Tu học từ hai mươi điều khó làm
Ngày đăng: 02:04:30 24-07-2015 . Xem: 5500
Ai cũng biết chữ tu, nhưng để hiểu được chữ tu, ta phải trải qua đoạn đường dài và vất vả, không phải thong dong bước đi, người thường cho rằng điều khó là chướng việc tu hành, chẳng biết rằng vì khó mới tu, chẳng tu thì không có điều nào là không khó. Trên đường tu, nhân tu hành thì vất vả còn quả thì an lành; nếu không tu thấy nhân thì ngọt ngào nhưng quả thì cay đắng. Thấy được điều đó, nên qua bài kinh Tứ Thập Nhị Chương chương 12, Đức Phật đã đưa ra “Hai Mươi Điều Khó Làm” nhằm khuyên tu. Trên bước bước đường tu, ta phải song hành, giữa tu và học nên cổ Đức có dạy: “Tu không học là người mù, người học mà không tu như Từ Điển biết đi ”.
Tuy nhiên, những điều khó làm, không phải là không làm được nên rất cần sự kiên trì, dày công tu luyện, mới có được kết quả.
Có một nhà văn đã viết :
“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi
Mà khó vì lòng người ngại núi e sông
”
Trong cuộc sống thực tại, biết bao phiền não đoanh vây, bao nghịch duyên trái ngang và bao khổ đau phiền lụy, trải qua bao cuộc sống thăng trầm, chúng con gặp bao nhiêu điều khó khăn nhưng cũng còn có “Hai Mươi Điều” rất khó làm mà đức Phật đã phương tiện đưa ra, nhằm cho người thực hành hoàn thiện nhân cách con người và cũng là hoàn thiện nhân cách của chính mình và giờ đây ta cùng tìm hiểu về Hai Mươi Điều Khó Làm.
Điều thứ nhất
NGHÈO HÈN BỐ THÍ LÀ KHÓ
Bố thí: Phân phát cho cùng khắp, bố thí là hình thức ta đang gieo trồng cây phước đức.
Bố thí có bốn loại: Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí, Tùy hỷ thí .
1.
Tài thí có 2 loại: nội tài và ngoại tài
Nội tài: Chỉ phần thân thể của mình như : hiến máu, cho mắt, tim, gan, mật…
Ngoại tài: Dùng tiền bạc, thuốc men, thực phẩm bố thí
2.
Pháp thí: Giáo pháp, thuyết pháp, ấn tống kinh điển.
3.
Vô úy thí : Bố thí cho sự không sợ hãi, giúp người an tâm.
4.
Tùy hỷ thí: Đồng tình vui vẽ, không sanh tâm ganh ghét, đố kỵ với người đang thực hành bố thí.
Bố thí phải là người có lòng từ bi cao độ, người phải có tâm hoan hỹ rất cao, mới có thể bố thí vì khi mở tấm lòng phát tâm bố thí thì cái gì cũng có thể cho và bố thí cũng là phương tiện trị đi bệnh tham lam, bỏn xẻn vì bố thí càng nhiều, lòng tham từ từ rơi rụng và bớt đi ta sẽ khoan dung độ lượng hơn.
“ Bố thí người nghèo khó
Lòng quảng đại hải bố
Ban ra không màn trả”
Đời , Đạo khéo điểm tô”.
Với người nghèo họ nghĩ rằng lo cho mình còn chưa đủ thì ít ai làm bố thí, tâm lý luôn co cụm, làm sao xã ly vì họ nghĩ rằng người giàu bố thí còn khó thì người nghèo như họ bố thí càng khó hơn.
Trong Kinh Tăng Chi có dạy, có bốn điều mà người nghèo khó bố thí:
1.
Do không có lòng tin, sợ bố thí là hết của, không còn cái để ngày mai ăn nên họ không bố thí.
2.
Không sợ hãi những điều tội lỗi, nên đã có nhiều người lấy tiền của người bằng hình thức trộm cắp, rồi đem đi bố thí, chẳng những không có phước mà còn có tội, mà phước lại thuộc về người bị trộm như kẻ chăn bò thuê , bò thì nhiều nhưng là của chủ thực chất họ chẳng có con bò nào mà còn phải đi làm thuê mướn.
3.
Không biết đoạn trừ điều ác, người này nghèo về tinh thần, không biết rõ nhân quả nghiệp báo, dù cho có lúc họ giàu có nhưng đến lúc nào hết phước thì họ cũng sẽ nghèo sát xơ , đến chết đi, qua đời sau sanh ra tiếp tục nghèo.
4.
Người không trí tuệ, không có sự hiểu biết sáng suốt, ai nói gì cũng không biết thật hay giả, ai nói gì cũng nghe, dù họ có bố thí vẫn có phước nhưng không nhiều.
Trong bốn loại bố thí: Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí và Tùy hỷ thí, thì Vô úy Thí là điều khó làm nhất, bố thí xuất phát từ lòng từ bi vô hạn mà làm, khi nào còn chúng sanh đau khổ, thì ta còn bố thí và bố thí với tinh thần Tam Luân Không Tịch, vắng lặng ở ba điều :
Không thấy mình là người bố thí
Không thấy vật mình bố thí
Không thấy người nhận bố thí
Và không thấy ở đây là không phải thấy bằng mắt mà là không chấp thủ, không vướng mắc hay nói cách khác ở ba phương diện người cúng với tâm thanh tịnh hoan hỷ, vật cúng thanh tịnh bằng đồng tiền chơn chánh và người nhận thanh tịnh, người bố thí với tâm lượng như vậy là bố thí Ba La mật (đáo bĩ ngạn) và khi thực hành bố thí Ba La mật, là ta đang thực hành theo tinh thần Bồ Tát đạo.
Tóm lại: Ai cũng có thể thực hành bố thí, không kể là giàu hay nghèo, kẻ ngu hay người trí, người nghèo mà có tâm bố thí thì vẫn có thể bố thí, nhưng người nghèo không có tâm bố thí và không chịu thực hành bố thí thì bố thí đối với họ là khó.
Điều thứ hai
GIÀU SANG HỌC ĐẠO KHÓ THÀNH
Người giàu sang là người có phước báu, có đầy đủ nhu cầu thiết yếu về cái ăn, cái mặc và chỗ ở, họ có của cải sung túc thì họ ít chịu đi tu, vì đi tu thì thiếu tiện nghi họ chịu không nổi do vậy họ không cần phải học đạo làm gì, với người càng giàu càng khó đi tu vì trong đầu óc của họ chỉ có chữ tiền ví như có chín đồng rồi họ cố gắng kiếm thêm một đồng, để cho đủ và cất vào tủ, như vậy họ vô cùng vất vả, lo giữ tài sản, không ngủ được thì họ còn thì giờ đâu tìm cầu học đạo.
Người giàu có lòng tham lam còn nặng hơn, chính vì tham mà họ mất đi nhân cách đạo đức như có câu “Vi phú bất nhơn” .
Người giàu có chỉ thích hưởng lạc thú, tìm cầu lạc thú như trong xã hội hiện nay có bao nhiêu người, nhưng có được bao nhiêu người đi học đạo so với số lượng trên vậy thì họ đi đâu, họ đi tìm cầu dục lạc ở nhà hàng, rạp hát, tụ điểm ca nhạc,...
