ-kheo này đồng ý rồi, bà xây cất tinh xá có nơi ăn ở đàng hoàng, thỉnh các thầy Tỳ-kheo này về an cư, hằng ngày bà cung cấp thức ăn thức uống một cách chu đáo.
Đến nơi, các thầy Tỳ-kheo nói với nhau: “Chúng ta phải thấy rằng cửa địa ngục ở trước mắt mình, nó đang mở ra, rất nguy hiểm. Đời người thì rất chóng vánh, muốn thoát khỏi khổ sanh tử không gì hơn là đạo vị. Ân huệ của chư Phật không thể mang đến cho một người chưa dám thật thà và tu hành”. Các thầy Tỳ-kheo quy định với nhau rằng, mỗi người phải đến một gốc cây và chuyên tâm để tu tập, hai người không được ở chung một chỗ để bàn chuyện ồn ào. Mỗi khi có bệnh tật gì cần phải gặp thì rung chuông để biết và đến giúp đỡ nhau. Sau đó mỗi người chia tay đi một nơi, đến từng gốc cây riêng biệt để thiền quán.
Bà mẹ thôn trưởng Ma-ti-ca tới tinh xá, bà không thấy ai cả, tưởng các Ngài giận và cãi nhau bỏ đi. Bà thắc mắc thì được một người khuyên rằng “nếu muốn gặp các thầy Tỳ-kheo này thì rung chuông là quý vị tới liền”. Khi tiếng chuông vang lên, bà thấy quý thầy từ mỗi gốc cây, mỗi người ôm bình bát đi lại, đi riêng rẽ chứ không ai đi chung với ai cả. Bà ngạc nhiên và nói: “Thưa các Ngài, có phải là các Ngài không vui với nhau không? Tại sao khi đến đây thì quý Ngài đi chung thành đoàn các thầy Tỳ-kheo trang nghiêm mà bây giờ mỗi thầy lại đi riêng mỗi nơi như vậy? Có phải các Ngài đã phiền lòng nhau?” Quý thầy Tỳ-kheo thưa: “Không phải, tại vì chúng tôi đã quy định với nhau và sống như vậy để thiền định”.
Nghe vậy bà giật mình, bà nghĩ người đời mà đi riêng như vậy có nghĩa là giận dỗi, còn quý vị Tỳ-kheo này đi riêng là để thiền định. Lần đầu tiên, điều rất lạ này tác động mạnh vào đầu bà, bà nói: “Vậy thưa quý Ngài, pháp Thiền quán đó chỉ có quý Ngài mới áp dụng được, hay tôi cũng có thể áp dụng được?” Quý thầy Tỳ-kheo nói: “Nếu bà muốn thì vẫn áp dụng được, không phân biệt ai cả, tại gia hay xuất gia đều thực hành được”. Bấy giờ bà thưa thỉnh quý thầy chỉ dạy pháp Thiền quán. Với nhiệt tâm nỗ lực tu hành, kết quả trong một thời gian ngắn bà chứng được Tam quả A-na-hàm và được các thần thông trước cả quý thầy Tỳ-kheo này nữa.
Quý vị biết tại sao bà này tu tập mau có kết quả không? Vì lần đầu tiên nghe một điều rất lạ và quý cho nên bà dồn hết tâm lực để làm cho bằng được. Vì thiết tha, nỗ lực, cố gắng công phu một cách mạnh mẽ cho nên bà chứng quả trước cả quý vị Tỳ-kheo. Còn "quý thầy Tỳ-kheo này" có lẽ nghe Phật giảng hoài cho nên hơi bị nhàm, làm lơi lơi chưa đủ mạnh lắm. Vì thế cho nên nhiều lúc tin mà không lấy ra xài được. Còn bà này mới nghe cho nên bà quý trọng, cố gắng thực hành thành ra bà lấy ra xài được liền. Trong đây, nếu quý vị nào tôn trọng pháp, thiết tha cố gắng tu tập và chứng quả trước quý thầy thì đó là một điều rất tốt, đáng trân quý chứ không phải thường. Quý vị có quyền chứng quả trước, không ai cấm cả, điều này rất bình đẳng và tự do, là quyền của mỗi người. Còn nếu nghe pháp lâu năm, thấy pháp sẵn quá và mình nghe thì hiểu liền rồi xem thường, không thiết tha dụng công tu tập cho đến nơi đến chốn thì đành phải chậm tiến hơn thôi.
