Giai thoại về Nguyễn Bỉnh Khiêm
Ngày xưa, về đời Hồng Đức nhà Lê, ở làng Trung An huyện Vĩnh Lại (Hải Dương) có nhà nho sĩ Văn Định kết duyên cùng con quan thượng Nhữ Văn Lan.
Tiểu thư họ Nhữ nhan sắc tuyệt vời, thông minh xuất chúng, giỏi văn chương, tinh tướng số, kén chồng đến ngoài hai mươi tuổi, thấy Văn Định có tướng sinh quý tử mới nhận lời trao hôn. Hai người lấy nhau sinh được một con trai mặt mũi tinh anh, đặt tên là Bỉnh Khiêm, chưa đầy tuổi đã biết nói. Được mẹ dạy bảo, mới lên bốn tuổi Bỉnh Khiêm đã thông kinh truyện, học đến đâu thuộc lòng đến đó, nhớ đọc một lúc mấy chục bài thơ Nôm.
Khi tóc còn để trái đào, một hôm Bỉnh Khiêm cùng bọn trẻ đi tắm bến Hàn, có kể thuật sĩ đi thuyền trông thấy nói rằng: Cậu bé này có tướng làm vua, tiếc là da thịt dày quá, chỉ làm đến Trạng nguyên, Tể tướng là cùng!
Mồ côi sớm, Bỉnh Khiêm được một tay hiệp khách giang hồ tên là Lý Hưng Chi nhận làm con nuôi rồi giao cho một người bạn trụ trì đem về dạy dỗ ở một ngôi chùa.
Lớn lên, Bỉnh Khiêm theo học ông Bảng nhỡn Lương Đắc Bằng ở Thanh Hóa. Lương tiên sinh hồi sang sứ nhà Minh, gặp một người cùng họ ngụ cư bên Tàu là Lương Nhữ Hốt có tặng cho quyển Thái Ất thần kinh, đem về học tập rất tinh lý số, tiên tri. Bỉnh Khiêm được thầy truyền lại phép thuật tinh vi, và khi sắp mất cụ Lương trao cho quyển kinh Thái Ất, tác phẩm của đạo sĩ Triệu Nga đời Tống (thế kỷ thứ X).
Bấy giờ trong nước đang biến loạn, Bỉnh Khiêm bèn đi ở ẩn, lấy việc ngao du sơn thủy làm thú ở đời. Ông lên chơi chùa Bội Sơn, gặp lại nhà sư đã dạy dỗ mình thuở bé đang cầm đầu đảng cướp Hồng Nhật. Các tham quan ô lại cũng như các nhà giàu độc ác đều bị đảng cướp này trừ diệt, lấy của để giúp cho người nghèo khó. Quan phủ Vương Liêu Thăng là kẻ sâu dân mọt nước bị Lý Hưng Chi ra tay hạ sát, triều đình treo giải thưởng lớn cho ai lấy được đầu họ Lý.
Bị tập nã ráo riết, Lý Hưng Chi tìm đường trốn sang Tàu, đem theo Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng vài bộ hạ tâm phúc. Vượt núi, băng rừng nhiều ngày, đến giáp giới Trung Quốc, Lý Hưng Chi ghé lại trại một người bạn cũ, giữa một vùng núi non với hai ngàn thủ hạ.
Chủ trại là Hoàng Mưu mất vợ sớm, có một người con gái đến tuổi lấy chồng, thấy Bỉnh Khiêm là người lỗi lạc, bèn ngỏ ý với Lý Hưng Chi muốn gả cho. Đính hôn sau, Lý Hưng Chi và Bỉnh Khiêm cùng đám tùy tùng nhờ Hoàng Mưu giúp vượt qua biên giới.
Tiến vào nội địa Trung Hoa, giữa đường họ gặp một toán cướp lớn chặn đánh, chỉ có Lý Hưng Chi thoát được, còn Bỉnh Khiêm cùng đám người đi theo đều bị bắt. Tướng cướp là Lý Lăng Tử tra hỏi, thấy Bỉnh Khiêm là người thông thái, giỏi lý số, tiên tri, bèn giữ lại tôn làm quân sư.
