>> Đã bao giờ bạn thử lắng nghe
Cây kim mà cụ già cứ mải đi tìm mà không được chính là hạnh phúc. Câu chuyện trong triết lý kinh Vệ Đà nói về việc đi tìm hạnh phúc, nhưng không đúng nơi, đúng chỗ. Cũng như cụ già trong câu chuyện trên, trong mỗi chúng ta ai cũng muốn hạnh phúc và đi tìm hạnh phúc mà cứ nghĩ hạnh phúc là ở những nơi hào nhoáng, rực rỡ, luôn tô điểm cho hạnh phúc với hào quang, danh vọng. Ta luôn lầm tưởng khi có đủ công danh, địa vị, tiền tài thì ta sẽ hạnh phúc, nhưng thực tế sẽ chẳng có cái gì là đủ cả. Ta thấy thỏa mãn, đủ đầy lúc này, nhưng đến một lúc khác ta sẽ lại thấy thiếu và lại muốn thêm nữa, thêm nữa,… Nói cách khác, những điều đó sẽ chỉ làm ta hạnh phúc trong một thời gian ngắn thôi, vì chừng nào ta còn nghĩ hạnh phúc đến từ thế giới vật chất, trong tâm ấn của ta còn hằn sâu hạnh phúc gắn liền với vật chất thì ta không bao giờ có được hạnh phúc.
Giống như nữ minh tinh huyền thoại mắt tím Elizabeth Taylor khi nhận được viên kim cương lớn nhất thế giới do Richard Burton tặng, bà đã ngây ngất vì hạnh phúc, vì trong tâm ấn bà luôn đồng nghĩa nếu sở hữu được viên kim cương quý giá tức là hạnh phúc, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, niềm hạnh phúc đó vơi dần vì bà lại muốn có nhiều viên kim cương khác nữa. Như vậy là, suốt cuộc đời chúng ta cứ mải mê đi tìm hạnh phúc ở đâu đó mà không hề biết rằng hạnh phúc ở ngay cạnh chúng ta, ngay trong mỗi tâm hồn chúng ta; chỉ cần tâm hồn ta thực sự bình yên thì ta chính là người hạnh phúc.
Do vây, để đạt được hạnh phúc, trước tiên ta phải có được một tâm trí bình yên, đừng để cho tâm trí bị kích động, nghĩa là ta phải nhận ra được thế giới vật chất bên ngoài chỉ là ảo tưởng, ta đừng cố rượt theo nó mà hãy hài lòng với những gì mình có, và luôn dành những khoảng thời gian để lắng nghe, để cảm nhận những xúc cảm trong ta, để tâm hồn lắng lại, thoát xa khỏi những ý nghĩ tiêu cực trong cuộc sống hiện tại. Khi lắng tâm trong thiền định, chúng ta sẽ cảm nghiệm được hương vị của sự bình yên, tĩnh lặng của tâm hồn và giác ngộ ra niềm hạnh phúc thực sự luôn sẵn có từ sâu thẳm mỗi chúng ta.
"Hạnh phúc đến từ bên trong , không phải từ bên ngoài."
Chúng ta có được bình yên không? Tâm chúng ta có được hạnh phúc an lạc không? Nếu không thì chúng ta hãy đưa tâm trở về với bình yên. Thế nào là bình yên? Tâm bình yên là tâm không bị căng thẳng, lo sợ hay buồn khổ, bức bách. Tâm bình yên là tâm thanh tịnh, nhẹ nhàng, mát mẻ, an vui. Khi bình yên thì chúng ta không bị đốt cháy vì lửa ái dục, sân hận hoặc sầu bi. Chúng ta cần đưa tâm trở về với bình yên. Ðó là trạng thái tĩnh lặng, nhẹ nhàng của tâm. Ðức Phật được bình yên vì Ngài đã được hoàn toàn thanh tịnh. Tâm Ngài mát mẻ, an vui vì đã giải thoát ra khỏi mọi phiền não ô nhiễm. Là người con Phật, chúng ta cần phải sống theo cách hướng dẫn của Ngài, đó là có thực hành bố thí, trì giới và tham thiền để được hạnh phúc, bình yên.