*Tuy nhiên trong số đó, cũng có nhiều người hiếu học vì họ thấy và hiểu được rằng chỉ có con đường học đạo, mới là con đường hạnh phúc, giàu trên tinh thần hơn giàu trên tài sản, vì tài sản không bền chắc và nó không phải là của ta mà là của năm nhà: vua quan, giặc cướp, nước trôi, lửa cháy và vợ hay chồng, con cái phá tán cũng sẽ mất hết tài sản. Tóm lại: nếu người giàu mà còn biết đi học đạo thì ta trọn cả hai phần “phước và huệ song tu”, nếu người giàu sang mà chỉ biết nắm giữ chất chứa, thì đối với họ việc để thời gian học đạo là rất khó.
Điều thứ ba
BỎ THÂN MẠNG QUYẾT CHẾT LÀ KHÓ
Kỷ niệm 50 năm Bồ Tát Thích Quảng Đức tử vì đạo, pháp nạn vào ngày 11 tháng 6 năm 1963, tức ngày 20 tháng 4 năm Quý Mão, Bồ Tát đã quyết định thực hiện tâm nguyện của ngài là được thiêu đốt nhục thân để cúng dường chư Phật và bảo vệ đạo pháp, ngài ra đi để thức tỉnh nhân thế, cảnh tỉnh chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và đánh thức lương tri con người:
“Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói không cảnh tỉnh bao người ác
Tro trắng phản sang hố bất bình”
Thân năm uẩn này là giả tạm, chỉ có làm sao cho chánh pháp được trường tồn, sự thiêu thân của Bồ Tát vì pháp, vì chân lý không vì quyền lợi hay danh vọng và trước khi từ giả cõi đời ngài đã thốt lên lời nói thật Từ Bi đối với người ác, lời nhắn nhủ sau cùng của ngài thể hiện tràn đầy tình thương, không hề sân hận hay sợ sệt. Câu nói của ngài gợi cho ta nhiều suy nghĩ: “Tôi xin trân trọng gởi đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng từ bi mà đối với quốc dân” và ngài đưa ra năm yêu cầu:
1.
Yêu cầu chính phủ Việt Nam thu hồi lệnh triệt giáo kỳ Phật giáo.
2.
Yêu cầu Phật giáo được hưởng chế độ đặc biệt như bao tôn giáo khác.
3.
Yêu cầu chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tinh thần tín đồ Phật giáo.
4.
Yêu cầu tín đồ Phật giáo được truyền đạo và học đạo.
5.
Yêu cầu chính phủ đền bù xứng đáng cho những người bị chết oan vô tội và kẻ chủ mưu phải đền tội đúng mức.
- Bồ Tát còn gởi đến tất cả tín đồ Phật giáo lời ước nguyện sau cùng: “Phật tử! Chúng ta hãy cùng nhau tự nguyện, tự giác, bền chí với sứ mạng duy trì chánh pháp và bảo vệ lá cờ Phật giáo”.
Cuối cùng sự hy sinh vì đạo của Bồ Tát đã làm cho Ngô Đình Diệm vô cùng hoảng hốt và lo sợ, tìm mọi cách đối phó, bằng mọi thủ đoạn thâm độc và chính điều đó càng làm cho phong trào đấu tranh của Phật giáo trở nên cuồn cuộn như sóng thần và đã đi đến kết thúc, chế độ độc tài gia đình Trị của họ Ngô hoàn toàn sụp đổ vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 và Phật giáo thoát qua Pháp nạn.
Hình ảnh Trái tim bất diệt của Bồ Tát như một minh chứng mầu nhiệm cho tinh thần Từ bi – Trí tuệ - Dũng mãnh, Bồ Tát ra đi đã để lại niềm tôn kính vô biên và cảm xúc sâu đậm trong lòng người con Phật nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Và không chỉ có gương sáng của Bồ Tát Thích Quảng Đức mà còn có các vị Thánh tử đạo cũng vị Pháp thiêu thân, điển hình như có: Hòa Thượng Thích Nguyên Hương, Ni sư Thích Nữ Diệu Quang, Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu, Đại Đức Thích Quảng Hương, Đại Đức Thích Thiện Mỹ và song song đó cũng có các cư sĩ Phật tử như Cư sĩ Nhất Chi Mai, Cư sĩ Quách Thị Trang và còn nhiều cư sĩ khác ở Huế cũng trong pháp nạn 1963 cũng đã anh dũng vị pháp thiêu thân.
Dù xuất gia hay tại gia, không tập trung trên màu sắc áo cũng vì đạo pháp trường tồn, đã dùng thân mình thắp lên Ngọn Lửa Từ Bi.
Và thời Phật còn tại thế, có tôn giả Phú Lâu Na, một trong Thập Đại đệ tử của Phật, không sợ chết vì lợi ích của chúng sanh, đem giáo pháp của Đức Thế Tôn truyền bá khắp nhân gian dù cho có phải mất mạng vẫn giữ vững khí tiết, giữ vững điều thiện và giữ vững lý tưởng cao cả.
Nhưng qua đó, cũng có những cái chết không có ý nghĩa, đôi khi vì muốn tồn tại con người đã phải liều mạng, đâm chết người và có những người vì ức chế quá lớn đi đến quyên sinh, họ nghĩ rằng chết là sẽ chấm dứt khổ đau và cái chết của họ chưa phải là phương pháp tâm an và dù cho có cầu nguyện cho họ, họ cũng không siêu thoát được.
Tóm lại
: Chỉ có những người vì chân lý hy sinh vì lý do cao cả đem lại lợi ích cho nhân quân, xã hội, con người, mới là sự hy sinh có ý nghĩa và khó làm.
Điều thứ tư
THẤY ĐƯỢC KINH PHẬT LÀ KHÓ
“Nhân thân nan đắc, Phật Pháp nan văn ”. Làm được thân người đã là khó, nên trong kinh Đức Phật có dạy: “Trong vòng luân hồi bất tận, cơ may được làm người rất khó. Đức Phật đã khẳng định : Này các tỳ kheo! Có rất ít chúng sanh được tái sanh làm người và có rất nhiều chúng sanh phải tái sanh ra ngoài loài người.”
Làm được thân người đã là khó, đọc được kinh Phật lại còn khó hơn. Đức Phật có dạy: “Sống trăm năm không hiểu Phật pháp hơn sống một ngày hiểu Phật pháp.”
Pháp cú 182 : Đức Phật dạy:
“Khó mà sanh được làm người
Rồi ra sống được trọn đời khó hơn
Được nghe chánh pháp tuyên dương
Cũng là điều khó trăm đường mà thôi
Duyên may gặp Phật ra đời
Là điều hy hữu, tuyệt vời biết bao
“.
Và nay ta đã được làm thân người, được đọc kinh Phật là duyên lành nhiều đời kiếp, được nương tựa ba ngôi quý báu: Phật-Pháp-Tăng, thì ta phải làm gì trong kinh có dạy :
“ Phật-Pháp cao siêu lý ẩn sâu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Duyên lành nghe thấy chuyên trì tụng
Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu
”.
Tóm lại
: Trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo, vào năm 30, 40, Hòa
Thượng Khánh Anh đã bán đất chùa để lấy tiền in kinh nuôi tăng chúng, đó là điều rất khó làm, chỉ có những vị Trưởng Thượng, những vị lãnh đạo giáo hội, giữ gìn mạng mạch Phật Pháp mới làm được những điều khó này.
