Vì sao Phật tử ăn chay và không được ăn thịt chó?
Ngày đăng: 11:03:23 02-04-2015 . Xem: 5673
HỎI: Có phải những người theo đạo Phật (Phật tử) thì phải ăn chay, không nên ăn thịt và không được ăn thịt chó? Xin hỏi quan niệm này xuất xứ từ đâu?
ĐÁP: Ăn chay, nói cách khác không ăn thịt động vật, là một phần của việc thực hành giáo pháp; giữ gìn giới luật Không giết hại và trưởng dưỡng lòng từ bi. Đây là một trong những pháp hành quan trọng của người Phật tử trong cả hai truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) và Phật giáo Đại thừa (Mahayana).
Bàn về quan niệm ăn chay cùng xuất xứ của nó hiện tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Rõ rệt nhất là sự khác biệt giữa Phật giáo Nguyên thủy (PGNT) không có quan niệm ăn chay và Phật giáo Đại thừa(PGĐT) chủ trương ăn chay.
Theo PGNT, việc ăn chay không có mặt trong thời Phật Thích Ca tại thế. Do đó, PGNT chủ trương ăn cách nào cũng được, tuỳ duyên trong ăn uống sao cho có đủ sức khoẻ để hành trì giáo pháp (lời HT.Hộ Tông, sách Người tu cần phải ăn chay không). PGNT không đặt thành vấn đề ăn chay, ăn mặn vì “sự giải thoát không phải do nơi ăn, mà là do nơi thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu và ý”. Hơn nữa, chính Đức Phật sau khi nghe lời thỉnh cầu của Đề Bà Đạt Đa xin ban hành giới cấm không cho hàng Tỳ kheo ăn thịt cá, Ngài đã không chấp nhận. Trong kinh Jivaka, Ngài dạy: “Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng (tam tịnh nhục): không thấy, không nghe và không nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng” ( Kinh Jivaka, Trung Bộ II, tr.71). Như vậy, chư Tăng thời Phật còn tại thế sống nhờ vật thực bá tánh dâng cúng trong lúc đi khất thực, hoàn toàn không phân biệt chay mặn, ngoại trừ những vật thực nằm ngoài Tam tịnh nhục.
Vấn đề người Phật tử được ăn thịt hay không đã được Đức Phật giải quyết bằng “thuyết” Tam tịnh nhục theo quan điểm của PGNT. Nhưng ăn chay không phải đợi đến PGĐT phát triển ở Trung Hoa mới có. Ngay từ thời Asoka (thế kỷ III trước Tây lịch), việc ăn chay, bảo vệ động vật đã trở thành phổ biến. Trong các chỉ dụ khắc trên bia đá được giới khảo cổ khai quật, vua Asoka đã nghiêm cấm mọi hành động giết thú vật, tất cả việc săn bắn trên bộ, trên không và dưới nước tuyệt đối bị ngăn cấm.
Khi PGĐT hình thành, hầu như trong tất cả kinh điển Đại thừa không có kinh nào đề cập đến việc Phật cho phép ăn thịt. Không những thế, các kinh này còn nói rõ việc ngăn cấm ăn thịt. Trong kinh Lăng Già (Lankavatara), chương 8, Về sự ăn thịt, Phật dạy: “Này Mahàmati, thức ăn của người trí không gồm thịt và máu. Do đó, thịt của một con chó, một con bò… hay thịt người, hoặc là thịt của bất cứ chúng sanh nào khác, vị Bồ tát không nên ăn thịt. Này Mahàmati, vị Bồ tát an trụ trong Đại bi, thương chúng sanh như đứa con độc nhất, do đó phải kiêng ăn thịt…”. Kế đến, Phật đưa ra tám lý do giải thích nguyên nhân vì sao người Phật tử không nên ăn thịt. Trong đó, lý do sau cùng Phật thừa nhận đã “phương tiện nói giáo pháp cho ăn Tam tịnh nhục và Ngũ tịnh nhục” nhưng “Nay ở kinh này, xóa bỏ tất cả phương tiện, bất cứ lúc nào, chủng loại nào, phàm thuộc loại thịt chúng sanh, thảy đều đoạn dứt”. Có thể nói kinh Lăng Già là cột mốc của thời điểm hủy bỏ mọi phương tiện ăn tịnh nhục đã được Phật quy định trước đó.
Trong kinh Lăng Nghiêm (Suramgama), Phật lại nói đến việc cấm ăn thịt: “Những người ăn thịt dù được khai ngộ nhưng khi hết phước báo, ắt phải chìm trong biển khổ, chẳng phải đệ tử Phật”, vả lại “Làm sao người có lòng đại bi mà ăn thịt chúng sanh?” (Thích Duy Lực, Kinh Lăng Nghiêm, tr.162).
Trước khi nhập Niết bàn, Ngài vẫn còn căn dặn : “Này Ca Diếp, bắt đầu từ nay trở đi, Như Lai không cho phép hàng Thanh văn đệ tử ăn thịt. Nếu đàn việt dâng thí, phải xem thịt ấy như là thịt của con mình. Như Lai cấm các đệ tử không được ăn tất cả các thứ thịt” (Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Đại Bát Niết Bàn, quyển 1, tr.137).
Đến đây thì vấn đề người Phật tử nên ăn thịt hay không đã được phân định. Đối với PGNT, không có quan niệm về chay mặn, chỉ có quan niệm Tịnh nhục. Do đó, chư Tăng và Phật tử tu tập theo truyền thống PGNT có thể ăn những thực phẩm thuộc về Tịnh nhục. Dù được ăn thịt nhưng không giết hại sinh vật và tu tập phát triển tâm Từ bi vẫn là những tiêu chí hàng đầu. Riêng với PGĐT, không ăn các loại thịt, chỉ ăn ngũ cốc và rau quả tức ăn chay là nguyên tắc bất di bất dịch. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ áp dụng cho Tăng sĩ. Còn đối với Phật tử tại gia, việc ăn trường chay được khích lệ còn hầu hết chỉ giới hạn trong những ngày trai mà thôi.
Đối với vấn đề thịt chó, như đã trình bày, chó là một loại chúng sanh như bao chúng sanh khác. Vì thế, theo Phật giáo, khi đã ăn chay thì không ăn bất cứ loại thịt nào. Không kiêng cử riêng biệt đối với một số loài như Hồi giáo không ăn thịt heo hoặc Ấn Độ giáo không ăn thịt bò. Do vậy, trong Phật giáo không có vấn đề kiêng cử không ăn thịt chó như bạn đã nêu.
Quan niệm kiêng thịt chó đối với người thường và đặc biệt đối với người tu hành là một quan niệm được hình thành trong dân gian. Có lẽ, đây là kết quả của sự pha trộn giữa quan niệm ăn chay Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Thiển nghĩ, chó là loài vật thân thiết, gắn bó, trung thành và có ích đối với đời sống con người nên thường được con người xem như bạn hữu, thậm chí như một thành viên trong gia đình. Khi còn sống chó được con người đối xử nhân hậu, thường được vuốt ve, tâm sự và lúc chết được chôn cất chu đáo. Do đó, đánh đập hoặc giết hại chó là một hành vi bất nhẫn, ăn thịt chó lại càng bất nhẫn và táng tận lương tâm hơn. Cùng với truyền thống ăn chay của Phật giáo, việc kiêng thịt chó dần dần hình thành và trở thành một tín ngưỡng dân gian về kiêng thịt chó.
Huyền Ngu - Quảng Tánh
(Theo Phật pháp bách vấn, tập I)