Để Phật giáo hưng thịnh: Yếu tố Nhân sự
Vì vậy yếu tố con người hay còn gọi là yếu tố nhân sự vô cùng quan trọng, là chỉnh thể cho sự tồn tại của Phật giáo, nếu tách rời yếu tố này ra thì không còn gì để bàn luận về các yếu tố thời gian, không gian và yếu tố tổ chức nữa.
Ở Việt Nam chúng xuất gia khi còn nhỏ thì được ở trong chùa, đi học các trường của xã hội, được đào tạo cách sống thiền môn quy củ, và quan trọng là huân tập được tinh thần kiên định, tâm không lung lay đối với Phật, pháp, tăng và giới, v.v..
Và hiện nay, do sự ảnh hưởng của dân số và các yếu tố khác, người xuất gia chiếm tỷ lệ không nhiều như trước, càng về sau sẽ càng giảm dần, hoặc người xuất gia có tuổi đời lớn hơn, nhưng mục đích giáo dục không thể thay đổi được, đào tạo nên con người hoằng hóa đúng như tinh thần của Lịch đại Tổ sư Việt Nam, không nên theo vết chân của Phật giáo một thời thụ động bất cập với thời đại như của Hàn Quốc, hoặc thái quá như Nhật Bản.
Chúng ta phải làm thế nào để trên mảnh đất Việt Nam thiêng liêng này không có nơi nào không có bóng những chiếc áo vàng và lá cờ năm màu.
Cho dù hoàn cảnh xuất thân của họ như thế nào, nhưng khi trở về ngôi nhà chung của Phật giáo, đều được hưởng sự giáo dục và nuôi dưỡng như nhau theo tinh thần lục hòa.
Những chú Tiểu này theo tuổi tác, sức khỏe và trình độ Phật học cộng với thế học, rồi được sự cho phép của Thầy Tổ thì thọ giới theo Tỳ kheo, Tỳ Kheo ni, chính thức là thành viên của Tăng đoàn.
Sau đó quý thầy cô sẽ được đào tạo chuyên sâu hơn trong các trường Phật học, họ là những chiến binh đang diệt trừ các loại ma phiền não, là người khất sĩ sống trong lòng dân tộc, nhận sự hỗ trợ của những ai hảo tâm, là thầy của trời người nên có trách nhiệm đem mạng mạch và giáo pháp trao truyền trong nhân loại.
Thế thì trách nhiệm hoàn thiện tự thân và phục vụ xã hội như thế rất là vĩ đại, tất cả những hành động cử chỉ, cách ăn nói, đi đứng nằm ngồi, cho đến ánh mắt nụ cười phải đạt được một tiêu chuẩn nhất định, theo cơ sở oai nghi tế hạnh của Phật giáo. Ngoài những yêu cầu cơ bản này, trong tâm hồn và trí tuệ của họ phải đủ vững để làm chỗ nương tựa cho các hành vi đó.
Từ yêu cầu của thời đại, quý thầy cô tùy theo hạnh nguyện của mình, hoặc được định hướng của các bậc thiện hữu tri thức, kết hợp với năng khiếu cá nhân, nên hoàn thiện tiềm năng của mình: ví dụ như có duyên với các dân tộc ít người thì nên học tập ngôn ngữ của họ để tiện hòa đồng sinh hoạt và đem giáo pháp giới thiệu đến họ; thầy cô có năng khiếu ngoại ngữ thì học tập để trở thành nhà phiên dịch sách vở hoặc trực tiếp thông ngôn, giới thiệu giao lưu văn hóa Phật giáo và các lĩnh vực khác giữa nước ta và các nước bạn; quý thầy cô có khả năng y học, dẫn đoàn đi du lịch tâm linh, hoặc khả năng dẫn chương trình, tổ chức sự kiện, sáng tác văn thơ, hội họa, công nghệ thông tin v.v… thì học thêm các chuyên ngành này ở các trường của Phật giáo hoặc Đại học Cao đẳng bên ngoài, để hoàn thiện khả năng có sẵn của mình.