Điều thứ năm
SANH NHẰM ĐỜI CÓ PHẬT LÀ KHÓ
Ví như Hoa Ưu Đàm, ngàn năm mới nở, người mà không đủ nhân duyên gặp Phật, lúc nào cũng sống trong u mê, tăm tối và cũng có khi sanh vào thời Phật, chưa chắc gặp Phật như thời Phật có sáu vị ngoại đạo nổi tiếng, trong đó có phái Lỏa Thể Ni Kiền Tử do Đại sư Niganta Nataputta lãnh đạo, họ sống giới luật rất nghiêm ngặt, xem giới như là sự chứng quả, do chấp chặt nên họ rơi vào giới cấm thủ, không buông bỏ được và do họ không phải là đạo chánh, chưa gặp được Đức Thế Tôn, nên họ tự hủy diệt, nếu duyên may gặp Phật, đức Thế Tôn sẽ khai sáng cho một con đường, họ sẽ chứng quả, nếu ta được gặp Phật, ngài sẽ dạy cho ta những điều nên làm và không nên làm, con đường nào nên đi và con đường nào không nên đi, đâu là khổ đau bất hạnh, đâu là an vui hạnh phúc và Phật sẽ chỉ cho ta trên bước đường tu, chổ nào ta đang vướng mắc và ta sẽ được giải thoát an lành, vì ta đang sống trong ma giới, tâm tham, tâm sân, tâm si còn đầy ấp và ai được gặp Phật và ta được Phật hộ niệm, ta sẽ đổi tâm rời cảnh giới của ma.
Do vậy! Nhớ lại ngài Tam Tạng Pháp sư Trần Huyền Trang, đã từng than thở khi đến Khổ Hạnh Lâm:
“Phật tại thế thời, ngã trầm luân
Kim đắc nhân thân, Phật diệt độ
Áo nảo tự thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như Lai kim sắc thân.”
* Ngài không chỉ than oán cho nghiệp chướng của ngài mà buồn rầu cho cả chúng sanh vì nghiệp chướng đa mang, không sanh nhằm thời Phật, không được chiêm ngưỡng tướng hảo quang minh của Như Lai, không được nghe chánh pháp diệu kỳ mà phải trôi lăn trong sanh tử.
Điều thứ sáu
NHỊN SẮC, NHỊN DỤC LÀ KHÓ
- Dục: là lòng ham muốn. Ở thế gian có rất nhiều sự ham muốn, nhưng tất cả không ngoài năm món: ngũ dục lạc.
1.
Tài: tiền tài.
2. Sắc: sắc đẹp của mình.
3. Danh: danh lợi, danh vọng.
4. Thực: ăn uống .
5. Thùy: ngủ, nghỉ.
Và cũng có những ham muốn, bên ngoài thân mình đó là năm trần :
1.
Sắc: sắc đẹp của người.
2.
Thinh: âm thanh.
3.
Hương: mùi hương.
4.
Vị: vị nếm.
5.
Xúc: sự xúc chạm.
Trong các ham muốn, thì sắc dục đối với thế gian ai cũng điêu đứng, khi lòng ham muốn dục, thì bản năng sanh khởi, nhan sắc càng đẹp, trói buộc càng lớn, sự trói buộc của sắc dục như vòi con bạch tuộc, sắc dục hấp dẫn khó thể buông bỏ và khi chết, người nữ sắc dục này vẫn còn hấp dẫn người nam.
Ở Trung Quốc có Tứ Đại Mỹ Nhân: Tây Thi, Dương Quý Phi, Đắc Kỷ và Điêu Thuyền.
Mỹ nhân Dương Quý Phi là người được vua thương nhất và cũng là người bị chết thê thảm nhất, chính nhà vua giết người này và sau khi chết vẫn còn được đám quân lính ôm ấp,...
Với người xuất gia, không vướng vào dục, không mong muốn vào dục, Đức Phật dạy, hàng xuất gia phải biết tự mình chế ngự, kinh trung bộ 22 “Sự nguy hiểm của dục” và Phật đưa ra mười hình ảnh về dục, để thấy ai vướng vào dục thì vui ít, khổ nhiều:
1.
Dục như một khúc xương.
2.
Dục như miếng thịt.
3.
Dục như bó đuốc củi khô.
4.
Dục như hố than hừng.
5.
Dục như cơn mộng.
6.
Dục như trái cây.
7.
Dục như vật mượn của người.
8.
Dục như lò thịt.
9.
Dục như gậy nhọn.
10.
Dục như đầu rắn.
Những ai thọ dụng chúng, tự đủ bị chướng ngại, tự mình phải chế ngự nghĩ nhớ đến tiền tài thì khổ sở, nghĩ đến sắc đẹp thì đau khổ, nghĩ đến danh lợi thì mệt mỏi, nghĩ đến ăn uống thì vất vả, nó sẽ làm ta mệt mỏi cả đời, cần phải buông bỏ. Và với sắc dục, ví như con rắn độc, con trùng độc, phải thấy rõ thân này là đải da hôi thối, chứa 36 món đồ bất tịnh, phải nhìn rõ sắc dục là huyển ảo, không thật.
Phật dạy: Tỳ kheo phải biết tự mình hộ trì khi sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với sáu trần bên ngoài: sắc tướng, âm thanh, hương thơm, vị nếm, xúc chạm và khi tiếp xúc với nữ sắc thì không phân biệt tướng chung, tướng riêng và biết rõ đây chính là nguyên nhân của tham ái, ưu bi và các bất thiện pháp sẽ khởi sanh:
“ Mắt là đại dương sâu
Với những đợt sóng ngầm
Với những loài thủy quái
Với những trần cuồng phong
Thuyền đi trong chánh niệm
Hãy nắm vững tay chèo
Để đừng bị đắm chìm
Trong biển sắc mênh mông”.
Phật dạy: “Sắc là cửa ngỏ đi đến sanh tử, chính sắc dục là chướng ngài vật, từ xưa đến nay, chính sắc dục, khiến ta không ra khỏi luân hồi, sanh tử, không mở được cánh cửa niết bàn.”
Tóm lại: Nhịn sắc, nhịn dục là rất khó, nếu ai vượt qua được thì con đường Thánh đạo mở ra .
Điều thứ bảy
THẤY TỐT KHÔNG HAM CẦU LÀ KHÓ
Thấy tiền, thấy sắc không tham cầu là khó, chính do tham cầu mà có sự tranh chấp xãy ra, vì ham cầu mà bất chấp làm những việc bất chính để hại người như người xưa có dạy: “ Không có buổi tiệc nào mà không có giá trị của nó”.
Với người xuất gia thời Phật còn tại thế, chỉ cần ba y, một bát, ăn thì đi khất thực, mặc thì lấy vải từ bãi tha ma giặt sạch và nhuộm hoại sắc và ngủ, ở gốc cây và một gốc cây không ngủ quá hai đêm, để ta không tham đắm, không dính mắc, không ràng buộc, không tham cầu:
“Một bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh nhìn trần thế
Mây trắng hỏi đường qua”.
Còn thời nay, Đức Phật dạy hàng xuất gia, tu sĩ, xã hội ngày càng phát triển, vì vậy người tu sĩ, đời sống cũng được nâng cấp, không như xưa, không phải đi khất thực, Phật tử mang đến chùa cúng và để tiện việc hoằng pháp lợi sanh, Phật tử cúng dường phương tiện, vật dụng như xe cộ, kinh sách, băng dĩa,... với mục đích ủng hộ Phật pháp trường tồn cho người xuất gia có phương tiện điều kiện tốt hơn trên bước đường phụng sự đạo pháp và người tu sĩ, sử dụng vật chất, xem đó như là phương tiện, không dính mắc, không thắc mắc, không tham cầu và phải biết nhận lãnh vừa đủ, không tham cầu.
