Đừng bao giờ nghĩ mình cao quý mà coi thường người khác, đó chính là điều tối kỵ khi làm người.
Tất cả mọi người trong xã hội đều có vị trí của riêng mình, có người thuộc tầng lớp thượng lưu, địa vị xã hội cao; có người thuộc tầng lớp trung lưu, địa vị xã hội bình thường; có người thuộc tầng lớp hạ lưu. Thế nhưng, đừng bao giờ nghĩ mình cao quý mà khinh thường người khác, đó chính là điều tối kỵ nhất khi sống ở đời.
Nhiều người có chút tài năng, thành tích và địa vị xã hội, thường dễ tự xem bản thân mình thanh cao, coi thường người khác. Song, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, chớ nên so sánh sở trường của bản thân với sở đoản của người khác, người thực sự có trình độ tu dưỡng là phải biết khiêm tốn, không khoe khoang tài năng.
Ba câu chuyện sau đây muốn nói với chúng ta rằng, chớ nghĩ mình cao quý mà coi thường, khinh miệt người khác, điều tối kị nhất khi làm người, là có cảm giác thân phận
1. Sơn Đông một núi, một sông, một Thánh nhân
Những năm Càn Long đời nhà Thanh, vùng Đông Bình Sơn Đông có một vị tiến sĩ tên là Lưu Công Quán, ông từng đến làm quan ở phương Nam.
Tục ngữ từng có câu: “Tú tài phương Nam, tướng phương Bắc, đất vàng Tây An chôn cất hoàng đế”. Đất Tây An nhiều lăng mộ, là nơi chôn cất của nhiều vị hoàng đế; người phương Bắc cường tráng cao lớn, nhiều tướng lĩnh dẫn quân đi đánh trận. Vào thời kì nhà Minh Thanh, phong cảnh vùng Giang Nam mỹ lệ, kinh tế phát triển vượt trội so với phương Bắc, đồng thời văn hóa phồn thịnh, nhiều người có học thức trúng cử trong các kì thi.
Cứ như vậy, các nhân sĩ miền Nam không tránh khỏi việc tự cho mình hơn người, thường chê cười người phương Bắc. Lưu Công Quán vừa đến Giang Nam, các nhân sĩ Giang Nam đã dán một dòng câu đối lên cửa phủ quan của ông: “Giang Nam ngàn núi, ngàn sông, ngàn tài tử”.
Lưu Công Quán nhìn thấy vậy, ung dung viết lại vế đáp: “Sơn Đông một núi, một sông, một Thánh nhân”. Nhân sĩ Giang Nam nhìn thấy vậy, nhất thời cảm thấy như bị “điện giật”, há miệng mắc quai. Núi chỉ Thái Sơn, sông chỉ Hoàng Hà, Thánh nhân chỉ Khổng Tử.
Tất cả những điều này người phương Nam không thể so sánh được. Gia Cát Lượng nói: “Đừng nghĩ mình cao quý mà khinh thường người khác”. Kỳ thực, điều đáng quý đối với một con người, không phải là sự cao quý về thân phận, mà là ở việc người đó luôn luôn đối đãi khiêm nhường với người khác, còn những người tự cho mình là cao quý, không xứng đáng được tôn trọng.
Nhiều người thường chú trọng đến cảm nghĩ về thân phận, hay tìm kiếm thời cơ hợp lý, để thể hiện thân phận và địa vị khác biệt của mình, từ đó có được cảm giác tự cho mình hơn người, đồng thời cũng phản ánh sự tự ti từ trong nội tâm.
2. Đừng nghĩ mình cao quý mà khinh thường người khác
Đại học sĩ Kỷ Hiểu Lam từng đi núi Ngũ Đài du ngoạn, khi đi vào trong chùa, phương trượng nhìn ông một lượt, thấy dáng vẻ của ông bình thường liền nói: “Ngồi”, sau đó kêu một tiếng “Trà”, ám chỉ lấy nước trà bình thường để tiếp đón.
