Nhớ mùa Vu Lan xưa
Mưa thật buồn làm tôi nhớ mẹ.
Cũng trong thời tiết này, năm ngoái, tôi đang chăm sóc mẹ trong bệnh viện. Những ngày đau ốm kéo dài làm mẹ không đến chùa đi lễ Vu Lan như những năm trước. Nhưng mẹ luôn nhớ dặn dò tôi: “Con phải lên chùa xin thầy viết sớ cầu siêu cho ba và ông bà ngoại nha con”. Nghe tôi ”dạ” yếu ớt vì mãi lo bệnh của mẹ. Mẹ tôi nói tiếp: “Con xin thầy tụng một thời kinh cầu an cho má. Sao lần này má đau lâu quá, không đi chùa được. Nằm bệnh, mà có khi thấy Phật Bà Quan Âm cầm cành dương cứu độ, thức dậy thấy đỡ đau. Cũng có khi thấy đi chùa rồi nằm ngủ quên trên chánh điện đèn đuốc sáng trưng”.
Tôi dỗ dành mẹ : “Vậy là Phật đã nghe được lời tụng Chú đại Bi của má hàng đêm nên độ cho má đó, má ráng ăn hết chỗ cháo này cho mau khỏe rồi đi chùa nha! Vu Lan sắp đến rồi đó má! Má không khỏe không đi chùa được đâu”
Tôi an ủi mẹ mà lòng đau như cắt, vì bản thân tôi biết rõ bệnh căn bệnh nan y của mẹ. Tôi đã dấu mẹ vì biết mẹ tôi rất sợ, mẹ sẽ suy sụp nếu biết sự thật. Khoảng thời gian đó quả là những ngày địa ngục đối với tôi. Nhìn mẹ rên siết đau đớn mà không làm sao cứu mẹ, không làm gì để mẹ bớt đau. Trong những lúc đau khổ tột cùng tôi mới thấm thía lời giảng của thầy về lẽ vô thường của cuộc sống. Tôi mới hiểu vì sao Đức Phật Thích Ca chọn con đường tu. Tôi ước ao mình được như ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ. Nhưng, mọi việc của tôi chỉ dừng lại ở chỗ thoa dầu, lau cho mẹ, dỗ cho mẹ ăn, cho mẹ uống thuốc và hằng đêm ngồi tụng kinh cầu an cho mẹ. Mẹ tuyệt vọng nói với tôi khi bệnh bắt đầu trở nặng hơn: “Con lên chùa nói với thầy tụng kinh cầu cho má sớm theo về với Phật. Má không sợ chết đâu! Sao má thấy đường lên chùa tối quá! Má quên mất thầy rồi!”. Mẹ hối tôi như một đứa trẻ khao khát đòi quà: ”Con mau lên đi! Con mau lên đi!”. Tôi đã âm thầm khóc thật nhiều như trời mưa tháng bảy hôm nay, tôi thương mẹ, nhưng cứ đứng chết trân nhìn mẹ mà bất lực.
Những người đi nuôi bệnh, hầu hết là ở các tỉnh, thành rất xa. Ai cũng đau buồn như nhau, vì ở trong trại bệnh này toàn là bệnh nhân nặng, khi bác sĩ cho về là chỉ có phép mầu mới sống được. Đồng cảnh ngộ, chúng tôi càng thương mến giúp đỡ nhau hơn trong cơn hoạn nạn. Thấy tôi chỉ có một mình với mẹ, các dì, các chị đã thay phiên nhau đi thang máy xuống cổng bệnh viện, chờ xin cơm từ thiện cho tôi ăn đỡ đói. Những hôm được cơm chay của chùa cho, có kèm canh chua rau muống ăn thật là ngon vì dễ nuốt trôi. Giờ hồi tưởng lại những hộp cơm từ thiện ấy tôi vẫn còn cảm động rưng rưng vì những tấm lòng từ bi không vụ lợi - Họ đã làm với tất cả tâm thiện của mình - nấu cơm, múc vào từng hộp, cho thức ăn mặn lên trên (có khi là đậu hũ chiên sả ớt, có khi là rau củ quả xào thập cẩm), món canh bọc vô bịch ny lông, chu đáo hơn còn có một bịch nhỏ nước tương và 1 cái muỗng nhựa. Họ đã đứng mặc áo mưa cả giờ đồng hồ để phân phát cơm cho những người nuôi bệnh ở tỉnh xa lên như chúng tôi, chia sẻ những khó khăn về tinh thần lẫn vật chất cho những người đau khổ.
Ở chùa chúng tôi, trong thời gian này, thầy cũng đang thực hiện chương trình phát cơm từ thiện và tiếp sức mùa thi; nhớ mẹ và nhớ lại hình ảnh của mình. Tôi hạ quyết tâm sẽ tham gia với công việc đi phân phát cơm trong những ngày 30, mùng 1, 14 và 15 hàng tháng và cũng sẽ đóng góp vào đó bằng hiện kim một số xuất cơm để thêm vào một bàn tay trong muôn ngàn bàn tay vỗ nên kêu.
Trong mưa lạnh của buổi chiều muộn, lòng tôi se sắt nhớ những mùa Vu Lan xưa, lên chùa lễ Phật, có mẹ đi cùng, tôi thật là kiêu hãnh khi được cài lên áo một bông hồng đỏ thắm, chợt trùng lòng cảm thương khi thấy mẹ phải mang đóa hoa màu trắng - Thế mới biết khi mồ côi mẹ ai cũng tội nghiệp như ai. Vu Lan này mất mẹ rồi, nước mắt tôi sẽ rơi nhiều khi phải cài lên ngực áo màu hoa trắng tang thương. Tiếng hát của ai đó vang lên trong mưa nghe buồn da diết:
…”Một ngày thiếu mẹ, lạnh lắm chiều mưa.
Lá vàng rơi khẽ nghe như bước mẹ.
Một ngày thiếu mẹ buồn lắm mẹ ơi!
Ước gì mẹ mãi, bên con suốt đời.”
Chúc Diệu Hợp