Phật tử với ngày xuân
Ngày đăng: 06:42:01 10-02-2015 . Xem: 1586
Xuân lại về!
Trăm hoa đua nở như cùng vươn lên đón ánh nắng Xuân ấm áp. Cảnh vật như đổi mới. Mọi người, giàu cũng như nghèo, sang cũng như hèn, già cũng như trẻ, đều cảm thấy một cái gì là lạ, mới mẻ, vui vẻ rạo rực trong tâm hồn. Từ mới mẻ vui vẻ trong tâm hồn đến mới mẻ vui vẻ tạo cho cảnh vật xung quanh bên ngoài, người ta đã tốn bao nhiêu công lao mua sắm, sửa soạn, thay cũ đổi mới để chờ đón Xuân sang và vui vẻ trong ba ngày Tết.
Chờ đón Xuân sang, không mấy ai là không kỳ vọng ở Tương lai, một tương lai may mắn tốt đẹp hơn năm trước. Dù là người sống trong hoàn cảnh cay nghiệt đau khổ, họ cũng gượng vui để đặt trọn niềm hi vọng vào ánh Xuân quang. Tuy cũng có một số người, vì trắc trở lận đận trên đường danh lợi tình ái mà hững hờ lãnh đạm trước cảnh Xuân sang, hoặc vì có tâm hồn thi sĩ lãng mạn đa cảm đa sầu mà thương Xuân, khóc Xuân bằng những vần thơ ai oán não nùng, nhưng đa số vẫn vui tươi đón Xuân, thưởng Xuân và hi vọng với năm mới, vận rủi qua đi, vận may sẽ tới; hoặc nếu trong năm cũ đã được may mắn thì trong năm mới, người ta hi vọng sẽ được may mắn nhiều hơn nữa.
Trong những ngày đầu Xuân, người ta kiêng cữ, dè dặt từng cử chỉ, từng lời nói, giấu diếm những cái gì là xấu xa của mình và cố tạo ra vẻ mặt tươi cười nhã nhặn, lễ độ hiền hòa, rộng rãi… với mọi người. Người ta chọn giờ xuất hành để đón Thần tài, người ta đi lễ tại các Chùa, Đền, Lăng, Miếu và hái Lộc, xin Thẻ để cầu may, người ta đi xem hát để bói tuồng đầu Xuân, v.v… Toàn là hi vọng ở tương lai tươi đẹp… Gặp nhau, người ta chúc tụng nhau, người ta cầu chúc cho nhau được vạn sự như ý, sống lâu trăm tuổi, buôn may bán đắt, nhất bản vạn lợi, thăng quan tiến chức, đầu năm sinh trai, cuối năm sinh gái, v.v… Thôi thì đủ mọi lời chúc tụng hay ho chiếu lệ.
Nhưng, ngày Xuân ngắn chẳng tầy gang! Mấy ngày Tết qua đi thật chóng, ý Xuân vơi cạn dần dần, hoa Xuân lần hồi tàn tạ, người Đời quay về với nếp sống thường nhật của cuộc đấu tranh sinh tồn. Người Đời lại sống lăn lội trong chuỗi ngày đầy gian lao đau khổ để chờ nghênh đón một mùa Xuân hi vọng kế tiếp, một thứ mùa Xuân hi vọng giả tạo bất tận của Trò Đời tuần hoàn, diễn biến, vô thường.
Là Phật tử sống trong cuộc đời giả tạm, tất nhiên ngày Tết đến, người Phật tử cũng phải theo tập tục cổ truyền của Dân tộc mà cùng mọi người chung vui trong hoàn cảnh xã hội. Tuy nhiên, được thấm nhuần Giáo lý của Đức Thế Tôn, người Phật tử đã quan niệm “Vạn hữu đồng nhất thể” thì không làm gì còn có sự phân biệt mùa Xuân huy hoàng ấm áp, mùa Hạ nóng nực bức bội, mùa Thu mát mẻ dễ chịu, mùa Đông giá lạnh, thê lương. Thật vậy, tùy từng quốc gia mà người ta ăn Tết vào các ngày khác nhau. Thí dụ, đối với ngày Tết Nguyên Đán, người Việt Nam thấy có vẻ đặc biệt và quan trọng, cảnh vật như đổi mới. Nhưng, cũng ngày Tết Nguyên Đán, đối với người ngoại quốc sống ở Việt Nam, họ có cảm thấy gì đâu? Họ thấy ngày Tết chẳng khác gì ngày thường, nào có gì là đặc biệt, có gì là mới mẻ? Ngày trước Tết cũng như ngày Tết, cũng vẫn Vũ trụ ấy, cũng vẫn cảnh vật ấy. Nếu có cảm thấy khác lạ, có cảm thấy thay đổi là do nơi Vọng Tâm Chấp Ngã của riêng người Việt Nam, chứ cái Thể Chân Thường vốn vẫn Như Như Bất Động. Ngược lại, người Việt Nam cũng dưng dưng với ngày Tết Dương lịch mà riêng người Tây Phương coi là quan trọng, là năm mới của họ. Đó là người Phật tử đã nhận chân được Sự Thật, tâm hồn đã phẳng lặng như nước hồ Thu trong vắt, không còn mảy may xao động. Trong cái Thể Chân Thường Tịch Diệt Bình Đẳng không hai, quan niệm Phương và Thời đã dứt thì còn làm gì có sự hãm mình trong cái nhận thức có bốn Mùa đổi thay và các cảnh vật vui buồn hằng chuyển mà Thế nhân thường thấy do Vọng Tâm phân biệt.