Khi đã chứng quả A na hàm và có thần thông, trong đó có tha tâm thông thì ai nghĩ gì là bà biết hết, sáu mươi vị Tỳ-kheo này còn là phàm phu nên nghĩ gì là bà cũng thấy hết. Bà xem xét lại: “Tại sao quý thầy Tỳ-kheo này chưa chứng quả như mình?” Bà thấy rõ ràng là tại quý vị này còn nghĩ tưởng lung tung quá, bèn quyết định sẽ giúp quý thầy chứng quả giống như mình. Bấy giờ bà mới quán tưởng "bạn bè đồng hạnh có hòa hợp không?" thì thấy rõ ràng mấy vị Tỳ-kheo này hòa hợp, "quý vị này chỗ ở có yên ổn không?" thì chỗ ở cũng yên ổn ấm áp, lại quán "thức ăn có đủ không?", thì ra thức ăn không được đủ cho nên cái bụng cồn cào tu không hiệu nghiệm. Bà liền bắt đầu nấu những loại cháo ngon đem cúng dường các vị Tỳ-kheo này. Đúng vậy, khi ăn những loại cháo ngon này, quý vị Tỳ-kheo sức khỏe được tăng trưởng và phấn chấn tinh thần tu hành, qua mùa an cư thì cả sáu mươi vị đều chứng Tứ quả A-la-hán, tức là hơn vị thí chủ này một quả vị nữa.
Mãn mùa hạ, các vị Tỳ-kheo từ giã vị thí chủ này và trở về gặp Đức Phật. Đức Phật hỏi: “Có lẽ mùa an cư này có người chăm sóc chu đáo nên các thầy trông có vẻ khỏe?” Các vị Tỳ-kheo liền thuật lại câu chuyện, Phật khen các thầy Tỳ-kheo đã tu hành tốt và vị thí chủ kia đã khéo hộ trì nên các thầy tu hành có kết quả. Khi kể như vậy, có một Tỳ-kheo đứng bên nghe được thích quá, bèn nghĩ: "Bà này cúng dường hộ trì chu đáo như vậy khiến quý thầy tu hành chứng quả thì ai mà không thích. Bây giờ xin đức Thế Tôn cho tới đó để tu tập một thời gian, mong chứng quả như các Tỳ-kheo bạn”.
Được chấp thuận, vị Tỳ-kheo này tới tinh xá của bà, khi vừa tới nơi thì nghĩ: “Chà, mình đi đường mệt mỏi thế này, phải chi có ai quét dọn tinh xá và bưng cho một ly nước mát tới thì ngon biết mấy”. Vừa nghĩ xong thì bà thấy tâm liền. Đúng như tâm thầy Tỳ-kheo này nghĩ, bà cho người bưng một ly nước tới và cho người quét dọn sạch sẽ. Cho đến thầy này nghĩ đến ăn món gì là bà liền cho người mang đến món đó... Bấy giờ vị Tỳ-kheo mới nghĩ: "Chết rồi, như vậy là mình nghĩ cái gì bà này cũng thấy hết. Mình còn là phàm phu thì nghĩ thiện cũng có mà nghĩ ác cũng có, nghĩ hay cũng có mà nghĩ xấu cũng có, lỡ mà nghĩ tầm bậy, bà này thấy thì nguy to. Thôi bây giờ nên trốn trở về lại nơi Đức Phật". Ngài hốt hoảng chạy về gặp đức Thế Tôn và kể lại mọi chuyện: “...Con nghĩ gì thì bà này đều biết hết, nếu con nghĩ điều xấu thì nguy hiểm quá, nên con phải trở về”. Đức Phật nói: “Chính đó là chỗ mà ông phải nên đến để tu tập”.