Đức Phật dạy:
“ Như Ong đến với hoa
Không hại sắc và hương
Che chở hoa lấy nhụy
Bậc Thánh đi vào đời
Không trái bẻ việc người”.
(Kinh Pháp cú, thi kệ 49)
Tóm lại: Chỉ có bằng trí tuệ mới thấy tốt không cầu.
Điều thứ tám
BỊ NHỤC KHÔNG GIẬN TỨC LÀ KHÓ
Sĩ nhục là đụng đến tự ái, đến tự ngã, nên khó ai nhịn được, chỉ có phương pháp nhẫn nhục ta mới có thể vượt qua.
Nhẫn nhục: nhịn chịu những điều sĩ nhục, chấp nhận những khổ đau nghịch cảnh, những điều trái ý, nghịch lòng, những la mắng vu oan, những bất công.
Chỉ với người trí mới thấy bằng trí tuệ, thân này do năm uẫn : Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức và do tứ đại : đất nước gió lửa hợp thành
•
Sắc: Hình sắc, sắc tướng, thuộc về vật chất.
•
Thọ: Cảm thọ ở ba loại :vui, khổ, không vui không khổ.
•
Tưởng: Nhận thức những gì đã được biết qua.
•
Hành: Sự vận chuyển của tâm thức.
•
Thức: Sự phân biệt của tâm thức thuộc về tinh thần.
•
Đất: Những vật cứng trong thân như xương, móng, tóc,...
•
Nước: Những nước trong thân như máu mũ, mồ hôi..
•
Gió: Hơi thở ra vô
•
Lửa: Nhiệt độ trong cơ thể
Khi đã nhận rõ thân này là do duyên hợp, không có tự ngã thì khi bị la mắng, bị sĩ nhục, ta nhẫn nhục thì bao nhiêu phiền não so sánh hơn thua, tranh giành, đấu đá trên cuộc đời đều rơi rụng.
“ Thắng thì thêm hận thù
Thua thì thêm sầu não
Thắng, thua ta bỏ cả
An lạc tại nơi đây”.
Chỉ có người trí mới hiểu và thực tập nhẫn nhục, vì có thực tập nhẫn nhục mới thấy được bản chất Vô thường - Duyên sanh - Vô ngã - Rỗng không của các pháp, khởi tâm từ bi, bình đẳng với tất cả mọi người thân như sơ, thù cũng như bạn.
Và cũng có dạng người, khi bị sĩ nhục, họ không khởi tâm tức giận mà họ đè nén trong lòng, ngày càng lớn và họ chờ khi nào có thời cơ, thì họ trở thành kẻ ác độc không thể ngờ.
*Thánh nhân có dạy: “Kẻ mà ta nói cho tức giận, mà họ không giận nếu chẳng phải người đại lượng, thì chính là kẻ nham hiểm.”
Điều thứ chín
CÓ THẾ LỰC KHÔNG Ỷ LÀ KHÓ
Ở thế gian, có những người có quyền hành, thế lực, họ dựa vào thế lực đó mà áp đảo lấn lướt người khác.
Ví như trong xã hội này, những gia đình có chức, quyền thì những đứa con của họ lại ỷ vào quyền thế của người cha, mà coi thường luật pháp buôn lậu, trốn thuế, đua xe, thậm chí đi cướp giật, đến khi họ bị bắt thì dùng danh của cha, ô dù của mẹ, mà đi qua các cửa luật pháp và họ cũng được an toàn.
Cũng vậy! Ở một số chùa, cũng có những vị đệ tử ỷ vào quyền thế của thầy trụ trì mà khống chế lấn lướt chúng Tăng và Phật tử cũng có những người ỹ dựa vào thầy tin cậy, từ đó coi rẻ những Phật tử khác.
Tóm lại
: Người có quyền thế, mà biết dùng quyền lực để khống chế cái ác là điều tốt, nếu dựa vào thế lực hay dựa vào cái ác để áp đảo lấn lướt thì là chết, họ trở thành kẻ hại dân, hại nước và người tu ỷ vào danh vào chức thì gây lắm điều tội lỗi, Phật tử đi chùa mà dựa dẫm vào thế lực của người trên, thì rốt cuộc việc đi chùa của họ không đúng mục đích mà còn bị tổn phước. Vì vậy! Người có thế lực mà không ỷ vào thế lực là rất khó.
Điều thứ mười
GẶP VIỆC VÔ TÂM LÀ KHÓ
Vô tâm: tâm không phân biệt đối đãi, không để tâm, không chấp trước, không dính mắc bởi công việc.
Ví như: khi gia đình ta có hữu sự: cha chết hoặc mẹ chết, người thân ta mất thì ta không giữ được tâm an, ta bị động tâm, quýnh quáng, đó là tâm lý chung của người thế gian.
“Khi sướng thì vui, khi khổ thì buồn, gặp phúc thì hớn hở, gặp họa thì héo tàn”.
Với người tu, tâm luôn luôn bình tĩnh chánh niệm, lấy trí tuệ sáng từ nơi việc làm, lời nói và suy nghĩ nên ít bị sai sót và luôn khiêm nhường, chọn việc không ai làm, thì ta làm, không dành việc với ai.
Ví như việc làm khó nhất là làm vệ sinh tolet, đó là việc ai cũng tránh né, nhưng với người vô tâm thì không có việc gì làm riết cũng quen và trong kinh Bát Nhã: bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm,... không có gì là sạch là dơ, chính do ta tự tạo cảm giác dơ, sạch.
Cũng ví như có người nhà của họ gần hố rác hôi thối, mới đầu thì họ cảm thấy không chịu nổi, bịt mũi lại, nhưng đi qua đi lại sống ở đó lâu ngày thành quen, không còn nghĩ là hố rác hôi thối nữa
Tóm lại
: Gặp việc vô tâm là khó, nhưng với người vô tâm thì dễ phát tâm làm Phật sự, không dính mắc, không phân biệt, người tốt cũng giúp người xấu cũng giúp, làm xong việc thì xã bỏ, không vướng bận tâm trí.
Điều thứ mười một
HỌC RỘNG NGHIÊN CỨU NHIỀU LÀ KHÓ
Nghiên cứu: tìm tòi, tra cứu, tìm hiểu sâu cho đến nơi đến chốn
Lê-Nin có nói: “Học – Học nữa – Học mãi”. Ở thế gian từ nhỏ đã phải học, cho đến lớn, chủ yếu chỉ là học không phải lo liệu gì khác, học cho đến khi thành đạt, vì với người lãnh đạo một đất nước hay làm giám đốc một công ty, nhất định phải là người trí thức nếu không có kiến thức, lấy gì để nói, làm sao biết cách trình bày, làm sao lãnh đạo, làm sao quản lý, nếu người không học không có tri thức sẽ đẩy lùi nền kinh tế của gia đình làm hủy hoại cuộc đời của chính mình và người không có tri thức sẽ là người dốt nát trở thành người ngu và trở thành kẻ ăn hại.
Trong Kinh Tăng Chi có nói: người ngu có ba loại
1.
Không biết những gì cần phải biết.
2.
Biết những điều không nên biết.
3.
Cái cần biết không biết và không rõ những gì đã biết.
