Ý nghĩa cội rễ của Luật Nhân Quả
Có bao giờ quý vị tự hỏi mình tại sao cuộc sống của ta lại như thế này? Có quá nhiều sự buồn bực phiền não, chuyện này đi, chuyện khác tới! Nhiều người than thở: “Phải chăng ta đang trả nghiệp?” Nếu hiểu “Nghiệp” là do vòng Nhân – Quả, thì ta phải hiểu cội rẽ ý nghĩa của Luật Nhân – Quả.
Luật Nhân – Quả qua lời dạy của đức Phật
Những lời dạy của Đức Phật về Luật Nghiệp Báo hay Nhân Quả phát xuất từ nơi trí tuệ siêu vượt của Ngài, mà với người trần mắt thịt như chúng ta chắc chắn không thể nào hiểu xuyên thấu về Luật Nhân Quả. Tuy nhiên qua lời dạy của Đức Phật về Luật Nhân Quả, chúng ta có thể phần nào giải thích tại sao cùng là con người mà có kẻ thì sống trong nhung lụa hạnh phúc, người thì sống trong bần hàn khổ đau. Người thì sinh ra đẹp đẽ, kẻ lại chịu khuyết tật khi mới sinh ra.
Nếu không có Luật Nhân Quả, Nghiệp báo, thì lấy gì để giải thích những tình trạng khác biệt này?
Theo Kinh Tăng Chi bộ có kể lại câu chuyện:
Một thời, Đức Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
- Này các Tỷ kheo, có hai loại tội. Thế nào là hai? Tội có kết quả ngay trong hiện tại và tội có kết quả trong đời sau.
- Thế nào là tội có kết quả ngay trong hiện tại? Này các Tỷ kheo, khi thấy nhà vua bắt được kẻ trộm, kẻ vô lại, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ bị đánh bằng roi cho đến bị chặt đầu. Thấy vậy liền suy nghĩ: Do làm ác nghiệp nên mới bị các hình phạt như vậy.
Nghĩ vậy, người ấy sợ hãi tội lỗi trong hiện tại.
- Và này các Tỷ kheo, thế nào là tội có kết quả trong đời sau? Ở đây, có người suy xét như sau: Quả báo dị thục của thân miệng ý ác, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục.
Nghĩ vậy, người ấy sợ hãi tội lỗi trong đời sau.
Do vậy, này các Tỷ kheo, cần phải học tập như sau: Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả trong hiện tại và đời sau. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm và tránh xa các tội.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Hình phạt, phần Hai loại tội [lược], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.94)
Đây là bài kinh đức Phật nói tại thành Xá-vệ, nơi khu đất mà trưởng giả Cấp-cô-độc mua để làm Tịnh-xá.
Người học Phật cần phải suy xét và chiêm nghiệm, tất cả mọi hiện tượng trong bầu vũ trụ bao la này từ con người cho đến muôn loài vật, đều chịu sự chi phối của nhân quả.
Nhân – Quả có nguồn gốc từ Nghiệp báo
Nghiệp là Nhân, báo là Quả. Nghiệp và Quả Báo tạo thành Luật Nhân Quả. Ngắn gọn là "Nghiệp Quả" hay "Nghiệp Báo". Nếu chúng ta tạo Nhân (Nghiệp) tốt thì sẽ trổ Quả tốt, còn ngược lại nếu ta gieo Nhân xấu thì sớm hay muộn gì chúng ta cũng nhận Quả xấu. Chuyện Nhân Quả cứ thế mà xoay dần thành một vòng tròn không bao giờ chấm dứt vì con người cứ tạo Nhân rồi trả Quả. Trong việc trả Quả lại tiếp tục tạo Nhân mới và Nhân Quả cứ như thế mà luân hồi.
Như vậy mỗi tác động (Nhân hay Nghiệp) dưới một điều kiện nhất định sẽ sinh ra một Quả Báo. Một khi Quả đó chín, nó sẽ "hồi đáp" trở lại người đã tạo ra nó. Thời gian để một Quả chín muồi có thể kéo dài rất lâu cũng có khi rất mau. Nghiệp đã gieo thì trăm, ngàn kiếp vẫn không mất. Khi đủ nhân duyên nó sẽ xuất hiện. Ai gây Quả ác thì sẽ nhận Quả ác, ai tạo Quả lành sẽ nhận Quả lành một cách công bằng, không thiên vị.
Nếu ta tạo Nghiệp tốt, có thể nó mang ngay kết quả trong đời hiện tại trong trong đời tái sinh, nhưng nên nhớ, dù tạo Nghiệp tốt hay xấu, đều chịu luân hồi sinh tử. Trong Minh thứ 3, Lậu Tận Minh, Đức Phật xác nhận nguyên nhân của luân hồi sinh tử là lậu hoặc. Lậu hoặc chính là Nghiệp. Bên trong Lậu chứa nhiều mầm Tham – Sân – Si. Nó thúc đẩy những hành vi tạo Nghiệp. Nó theo chúng ta từ đời quá khứ, hiện tại và tương lai.
Mỗi 1 ngày chúng ta gây biết bao nhiêu là Nghiệp. Mỗi nghiệp gây ra do tác động của Thân – Khẩu – Ý. Những điều này gây ra Nhân – Quả.
Sự linh ứng khủng khiếp của Quả Báo
Quả báo chính là sự đền trả lại những gì chúng ta đã tạo ra ảnh hưởng cho người khác. Hay hiểu theo nghĩa đơn giản: Ta làm gì, cho ai, sẽ được nhận lại, đáp trả lại y như thế. Không trước thì sau. Không sớm thì muộn. Không kiếp này, sẽ kiếp khác.
Mọi chuyện chúng ta làm dù tốt hay xấu, dù vô tình hay cố ý, ta sẽ được nhận lại một cách sòng phẳng không thiếu sót khi hội đủ Nhân duyên.
Có 3 loại Quả báo:
1. Hiện báo: Quả báo phải chịu trong đời hiện tại đối với những hành vi mà chúng ta đã gây từ nhiều đời trước hay đời này.
2. Sinh báo: Quả báo phải chịu trong đời sau do hành động của chúng ta làm trong đời này.
3. Hậu báo: Qua nhiều đời nhiều kiếp sau khi đủ duyên mới trả quả báo.
Các loại quả báo trên có thể giải thích cho chúng ta biết tại sao trong đời sống hiện tiền có người rất hiền lành tốt bụng mà cứ gặp những điều không may khiến cho họ chịu đau khổ triền miên, đó là do những kiếp trước họ đã gây nghiệp xấu đến đời này đủ duyên họ phải trả gọi là "hiện báo", còn những nhân lành họ làm đời này có thể họ sẽ được hưởng phước báo ở đời sau gọi là "sinh báo".
Những người sống ở đời này có những hành động ác, hại người đau khổ mà vẫn sống trong sung sướng gặp nhiều may mắn, đó là có thể trong nhiều đời nhiều kiếp trước họ tạo nhiều nghiệp lành nên đời này họ được hưởng phước, riêng những điều họ làm ác ở đời này thì họ sẽ phải trả ở những đời, những kiếp sau gọi là "hậu báo" vậy!
Theo Anh Nhy