Vị Tỳ-kheo nói rằng: “Con không dám, tại vì con còn phàm phu nghĩ nhiều thứ quá, nếu bà này thấy, con không ở được”. Phật mới an ủi: “Vậy Tỳ-kheo, ông có thể canh chừng được một việc duy nhất hay không?” Thầy Tỳ-kheo trả lời: “Bạch Thế Tôn, nếu nhiều thì khó, chứ một việc thì được”. Đức Phật mới dạy: “Ông chỉ canh chừng tâm của ông, tâm ý rất khó kiểm soát, đừng nghĩ thêm việc gì khác. Tại vì tâm thường dao động, cho nên ông chỉ làm một việc là canh chừng tâm của mình thôi”. Vị Tỳ-kheo này nghe Phật mới nhận ra rằng, tuy nghĩ thì nhiều, nhưng mà chỉ có chăn tâm là xong, thấy cũng có khả năng làm được cho nên trở lại tu tập. Do chăn tâm rất kỹ nên trong vòng ba hôm thì vị này chứng được Tứ quả A-la-hán.
Sau đó, bằng vào sức thần thông có được, Ngài ngồi lại để xét xem kiếp trước bà này với mình đã có nhân duyên gì mà hôm nay lại hộ trì mình tu như vậy. Mới thấy rằng, trong kiếp thứ chín mươi chín mình có nhân duyên vợ chồng với bà, và bà đã có một ác tâm cho nên mình bị mất mạng. Đến đây, vị Tỳ-kheo này không được vui. Bà thí chủ này dùng tha tâm thông biết được tâm thầy này đang nghĩ và đang làm gì cho nên bà dùng tâm khuyên thầy quán tới kiếp thứ một trăm thì thấy trong kiếp ấy, thầy đáng tội chết nhưng bà đã tha cho thầy. Khi biết rõ mọi nhân duyên tiền kiếp, thầy Tỳ-kheo này mới quán xét lại và hướng dẫn cho bà cách để đạt đến quả vị A-la-hán, rồi sau đó Ngài mới nhập vào Vô dư y Niết Bàn.
Qua câu chuyện đó, quý vị xét lại coi, sáu mươi vị Tỳ-kheo trên chứng được A-la-hán là do điều phục và chăn giữ tâm ý một cách chu đáo, miên mật và kỹ lưỡng. Nhưng đặc biệt vị Tỳ-kheo đến sau một mình này, hễ Ngài vừa khởi nghĩ điều gì thì bà thí chủ kia liền thấy hết, đọc được tâm Ngài một cách vanh vách, giống như là đi dép trong bụng vậy, do đó Ngài chăn tâm kỹ lưỡng hơn, không dám nghĩ gì cả. Chính vì vậy cho nên ba ngày là Ngài chứng quả vị A-la-hán chứ không đợi đến ba tháng.
Bây giờ xét lại nơi mình, khi khởi nghĩ một điều gì, do vì không ai thấy cho nên mình đã buông thả và tơ tưởng dệt thêm thành đàn thành đống. Có khi cũng soi xét lại nhưng không kỹ lưỡng và dứt khoát, cho nên nó đã che mờ đi tâm tánh của mình. Thì ra lâu nay cái tâm trộm đó nó lén lút, nó lộng hành mình một cách tự do là do mình chưa thật thà với mình, vì vậy cho nên tu hành chậm tiến. Còn nếu mình nghĩ một điều gì mà chung quanh mọi người đều biết thì mình không dám nghĩ tầm bậy, do đó việc tu hành sẽ mau tiến bộ hơn.
Như vậy, tu hành chậm tiến hay mau tiến là chính tại nơi mình, mà lâu nay có khi mình vẫn đổ thừa tại nhiều duyên khác bên ngoài. Giờ muốn tu tiến thì mình phải công bằng với mình mới được. Công bằng là sao? Giả sử khi mình khởi một điều gì thì mình coi như mọi người đang thấy hết những khởi nghĩ của mình, như vậy không bao giờ mình dám khởi nghĩ tầm bậy. Nếu khi ở một mình chúng ta cũng sống giống như khi đang tiếp khách đông người, những điều mình nghĩ trong lòng giống như những điều mình đang nói ra cho mọi người biết, dám thật thà như vậy thì giống như mình đem ánh sáng soi vào bóng tối, kết quả không có một chú đen tối nào có thể lẩn trốn được hết. Quý vị tập thử như vậy sẽ thấy sự tu hành của mình sẽ rất mau thăng tiến.