Trại ở trên một ngọn núi kỳ vĩ, chung quanh có nhiều dãy núi cao bao bọc như những thành lũy thiên nhiên. Bỉnh Khiêm miễn cưỡng phải ở lại đây, suốt ngày chỉ đọc sách ngâm thơ. Một hôm, có một ông già ăn mặc nâu sồng, đeo khăn gói đỏ, tay chống gậy trúc lần mò đến cổng trại. Bị quân canh đuổi đi, ông già trở đi, trở lại đến lần thứ ba, nằn nì đòi xin gặp chủ trại. Bỉnh Khiêm đang đi dạo, trông thấy ông già cốt cách khác thường, gọi hỏi chuyện thì ông ta nói: "Tôi là kẻ ngao du sơn thủy, đi đó đây khảo sát địa lý để tìm một nơi gửi nắm xương tàn, đến chốn này thấy có khí lạ, mới dừng bước lại".
Rồi ông già ngắm Bỉnh Khiêm mà bảo rằng: "Tôi đoán ông không phải là người ở vùng này, mà chỉ là thượng khách của chủ trại. Nhưng chốn này sắp bị quân triều đình đến đánh nay mai"...
Hỏi thêm, ông già không nói, chỉ bảo rằng có biết lý số, thiên văn, và đã mấy năm trời nay đi tìm một quyển sách để thông suốt quá khứ vị lai mà chưa được gặp.
Bỉnh Khiêm tò mò hỏi: Cụ bảo quyển sách gì mà thần diệu như thế?
Ông già đáp: Đó là một quyển sách thần, có đủ những phép tắc dạy cho biết rõ việc quá khứ, hiện tại và tương lai. Quyển sách này trước ở tay thày dạy tôi nay đã qua đời, tặng cho một người cùng dòng họ làm sứ thần nước Việt, rồi nghe ông này trao lại cho một môn đệ. Đó là quyển kinh lấy tên là Thái Ất. Nhưng tôi biết chắc rằng vị sứ thần cũng như môn đệ của ông ta không thể nào dùng được quyển sách ấy, vì trong đó toàn là những câu kinh kỳ bí, mà họ không có lời giải. Tôi thì có lời giải mà không có quyển kinh Thái Ất.
Bỉnh Khiêm hỏi tới: Sao thày dạy cụ lại chỉ truyền cho cụ biết lời giải mà không cho cụ quyển sách?
Ông già đáp: Theo lệ cổ truyền thì không ai có thể giữ nổi cuốn kinh này lâu đời được. Sứ thần Việt được cuốn kinh, nhưng không có phần giải. Khi thày dạy tôi sắp mất, có trao phần giải cho tôi mà không dặn rõ là tôi phải mất công hai năm mới tìm ra cuốn kinh. Tôi tính đến hôm nay vừa đúng là hai năm.
Bỉnh Khiêm vội đi lấy ở trong hành lý ra một cuốn sách bọc vải điều trao tận tay ông già. Vừa lật xem qua mấy trang, ông già không giấu được nỗi ngạc nhiên sung sướng, trang trọng đặt cuốn sách lên trước mặt rồi sụp lạy. Cả hai người mặc dầu tuổi tác cao thấp chênh lệch, làm lễ đồng môn với nhau, rồi bắt đầu trao đổi nghiên cứu kinh Thái Ất. Trong vòng bảy hôm, họ đã thuộc lòng cả cuốn kinh cùng những lời giải đáp, rồi vội vã chia tay, sợ xúc phạm đến thiên cơ, vì cả hai đều thành tiên tri, thấu suốt cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ông già tức là Hoàng Thạch Lâm đi về phương bắc, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi về phía nam. Trở về nước, gặp lúc nhà Mạc đang ở ngôi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi thi đỗ Trạng nguyên, được vua phong làm Đông các đại học sĩ.
1. “Ta tưởng nó chết thế nào…”
Sấm Trạng Trình thì nhiều người biết nhưng ít người biết rằng lúc sinh thời, cụ Trạng đã từng tự kiểm chứng khả năng tiên tri của mình khi tự lấy số tử vi cho cái quạt rồi cẩn thận theo dõi kết quả để xem mình đoán đúng hay trật.