Người ngu dốt nếu cộng với sự nhiệt tình sẽ thành kẻ phá hoại. Ví như có một câu chuyện, chính vì người ngu này mà đã hại một người tàn tật đến suốt cả đời, mà bản thân người ngu này cũng không biết, chính mình đã gây ra bất hạnh cho người.
Chuyện rằng có một người đến treo bảng quảng cáo ở một nhà nọ, khi trèo lên để lắp bảng, vô tình không để ý có dây điện, dòng điện 3Fa rất mạnh, khi bị điện giật, người này té xuống đất, toàn thân đều có điện. Lúc này, có nhiều người chạy đến và có một người (bán hủ tiếu gần đó ) chạy đến thấy vậy, y nhanh nhẹn chạy đến sốc anh này đứng dậy nhưng người này không đứng nổi, thế là anh ta lấy tay xoa bóp người bị nạn. Sau khi thấy không có kết quả, y chở người bị nạn đi bệnh viện, chính do sự nhiệt tình và kém hiểu biết nên kết quả là tất cả các dây thần kinh của người bị nạn đều bị đứt hết nên bắt buộc phải cưa bỏ hai tay, hai chân dẫn đến thân thể không nguyên vẹn.
Thật là xót xa, khi bây giờ mỗi ngày, người này phải đi bán vé số với thân không có tay, chân và phải ngồi xe lăn, thật là đau lòng, đến việc vệ sinh cá nhân mình cũng phải nhờ người khác giúp.
Với người hiểu biết thì người ta sẽ để người bị giật điện nằm xuống đất, tiếp cận với đất vì trong người đang có điện nên phải dùng nước đổ lên người thì dòng điện sẽ theo nước chảy ra đất
Vì vậy ta cần phải đi học, học đến nơi đến chốn , đến khi gặp việc ta biết cách sử sự, biết cách làm giấy tờ khi cần thiết, người không học thì luôn bị thiệt thòi.
Và cũng có nhiều hoàn cảnh rất hiếu học và học rất giỏi nhưng tài chính gia đình không cho phép, có khi học nửa chừng, phải bỏ để đi làm và cũng có trường hợp lười biếng không học, ham hưởng thụ. Không có lý tưởng cha mẹ cho đi học lại trốn học, sau này va chạm với cuộc đời tiếp xúc với xã hội, khi đó mới biết hối hận thì đã muộn màng.
Trong đạo, ta cần phải học hỏi tìm tòi, nghiên cứu Phật pháp, học để thấy rõ bản chất của cuộc đời, học để biết nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, học để hiểu các pháp là Vô thường – Khổ - Không – Vô ngã, học để tăng trưởng trí tuệ, học để hoàn thiện nhân cách đạo đức con người, học não bộ luôn hoạt động, trí tuệ luôn sáng suốt. Nếu không não sẽ ít hoạt động và ta sẽ trở nên chậm hiểu biết.
*Trí thức ở thế gian rất cần thiết, tri thức này nếu ta chưa có là một thiếu sót rất lớn, và nếu như ta có mất đi, ta không còn nhớ gì cả, qua đời sau ta phải học lại từ đầu đến cuối, còn với Phật pháp sẽ mang trí tuệ theo ta đi từ đời này đến đời sau.
Điều thứ mười hai
TRỪ DIỆT NGÃ MẠN LÀ KHÓ
- Ngã mạn: bản ngã, kiêu mạn và có bảy loại mạn.
1.
Mạn: tự mình nâng cao mình lên, hạ người khác xuống.
2.
Ngã mạn: coi mình là quá lớn, nên xem thường người khác.
3.
Quá mạn: khinh thường người, bằng người mà cho là hơn người.
4.
Mạn quá mạn: người ngu luôn chê người trí, thua người mà cho là hơn người.
5.
Tăng thượng mạn: tu chưa chứng mà cho là chứng, chưa thành tựu mà cho là thành tựu.
6.
Ty liệt mạng: thua người nhiều mà cho là thua ít
7.
Tà mạn: kiêu mạn sai lầm, không căn cứ nói mình không hiểu, không đức hạnh mà cho là đức hạnh.
Ngã mạn là một phiền não cơ bản, người nào tư ái nhiều, là tâm ngã mạn càng lớn, tâm ngã mạn luôn làm cản trở, ngăn ngại trên bước đường tu . Phật dạy hàng Tu sĩ, đối trị tâm kiêu mạn:
“Này! Tăng ni muốn mình thành Phật
Bỏ cửa nhà trang Phục xuất gia
Khoác vào mình chiếc áo cà sa
Mong cầu khắp nẻo gần xa cúng dường
Chớ có ý dương dương tự đắc
Cao ngạo gì cũng vứt nó đi
Xuất gia vào đạo rồi thì
Mong người bố thí, từ bi cúng dường
Người thế tục còn buông cao ngạo
Huống chi là vào đạo xuất gia
Mong cầu giải thoát nhớ là
Hạ mình đây đó, người ta cúng dường”.
Người có tâm ngã mạn, trên đường tu sẽ không tiến bộ, mà hãy học câu nói: “Tôn trọng người khác, người khác sẽ tôn trọng mình”.
Hãy lấy tôn trọng diệt trừ tâm kiêu mạn, kiêu ngạo, cần phải buông nhỏ bản ngã lòng mình, lấy tâm của người làm tâm của mình, để cho đến một ngày bản ngã không còn gì và hãy lấy đức khiêm cung – khiêm hạ để diệt trừ tâm kiêu mạn
Khiêm cung: chịu thiệt thòi hơn người khác
Khiêm hạ: lắng nghe người khác nói, khi ta có kiến thức hay hãy chia sẽ cùng gia đình, đạo bạn và năng lể Phật, lạy Phật, cầu Phật gia bị cho mình có đức khiêm cung, khiêm hạ.
Trong bài Sám nguyện có dạy:
“Xin con biết khiêm hạ
Biết tôn trọng mọi người
Tự thấy mình nhỏ thôi
Việc tu còn kém dở
Xin cho con tỉnh táo
Không kiêu mạn tự hào
Dù tu tiếng đến đâu
Vẫn tự tìm chỗ dở
Nguyện cho con đi mãi
Không dừng lại giữa đường
Đến tuyệt đối vô biên
Tâm đồng Tâm chư Phật”
Không nên kênh kiệu, không tỏ ra xấu hổ, có sao sống vậy
“Tiêu một phần bản ngã, thêm một phần an lạc
Tiêu một phần bản ngã, thêm một phần chánh niệm
Tiêu một phần bản ngã, thêm một phần giải thoát
”
Tóm lại
: Dù xuất gia hay tại gia, cũng đều có tâm ngã mạn, phải cố gắng diệt trừ, cho đến khi nào chứng quả A La Hán, thì mới đoạn trừ hoàn toàn tâm ngã mạn. Cổ đức có dạy:
“Một lần kiêu mạn đã là quá nhiều
Người khiêm tốn một trăm lần cũng là quá ít”
Điều thứ mười ba
CHẲNG KHINH NGƯỜI CHƯA HỌC LÀ KHÓ
“Sự học là vô tận, học hoài vẫn chưa đủ”. Ta có phước duyên mới được học Phật pháp, có gieo trồng căn lành nhiều đời kiếp, ngày nay ta nương tựa ba ngôi báu Phật – Pháp – Tăng, được tụng kinh, niệm Phật nhưng tụng kinh phải biết Phật dạy gì, muốn biết và hiểu lời Phật dạy, thì phải học giáo lý, có học từ đó cặp mắt trí tuệ từ từ mở ra.