Trở về với bình yên không phải là chúng ta sống một cách thụ động, bạc nhược; không phải chúng ta vì sợ hãi mà tránh né cuộc đời. Chúng ta đưa tâm trở về với bình yên bởi vì chúng ta hiểu rằng, còn tâm vọng động, bất an, còn tâm bị co thắt hay nóng bỏng vì phiền não là còn tâm đau khổ. Cái tâm ấy rất đau khổ, đau khổ nhiều, bởi trên đời không có cái khổ nào to lớn và sâu thẳm, nóng cháy và dễ sợ bằng sự khổ tâm. Chúng ta hãy nghe câu Kinh Pháp Cú Ðức Phật dạy:
Lửa tham ghê lắm ai ơi!
Hận sân cũng vậy, đốt người, đốt ta!
Lưới nào bằng lưới si mê,
Sông nào sánh được ái hà sông sâu? (Kinh Pháp Cú, câu 251)
Vậy, chúng ta hãy làm cho tâm mát mẻ, bình yên trở lại, bằng cách tập làm cho tâm được an tịnh, tĩnh lặng. Chúng ta đã đau khổ quá nhiều, bây giờ chúng ta hãy sống, sống với tỉnh thức, với hạnh phúc và bình yên. Tuy nhiên, muốn được an tịnh, tĩnh lặng, chúng ta cần phải cẩn thận suy xét xem những việc làm và lời nói của mình có đưa lại sự bình an cho tâm không. Chẳng hạn, trước khi đi đánh bài ở casino, chúng ta cần xét xem đi chơi như vậy có đem lại bình an cho tâm không, hay sẽ đưa tâm vào trạng thái tham lam, sân hận và si mê? Hoặc nếu chúng ta thích nói chuyện nhiều, thích nghe nhiều, thì những điều mà chúng ta nói và nghe ấy có đem lại sự bình an trong sạch cho tâm không, hay càng nói càng nghe thì tâm càng dao động, bất an? Tâm bất an, dao động là tâm không sáng suốt. Tâm không sáng suốt sẽ đưa đến lời nói và việc làm không sáng suốt; và như vậy thì sự đau khổ sẽ càng tăng. Vậy là chúng ta đang tự nhảy vào hầm lửa tội lỗi của đau khổ tham-sân-si. Ðức Phật dạy:
Con đường phóng dật nguy nan!
Con đường tỉnh thức vinh quang đời đời.
Buông lung là kẻ chết rồi.
Pháp mầu bất tử đợi người cần chuyên. (Kinh Pháp Cú, câu 21)
Khi thất niệm là chúng ta để cho ô nhiễm phiền não làm chủ tâm mình. Những lúc ấy, chúng ta còn tệ hơn là chết, vì chúng ta mặc dù đang sống nhưng lại tự hành hạ lấy mình. Với ô nhiễm đang bốc lửa trong tâm, chúng ta hướng ngoại, thích nghe, thích nói, thích làm những điều không an tịnh để tạo nghiệp bất thiện bằng khẩu, bằng thân hay bằng ý, rồi phải gặt hái đau khổ về sau.
Các pháp do ý dẫn đầu,
Ý chủ, ý tạo bắt cầu đưa duyên.
Nói, làm với ý chẳng hiền,
Bánh xe bò kéo khổ liền theo sau!
Các pháp do ý dẫn đầu,
Ý chủ, ý tạo bắt cầu đưa duyên.
Nói, làm với ý tốt hiền,
Như hình dọi bóng, vui liền theo sau! (Kinh Pháp Cú, câu 1-2)
Là con Phật, chúng ta phải sáng suốt biết cách sống an vui và ngưng hành hạ lấy mình. Chúng ta có thể ngưng đốt cháy mình bằng cách đưa tâm trở về với bình yên. Trở về với bình yên có nghĩa là trở về với nguồn sống tâm linh. Chúng ta sẽ thắp sáng tâm mình bằng chánh niệm và trí tuệ, tắm mát tâm mình bằng hỉ lạc, làm nhẹ tâm mình bằng thư thái và cụ thể là tâm định sẽ làm chúng ta rất hạnh phúc, bình yên. Nhưng trước hết, muốn trở về với bình yên, chúng ta cần thấy rõ những điều bất toàn và đau khổ của thế gian mà chúng ta đã nhiều lần phải trải qua. Ồ, thế gian này là bất toàn! Thế gian này là như vậy đó. Song song với những hạnh phúc nhỏ nhoi là sự phiền muộn sâu dày. Chúng ta không bi quan đâu! Chúng ta chỉ can đảm nhìn nhận sự thật đó thôi. Kinh nghiệm quá nhiều sự bất toàn và thay đổi của cuộc đời, những hạnh phúc tầm thường và não phiền dai dẳng, khi nhìn lại, chúng ta thấy một kiếp nhân sinh chẳng có gì ngoài tấm thân tàn tạ và trong tâm mang đầy những lằn sẹo đau thương.