Một hôm trời mùa hạ, bà Trạng đi chợ mua về cho cụ một cây quạt giấy. Cụ tính ngày giờ, rồi lấy cho cây quạt một lá số tử vi. Cụ đoán ra cái ngày chết của nó. Tất cả những việc làm ấy, cụ đều bí mật không cho một ai hay. Cụ phân vân nghĩ: “Nếu để dùng, lâu ngày nó sẽ rách hoặc thất lạc đi, cái đó là sự bình thường. Nếu đúng như số thật, thì quả nó như vậy, mọi việc đều do nơi tiền định, không ai có thể ngăn cản được, thì ta hãy cất đi xem nó ra thế nào. Đúng đến ngày ấy, nó có chết thật không?”
Nghĩ vậy, cụ niêm phong cây quạt và treo ngay trên chỗ đầu giường. Tới ngày, cây quạt vẫn còn nguyên. Bữa đó từ sáng đến chiều, cụ ở nhà cả ngày để xem cây quạt chết ra sao. Thỉnh thoảng cụ lại ngắm nghía, và lấy phất trần phủi những hạt bụi bám xung quanh.
Trưa hôm ấy, người cháu gọi bà Trạng bằng cô, có việc cần, đến mấy lượt thỉnh cụ lại chơi, cụ cũng từ chối không đi. Anh ta nghĩ cho cụ giận mình về việc chi mà không nói, đến than thở, nói với bà Trạng, để nhờ bà đốc cụ đi dùm cho, không có, công việc anh không thành.
Bà Trạng từ sáng đã ngứa mắt thấy cụ cứ chốc chốc lại phủi bụi cho cây quạt. Bà lên đốc cụ đi sang cho nhà cháu. Cụ không đi. Bực mình, bà Trạng liền la lối ỏm tỏi: “Ông ở nhà làm gì, con cháu nó mời mấy lần, mà ông không chịu sang. Tôi mua quạt về dùng, đâu phải để ông cất đi, làm đày tớ mà phủi bụi cho nó”
Vừa la lối bà Trạng vưa nhẩy lên với lấy cây quạt xé tan nát thành từng mảnh. Thấy vậy, cụ Trạng cả cười nói: “Đúng thật, ta tưởng nó chết thế nào, thì ra như vậy đó”.Bà Trạng cũng không biết ý cụ nói thế là làm sao. Lúc đó cụ mới chỉnh tề khăn áo đi sang nhà người cháu, và kể lại đầu đuôi câu chuyện với mọi người. Ai nấy cũng đều phục cụ là tiên tri.
2. “Sắt ngắn gỗ dài”
Hồi Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan về quê làng Trung Am mở trường dạy học, học trò theo học rất đông. Vào buổi tối 30 tết năm nọ; ông Trạng đang ngồi đàm luận về lý số với một anh học trò xuất sắc của ông đến thăm và biếu ông lễ vật, thì bỗng ngoài cổng có tiếng người gọi. Ông sai gia nhân ra bảo hãy chờ một chút. Trong khi đó, ông và người học trò cùng bấm quẻ để thử đoán xem người đó vào có việc gì?
Cả hai thầy trò cùng bấm vào một quẻ "thiết đoản, mộc trường". Nghĩa là "Sắt ngắn, gỗ dài". Ông hỏi người học trò:
- Vậy anh đoán người đó vào đây có việc gì?
Anh học trò trả lời:
- Thưa thầy! "Thiết đoản, mộc trường, theo ý con, người vào đây chắc hẳn chỉ có mượn chiếc mai đào đất mà thôi, chứ ngoài ra không còn cái gì là "sắt ngắn, gỗ dài" nữa.
Ông cười nói:
- Khác với anh, tôi lại đoán người đó vào đây mượn búa.
Nói xong, ông cho mở cổng. Quả nhiên người ấy vào hỏi mượn búa thật.
Anh học trò chững người ra vì sự đoán sai của mình. Thấy vậy, ông giải thích cho anh học trò:
- Kể thì anh bấm quẻ cũng giỏi, nhưng mức đoán còn thấp. Anh bảo "sắt ngắn, gỗ dài" mà đoán là mượn mai, như vậy thử hỏi, 30 tết người ta đến đây để mượn mai làm gì cơ chứ? Còn tôi bảo là người đó vào mượn búa để về bổ củi nấu bánh chưng Tết mà thôi. Bấm quẻ đã đúng nhưng khi đoán còn phải có ý thức cơ biến, mà tránh được những sự sai lầm.