Chính vì thế nên các bậc Cổ đức có nói:“Công tâm nếu bằng với tư tâm thì không việc gì mà không thành tựu. Đạo niệm nếu bằng với tình niệm thì thành Phật đã lâu rồi”.Công tâm tức là cái tâm chất trực ngay thẳng, tâm nghĩ về việc chung. Nếu cái tâm chung ấy bằng với cái tâm lén lút suy nghĩ riêng tư cho mình thì làm việc gì cũng được thành tựu cả. Lâu nay mình làm việc khó thành tựu là vì mình không nghĩ đến cái chung mà chỉ nghĩ đến cái riêng cho mình, cái nhỏ nhoi này nó cản trở cho nên làm không được thành tựu. Còn "đạo niệm" tức là cái niệm nghĩ nhớ về đạo (chưa nói tới cách sống đạo chân thật), nếu nó bằng với cái tình niệm (niệm tưởng phàm tình) thì mình đã thành Phật lâu rồi. Hôm nay mình vẫn còn làm chúng sanh ngồi đây thì cái nào nhiều hơn? Niệm suy nghĩ về phàm tình nhiều hơn, cho nên còn làm chúng sanh, luân hồi trong sanh tử đã nhiều kiếp từ xưa tới giờ.
Bây giờ quý vị thử kiểm lại nơi mình thì thấy rất rõ. Hằng ngày mình nghĩ tới chuyện hơn thua phải quấy tốt xấu của người khác nhiều hay là nghĩ soi xét về mình nhiều? Nếu nghĩ chuyện hơn thua phải quấy nhiều thì đó là niệm tưởng phàm tình. Còn nếu quý vị nhớ tới chuyện tu thôi, chưa nói tới chuyện mình phải nhận được bản tâm chân thật đó, thì mình cũng thành Phật nữa. Cho nên bây giờ phải cân bằng lại, thay vì ngày xưa mình suy nghĩ phàm tình nhiều thì ngày hôm nay mình suy nghĩ chuyện tu hành nhiều hơn, có thế việc tu hành mới tiến bộ. Quý vị cần thấy rõ như vậy để cố gắng thực hành.
Ngài Quy Sơn dạy: “Phàm là tâm của người học đạo phải ngay thẳng chân thật, không dối gạt, tâm hạnh sau lưng trước mặt lừa phỉnh. Trong tất cả thời thấy nghe bình thường không có chiều uốn (không thuận theo tình niệm). Cũng chẳng phải nhắm mắt bịt tai, chỉ lòng chẳng chạy theo vật là được. Từ trước chư Thánh chỉ nói, bên nhơ bợn là lỗi lầm. Nếu không như thế, lòng nhiều nghĩ ác là việc tình kiến tưởng lập. Ví như nước mùa thu lóng đứng trong trẻo lặng lẽ không động, không ngại, gọi người này là đạo nhơn, cũng gọi là người vô sự”.
Nếu chúng ta chiều uốn theo tình niệm riêng tư thì bị tình niệm gạt. Vì lý do đó cho nên tâm quanh co, lòng nhiều nghĩ ác, việc tình kiến tưởng nương theo đây mà sanh khởi, càng trái xa đạo. Tâm mình chân thật, ngay thẳng trong từng tâm niệm và việc làm, không để cho tình niệm kéo lôi thì trong lòng mới rỗng rang, thanh thản, thanh tịnh, mới khế hợp với đạo chân thật.
5/ CHINH PHỤC TÊN TRỘM, NHẬN LẠI CỦA BÁU NHÀ MÌNH
Nãy giờ nghe giảng, quý vị đã thấy rõ nơi mình có một chú trộm ẩn núp từ xưa tới giờ, lén trộm của báu mình mà mình không hề hay biết gì cả. Bây giờ mới biết chứ từ trước tới giờ đâu có biết. Nhiều lúc thấy mà lờ mờ vậy thôi, cho nên nó cũng ẩn núp ăn cắp hoài, để mình phải chịu khổ rất đau đớn. Bây giờ mình biết chú rồi thì mình phải dứt khoát loại trừ. Tất cả quý vị ở đây, ai cũng muốn loại trừ chú tâm trộm đó, nhưng mà loại trừ nó khó hay dễ? Nếu mà nói khó thì chắc không ai tu hành được, cho nên cũng là dễ thôi. Nhưng mà nếu nói dễ thì tại sao hôm nay mình cũng chưa thắng được nó mà còn ngồi đây? Như vậy là khó hay dễ đây? Chính xưa kia quý Ngài tu hành, khi chưa sáng đạo, quý Ngài vẫn thấy rằng "giặc nhà là khó giữ" nữa, huống gì mình bây giờ nhiều lúc thấy khó cũng phải, ai mà khéo tu thì thấy dễ cũng phải. Nhưng bây giờ muốn công phu có hiệu quả, muốn chăn giữ có hiệu quả thì phải biết cách chăn giữ như thế nào mới có thể thắng được chú tâm trộm đó.
