Trịnh Công Sơn, người khóc ra hai giọt nước mắt
Nữ minh tinh huyền thoại Marilyn Monroe có lần kể rằng cô đã không nghe lời đạo diễn để mà... khóc ra hai giọt nước mắt.
Với một diễn viên ở đẳng cấp của Monroe, khi đạo diễn hô lên: “Một giọt nước mắt, ngay bây giờ”, thì cô rất dễ dàng tuôn ra một giọt nước mắt. Nhưng có một lần, Monroe đã cố tình khóc ra hai giọt nước mắt. Vì cô nghĩ: “Làm sao ông ta dám?”. Làm sao tay đạo diễn kia dám ra lệnh cho một con người phải khóc một giọt nước mắt hay là hai?
Đấy vẫn luôn là quan điểm sống của Monroe. Cô đề cao cái phần người trong mình hơn là công việc của một nghệ sĩ diễn xuất, tức là công việc của “một cỗ máy”, theo mô tả của cô. Cô khóc ra hai giọt nước mắt, chỉ để phản kháng cái tinh thần “cỗ máy diễn xuất” mà nhiều người trông chờ ở một diễn viên.
Và người ta yêu Trịnh Công Sơn, hình như cũng bởi ông đã quyết định khóc hai giọt nước mắt cho dù chỉ cần một giọt thôi là đủ cho nghề nghiệp rồi.
Người đồng nghiệp Văn Cao lý giải về sự hấp dẫn của âm nhạc Trịnh Công Sơn bằng “những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức dân ca hầu như không thay đổi”. Nhưng có lẽ tất cả những ai yêu nhạc Trịnh đều sẽ cảm thấy những thứ thuần túy kỹ thuật ấy không thể lý giải được hết về Trịnh.
Kỹ thuật của Trịnh Công Sơn, mức độ sáng tạo của ông trên ngôn từ thì không cần phân tích nhiều nữa. Ông phơi cuộc tình, treo tình trên chiếc đinh không, cho trái tim mình lăn trên đường mòn, nhặt được gió trời, khắc vết buồn trên da... vốn ngôn từ ấy đã được tụng ca quá nhiều.
Nhưng điều đó chưa đủ để làm nên một huyền thoại. Thứ quan trọng và cuối cùng nhất của việc hát trong ông, vẫn là con người. "Tiếng hát mang trong nó tâm hồn của con người” - ông viết.
Chẳng cần phải là một người nhạc sĩ sống trong một bối cảnh lịch sử phức tạp, người ta cũng hiểu rằng mỗi nghề nghiệp dù ở thời đại nào đều có những đòi hỏi nhất định từ xã hội. Đáp ứng được chúng, là thành công. Khóc được một giọt nước mắt khi người đạo diễn yêu cầu là thành công.
Nhưng Trịnh Công Sơn rốt cục quyết định vì cái tinh thần yêu thương con người mà khóc hai giọt nước mắt. Hai giọt nước mắt ấy có thể là những ca khúc phản chiến, có thể là những ca khúc về tình yêu lứa đôi u buồn hay hân hoan, những ca khúc tôn vinh cái phần người trong thế giới hỗn mang. Chính quyền Sài Gòn cũ có một thời không thể ưa được người nhạc sĩ này. Đôi khi, trong một số hoàn cảnh, người ta cần những kẻ biết khóc ra một và chỉ một giọt nước mắt.
Hai giọt nước mắt ấy chỉ đơn giản là của một con người khóc ra, rung cảm từ tâm hồn. Tiếng hát mang tâm hồn, chứ không phải mang triết lý, mang tư tưởng, mang một thông điệp nào khác. Và có lẽ là bởi vì tâm hồn con người nên nó mới biến ảo khôn lường đến mức chính Trịnh Công Sơn cũng thừa nhận rằng, ông không hiểu được một vài ca khúc mà mình đã viết ra.
Ở bất cứ mảng nào của nghệ thuật, sẽ dễ dàng gặp những ca khúc đã gắn với một bối cảnh lịch sử nhất định, truyền tải một thông điệp cố định và gặp phải vấn đề về giá trị khi bối cảnh ấy qua đi. Nhưng đến bây giờ người ta vẫn hát, và yêu Trịnh Công Sơn thật hồn nhiên, bởi đơn giản chúng ta vẫn là con người.
Bất cứ thứ gì cũng có thể thay đổi trừ việc chúng ta là con người, những “cát bụi tuyệt vời” biết “nhặt gió trời” trong tâm tưởng.
Đức Hoàng