Anh học trò bái phục thầy, xin nhận những lời chỉ bảo quí. Trạng Trình thật là người suy đoán giỏi.
3. “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”
Sau khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung (1483-1541) chiếm ngôi, con của vị tướng triều Lê là Nguyễn Hoàng Dụ trốn sang Lào, được vua Lào cho nương náu ở xứ Cẩm Châu, trấn Nam Phủ, tỉnh Thanh Hoá. Năm Quý Tỵ (1532) Nguyễn Kim lập con út vua Chiêu Tông lên làm vua, gọi là Trang Tông.
Để mưu đồ đại sự, Nguyễn Kim (1467-1545) thu nạp kiện tướng ở tỉnh Thanh Hoá là Trịnh Kiểm, sau là rể của Nguyễn Kim. Năm Canh Tý (1540), Nguyễn Kim đem quân đánh chiếm Nghệ An và thu phục luôn cả Thanh Hoá. Nhưng bỗng dưng Nguyễn Kim chết vì ngộ độc (1545), mọi bình quyền về tay Trịnh Kiểm. Việt Nam lúc bấy giờ bị chia đôi: từ Sơn Nam trở ra thuộc nhà Mạc, gọi là Bắc Triều. Từ Thanh Hoá trở vào là khu vực của nhà Lê hay gọi là Nam Triều.
Nguyễn Kim mất, để lại hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng(1525-1613) cả hai tuy còn ít tuổi nhưng đã bộc lộ tài năng xuất sắc hơn người. Trịnh Kiểm không khỏi lo sợ cả hai sau này có thể tranh giành địa vị với mình, nên đã ngấm ngầm ngăn trở, và vì thế Nguyễn Uông chỉ mắc một lỗi nhỏ, Trịnh Kiểm cũng buộc Nguyễn Uông phải chịu phép gia hình. Nguyễn Hoàng thấy anh bị hại, sợ đến lượt mình, liền cử người kín đáo lên hỏi Trạng Trình. Trạng không trả lời cụ thể, chỉ đứng ngắm đàn kiến bò trên hòn non bộ trước sân nhà và thốt lên một câu: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Nghĩa là: Từ núi đèo ngang ở Quảng Bình kia có thể yên thân được muôn đời
Từ câu nói đó, Nguyễn Hoàng nghiệm ra rằng trạng Trình đã bày cho kế đi vào phương Nam lập nghiệp.Từ năm 1558 Nguyễn Hoàng vội vàng đến nói riêng với chị là bà Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn phiá Nam, năm mậu ngọ (1558) đời vua Anh Tông Trịnh Kiểm tâu vua cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá, phía Nam dãy Hoành Sơn. Nhờ thế mà lập nên cơ nghiệp của họ Nguyễn ở Đàng Trong, truyền nối lâu dài.
Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan, có lòng nhân đức, thu dụng hào kiệt giúp dân cho nên được lòng dân kính phục. Trấn giữ đất Thuận Hóa, mở đầu cho triều đình nhà Nguyễn từ từ khai phá cho đến vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.
Ngoài ra rất nhiều lời sấm được lưu truyền qua dân gian nhiều lời bàn diễn giải khác nhau câu: "Cẩu vĩ trư đầu, xuất thánh nhân” ứng nghiệm vào việc vua Gia Long lên ngôi từ (1802-1819) thống nhất sơn hà vào năm Nhâm tuất ngày 02-05-1802, trải qua 13 triều đại. Hoàng đế cuối cùng Bảo Ðại trị vì từ 1929 và thoái vị năm 1945.
4. “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”.
Ông sống dưới thời nhà Mạc, năm 45 tuổi ông mới đi thi và đậu Trạng nguyên. Vua Mạc Đăng Doanh cất ông lên làm Tả thị lang Đông các học sĩ. Nhưng sau khi dâng sớ hạch tội 18 lộng thần không được vua nghe, ông đã cáo quan về ở ẩn.
Thời ấy, đất nước đang trong giai đoạn hỗn loạn, có tới ba triều đại cùng tồn tại là nhà Mạc, nhà Nguyễn, nhà Trịnh. Lúc nhà Mạc sắp mất liền sai người đến hỏi ông. Ông đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc rằng:
“Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”.