Quý thầy dẫn một giai thoại sau đây để quý vị thấy người xưa tu hành cũng thao thức về vấn đề khó giải quyết chú tâm trộm này. Một hôm thầy Tri viên hỏi Thiền sư Duyên Quán (ở Lương Sơn): “Khi giặc nhà khó giữ thì thế nào?” Tức là Ngài biết tâm trộm là giặc trong nhà rồi, biết thỉnh thoảng nó vẫn lén lút trốn đi và ăn cắp của báu của mình nữa. Chỉ cần quên một chút là nó lén trốn đi liền. Sở dĩ ngày nay mình tu hành khó khăn cũng là lỗi tại mình hay quên, phải không? Chính vì quên cho nên việc tu hành của mình phải nhọc nhằn, giữ chú tâm trộm này rất khó. Ngài đã nhận biết và thao thức phải làm sao để giữ gìn được. Bấy giờ Thiền sư Duyên Quán đáp: “Biết được thì chẳng phải là oan gia”.
Tới đây quý vị thấy khó hay dễ? Mới đầu mình thấy nó là giặc thì khó, nhưng nếu khéo nhận biết chú đúng cách thì chú không còn là oan gia nữa, thì dễ rồi phải không? Lâu nay vì chúng ta mê lầm nên nó mới trở chứng và trộm của báu mình mà mình không hay biết, cho nên mới trở thành giặc. Bây giờ mình biết được nó thì không còn bị nó gạt nữa. Không còn bị gạt thì nó không còn là kẻ thù, là oan gia nữa, tức là nó không còn hại chúng ta được nữa. Cho nên ngài Duyên Quán mới nói “khi biết được thì không còn là oan gia”, không còn gì phải gọi là khó giữ nữa. Mới đầu tưởng chú ta cố định là giặc nhà thật nên khó giữ, nhưng nếu nhận biết được chú ta rồi thì không còn là oan gia nữa. Nhưng biết như thế nào đây? Mình phải đặt câu hỏi tới cùng thì thực hành mới có hiệu quả. Sở dĩ mình thấy giữ chú tâm trộm này khó, là do mình thấy chú giặc đó là thật, phải không? Nhưng khi biết chú là giả, là không thật rồi thì không còn khó nữa.
Khi chúng ta mê, bỏ quên đi tánh chân, tức là bỏ của báu mình mà theo vọng cho nên có chú giặc đó. Như vậy chú giặc đó có là do mê. Biết như vậy rồi thì bây giờ xoay trở lại, giác lại, không theo vọng nữa, tức là không theo chú giặc đó nữa. Khi nó khởi lên, mình liền giác biết tột nó là vọng, là giặc thì ngay đó liền là chân, không còn mê nữa, phải không? Tại sao như vậy? Bây giờ quý vị nào khéo công phu thì sẽ thấy rõ vấn đề này. Tại sao tâm trộm là vọng, là giả? Lâu nay mình từng nghe Hòa thượng giảng, niệm tưởng của mình là giả, là vọng. Nhưng quý vị biết nó là giả là vọng mà tại sao nó vẫn cứ lén lút dẫn mình đi hoài? Tại sao nó vẫn còn chi phối được mình? Mình phải đặt câu hỏi để xét cho tới cùng. Tại vì mình chỉ nghe Hòa thượng nói là vọng nhưng tự nơi mình thì chưa thấy tột nó là vọng. Nếu thấy tột là giả thì không bao giờ chúng ta còn theo cái giả cả. Nhưng miệng thì nói giả mà trong tâm vẫn âm thầm cho là thật, còn muốn giữ cho nên mới bị nó dẫn đi.
