Biển Đông: Sư thầy trồng hoa, ươm phi lao trên đá.
Với tâm niệm "nơi nào khó khăn, chưa có sư thầy thì tôi tới...", đại đức Thích Nhuận Huyền đã có 7 tháng ra chăm lo cho chùa Vinh Phúc trên xã đảo Phan Vinh giữa mênh mông sóng nước Trường Sa (trụ trì chùa là Đại đức Thích Tâm Tánh). Và cũng chính tại đây, chứng kiến cái nắng, cái gió khốc liệt trên đảo, Đại đức đã âm thầm làm một công việc, với thầy là rất nhỏ nhoi bình thường, như quét sân, nhổ cỏ vườn chùa mỗi ngày, nhưng lại vô cùng ý nghĩa cho “Trường Sa xanh”...
Đại đức Thích Nhuận Huyền bên hàng phi lao (mang từ đất liền ra trồng) trước cổng chùa trên xã đảo Phan Vinh
Hoa nở ở Trường Sa
Mới 6-7h sáng nhưng mặt trời đã thiêu đốt mặt đất, mặt biển giống như lúc đứng ngọ ở đất liền. Không thể tưởng tượng được quãng 10 năm trước khi chưa trồng được cây xanh thì đảo Phan Vinh bỏng rẫy như thế nào, nói như Phó Chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Ngô Đình Xuyên thì lúc đó đảo chỉ có đá mồ côi và cát bên cạnh các công trình bê tông. Nhưng đảo Phan Vinh hôm nay đã rất khác, khi trở thành một trong những đảo xanh nhất Trường Sa.
Chùa Vinh Phúc bề thế, có tam quan mở ra phía biển xanh ngắt, khoáng đạt như một bức tranh thuỷ mặc.
Đại đức Thích Nhuận Huyền đang nhổ cỏ trong vườn chùa. Nói là vườn, nhưng ở cái nơi chỉ có đá, cát và san hô này thì tạo ra một luống đất (mang từ đất liền ra) thưc sự là một kỳ công. Phủ xanh miếng đất ấy xứng đáng là một kỳ tích. Đảo không có nguồn nước ngọt. Mỗi hạt nước mưa hứng được trên trời đều phải trải qua 2 lần tái sử dụng: tắm, giặt và tưới cây.
Nhưng không vì thế mà vườn chùa thiếu đi vẻ đẹp. Không chỉ có rau, vườn chùa còn có hoa, do chính tay Đại đức chăm bón.
“Cây hoa hồng này theo tôi từ đất liền ra đấy”- Đại đức kể trong khi vun vén cho khóm hồng chỉ cao độ 2 gang tay.
Nắng đã làm cho cây bị sém lá, nhưng có lẽ đó là cây hoa hồng đầu tiên và duy nhất trên đảo. Tết vừa rồi, theo lời Phó Chỉ huy trưởng Ngô Đình Xuyên, Đại đức đã thu hoạch được 3 bông hồng tặng cho chỉ huy đảo.
Có lẽ đó là những bông hoa hồng lần đầu tiên nở trên quần đảo Trường Sa.
Còn hoa mười giờ lúc nào cũng tươi nở trong vườn chùa. 4 góc vườn còn có mấy khóm hướng dương đang kết nụ, một khóm đã nở hoa. Không ít du khách vào thăm cứ tưởng là hoa hướng dương.... giả, bởi không thể ngờ được lại có thứ đẹp một cách xa xỉ đến thế giữa hòn đảo đá, cát. Còn có cả một giống hoa mười giờ “lạ”: hoa màu trắng nở quanh năm, cả ngày cả đêm. Đại đức cũng không biết là giống gì chỉ biết là món quà do bà cô tặng khi tiễn cháu ra Trường Sa.
Tôi tin rằng, các sư thầy trong chùa Vinh Phúc đã chăm sóc cho khu vườn giống như một bài tu tập để rèn luyện sự kiên trì, nhẫn nại. Cây chó đẻ, các thầy trồng xen để làm vị thuốc mát gan. Khóm đỗ xanh, các thầy gieo chung với mấy khóm cúc, hoa giấy,đã ra quả rất sai chẳng khác gì trồng trong đất liền...
Kỳ tích ươm mầm phi lao
Chăm sóc vườn đối với các sư thầy trong chùa không chỉ là thú vui trong lúc ở chùa mà còn ẩn chứa một khát vọng: thử nghiệm đa dạng hoá các loài cây hoa trên đất đảo.
Kỳ tích, Đại đức mới thực hiện được là ươm thành công hàng trăm cây phi lao (hay còn gọi là cây dương) ngay trên đảo.