Nghĩa là: Đất Cao Bằng tuy nhỏ nhưng có thể tồn tại được 3 đời. Quả nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng thì tồn tại được thêm 3 đời. Rất nhiều lần quân Lê - Trịnh lên đánh nhưng đều thất bại.
5. “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”
Bấy giờ nhà Mạc làm vua đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long) kiểm soát đất Bắc. Từ xứ Thanh trở vào Nguyễn Kim đã dựng con cháu nhà Lê lên làm vua. Cuộc nội chiến Nam - Bắc triều cứ diễn ra liên miên.
Sau khi Nguyễn Kim bị đầu độc chết, con rể là Trịnh Kiểm lên nắm quyền hành. Năm 1556, vua Lê Trung Tông mất đi không có con nối dõi. Quyền hành tất cả trong tay Thái sư Trịnh Kiểm, ông có cơ hội để tự mình ngồi vào ngai vàng. Nhưng Trịnh Kiểm vẫn băn khoăn không biết có nên làm thế không, nên vời Phùng Khắc Khoan vào mật đàm. Phùng Khắc Khoan cũng phân vân, nên xin Trịnh Kiểm cho người đến hỏi ý của thầy mình là Trạng Trình. Trịnh Kiểm từng được họ Phùng nói về tài đức và nhân cách của Trạng nên bằng lòng ngay.
Chuyện kể rằng, khi nghe sứ giả của họ Trịnh trình bày xong, Trạng không nói gì cả mà quay sang bảo người nhà:
- Năm nay lúa không tốt, vì thóc giống không chắc. Chúng bay nên tìm thóc cũ đem gieo thì tốt.
Nói xong, Trạng chống gậy đi dạo. Khách lẽo đẽo đi theo. Đi qua cửa nhà chùa thấy chú tiểu đang chăm sóc cây, như ngẫu nhiên Trạng nói với chú tiểu: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản".
Trạng tiễn khách ra về, không dặn dò gì cả. Phùng Khắc Khoan hỏi rõ mọi chuyện rồi vào kể lại với Thái sư Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm nghe xong thầm hiểu ý Trạng, rằng nên lấy danh nghĩa tôn phò nhà Lê cho thuận lòng dân. Trịnh Kiểm bèn sai người đến làng Bố Vệ tìm đón Lê Duy Bang là cháu sáu đời của Lê Trừ (anh thứ hai của Lê Lợi) về lập làm vua, tức là Lê Anh Tông.
Đến đời Trịnh Tùng thì họ Trịnh xưng là chúa tạo ra hình thế cung vua - phủ chúa trong lịch sử nước ta. Vua chỉ là hình thức một tượng Phật để thờ, còn mọi quyền hành đều nằm trong tay nhà chúa.
6. “Ta cứu mày khỏi sà nhà đổ”
Cũng với mô típ giống giai thoại trên, dân gian còn lưu truyền một câu chuyện khác về việc cụ Trạng cứu quan Tổng đốc Hải Dương. Truyện rằng: “Lúc sắp mất, Trạng có giao cho con cháu một cái ống tre sơn son thếp vàng gắn bít hai đầu và dặn đến đúng năm tháng ấy ngày giờ ấy, phải để cái ống ấy vào kiệu rước lên dinh Tống Đốc Hải Dương, trao cái ống này cho quan thì sẽ cứu vãn được tình thế gia đình nhưng tuyệt đối không được ai mở xem, trừ quan Tổng đốc.
Cái ống tre ấy truyền đến người cháu 7 đời cụ, mới rước lên Dinh quan Tổng đốc, đúng vào ngày giờ đã ghi trong gia phả. Khi quan mở ống, thấy một cuộn giấy, ngài rút ra xem thấy có hai câu chữ nho: "Ngã cứu nhĩ thượng lương chi ách,/Nhĩ cứu ngã thất thế chi bần". Nghĩa là: "Ta cứu mày khỏi sà nhà đổ,Mày cứu ta cháu bảy đời nghèo".