Cũng giống như khi quý vị bị nhậm mắt, mắt bị nhòa đi thì thấy trong hư không có chớp chớp, có hoa đốm. Hoa đốm trong hư không mình đang thấy tùm lum đó, từ đâu mà có? Người bị mắt nhậm thì thấy, còn người bên cạnh không bị nhậm mắt thì có thấy đâu. Nhưng khi đang bị nhậm mắt, đang thấy hoa đốm thì không thể nói là không có được. Tuy nhiên, nếu mình hỏi người đang thấy hoa đốm đó là hoa đốm ở đâu, anh chỉ giùm tôi coi, chỉ được không? Chỉ không được thì hoa đốm đó là thật hay giả? Nếu nói là thật có thì phải chỉ ra, nhưng nói là không có thì đang thấy đó làm sao nói là không được. Cho nên, nó không phải có mà cũng không phải không, nó là giả có, mà đã thấu tột nó là giả thì mình có nên theo cái giả không?
Cái tâm trộm, cái tâm sanh diệt nơi mỗi chúng ta cũng giống như vậy. Bây giờ quý vị xét lại coi, mình đang ngồi đây, trong lòng chưa nghĩ một cái gì hết thì tâm mình có niệm tưởng nào không? Mình vẫn hằng biết, vẫn trong sáng, nhưng không có một niệm tưởng nào cả. Nhưng thoạt quên thì nó dấy lên liền. Như vậy từ đâu mà nó có? Quên thì có ra thôi chứ đâu phải là thật. Nếu có một chỗ sanh ra nó thì nó sẽ sanh hoài không dứt, nhưng không có chỗ nào sanh ra nó cả, mà hễ vừa quên thì nó tạm có vậy thôi cho nên nó chỉ là giả có chứ không thật.
Do thoạt quên thì vọng khởi, tức là nó không có đầu mối và nguồn cội gì cả. Nó có ra là do mình mê và quên vậy thôi. Bây giờ khi nó đang có, khi đang có vọng vậy đó, quý vị tìm lại coi, cái gì là vọng, quý vị đem ra cho quý thầy coi thử được không? Tìm lại không được, vừa quay lại tìm thì nó mất liền. Như vậy nó là thật được không? Nếu là thật thì đem ra cho quý thầy coi được, nhưng vừa tìm lại thì không những không đem được mà nó mất tăm dạng ngay. Vậy nó mất đi đâu? Hễ mê thì có, mà tìm lại thì không còn, không thể nói đi đâu cả. Giống như khi chưa mở đèn thì bóng tối tạm có, mở đèn lên thì bóng tối liền tan, chúng ta không thể nói là bóng tối đi đâu cả, vì nó có thật đâu mà có chỗ đi. Vọng tưởng cũng vậy, chỗ sanh không có, khi mất cũng không có chỗ nơi trở về, hiện tại thì chỉ ra không được, vậy nói nó thật được không? Thế mà lâu nay mình vẫn âm thầm coi nó là thật, vô lý quá phải không?
Bây giờ mình đã rõ tâm trộm, tâm sanh diệt đó là giả, là không thật rồi thì có nên theo cái giả không? Chúng ta không ai muốn bỏ cái thật mà theo cái giả cả, nhưng vì chưa thấy tột nó là giả, cho nên mình bị nó lừa một lúc vậy thôi. Tuy nói là một lúc, nhưng từ hồi sanh tử tới giờ đã lâu chưa? Mê trong thời gian lâu dài như vậy, nghĩ lại thấy rất mệt và chán, nhưng giác lại thì còn ngồi đây sáng suốt, an ổn tu hành được, thì cũng không phải là ở đâu lâu xa cả. Đang ngủ thì mơ mộng lung tung, mà tỉnh ra thì đầu chưa rời gối, vẫn còn nằm đó. Mộng của một đêm là giấc mộng ngắn, mộng trong sanh tử là giấc mộng dài. Dài hay ngắn cũng đồng một loại là mộng thôi. Đã đồng là mộng thì có dính dáng gì mình đâu. Chỉ cần tỉnh ra thì hiện nguyên hình thể là mình, hết mộng. Đó cũng là một đặc ân an ủi cho mình. Khi còn đang mê dù đi xa muôn kiếp, nhưng khi giác lại thì liền đó là quê nhà, không ở đâu xa cả.