Trong kinh Trung bộ 22: “Quán sát ý nghĩa học Pháp” chỉ ra hai hạng người học pháp:
•
Hạng thứ nhất: người học pháp nhưng không dùng trí tuệ quán sát nên không rõ ràng, học chỉ vì lợi ích, muốn chỉ trích người khác, muốn khoái khẩu biện luận, hạng này không đạt được mục tiêu của sự học pháp, hướng đến giải thoát, họ nắm giữ pháp một cách sai lệch nên đưa họ đến bất hạnh đau khổ lâu dài.
•
Hạng thứ hai: người học pháp luôn dùng trí tuệ quán sát ở ba phương diện.
Ø
Văn tuệ: nghe những điều phật pháp .
Ø
Tư duy tuệ: tư duy, suy nghĩ những điều đã được học .
Ø
Tu tuệ: dùng pháp đã được tư duy đúng để ứng dụng tu .
Học pháp phải đến nơi đến chốn, không nên hiểu lờ mờ, học pháp Phật là để tu, học pháp để khi đối duyên xúc cảnh ta gặp phiền não, biết dùng pháp gì để đối trị, hóa giải. Học pháp không phải nhìn lỗi của người mà hãy xem đó là bài học cho ta để ta không vấp phải lỗi lầm. Học pháp để biết lúc nào cần nói và nói lúc người cần nghe.
Với người học Phật, thì không nên coi thường người không học, mà nên cố gắng tiếp tục, chẳng những không chê mà ta phải khuyên người cùng học, phải chia sẽ những gì ta học được cùng người bạn đạo, gia đình. Chứ không che giấu những gì ta học được và khinh thường những người không học.
Thời đức Thế Tôn còn tại thế, có tôn giả với tên là Bàn Đặt tại sao lại có tên này vì người này không có trí nhớ, học có 2 chữ: chổi và quét, mà học không xong, khi học chữ “chổi” thì quên chữ “quét” và khi học chữ “quét” thì quên chữ “chổi” đó là nghiệp nhân và nghiệp quả mà vị này đã tạo ra, vì tiền kiếp vị này là giảng sư thuyết pháp, là giảng sư thì sự học phải rất là thông thái, mới có tài thuyết pháp, biện luận nhưng vì giấu pháp không truyền đạt hết sự hiểu biết của mình nên gánh nghiệp, kết quả đời này không biết một chữ.
Tóm lại
: thấy được sự nguy hiểm của người có học mà khinh thường người không học, ta phải chừa bỏ chẳng những phải chia sẻ sự học của mình và khuyên người cùng ta đi tu học và học theo hạnh nguyện của Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa: “Tôi chẳng dám khinh quý ngài, vì quý ngài đều sẽ thành Phật” .
Điều thứ mười bốn
THỰC HÀNH TÂM BÌNH ĐẲNG LÀ KHÓ
Bình đẳng: không thiên vị, không xem trọng người này mà khinh thường người kia, thương người này, bỏ người kia.
Ở thế gian, nếu ta dùng vật chất để chia thì không bao giờ bình đẳng được. Nếu như trong gia đình, cha mẹ đến khi chia tài sản cho con phải chia như thế nào ? Người lớn nhất và người nhỏ nhất hay người con nào nghèo chia nhiều và người nào khá thì cho ít. Kết quả là kiểu nào cũng không xong vì lòng tham con người là không đáy thì chia cách nào thì cũng không thể gọi là đồng đều và bình đẳng.
Với giáo lý Phật, chỉ có sự hoá độ của Đức Thế Tôn mới triệt để bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, cao thấp. Không những loài người mà loài vật trong giáo đoàn của ngài, ngài nhận cả những người hạ tiện như ngài “Ni Đề” làm nghề gánh phân và ngài nhận bữa cơm cuối cùng của người bán than Thuần Đà.
Trong hàng đệ tử của Đức Thế Tôn có hai vị Tôn giả:
Ngài Ma Ha Ca Diếp chuyên hóa độ và tiếp nhận người nghèo với lý do ngài muốn dành phước cho người nghèo, vì ai cúng dường cho ngài một bữa ăn sau khi mất sẽ được sanh thiên với phước báu cúng dường cho bậc A La Hán.
Và ngài Tu Bồ Đề lại chuyên nhận sự cúng dường của người giàu có với lý do người giàu quá dư dã nếu không nhận họ cũng bỏ đi.
Theo lý thì hai vị này đều đúng, nhưng Đức Phật vẫn chưa cho là đúng theo tinh thần bình đẳng và có một lần đến xin nước của người thuộc giai cấp hạ tiện, người này sợ làm ô uế ngài nên Đức Thế Tôn dạy:
“
Không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn, mỗi người sanh ra đều có Phật tánh và có thể thành Phật
”.
Điều thứ mười lăm
CHẲNG NÓI SỰ PHẢI QUẤY LÀ KHÓ
Ở thế gian không có gì là tuyệt đối, cuộc đời này chỉ là tương đối mà thôi, không có gì là phải, không có gì là trái, vì vậy chuyện gì của ai người đó tự biết, chuyện mình, mình biết, không nên nói động đến ai. Vì có câu nói: “Có trong chăn mới biết chăn có rận, cũng như uống nước có nóng hay lạnh tự người đó cảm nhận”.
Ta không được nói việc của người vì nói thị phi là một việc ác khẩu hại người. Do đó đức Phật đã răn dạy hàng Phật tử tại gia về năm giới căn bản, để hoàn thiện nhân cách đạo đức con người, cách nói thị phi cũng là giới thứ tư đó là nói lưỡi đôi chiều, đến bên này nói xấu bên kia, đến bên kia lại nói xấu bên này, người mà trước mặt nói khác sau lưng lại nói khác.
Để thấy rõ, từ nơi khẩu nghiệp này, ta đã gây ra bao ác nghiệp, phải cẩn trọng, để không gánh hậu quả khôn lường .
Trong kinh Tương Ưng có dạy :
“Phàm con người sanh ra
Sanh với búa trong miệng
Kẻ ngu khi nói bậy
Tự chặt đứt lấy thân
Ai khen kẻ làm bậy
Ai chê người làm hay
Tự nhen nhúm bất hạnh
Do chính miệng của mình
Chính do bất hạnh ấy
Nên không được an lành”.
Tóm lại
: càng nói ít, càng ít sai lầm, khi nói phải uốn lưỡi bảy lần.
Điều thứ mười sáu
GẶP THIỆN TRI THỨC LÀ KHÓ
Chư tổ có dạy: “Sanh ta ra là cha mẹ tác thành người là bạn bè”. Ta vì cuộc sống, nên ta ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà, khi ta còn ở nhà thì cha mẹ dạy ta rất nhiều, nhưng đến khi ta ra đời thì hoàn cảnh sống môi trường sẽ tác động ta và có được mấy ai dạy ta những điều tốt lành. Họ chỉ muốn ta gặp nạn, muốn thấy ta thất bại và tìm mọi thủ đoạn để dụ dỗ, chớ có mấy ai là người tốt vì vậy gặp được người lành, tốt là khó.
Trên bước đường học Phật, nếu ta gặp được vị thầy hướng đạo, được một bậc minh sư, dẫn dắt ta trên đường tu là do nhân lành gieo trồng với ba ngôi Tam bảo, nhiều đời kiếp, là quyến thuộc bồ đề là bậc Thiện tri thức dẫn dắt ta trên đường đạo, khi ta được gặp minh sư rồi, con đường ta đi sẽ sáng sủa, mục đích tu để thành tựu.