Đang lúc bận việc, quan Tổng Đốc thấy hai câu nói xấc xược gọi quan bằng mày ấy, ngài cả giận sẵn cầm chiếc quạt, ngài đứng dậy chạy lại định đánh người cháu Cụ. Nhưng vừa bước khỏi sập, chiếc xà nhà đã từ ngay trên đỉnh đầu đổ rớt xuống đánh rầm một cái. Phúc bảy mươi đời, ngài mới bước ra, nên không sao.
Quan Tổng Đốc lúc đó mới giật mình, hiểu rõ Cụ Trạng đã cứu cho mình khỏi cái chết bất đắc kỳ tử. Quan phải ân cần xin lỗi người cháu Cụ, mời về tư thất thế đãi cơm rượu, rồi đưa một số tiền ra giúp, để cứu vãn cho gia đình con cháu Cụ khi đó đang lâm vào hoàn cảnh cực kỳ túng thiếu.
7. “Thằng Trứ phá đền”
Năm Minh Mạng (1791-1840) năm thứ 14, Nguyễn Công Trứ được vua phong chức Doanh điền xứ và điều đi khẩn hoang ở vùng Hải Dương. Nguyễn Công Trứ thấy địa thế nơi này cần phải đào con sông. Đào sông thì phải phá đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông ra lệnh cho dân phu phá đền để khai phá công trường. Khi sai người đào mang bát hương ra, Nguyễn Công Trứ chợt thấy dưới bát hương có một tấm bia đá nhỏ phủ vải điều. Nguyễn Công Trứ lau sạch đọc được các câu đã ghi:
"Minh Mạng Thập tứ,
Thằng Trứ phá đền.
Phá đền phải làm đền,
Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay".
Nguyễn Công Trứ lập tức thảo sớ về kinh, xin bãi bỏ lệnh phá đền. Ông còn cho người sửa sang lại đền Trạng khang trang hơn. Từ đó, ông không còn nghĩ đến việc phá đền để đào sông nữa.
8. “Cha con thằng Khả”
Tục truyền trong làng có cha con ông Khả đi bắt dế (chuột) kiếm sống. Khi đến bên mộ Trạng, hai cha con vướng víu thế nào lại làm đổ tấm bia trên mộ. Dân làng rất sùng kính trạng Trình, nên khi thấy bia mộ bị đổ, họ nổi giận bắt cả hai cha con, kêu nộp phạt ba quan tiền mới tha, vì khi tấm bia đổ xuống thấy có hàng chữ ở sau:
"Cha con thằng Khả
Đánh ngã bia tao
Làng xóm xôn xao
Bắt đền tam quán".
Cha con ông Khả chịu nộp phạt, nhưng dân làng phải tha cha con về nhà chạy tiền. Chỉ tìm được có một quan tám, dân làng không chịu, cha con ông Khả ngẫm nghĩ mới tìm được cách, cha con bèn nói với dân làng: Cha con tôi bị Trạng Trình bắt phạt có quan tám - "Tam quán" nói lái lại thành quan tám. Ðúng như cha con ông Khả đã tìm đủ số tiền.
9. "Thánh nhân mắt mù”
Trạng Trình có 3 người vợ và 12 người con (7 trai 5 gái) các con trai đều có chức tước sau nầy. Ông mất ngày 28 tháng 11 năm đinh dậu, niên hiệu Diên Thành thứ 8 nhà Mạc (1585) hưởng thọ 94 tuổi. Trước khi chết, Trạng có ghi vào gia phả và dặn con cháu rằng:
Bình sinh ta có tấm bia đá sẵn và đã sơn kia. Khi ta mất rồi, hễ hạ quan tài xuống phải để tấm bia đá ấy lên nắp rồi lấp đất. Chờ khi nào có khách tới viếng mộ và nói rằng: "Thánh nhân mắt mù" thì phải lập tức mời người ấy vào nhà, yêu cầu họ đổi hướng lại ngôi mộ cho ta. Nếu trái lời ta, dòng dõi về sau sẽ suy đồi lụn bại đấy. Con cháu nghe lời, làm y như đã dặn. Nhưng chờ mãi đến năm mươi năm sau mới có một ông thầy phòng thủy người Trung Quốc nghe danh Trạng Trình giỏi tướng số nên sang xem thế nào. Người khách đến nhìn mộ cụ một lúc rồi nói:
- Cái huyệt ở đằng chân sờ sờ thế kia mà không biết, lại tự đem để mả thế này. Vậy mà thánh nhân gì chớ, họa chăng là thánh nhân mắt mù.
