Bình thơ: Về bài thơ Mắt buồn của Bùi Giáng
MẮT BUỒN
Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
(Nguyễn Du)
Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một Giêng
Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng
Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.
Trước ngày thống nhất đất nước (30-04-75), thế hệ học sinh, sinh viên miền Bắc như chúng tôi hầu như không biết gì về Bùi Giáng (1926-1998). Hoặc giả cũng có người biết đấy, nhưng chắc cũng sơ sài. Đơn giản vì Bùi Giáng sống ở miền Nam, rất gần, mà lại rất xa. Từ sau năm 75 của thế kỷ trước, cái tên thi sỹ Bùi Giáng mới được báo chí nhắc đến nhiều hơn. Khen có, và chê cũng có. Riêng tôi có tập thơ Bùi Giáng, do một người bạn tặng cho, hồi còn dạy học ở Tây nguyên, đọc cách nay cũng đã hơn chục năm rồi!
Đọc Bùi Giáng thi thoảng thấy có câu lạ, thi thoảng lại thấy có câu hay, chứ bài hay thì quả tình quá hiếm hoi. Rất nhiều những câu thơ “dở hơi”, lằng nhằng khó gặm. Lại còn nhiều câu lục bát lạc vần, như thể cố tình chống lại các quy tắc của thể thơ này…Nhìn chung là đọc không vào, thành ra không thích. Hỏi một số bạn bè, họ cũng nghĩ tương tự như thế! Vậy mà tại sao một thi sỹ có nhiều ý kiến trái chiều, đến nay lại được nhắc nhiều trên mặt báo, như một “kỳ nhân”, như một vị khách vãng lai ở cõi người, mà chưa rõ tung tích?
Bài thơ “Mắt buồn” của Bùi Giáng được chọn tuyển vào tập “Ngàn năm thơ Việt” (NXB Văn Học-2010), có lẽ là một trong những bài thơ tiêu biểu cho vẻ thơ độc đáo của ông chăng?
“Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông”…
Đó là đoạn mở đầu bài thơ “Mắt buồn”. Có lẽ đây là bài thơ Bùi Giáng viết khi ông đã bóng ngả về chiều, tất cả đã qua đi, chỉ còn lại đôi tay và “tấm thân với mảnh hình hài”, cụ thể hơn nữa là “Tấm thân thể với canh dài bão giông”!
Đoạn thơ lục bát không thấy có gì mới mẻ, khởi sắc ở ngôn từ, hình ảnh và tiết điệu. Nhưng mà hình như đã thấy có tâm sự thầm kín chi đây? Sao lại “bóng mây trời cũ”? Phải chăng đó là quá khứ, như thể cái “bóng mây” hồi nào, ngày xửa ngày xưa, cũng đã “hao mòn” theo năm tháng, với biết bao biến cố sự đời, khi thăng hoa rực rỡ, khi quăng quật nhàu nhĩ ê chề…Nó như một giấc “chiêm bao”, bởi suy cho cùng, đời người chẳng qua cũng chỉ là một giấc chiêm bao, có chi mà rộn! Sau chiêm bao, tất cả đều trở thành hư ảo, chỉ còn đôi tay, “hai tay” trắng phớ, với mảnh thân gầy tàn tạ, như thể một hình hài khô kiệt. Nếu như câu 3 mới là “tấm thân”, thì câu 4 lại là “tấm thân thể”, mới đọc thấy vướng, nhưng nghĩ kỹ, lại thấy có lý! “Tấm thân”, để chỉ khái niệm chung, như thể định danh định tính một đời người, một con người, tương ứng với cái bóng của nó là một “hình hài”. Còn “tấm thân thể”, là cụ thể cái phần thân xác sinh vật hiện hữu, đang đối diện với “bão giông”, vật vã với đời, không phải ngày một ngày hai, mà với cả một “canh dài” đằng đẵng. Tác giả đã dựng lên cả một hệ thống đối lập nghiệt ngã, giữa cái bé nhỏ tong teo của thân xác, của thân phận con người, với một không gian rộng lớn và thời gian vô tận vô cùng, gợi nỗi niềm chua xót.
Khổ thơ tiếp theo tả cảnh nông thôn gần gũi, với “cá khe nước cõng lên đồng / Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng”… Một câu thơ tả thực rất hay, chứng tỏ một quan sát tinh tế của người đã sống nhiều sống kỹ ở nông thôn, mà phải là nông thôn vùng bán sơn địa. Nghe nói Bùi Giáng từng chăn dê ở vùng Đại Lộc Quảng Nam, thảo nào ông viết “cá khe nước cõng lên đồng”. Nếu chưa nhìn thấy những mảnh ruộng bậc thang, những khe nước chảy vòng quanh, cá ngược theo khe nước mà lên đồng, sao cảm thấu hết tình ý tinh vi của tác giả! Còn như câu “ruộng hoang mang khóc đêm mồng một Giêng” thì thật lắm nỗi niềm. Đêm mồng một tháng giêng, nghĩa là đã bước sang năm mới, khởi đầu mùa xuân, cũng đồng nghĩa với khởi đầu một mùa gieo hạt. Thế thì sao lại “ruộng hoang mang khóc”? Vì hoang mang, chưa tin lắm vào thời tiết thay đổi thất thường, có thể thuận hoà, có thể bất trắc khôn lường chăng? Và còn gì nữa? Dẫu sao thì một câu thơ được chuyển nghĩa gợi nhiều ấn tượng, khiến người đọc phải đăm chiêu nghĩ ngợi.