Thực ra đảo Phan Vinh đã trồng được một hàng dương xanh mát trên lối vào chùa từ mấy năm nay từ giống cây mà đất liền mang ra.
Nhìn quả phi lao sai chĩu chịt rụng đầy gốc mà không thể nảy mầm, Đại đức bèn gom về phơi một hai nắng cho khô hẳn để tách hạt ra. Thầy gieo hạt xuống đất, bón tưới cẩn thận nhưng hạt không nẩy mầm. Thầy gieo đi gieo lại 3 đợt như vậy, vận dụng các cách chăm sóc khác nhau nhưng đều không thành công.
Nghĩ rằng cây phi lao mọc đc trên cát thì rất có thể phải gieo hạt trong cát. Thế là thầy lấy cát trên đảo cho vào chậu rồi rải từng lớp hạt, lớp cát lên. Lần thứ 4 này đã có kết quả mĩ mãn: lập tức mọc ra thành hàng trăm cây phi lao con.
Thầy bèn đánh từng cây giống ra trồng trong vườn trước cửa chùa. Chúng lập tức bén rễ vươn thẳng lên cả gang tay.
Thầy dẫn tôi ra chậu ươm mẻ phi lao mới sau lưng chùa. Cây phi lao ương trong cát mọc lên sin sít như rau cải. Thầy bảo có phi lao, chùa và đảo sẽ được chắn gió chắn cát. Thầy lại vào trai phòng mang ra một bọc ni-lông chứa đầy hạt phi lao phơi khô tặng chúng tôi mỗi người một nhúm và hướng dẫn tỉ mỉ cách gieo trồng...
“Đất liền có cây gì thì đảo cũng phấn đấu có cây đó”
Đảo Phan Vinh đang xây dựng kế hoạch phủ xanh toàn đảo. Hiện đã có 162 cây có bóng mát được cán bộ, chiến sỹ trồng trong 10 năm qua, trong đó có 36 cây bàng vuông, vưu vật của Trường Sa.
Trong vườn ươm của đảo còn có 500 cây giống các loại được gieo bằng hạt hoặc chiết cành để trồng để lấy bóng mát hoặc lấy quả.
Không chỉ có thế, các loại hoa giấy, hoa cúc, chanh leo, cây vối lấy nước cũng được mang ra đảo với phương châm “đất liền có cây gì thì đảo cũng phấn đấu có cây đó” để làm cho đảo gần gũi với đất liền hơn. Đặc biệt,các cán bộ, chiến sỹ trên đảo đang ươm 2 khóm tre từ đất liền mang ra để cây tre Việt Nam vươn tớinơi đảo xa, mà mang giống tre đằng ngà gắn liền với sự tích Thánh Gióng (ngựa sắt phun lửa khiến tre bị cháy sém từ đó có giống tre đằng ngà).
Hòa trong nỗ lực của các cán bộ, chiến sỹ trên đảo, của chương trình “Trường Sa xanh” do báoTuổi trẻphát động, Đại đức Thích Nhuận Huyền vẫn âm thầm với công việc giản dị của mình trong khu vườn chùa.
Có lẽ với một nhà nông học, việc ươmhạt và chăm sóc cây phi lao hay bất cứ loài cây nào khác không phải việc quá khó. Google sẽ cho biết ngay phương pháp ươm hạt phi lao, tất nhiên không giống như cách mà Đại đức làm ở đảo Phan Vinh.Vì thế, những những việc mà Đại đức mầy mò làm mang một thông điệp khác, ấy là tình yêu của thầy với mảnh đất nơi đây. Nó không chỉ là “nơi đất ở”...
7 tháng trước, từ chùa Viên Ngộ ở Ninh Hoà (Khánh Hoà) thầy đã lên một chiếc tàu hậu cần theo một hải trình kéo dài tới 25 ngày, qua hầu khắp các đảo ở khu vực phía Nam, mới được đặt chân tới đảo Phan Vinh. Có thể, thầy còn đi nữa, với tâm niệm, “nơi nào chưa có sư thầy thì tôi đến”, nhưng chắc chắn rằng,đảo Phan Vinh đã là nơi “hoá tâm hồn” của thầy.
"Ngươi lớn là người làm được việc gì đấy tuy còn nhỏ tuổi. Còn những người mà sống lâu thì có thể chỉ là người già" - thầy nói –“Tôi sẽ tiếp tục đi để phục vụ cho nhân dân”.
Tôi ghi nhớ câu nói của Đại đức Thích Nhuận Huyền. Về đất liền, tôi hỏi thêm thông tin, mới biết Đại đức năm nay mới 25 tuổi.