Đạo lý nhân sinh - Bậc thượng thừa trong võ đạo
1.Thế nào là bậc thượng thừa trong võ đạo ?
Trong tất cả các môn phái võ đạo từ Đông sang Tây (vì hiện nay, sau trên 100 năm tiếp nhận ảnh hưởng võ học Đông phương, cũng đã có các phái võ đạo dưới trời Tây), các môn sinh thường được nghe kể những câu chuyện võ công siêu việt của các bậc cao thủ, thượng thừa của môn phái.
Lần giở cảo thơm trước đèn, ta có thể đọc được những kỳ công dị biệt của các bậc Minh chủ, Chưởng môn mà hiếm khi ta có thể thấy được tận mắt. Tiểu sử của các vị cao minh trong mỗi môn phái thường hay chú trọng đến những cuộc thách đấu khốc liệt, những trận chạm trán nẩy lửa hoặc những phép luyện công đặc dị, những pha thử thách kinh thiên động địa… Người ta bảo các vị đó là những bậc thượng thừa trong võ đạo.
Thật ra, khi đã là một hành giả đạt đến chỗ cao minh thì người ta không còn đi tìm những kỳ tích để được vinh danh, được liệt vào hàng đệ nhất, được xem như bậc thượng thừa…
Khi “Ta đã là vũ trụ”, như Tổ sư Ueshiba Morihei nói, thì ta không còn đi tìm hư danh làm gì.
Bậc thường thừa cũng giống như một đại trượng phu trong quan niệm của Nho gia:
“Phú quý bất năng dâm
Bần tiện bất năng di
Uy vũ bất năng khuất”.
Như thế mới là bậc đại trượng phu.
Võ lâm Việt Nam cũng như võ lâm Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi lại chứng tích của những bậc kỳ nhân đã từng hiển lộng thần uy qua những biến cố lớn của lịch sử. Tuy nhiên, với công năng quán thế, phần lớn trong họ cũng không tránh khỏi được những sai lầm, khiếm khuyết trong cuộc sống. Và do đó, họ đã không thể trở thành những bậc Chân nhân.
Chúng ta, trong môn phái Aikido, được cái may là có được một vị Chân nhân như vậy, đó là Tổ sư Ueshiba Morihei
Người là bậc thường thừa về mặt võ công. Không ai phủ nhận điều này, kể cả những kẻ thiếu thiện ý với Người. Nhưng ít người hiểu rằng, để đạt đến bậc thượng thừa trong võ đạo, Người đã hy sinh hầu như tất cả.
Tuổi trẻ, Ueshiba muốn trở thành một cao thủ. Kịp khi đã trở thành cao thủ – sau vài cơn bạo bệnh – Người lại muốn trở thành gầm trời nan địch. Sự nghiệp, gia sản, gia đình… hầu như bị hy sinh cho ảo vọng điên cuồng đó. Có lúc, bà con bạn bè đã tưởng Ueshiba đã trở thành điên loạn.
Có thể nói, niềm tin Omoto kyo (Đại Nguyên Giáo) đã cứu Người khỏi cơn thác loạn tâm lý. Và cũng chính nhờ niềm tin tâm linh đã đưa Người đến bậc thượng thừa về mặt võ đạo. Tài năng xuất chúng, công phu miệt mài, nếu không được nâng đỡ bởi một niềm tin siêu việt, không thể đưa ta tới đỉnh cao của võ đạo.
Khi Ueshiba thốt lên “Ta là vũ trụ”, chính là lúc Tổ sư hiểu ra được cái lẽ thường hằng của đạo. Nói cách khác, Người đã đạt đạo.
“Khoảng khắc sự thật đó chỉ chứa đựng cái không. Cái chết không hiện hữu, chỉ có tinh thần bất diệt. Chính trong vương quốc của nó, người ta gặp được minh triết và tính đa dạng vô tận của Aikiwaza. Đừng chạy trốn vào quá khứ, đừng mơ mộng đến tương lai: Hãy sống khoảng khắc hiện tại và như thế người ta sẽ bắt gặp bản chất đích thực của người…”. (Trích Saotome “Aikido thiên nhiên và hòa hợp” trang 163).
“Không có một sức mạnh bên ngoài nào có thể làm ta lay chuyển, ta vẫn bình tâm dù đòn tấn công thần tốc và bí hiểm. Tại sao ? Vì ta là trống không, ta không bị ràng buộc vào cái sinh cái tử. Ta phó mặc mọi sự cho “Thượng trí”. Các con hãy coi thường cái sống cái chết khi mặt đối mặt với địch thủ và cả trong cuộc sống thường ngày của mình”.
Chỉ những người thành tâm đi hết con đường Hiệp khí với tất cả những thử thách (Singyo), công phu (Keiko), chiêm nghiệm (Nen), trai tịnh (Misogi) trong cuộc sống hằng ngày thì mới mong đặt chân lên bậc thang thượng thừa.
Vs.Bùi Thế Cần