Câu “ Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng / Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi”, lại nói về thời gian, một thứ thời gian gợi hình, gợi sắc. Hình như tác giả đang đứng đang ngồi ở một đêm trừ tịch, đã bước sang năm mới rồi, còn ngoái lại để “tạ từ tháng Chạp quay nghiêng”, hoặc còn “quay nghiêng” mà tạ từ tháng Chạp? Và “Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi”…Tờ lịch trên tường đã ghi dấu ấn của thời gian, đã điềm nhiên đánh dấu một trang lịch sử đời người, lại xuân, lại hạ, lại thu…Đời người như những mùa thu, cứ “triền miên trôi” mãi, gợi niềm hiu hắt, “ba thu dọn lại một ngày dài ghê”(Nguyễn Du)…
“Tạ từ tháng Chạp” rồi, “ấn trang sử lịch” rồi, để bước sang một trang mới của đời người, chỉ có thể là một trang buồn, một trang huyễn hoặc khói sương.
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con”…
Đó là đoạn thơ kết thúc bài “Mắt buồn”. Thế là bỏ lại tất cả! “Trăng gió”, vốn là thứ “tài sản”, một thứ “bất động sản” của thi nhân, cùng với bầu rượu túi thơ và say khướt ngang ngửa sóng tình, với những lời “hẹn hoa” trăng gió. Những cuộc tình bất tận với gió, với trăng, ngang ngửa, ngất ngây, kể cả những cuộc tình với mỹ nhân rờ rỡ, hẹn hò thề thốt mượt mà đẹp đẽ như gấm như hoa, rồi người yêu, rồi cả những bóng ma ám ảnh…Lại còn bỏ lại cả cái bóng, cái hình hài của tiên nga trên trời nữa, bỏ tất! Nghĩa là tất cả thế giới trần tục, vô hình và hữu hình, thiên thần và địa ngục, siêu nhiên và tự nhiên, ảo và thực…thi nhân không hề tiếc nuối, mà bỏ lại tất tần tật. Một “trang sử lịch” có quá nhiều đắm đuối, quá nhiều đam mê, giờ đây, như thể cũng chẳng còn giá trị gì! Bỏ lại tất cả, một cách dứt khoát, để bước sang một thế giới khác, thế giới của cô đơn:
“Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con”
Đấy chính là một sự đối diện nghiệt ngã và cay đắng. Đối diện với chính mình, “còn hai con mắt khóc người một con”. Một thực thể “tôi” còn đủ “hai con mắt”, xót thương “khóc người một con”(mắt) chăng? Vậy thì người một con mắt ấy là ai? Là cái hình hài đang đối diện với nhà thơ chăng? Hoá ra, cả cái quãng đời xưa ấy, cái hình hài kia chỉ sống hoặc là tồn tại chỉ bằng một con mắt, hay chỉ nhìn đời bằng một con mắt chăng? Quả là một ý thơ chứa nhiều sắc độ, biến ảo khôn lường, thực hư hỗn mang. Bùi Giáng từng nói rằng ông điên trong sự tỉnh. Câu thơ kết thúc bài “Mắt buồn”, có thể là một câu thơ điên trong tỉnh của Bùi Giáng chăng? Một vẻ điên triết học chăng?
Bài thơ lục bát không mấy ngọt ngào, tựa đề “Mắt buồn”, mà chỉ có hai câu kết là nói về mắt, nói về “người hai con mắt khóc người một con”... Đó chính là hai câu khép lại tứ thơ, vu vơ mà tận cùng sâu thẳm nỗi niềm, khiến người ta phải cúi đầu ngẫm nghĩ!.
Đọc thơ Bùi Giáng, như thấy một chút Thiền, một chút Tiên, một chút Điên, lại phảng phất cái bí hiểm gián cách kiêủ “Xuân Thu Nhã Tập”. Điệu thơ Bùi Giáng hình như không hợp khẩu vị tầng lớp bình dân. Người đời khen có, mà chê cũng không ít. Nhưng thi nhân có tác phẩm để lại cho đời, dẫu khen dẫu chê mặc lòng, cũng có thể xem là một sự sung sướng. Chỉ đáng thương cho những người có tiếng có tăm một thời, mà rốt cục, cũng chẳng có gì đáng để cho người sau bàn luận!
Vũ Bình Lục
(huudat.vn)
(*) Bài bình thể hiện cảm nhận của người viết.