Đến khi biết tin khách đến từ kinh thành, phương trượng bèn cung kính đứng dậy, lập tức dẫn Kỷ Hiểu Lam vào trong nội đường, cung kính nói, “Mời ngồi”, “Kính trà”.
Sau hồi trò chuyện, khi biết rằng người đến chùa là lễ bộ thượng thư Kỷ Hiểu Lam, sắc mặt của phương trượng tối sầm, khiêm tốn dẫn Kỷ Hiểu Lam vào trong thiền phòng, cười ngại ngùng và nói: “Mời thượng tọa”, “Kính hương trà”. Trước khi Kỷ Hiểu Lam đi, phương trượng cầm giấy bút, một mực muốn mời Kỷ Hiểu Lam lưu lại thư pháp, để thiền viện nở mày nở mặt.
Kỷ Hiểu Lam múa bút để lại một câu đối: “Ngồi, mời ngồi, mời thượng tọa; trà, kính trà, kính hương trà”. Phương trượng cảm thấy xấu hổ vô cùng.
Vậy nên làm người hãy nhớ, đừng vì thân phận cao quý mà khinh thường người khác. Ở đời chuyện gì cũng có thể xảy ra, tuy nhiên tất cả người dũng cảm giành được chiến thắng cuối cùng, đều mang một trí tuệ và khí chất khiêm tốn độ lượng.
Tiếp xúc với người khiêm tốn độ lượng, bạn sẽ không cảm thấy xấu hổ, bầu không khí lúc nào cũng thoải mái dễ chịu. Đó là một loại sức mạnh, cũng là một sức hút nhân cách hiếm có. Một người thực sự hiểu biết, họ sẽ biết rõ hơn bất kỳ ai rằng, tôn trọng người khác thực ra là nghiêm túc với bản thân, tôn trọng người khác chính là tôn trọng chính mình.
3. Trong giao tiếp giữa người với người có ba mức thái độ: bề trên, kẻ dưới, ngang hàng
Sau khi vua Macedonia là Alexander đại đế chinh phục Hi Lạp, ông đến Corinth và đặc biệt đến thăm nhà triết học gia Diogenes. Diogenes đang nheo mắt nằm phơi nắng giữa quảng trường, ăn mặc quần áo rách rưới nhưng lại vô cùng thỏa mãn, vui vẻ. Tuy trước mặt là sự hiện diện của Alexander đại đế, nhưng Diogenes cũng không buồn mở mắt.
Là một nhà quân sự quyền thế hiển hách, Alexander – một người quá để tâm đến cảm nhận về thân phận, lớn tiếng nói: “Diogenes thân mến, ngươi cần ta giúp ngươi làm gì không?”.
Lúc này, Diogenes mở mắt, cau mày trả lời: “Mong ngài tránh ra, ngài đã chắn mất ánh mặt trời của ta rồi”. Alexander ngẩn người một lúc, cảm thấy vô cùng khâm phục, cuối cùng nói rằng: “Nếu như ta không phải Alexander, ta nhất định sẽ làm Diogenes!”.
Có thể thấy, trong giao tiếp giữa người với người có ba mức thái độ: bề trên, kẻ dưới, ngang hàng. Kẻ ngông cuồng, đứng trên cao dùng uy quyền làm nhục người khác, lấn át đối phương; kẻ yếu, sợ hãi phủ phục vái lạy, khinh miệt bản thân; kẻ hiền hòa, không khinh miệt không chống cự, tôn trọng đối phương, tôn trọng chính mình.
Khi đứng trước với kẻ mạnh hơn mình, không tự ti nao núng; khi đối mặt với người yếu hơn mình, đối xử bình đẳng với họ. Người quá chú trọng đến cảm giác về thân phận, luôn luôn đem theo hai bộ mặt: Đối đãi với người mạnh hơn, địa vị cao hơn mình bằng một bộ mặt; còn đối đãi với người yếu hơn, địa vị thấp hơn mình lại là một bộ mặt khác.
Nguồn: Sưu tầm