Người trong họ nghe được, chạy về báo với trưởng tộc. Ông này vội vàng ra đón người khách kia về nhà, xin để xoay ngôi mộ kia lại. Khi nghe vị trưởng tộc nói, ông ta sẵn lòng làm ngay, và tự đắc cho rằng mình giỏi hơn Trạng Trình. Ông ta bảo: Không cần phải đem đi đâu xa cả, chỉ đào lên rồi xoay lại, nhích đi một chút là được. Ông trưởng tộc bèn tụ họp con cháu lại, đưa thầy địa lý Tầu ra đổi lại ngôi mộ. Lúc đào đến tấm bia đá, ông ta làm lạ bảo đem rửa sạch xem những gì trên đó. Khi tấm bia được rửa sạch, mới thấy mấy câu thơ hiện ra, tạm dịch nghĩa:
"Ngày nay mạch lộn xuống chân,
Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu.
Biết gì những kẻ sinh sau,
Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ?"
Đọc tới đâu vị khách Tầu đổ mồ hôi hột đến đó. Thì ra Trạng Trình mà ông ta nghe đồn là giỏi thật. So với Trạng, ông còn thua xa.
10. “Ngựa đá sang sông”
Nguyên Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sống tại làng Vĩnh Lại, nổi tiếng có tài học rộng hiểu nhiều, tiên đoán nhiều cho các thí sinh ứng thí khoa thi của các làng lân cận thành danh, chỉ riêng nơi ông sống là Vĩnh Lại thì vẫn chẳng ai thành quan. Trong cái ghen tị từ cuộc sống nghèo khổ, dân làng Vĩnh Lại cho rằng Trạng trình không chú ý đến người nhà.
Một ngày nọ, trạng Trình cho người dựng một bức tượng ngựa đá bên dòng sông, và viết lên đó 2 câu thơ:
Hà thời thạch mã độ giang,
Thử thời Vĩnh Lại nghênh ngang công hầu.
Nghĩa là: Khi nào ngựa đá sang sông thì làng Vĩnh Lại sẽ đầy công đầy hầu. Nhưng mấy người tin ngựa đá có thể sang sông. Câu chuyện từ đó lạc mất và người ta bắt đầu quên lãng.
Hai trăm năm sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, làng Vĩnh Lại gặp một trận lụt to. Và trận lụt đã đổi nguồn dòng sông từ trước mặt ngựa đá sang sau lưng ngựa đá, vậy là lời tiên tri đã ứng nghiệm. Khi ấy dân làng Vĩnh Lại lên mặt với các làng kế cận, còn các cô gái ai cũng muốn về Vĩnh Lại làm dâu.
Thời gian này, Tây Sơn đã chiếm được một nửa giang sơn, và trong lần bắc tiến đầu tiên, đã khiến vua Lê bỏ thành mà chạy, lưu lạc đến làng Vĩnh Lại. Dân làng Vĩnh Lại tìm được vua, đem về phò. Ai muốn làm chức gì thì viết ra giấy để vua đóng dấu vào là được. Vua ban công ban tước cho cả làng dưới áp lực của dân làng Vĩnh Lại, dĩ nhiên khi mà mất cả giang sơn thì vài cái chức tước tự nghĩ ra có hà đáng gì?
Dân Vĩnh Lại sau khi được phong tước, đều tập họp quân đội sẵn sàng cần vương. Nhưng đội quân ô hợp ấy chỉ một trận đã bị đội quân bách chiến bách thắng của Tây Sơn đánh tan nát, làng Vĩnh Lại tử vong vô số, gần như tuyệt diệt.
Phải chăng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lường được cái họa sát thân của làng Vĩnh Lại từ 200 năm trước chăng?
10. "Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi - Sông Hàn nối lại thì tôi lại về".
Đó là 2 câu trong “Sấm Trạng Trình”. Lời tiêm đoán này của ông có nghĩa là bao giờ vùng đất Tiên Lãng bị xẻ làm đôi ra và con sông Hàn được nối lại thì tên tuổi của Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ vang dội trở lại.