Bây giờ tiến thêm một mức nữa, quý vị biết chú tâm trộm là giả rồi, không còn là oan gia nữa, chú không còn cướp của báu mình nữa, nhưng bây giờ làm sao lấy lại của báu đây? Lâu nay lỡ bị cướp rồi, bây giờ biết chú là giả, thấy rõ chú rồi đó và có thể không theo chú và không để chú gạt nữa, nhưng mà lỡ bị lấy rồi, bây giờ làm sao quý vị đòi lại của báu đây? Quý vị đã nghe Đức Phật dạy trong Kinh Viên Giác “tri huyễn tức ly”, biết huyễn thì ngay đó liền là lìa. Sở dĩ mình còn ôm cái tâm vọng vì mình vẫn còn âm thầm thấy nó là hơi thật và chưa thấy tột nó là giả. Còn nếu thấy tột vọng là giả rồi thì không ai dại gì mà theo cái giả cả. Cho nên biết tột nó là vọng, là huyễn, là giả thì liền đó là lìa. Bấy giờ cái "lìa" này nó không còn có một hành động thành tướng lìa nữa, mà biết tột là giả thì ngay đó tự nó liền là lìa, phải không?
Ví dụ quý vị đi đường mà thấy có một cục vàng thì mình mới lượm, chứ còn gặp một tờ giấy loại thì mình có thèm lượm đâu. Khi biết nó là giả thì không bao giờ mình ngó ngàng tới. Quý vị có cố tâm, có cố gắng để đừng lượm tờ giấy loại không? Biết nó là giả thì mình không lượm vậy thôi, cho nên liền là lìa, thì "lìa" bây giờ không còn là một động từ nữa, mà chỉ thấy tột là giả, thì ngay đó liền lìa. Nhưng khi biết là giả rồi, lìa rồi thì không còn gì nữa sao? Giả sử như mình đang khởi nghĩ, vọng thoạt sanh phải không? Bây giờ biết giả, tìm lại nó thì nó không có, biết giả liền là lìa, thì lúc này quý vị có còn biết không? Tuy cái vọng mất đi, nhưng mình vẫn còn biết, hằng biết, thì "cái biết” đó, có vọng nó cũng biết, mất vọng nó cũng vẫn hằng biết, "cái sáng suốt hằng biết đó" là của báu chính mình, nó vẫn nằm y nguyên đó, chưa mất bao giờ. Vậy quý vị đã lấy lại của báu được chưa? Lâu nay chú trộm rình đó che lấp một chút chơi vậy thôi chứ đâu có mất đi đâu. Bây giờ hễ mình phát hiện, chỉ cần vạch ra một cái thì liền lấy lại ngay của báu giàu có vô kể. Cho nên Đức Phật nói tiếp “ly huyễn tức giác”. Biết huyễn liền lìa, ngay khi biết huyễn thì vọng huyễn nó lặng liền. Ngay trong cái lặng, hằng biết mà lặng lẽ đó, tánh chân của báu hiện ra, cho nên Phật nói "ngay khi lìa đó tức là giác" tức là tánh giác hiện sẵn đó, mà giác tức là Bồ đề. Tu hành quá dễ phải không? Dễ nhưng mà lâu nay mình vẫn trậm trầy trậm trật là tại vì mình chưa mạnh dạn buông xuống, chưa có công phu mạnh mẽ nên chưa được tương ưng.
Như vậy quý vị thấy chân và vọng không phải xa, không phải bỏ cái này để tìm cái khác, mà mình phải khéo léo ngay trên vọng không theo nó thì tánh chân hiện tiền, và phát hiện rõ ràng rằng, trên vọng tánh chân vẫn sẵn đủ. Tại vì khi khởi niệm mình bận theo niệm đó mà quên đi "cái hằng biết" nên tạm gọi là mất đi. Nhưng khi vọng niệm lặng đi mình còn "cái sáng biết" đó, mới hay ra chưa thiếu vắng bao giờ. Bây giờ quý vị quay trở ngược lại thì sẽ thấy, ngay trên vọng "cái đó" không có vắng, tại vì chúng ta bám cái này mà quên cái khác vậy thôi.