Sau khi hoàn thiện khả năng có thể thành lập các đoàn thể câu lạc bộ nhóm cư sĩ theo định hướng tu tập và hoạt động các Phật sự đó theo định hướng của mình, hướng dẫn họ trở thành những cận sự đắc lực.
Sự tồn tại của một con người rất là quan trọng, trong không gian và thời gian hiện tại không có ai giống mình, không ai khác ngoài bản thân mình phải chịu trách nhiệm về phước đức và trí tuệ của chính mình, giá trị của con người phải được trân trọng và coi trọng, có khi nghĩ đó là xa vời, nhưng nó lại rất thực tế và nó nằm trong tầm tay của chúng ta.
Trong khi trí tuệ và phước đức chưa hoàn thiện viên mãn, thì chuyện “nhân vô thập toàn” vẫn còn tồn tại, vì đó là đặc tính rất con người. Nhưng chúng ta đoàn kết hòa hợp thanh tịnh cùng bổ sung qua lại giữa chúng tại gia và xuất gia trên tất cả các lĩnh vực được nói trên, để hoàn thiện hết bộ mặt của Phật giáo, đem tám vạn bốn ngàn pháp môn đó, mà thích ứng giáo hóa tất cả mọi nơi, tạo nên một sự phát triển toàn diện tinh tế hoàn mỹ, thì sẽ không còn kẽ hở cho yếu tố tà vạy xen vào.
Và điều quan trọng cuối cùng là hướng về chúng sinh trong nơi mình hành hoạt, quốc gia mình đang sống và hạnh nguyện mình đang lập, phải giữ vững hạnh nguyện đó được trọn vẹn, dùng phương tiện khéo léo nhưng từ bi của một nhà Tu để giáo huấn chúng sinh, dùng năng lực tiềm tàng với những kinh nghiệm đã có để phụng sự xã hội.
Biết vị trí của mình mà hiến dâng đúng khả năng, tuyệt đối từ chối những vai trò cao hơn khả năng của mình đó là tính Trượng Phu của một vị Tăng Sĩ.
Nhìn mình, nhìn người để thấy được hướng đi chung cho toàn thể xã hội, nhân loại và cuối cùng là sự giác ngộ của mình là bài học cho thế hệ sau, phải làm sao cho mai này mình ra đi nhưng dư âm thực sự của thực lực mà cuộc đời tu mình có được là pháp bảo của Tòng Lâm, là thạch trụ của Tự Viện, và là nền móng vững chắc cho hậu thế, có thế thì thế hệ truyền thừa mới trao trọn niềm tin và Phật giáo càng quang minh hơn.
Đức Phật đã nhập diệt hơn 2500 năm, chư Tổ sư dần dần tiếp nối và về trời Tây, Tiền nhân đã ra đi, Hậu thế tiếp bước, hiện tại là thời đại của chúng ta, thế thì sự nghiệp tiếp nhận kế thừa Tiền nhân và truyền trao dẫn dắt Hậu thế là trách nhiệm thiêng liêng của chúng ta.
Và làm sao để cho người đương thời nhìn hình bóng của chúng ta mà nghĩ đến Phật giáo xưa kia và hy vọng vào Phật giáo ngày mai.
Ngọn vô tận đăng được đức Phật thắp lên và chư Tổ truyền thừa, nên làm sao để càng thắp càng sáng, miên viễn vô tận.
Lớp sóng nương nhau, vỗ lên bờ giác ngộ.
Bọt trắng tung tăng, vẫy gọi lớp người sau.
Cổ đức dạy:
Nơi nào cần ta đến
Phật sự thành ta đi
Không kể gian nan
Không màng khó nhọc.
Trong bốn yếu tố được đề cập trên, do những giới hạn chủ quan và khách quan nên người viết không thể trình bày cụ thể tường tận, kính mong chư Tôn đức, thiện hữu tri thức và độc giả mười phương niệm tình ban tặng cho niềm hoan hỷ.
Về các yếu tố vĩ mô đã trình bày khái quát xong, làm cương lĩnh đại ý cho các bài viết về sau, nên người viết sẽ cố gắng trình bày cụ thể những phần còn lại cho chi tiết và logic hơn.