Thiện Tri Thức có ba hạng:
1.
Ngoại hộ Thiện Tri thức: giúp nhu cầu về vật chất trên đường tu học.
2.
Đồng hạnh Thiện Tri Thức: những người bạn, đồng học, đồng tu, cùng nhắc nhở nhau trên đường đạo.
3.
Giáo thọ Thiện Tri Thức: người đem lời Phật truyền dạy cho ta để ta có sự hiểu biết và tu tập, giúp ta đạt được mười điều
ü
Một: khiến ta an trụ tâm bồ đề.
ü
Hai: khiến ta tăng trưởng thiện tâm
ü
Ba: khiến ta tu hành các pháp Ba La Mật.
ü
Bốn: khiến ta hiểu các pháp về Vô thường – Khổ - Không – Vô ngã.
ü
Năm: khiến ta thành tựu tất cả chúng sanh pháp giúp ta
ü
hiểu về pháp tứ đế : Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế khiến ta hiểu rõ về Tam khổ: Khổ Khổ - Hành Khổ - Hoại Khổ khiến ta thấy rõ về tám khổ; là tám điều cấu uế, khiến ta phiền não, đó là sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, cầu bất đắc khổ, oán tăng hội khổ, ái biệt ly khổ, ngũ âm xí thạnh khổ.
ü
Sáu: khiến ta được biện tài, có khả năng biện luận.
ü
Bảy: giúp ta không nhiễm, không dính mắt trước các pháp thế gian.
ü
Tám: khiến ta mỗi kiếp mỗi tu hành không biết chán, luôn được sự sách tấn, nhắc nhở, động viên.
ü
Chín: khiến ta an trụ mười hạnh Phổ Hiền.
ü
Mười: khiến ta vào được Phật Trí
Trong ba loại Thiện Tri Thức thì giáo thọ Thiện Tri Thức là quan trọng và cốt yếu nhất, nếu ta không có sự chỉ dạy của thầy tổ thì ta sẽ không biết đường tu.
“Sanh ta ra là cha mẹ, thành tựu trên đường tu là thầy Tổ”. Thật vậy ! Thầy Tổ là người khai đạo, mở thông trí tuệ là người mớm cho ta từng dòng sữa Pháp để ta có cuộc sống an lành, có niềm vui an lạc trong tâm thức, ta có thầy Tổ, thì mỗi bước đi có thầy Tổ dạy dỗ theo dõi. Nhờ vậy, ta sẽ được an lành, mỗi lúc ta sai, mỗi lúc ta nhận ra điều chánh pháp không đúng, những lúc ta nhận ra con đường sai lầm giữa cuộc đời có bóng dáng thầy Tổ nhắc nhở chúng ta.
Công đức của thầy Tổ không thể nghĩ bàn, ta phải khắc ghi từng giờ từng phút và phải tôn kính suốt đời, thâm ân thầy Tổ cao cả ngần ấy chúng con nguyện tinh tấn tu học, áp dụng lời dạy của thầy vào trong cuộc sống, để phần nào đền đáp ân đức thầy Tổ dạy dỗ chúng con:
“Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mang
Nghĩa ân sư muôn kiếp, khó đáp đền”.
Tóm lại
: gặp được Thiện Tri Thức là khó, trên đường đạo, gặp được bậc minh sư dẫn dắt là khó vì có nhiều người đi chùa trụng kinh, năm này, năm nọ, mà chưa gặp được minh sư dẫn dắt thì đường tu học sẽ chậm và lạc hướng, không có kết quả cao, phải nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho ta, gặp được Thiện Tri Thức, Bậc Minh sư để dẫn dắt ta trên bước đường tu.
Phật dạy! Muốn biết được minh sư: “Phải thân cận lâu ngày, sống với người ấy, trong hoàn cảnh khó khăn nghe người ấy đàm luận, ta mới thấy được Đức hạnh và sự chứng đắc của người đó.”
Điều thứ mười bảy
THẤY TÁNH HỌC ĐẠO LÀ KHÓ
Kiến tánh: thấy rõ bản thể của tâm, không sanh, không diệt.
Vọng tâm: nhìn bằng hiện tượng, nhìn bằng tâm không thanh tịnh.
Chơn tâm: bản thể thanh tịnh, vắng lặng, như Phật- Bồ Tát
Tâm sanh ra vạn pháp, trong tâm ta có hai loại tâm, vọng tâm và chơn tâm, do con người ai cũng sống bằng vọng tâm, nên ta luôn sai lầm, do ta tham đắm nhiều ở đời, nên ta bị che mờ, không thấy chơn tâm của mình.
Tâm ta như một tấm gương, lâu ngày ta không lau rữa thì sẽ bị hoen ố. Khi ta tẩy sạch những ô uế, thì gương kia sẽ sáng lại.
Tâm ta cũng phải lau chùi bằng cách tụng kinh niệm Phật, thiền tọa cho đến ngày tâm ta sáng lại, khi ta tẩy sạch tất cả phiền não, các kiết sử, tẩy sạch tâm tham, tâm sân, tâm si thì chơn tâm mới sáng tỏ, ai năng chùi rữa tâm thì tâm sáng là Phật, tâm chưa sạch là chúng sanh.
“Phật Phật, ma ma cũng do ta
Phật, ma khác nhau chỗ chánh tà
Giác Phật, mê ma là đó vậy
Chơn như là Phật, vọng là ma”
- Hòa thượng Thanh Từ có dạy: “Phải thấy vọng tâm là giả thì chơn tâm xuất hiện, nếu ta sống mà không thấy vọng tâm thì không thấy chơn tâm, ngay lúc phát hiện ra có vọng tâm thì lúc đó chơn tâm hiễn lộ”.
Người xuất gia, cắt bỏ sự ràng buộc chỉ chuyên tu, không dính vào vật chất, sự nghiệp người tu là “ Trí tuệ” lấy trí tuệ để tu tập ba pháp Giới – Định – Tuệ, ba pháp này là nền tảng căn bản cho sự tu tập.
v
Giới: ngăn ngừa nhửng điều xấu ác.
v
Định: tâm thanh tịnh, tâm an tịnh.
v
Tuệ: tuệ sanh khởi.
Với ba pháp Giới Định Tuệ, mười phương ba đời chư Phật đều nương vào giáo lý ấy mà thành tựu đạo quả vô thượng Bồ đề, đó là con
đường duy nhất gạn lọc thanh tịnh hóa các kết sử.
Giới – Định – Tuệ giữ vai trò quyết định ho việc giải thoát giác ngộ.
Giới thành tựu, Định thành tựu, Tuệ thành tựu.
Chỉ với Tam vô lậu học Giới – Định - Tuệ mới là con đường duy nhất thấy được Chơn tâm kiến tánh, giải thoát thành Phật.
Tóm lại
: người học đạo để thấy tánh là khó
Điều thứ mười tám
TÙY DUYÊN HÓA ĐỘ NGƯỜI LÀ KHÓ
Tùy duyên: tùy thuận chúng sanh, tùy nhân duyên hoàn cảnh mà sử sự.
Tùy duyên bất biến: tùy thuận theo người khác nhưng không đánh mất bản chất của mình, mình vẫn là mình, tu tập và tùy thuận chúng sanh tu tập.
