Chìa Khóa Thành Công: "Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép" - quả lừa cực lớn với giới trẻ
Và đây sẽ là những điều có thể bây giờ bạn mới nhận ra:
1. Công ty lớn không đánh giá cao tấm bằng “vừa đủ đậu” của bạn nếu bạn không thực sự có năng lực tốt, bạn lại còn không thích phải làm việc ở những nơi “quá bình thường”, cứ như vậy bạn bỏ lỡ rất nhiều cơ hội hết lần này đến lần khác.
Ban đầu ai cũng sẽ có tư tưởng “kén cá chọn canh”, “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”. Nhưng sau tất cả, bạn nhận ra mình cần phải có một công việc ổn định, và rồi “thôi thì cứ làm” một công việc nhàn hạ không đòi hỏi quá cao về năng lực và cho bạn một mức lương “vừa đủ xài”.
Như thế chẳng khác nào bạn đang suy nghĩ về vấn đề lựa chọn nghề nghiệp bằng một cái nhìn rất nông cạn, từ đó bỏ lỡ những chuyện khác quan trọng hơn, lâu dài hơn, đằng sau tâm thái này thường là câu nói: "Không sao, dù gì mình vẫn còn trẻ, hoàn toàn có thể phạm sai lầm."
2. Một công việc “nhàn hạ” liệu có thật sự là một công việc xứng đáng để bạn dành hết cả thanh xuân, chỉ để làm những việc ngày nào cũng như ngày nào, những công việc không cần tư duy nhiều mà chỉ cần “làm như một cái máy”?
Tuổi trẻ là độ tuổi tràn trề năng lượng nhất của đời người, liệu bạn có thật sự chịu đựng được một công việc nhàm chán không có cần đến sự lăn xả hay thử thách, chỉ cần ngồi một chỗ suốt 8 tiếng mỗi ngày, mỗi tuần từ tháng này qua năm nọ?
Cứ như vậy lần này đến lần khác, bất giác vài năm đã trôi qua, cho đến khi bạn thật sự không tài nào chịu đựng tiếp được, hoặc nếu bạn vẫn chịu được nhưng công ty bỗng dưng “cắt giảm nhân sự - thay đổi quy chế” và bạn là một trong những cái tên sẽ bị nêu danh! Khi đó bạn mới quyết tâm cân nhắc thật cẩn thận vấn đề lẽ ra nên được suy tính từ sớm.
Nhưng lúc này, bạn sẽ không biết sở trường của bản thân là gì, thậm chí sẽ ngạc nhiên nhận ra, những năm đã qua, bản thân không có kỹ năng nào cả; mà so với những người trẻ vừa mới tốt nghiệp, bạn đã không còn sự can đảm và niềm đam mê như ban đầu; đồng thời, bạn còn phải đối mặt với áp lực tuổi tác, áp lực chi phí… Lúc này, bạn đã đi sai bước mà thời gian qua đi không còn quay trở lại để làm lại từ đầu được nữa rồi.
3. Nếu may mắn, bạn vẫn còn là một người trẻ, bạn nên lưu ý về những vòng luẩn quẩn tồi tệ trong sự nghiệp này:
- Thiếu ý thức: Chưa từng suy nghĩ nghiêm túc cho chuyện việc làm và tương lai của mình.
- Thiếu tâm thái: Đã tìm việc rất lâu nhưng vẫn chưa có công việc nào vừa ý do “kén cá chọn canh”.
- Giảm yêu cầu: Thỏa hiệp một công việc không đòi hỏi cao, tính chất công việc nhàn hạ để được “ổn định” và “thoải mái”.
- Gặp khó khăn: Không học hỏi được gì từ công việc, khả năng vẫn như ngày đầu đi làm nhưng yêu cầu công việc ngày càng áp lực quá lớn, bắt đầu nảy sinh ý định nhảy việc hoặc buộc bị thôi việc.
- Vòng luẩn quẩn: Khi tuổi tác cũng đã không còn là ưu thế, lại thiếu kỹ năng và năng lực. Bạn không còn nhiều cơ hội để thay đổi nữa.
4. Muốn giải quyết mọi vấn đề từ gốc?
Chỉ có một cách, đó chính là: phân chia lại thời gian và sức lực của mình, đồng thời đặt những việc quan trọng lên trước. Lúc này, cần phải quyết đoán:
Nguyện vọng và năng lực, bạn luôn phải có ít nhất một thứ
Thông thường, nhiều người phải làm công việc mình không muốn làm, đó là không có nguyện vọng. Và vì không muốn làm nên mới không làm tốt, cũng có nghĩa là năng lực có vấn đề, mới phải đối mặt với căng thẳng và khổ sở. Nếu không có cả hai, cơ hội cho bạn chỉ có thể càng ngày càng hạn hẹp.
Khả năng nhận thức và ý chí thực hiện
Sau khi hiểu được tầm quan trọng của nguyện vọng và năng lực, bạn sẽ có cho mình đáp án: Vấn đề cơ bản sẽ nằm ở việc lựa chọn định hướng nghề nghiệp. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc: Lẽ nào khi mỗi người lựa chọn nghề nghiệp đều cần phải trải qua quá trình phân tích phức tạp như vậy sao? Liệu rằng lựa chọn như vậy nhất định sẽ hoàn hảo chứ?
Trong thực tế, bất kì lựa chọn nào vào bất kì thời điểm nào của mỗi người chúng ta không bao giờ là “hoàn hảo” cả, nhưng những phương hướng và mục tiêu có được sau khi suy nghĩ và phân tích có hệ thống sẽ giúp mọi người dễ dàng tiếp tục kiên trì hơn.
Nếu một người chưa bao giờ suy nghĩ về kế hoạch nghề nghiệp, luôn cảm thấy "để mai tính", khi ấy hố sâu của sự đào thải đã xuất hiện. Cũng như có một câu nói: Điều đáng sợ là, tình cảnh bản thân sẽ bị đào thải chưa bao giờ mất đi, nó chỉ được bạn trì hoãn, lặng lẽ chờ đợi bạn ở một ngày nào đó trong tương lai.
Vì vậy đừng để mọi thứ lại cho ngày mai nữa, ngay từ hôm nay, hãy bắt tay tạo dựng cho mình một kế hoạch thật rõ ràng và thực hiện nó thật nghiêm túc. Khi tự tin vào bản thân và dành hết sức mình cho ước mơ, thành công sẽ không còn ở xa bạn đâu!