Quả đúng như vậy, vào năm 1991, huyện Tiên Lãng bị “xẻ đôi” vì có công trình đào kênh thuỷ lợi. Cùng lúc ấy thì có cây cầu được xây dựng nối sông Hàn từ quê Vĩnh Bảo của Nguyễn Bỉnh Khiêm sang Tiên Lãng. Thời điểm ấy cũng tròn 500 năm kể từ ngày sinh của ông (1491 – 1991). Một lễ kỷ niệm long trọng đã được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cũng từ năm ấy trở đi, tên tuổi, danh tiếng gắn với tài năng kiệt xuất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được làm sống lại trong lòng người dân Việt Nam…
+++++++++++++++++++++++++
Một số tiên đoán khác trong “Sấm Trạng Trình“ về vận nước hàng trăm năm sau:
+) Suy ngẫm về Sấm trạng Trình cho Đại chiến thế giới thứ 2
“Long Vĩ, xà đầu khởi chiến tranh
Can qua xứ xứ khổ đao binh
Mã đề, dương cước anh hùng tận
Thân dậu niên lai kiến thái bình.”
Hai câu đầu ứng với cuộc Đại chiến khởi đầu vào cuối năm Canh Thìn (1940), đầu năm Tân Tị (1941). Nhân dân đau khổ do cuộc chiến: Long vĩ (đuôi rồng), xà đầu (đầu rắn) khởi chiến tranh.
Hai câu sau: Đến năm 1942 (Nhâm Ngọ) Liên Xô mở cuộc phản công ở Stalingrat rồi sang đến cuối năm 1943 (Quí Mùi), phát xít Đức bắt đầu núng thế: Mã đề (móng dê), dương cước (chân ngựa) anh hùng tận.
Để kết thúc bằng chiến thắng của phe Đồng Minh đưa lại hoà bình cho toàn thế giới vào cuối năm Giáp Thân (1944) đầu năm Ất Dậu (1945): Thân Dậu niên lai kiến thái bình (Sang năm Thân, năm Dậu mới thấy cảnh thái bình).
+) Lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là:
“Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết hoa tàn
Trực đáo dương đầu mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Tràng An.”
Dịch nôm nghĩa là: Đất nước ta phải qua 81 năm “Cửu cửu là 9 lần 9 bằng 81) mới thoát khỏi ách nô lệ (tính đến Cách mạng tháng Tám là 72 năm cộng với 9 năm nữa mới chiến thắng Điện Biên Phủ), mới được yên, thể hiện bằng câu Thanh minh thời tiết hoa tàn. Đó chính là trận Điện Biên Phủ lẫy lừng đúng vào tiết thanh minh năm 1954. “Thời tiết hoa tàn” tức là ở thời điểm thanh minh đó sẽ có một sự tàn lụi, thì chính là sự tàn lụi của ách cai trị của thực dân Pháp. “Trực đáo dương đầu mã vĩ” tức là cuối năm Ngọ, đầu năm Mùi thì mới có sự thành công (Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 3/1954, đến 10/10/1954 mới giải phóng Thủ đô; ngày 15/1/1955 Chính phủ mới về tiếp quản ở Hà Nội). “Hồ binh bát vạn nhập Tràng An” nghĩa là có tám vạn lính (tám sư đoàn) của một ông tên là Hồ (bộ đội cụ Hồ) vào Tràng An (Hà Nội).
+) Câu sấm của Nguyễn Bỉnh Khiêm về thời đại ngày nay đã bắt đầu ứng nghiệm sau đúng 500 năm. Đó là câu:
“Hồng Lam ngũ bách nghinh thiên hạ
Hưng tổ diên trường ức vạn xuân.”
Có nghĩa là: Đất nước Hồng Lam này sau ta 500 năm sẽ đến những mùa xuân hưng thịnh vĩnh viễn.
Thực tế cho thấy, câu sấm này đã ứng nghiệm từ năm 1991, tức là đúng sau 500 năm, đất nước ta đã thực sự khai mở. Dù trước đó, chúng ta đã có cuộc đổi mới tư duy từ năm 1986 nhưng mãi đến năm 1991 mới thực sự chuyển biến mạnh.
(Theo sách Trạng Trình - Sấm và Ký)