Muốn cảm hóa một người, dùng đủ ngôn từ để cảm hóa, nếu tâm mà đồng tâm thì còn cảm hóa được, nếu giữa tâm thuận và nghịch nhau thì rất khó thuyết phục.
Người hóa độ được chúng sanh chỉ có đức Phật, mới là người hóa độ hoàn hảo nhất với lòng từ bi và trí tuệ, tùy căn cơ, phương tiện mà hóa độ nên ở thời đức Thế Tôn nếu ai được nhân duyên đức Thế Tôn hóa độ thì sẽ chứng quả vị A La Hán.
Thời nay, dù Phật còn tại thế hay Phật đã thị hiện nhập niết bàn thì Tăng Bảo mãi mãi là ruộng phước tốt cho chúng sanh gieo trồng hạt giống lành.
Thật vậy! Sau khi Phật vắng bóng thì hàng tăng bảo được xem là viên ngọc quý kế thừa mạng mạch Phật Pháp, thay Phật nêu cao ngọn đuốc trí tuệ:
“Kính lạy tăng, người thừa trí cả
Thay Thế Tôn hoằng hóa đạo mầu
Tùy duyên hóa độ vô cầu
Làm thầy mô phạm, dẫn đường chúng sanh”.
Tóm lại
: tùy duyên hóa độ là khó nhưng cũng có các vị Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Thích Trí Quảng,...những người lãnh đạo giáo hội Phật giáo đó chính là tinh thần hóa độ tùy duyên.
Điều thứ mười chín
THẤY CẢNH KHÔNG ĐỘNG TÂM LÀ KHÓ
Người thì ai thấy cảnh cũng động tâm, ví như Phật tử được học đạo biết rõ nhân quả, nghiệp chướng, nếu việc xảy đến với chính người đó thì người này sử sự ra sao? Có động tâm hay không, đi chùa thì rất hiền, ai nói gì cũng nhịn và bỏ qua xem như là anh em, không vì một chút bất đồng mà mất hòa khí, mất tình huynh đệ nhưng thực tế. Khi họ ở ngoài cửa chùa, việc gì đụng đến họ vì quyền lợi của họ, thì họ tranh cải cho đến cùng, đến khi nào họ phải là người chiến thắng thì họ mới yên.
Hư Vân thiền sư có nói: “Kiến vật tiện kiến tâm, vô vật tâm bất hiện.”
Khi thấy cảnh thì tâm hiển lộ khi không có cảnh thì không động tâm, khi không có đối tượng thì tâm yên lặng không động.
Chỉ với người tu, biết hộ trì, kiểm soát tâm ý, thấy cảnh mới không động tâm, không khởi lên tham dục, phóng tâm, ...
Điều thứ hai mươi
KHÉO BIẾT PHƯƠNG TIỆN LÀ KHÓ
Phương tiện: phương pháp tiện dụng để dẫn dắt chúng sanh vào đạo.
Đạo Phật là đạo hướng đến giải thoát và đạo Phật là đạo của sự thật giúp người nhìn rõ bản chất của cuộc đời là giả huyễn, là không có thật nhưng không bỏ mà chỉ dùng làm phương tiện như ngón tay chỉ mặt trăng và bốn mươi chín năm thuyết pháp của Phật cũng chỉ là phương tiện.
Kinh Trung Bộ, Đức Thế Tôn ví pháp như hình ảnh chiếc bè phương tiện qua sông, giúp người từ bờ bên này nguy hiểm chỉ cho si mê, lầm lạc, vô minh, tham ái và dùng chiếc bè là giáo pháp của Đức Thế Tôn, ứng dụng tu tập để qua bờ kia an ổn giải thoát.
Và chiếc bè ở đây chỉ cho thân ngũ uẩn: hình sắc, cảm thọ, nhận thức quan điểm, sự vận chuyển của tâm thức, và sự phân biệt của tâm thức.
Trên đường tu ai cũng phải làm chiếc bè trong tâm thức và ta vay mượn chiếc bè này như một phương tiện để qua biển sanh tử và khi đã qua bờ kia ta phải bỏ lại chiếc bè và tiếp tục đi không luyến tiếc. Không đắm nhiễm dù chiếc bè này đã đem lại nhiều lợi ích cho ta, giúp ta có thân để tu tập và cũng là phương tiện cùng ta đi hết quảng đường sanh tử, không vì vậy mà ta cứ tiếc nuối như người thấy chiếc bè lợi ích quá nên vác chiếc bè lên vai hay đội lên trên đầu.
Giáo pháp của đức Thế Tôn là chiếc bè, các pháp môn phương tiện nhằm giúp người thực hành tìm thấy niềm vui an lạc, giải thoát theo từng cấp độ, căn cơ ta có chiếc bè rồi bây giờ ta phải dung tay chèo, nếu có mỏi ta chuyển qua chèo bằng chân, nếu có mệt thì nghĩ lấy hơi và tiếp tục chèo, nhất định sẽ tới bờ.
Và ngày nay, cũng vì phương tiện mà có các pháp môn tu tập : tu thiền, tu tịnh, tu mật, tuy pháp môn khác nhau nhưng điểm đến là niết bàn, Tịnh Độ, tùy căn cơ, trình độ mỗi người mà chọn cho mình một pháp môn tu tập, không nên phân biệt pháp môn thấp cao, tất cả các pháp môn đưa ra cũng đều vì phương tiện dẫn dắt chúng sanh vào đạo và khi đã đến bờ giải thoát, Đức Thế Tôn dạy: “Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp”
Chánh pháp là một chân lý, là một định luật không thay đổi như con người phải qua bốn tiến trình: Sanh, Già, Bệnh, Chết và vạn vật chịu quy luật của Thành – Trụ - Hoại – Không.
Phi Pháp là những pháp đi ngược lại, không đem lại an lạc hạnh phúc.
Phi pháp ta bỏ trước chánh pháp để tu tập, khi giải thoát thì chánh pháp mới bỏ, bỏ đúng thời đúng lúc.
Đức Phật là đấng Bi – Trí song toàn, tự thân ngài chứng chánh Đẳng Chánh Giác và đích thân ngài chuyển bánh xe pháp, đem nguồn giáo pháp vi diệu vào trong dân gian, những lời dạy của ngài đã đánh thức biết bao chúng sanh trôi lăn trong sáu nẻo và bổn hoài duy nhất của Phật.
“Khai ngộ chúng sanh ngộ nhập Phật Tri Kiến”. Là người học Phật, làm thế nào để đền đáp ơn đức của Phật, mới là Điều Thiết Thực cần phải làm trên bước đường tu và học.
Cũng thế! Hai mươi điều khó làm mà Đức Phật đã răn nhắc trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, chính là điều rất rất khó làm, tự bản thân ta phải nổ lực, tinh tấn, kiên quyết thực hành cho được.
Cổ Đức có dạy:
“ Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn
Không gì bằng trí tuệ đời ta
Sống điêu linh trong kiếp sống ta bà
Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả”.
Đức Phật đã nói: “Ta chỉ là người dẫn đường, các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi”.
Với hai mươi điều khó làm này mà Đức Phật giúp người thực hành ba nghiệp Thân – Khẩu – Ý thanh tịnh vì vậy bắt buộc người tu học phải làm được, dù người xuất gia hay tại gia, muốn tu hành thành Phật, muốn nhập Niết bàn an lạc đều phải thực hành tu học từ hai mươi điều khó này vì Phật dạy :
“Ai người đạt những điều này
Thuộc hàng đạo hạnh, đủ đầy thánh nhân
”.
Diệu Hoa