Ví dụ trên mặt bàn này có tất cả mọi đồ vật đây, nếu quý vị nhìn bình hoa này cho nó là đẹp thì không bao giờ thấy được tất cả các vật khác, không thấy được cái mặt bàn vàng và sáng này. Nhưng khi quý thầy dẹp tất cả những vật này đi, quý vị không còn gì để thấy nữa, thì bắt buộc mình phải thấy cái mặt bàn vàng sáng này thôi. Mặt bàn sáng này là dụ cho cái kho báu của mình, sẵn đó từ bao giờ mà tại sao lâu nay mình không biết? Tại mình chỉ thấy theo vọng tưởng mà quên nhận lại tánh thấy biết chưa từng động này. Cũng như khi chúng ta trụ vào bình hoa này cho nên quên sự hiện hữu của mặt bàn, nhưng nó vẫn hằng có đây. Khi có bình hoa, mặt bàn vẫn hằng có ở đây, nhưng theo bình hoa này thì quên đi sự hiện hữu của nó.
Bây giờ dẹp bình hoa này đi thì nó lộ bày ra. Như vậy chứng tỏ rằng trên vọng, tánh sáng biết đó vẫn có, nhưng mà theo vọng phân biệt nên quên đi cái tánh giác kia. Bây giờ mình biết vọng là giả, lặng xuống thì tánh giác đó lộ rõ ra. Khi tánh giác lộ rõ ra rồi thì mình thấy rằng, lâu nay trên mê nhưng nó chưa từng thiếu vắng bao giờ, của báu vẫn còn nằm sẵn trong nhà đó. Quý vị có mừng không? Tuy bị ăn trộm lâu rồi mà hôm nay được trao lại của báu thì rất là mừng. Ai cho? Chỉ là nhận lại thôi, đâu phải ở đâu bên ngoài mà phải đợi người khác cho!
6/ TÓM KẾT
Bây giờ biết rồi thì quý vị phải tỉnh giác, đừng quên và lơ đễnh, bất giác để cho chú tâm trộm đó có cơ hội ăn trộm của báu chính mình nữa. Quên thì bị nó trộm và cướp của báu, từ đó lâm vào cảnh cửa mất nhà tan, chịu nghèo nàn và lang thang đói khổ. Nhớ lại thì không theo nó, liền đó ngồi trong nhà mình, của báu đầy nhà ăn xài không hết, phút chốc bỗng trở thành trưởng giả giàu sang ngay. Như vậy giàu hay nghèo là do mình hay là do ai? Do mình quên hay nhớ thôi.
Đến đây quý vị đã trả lời được câu hỏi: "Của báu của mình thì mình phải có quyền thọ dụng chứ tại sao mình lại ăn trộm của mình” chưa? Đành rằng của báu của mình thì mình có quyền xài. Nhưng nếu không biết xài, để quên đi thì sẽ bị che lấp. Mà ai che lấp? Chú trộm đã che lấp. Chú trộm đó từ đâu? Cũng trong nhà mình. Cho nên mình đã cướp của báu của mình. Bây giờ quý vị phát hiện được rồi thì nhận rõ ra, quên thì nghèo mà nhớ lại thì giàu, giàu hay nghèo là do mình, chỉ ở trong khoảng khắc quên và nhớ thôi chứ không xa.
Quý vị trong đây muốn mình là người giàu hay người nghèo? Ai cũng muốn mình giàu, cho nên hôm nay quý vị mới tới đây khiếu nại với quý thầy: "Thầy làm sao kiện giùm tôi, bắt thằng ăn trộm trả lại của báu cho tôi, tôi nghèo quá rồi. Tôi nghe người ta kể là tổ tiên tôi để lại một tài sản lớn lắm nhưng bị nó ăn cắp, bây giờ tôi cũng chẳng biết lai lịch, mà hồ sơ thì bị cháy hết trơn rồi, bây giờ làm sao Thầy bắt lại tên trộm giùm và đòi nó trả lại của báu cho tôi”. Vì muốn giàu nên hôm nay quý vị mới đến đây ngồi khiếu nại. Bây giờ đã nghe quý thầy chỉ rồi thì quý vị có muốn lấy lại kho báu của mình hay không? Nếu muốn thì kể từ đây, mỗi vị không có quyền quên nữa. Nhớ lại thì lấy lại được của báu chính mình và trở thành giàu sang vô kể, mà quên đi thì thành kẻ lang thang nghèo nàn, đói khát khổ sở. Đến đây quý vị đã nhận biết rõ hết rồi, quý Thầy xin chúc toàn thể quý vị khéo chăn tên trộm, khéo nhận lại của báu nhà mình để mỗi vị đều trở thành một ông trưởng giả giàu mãi không bao giờ nghèo.
( St)