Nhìn kia! Thể xác mê hồn
Một đống thịt thối, một hòm đớn đau!
Bận tâm tính chuyện đâu đâu,
Có chi bền vững mà cầu trường sanh?
Thân này sẽ bị suy già,
Thường hay tật bệnh, lại hòa uế nhơ.
Mỏng manh mạng sống từng giờ,
Tử thần bên cửa, đợi chờ mang đi. (Kinh Pháp Cú, câu 147-148)
Chỉ khi nào thấy rõ những điều bất toàn ấy, chúng ta mới quyết định làm một cái gì đó để thay đổi nó đi. Chúng ta sẽ có khả năng từ chối, thường thì mới đầu, chúng ta chỉ từ chối tạm thời, từ chối những hạnh phúc nhỏ nhoi của thế gian để đổi lấy cái hạnh phúc vĩ đại, sâu dày hơn. Chúng ta sẽ từ chối nghe và thấy những gì bất thiện bên ngoài. Chúng ta sẽ chọn bạn mà chơi, sẽ chọn bạn mà nghe. Chúng ta sẽ đến với những gì bình an, thanh tịnh. Nếu khước từ ô uế và đến với bình an, thanh tịnh, thì chúng ta sẽ được thanh tịnh, bình an. Và sự hạnh phúc vĩ đại, sâu dày ấy chỉ được tìm thấy ở tâm định tĩnh, an lạc và trí tuệ sáng suốt trong thiền.
Khéo thay! tu tập giác chi!
Lành thay! chánh hạnh, nhiếp trì bền tâm.
Người không ô nhiễm dục trần,
Sống đời sáng chói, Niết Bàn ở đây. (Kinh Pháp Cú, câu 89)
Vậy việc chúng ta hành thiền có nghĩa là chúng ta sống với bình yên, bằng cách đưa tâm trở về với thân. Tâm nằm trong thân, tâm an trú tĩnh lặng nơi thân; lắng tâm theo dõi, nhìn vào tiến trình chuyển động của hơi thở, tâm chúng ta nằm yên, chìm sâu vào nơi đó. Tâm chúng ta được định tĩnh, cảm giác mát mẻ, hỉ lạc, thư thái, nhẹ nhàng, bình yên thấm nhuận toàn thân tâm. Chúng ta cảm nghe thật nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc cao thượng của thiền định, và đây chỉ là mới bắt đầu. Trong kinh điển Pali, Ðức Phật gọi lối thực hành quán niệm này là Niệm Thân, một cách niệm để đem lại hạnh phúc và trí tuệ của pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ.
Khi để tâm nằm yên chánh niệm nơi thân thì chúng ta sẽ được an lạc, hạnh phúc. Tâm chánh niệm định tỉnh là tâm an lạc, hạnh phúc. Ðó là điều tự nhiên. Sống được 30 phút như vậy thì thật là đáng sống. Sống được một giờ, hay một ngày như vậy thì thật là giá trị, bởi chúng ta đang sống với hạnh phúc cao thượng, hạnh phúc hoàn toàn.
Trăm năm sống có ích gì,
Buông lung, phóng dật, ác tri, ác tà!
Một ngày trong cõi người ta,
Giới định, thiền tuệ, thật là tốt hơn. (Kinh Pháp Cú, câu 110)
Lời kết: Muốn có được hạnh phúc trong tâm thực sự hãy tập cách sống tùy duyên. Vạn vật, vạn việc đến ta cứ giải quyết, cứ nghĩ, nhưng đừng lo và đừng vướng mắc. Và khi giải quyết rồi thì cứ để nó trôi đi, đừng tiếc nuối. Chí có một nguyên tắc là : Now and here (Bây giờ và ở đây)
Nguồn : Sưu tầm