Theo quan niệm của người Đời, Xuân đem đến nguồn vui cho Vạn vật, nhưng để đón mừng Xuân mới, họ lại giết hại loài súc vật, hầu có mâm cao cỗ đầy mà trước cúng, sau ăn! Trái lại, với lòng thương bao la và bình đẳng đối với mọi loài, người Phật tử không thể tàn ác giết hại mạng sống của loài vật dù là ngày thường cũng như ngày Tết.
Người Phật tử lại tin Luật Nhân – Quả Luân Hồi và biết rằng Phúc hay Họa sẽ đến với mình là do Nghiệp báo tự tác từ trước và nay phải tự thụ, như trong bài Kệ: “Giả sử bách thiên kiếp, Sở tác nghiệp bất vong, Nhân duyên hội ngộ thời, Quả báo hoàn tự thụ” (nghĩa là: Dầu cho trăm ngàn kiếp, Nghiệp đã tạo không mất, Khi nhân duyên gặp thời, Quả báo tự chịu tất). Bởi vậy, khác với người Đời, người Phật tử không lễ lạy, vái van, cầu khẩn các vị Trời Thần ban cho họ phúc lành hay giúp họ tránh họa khổ. Họ cũng không tin những lề lối van xin Thần Linh mách bảo cho biết trước những điều họa phúc, để rồi tự mua dây buộc mình, lo sợ không đâu hay vui mừng hão huyền vô căn cứ.
Họ biết rằng làm như thế là ỷ lại và mê tín, trái với tinh thần tự lực, tự chủ mà họ đã có nhờ lòng tin chân chính vào giáo lý của Đức Từ Tôn. Làm lành thì được phúc, làm ác thì phải tội; may hay rủi ở kiếp này là do tự ta đã tạo nhân thiện hay nhân ác từ bao kiếp trước. Vậy vấn đề chuyển nghiệp phải do tự nơi ta định đoạt lấy, tương lai hay dở là do tự nơi ta, Thần Thánh không thể vì lòng yêu ghét mà ban phúc hay giáng họa cho ai cả.
Vậy, ngày Tết người Phật tử cho đến Chùa lễ Phật là do tấm lòng tôn kính chân thành và sáng suốt. Lễ Phật, niệm Phật, người Phật tử không cầu mong được hưởng phúc báo hữu lậu mà là để tưởng niệm, hình dung Trang mạo, Trí tuệ và Đạo đức của Ngài, tức là tập trung tư tưởng vào một chỗ, tư tưởng được tập trung là Tâm hết vọng động, là Định. Nhờ sức mạnh của niệm lực mà có cảm ứng giữa Phật và Phật tử như đã thấy trong hai câu đầu của bài Quán tưởng: “Năng lễ Sở lễ tính không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì…”. Trước Phật đài tỏa ngát hương trầm, người Phật tử cung kính dâng lên Đức Phật nén Tâm hương tinh khiết, nguyện noi dấu chân Ngài, nguyện theo đúng giáo pháp của Ngài và nguyện tinh tiến tu học, hầu dứt được Tam Độc Tham - Sân - Si, và hướng đến Niết Bàn Chân Tịnh. Người Phật tử còn nguyện ăn ở cho phải đạo, quên mình vì người, mạnh tiến trên con đường tự giác, giác tha, tự lợi, tự tha, không quản gian lao khó nhọc để báo đáp hồng ân Tam Bảo trong muôn một.
Đã nguyện dứt lòng Tham, người Phật tử không vui Xuân trong cảnh bài lá bạc, vì đánh bạc là còn có lòng tham muốn tiền bạc tài sản của người khác, mà cũng có thể vì thua bạc mà bị tán gia bại sản. Muốn Trí óc được minh mẫn, định lực được kiên cường, người Phật tử phải nghiêm trì giới ẩn tửu. Cho nên, dù có vui Xuân với Thiên hạ, người Phật tử cũng không uống rượu, bởi lẽ nếu rượu chè say sưa thì tuyệt giống Trí Tuệ.
Nhân buổi Tân Xuân, người Phật tử gạn lọc tâm hồn mình, kiểm điểm lại những gì xấu xa đã gột rửa được và những gì tốt đẹp đã lĩnh hội được trong một năm qua. Làm một cuộc Tổng kết tình hình để qua năm mới, sẽ gia công nỗ lực hơn nữa cho việc Tu học của mình ngày càng tiến bộ, theo đúng bốn phép siêng năng chân chính là: “Điều ác chưa sinh thì ngăn ngừa đừng cho sinh – Điều ác đã sinh thì dứt trừ hẳn không cho chấp nối dây dưa nữa – Điều lành chưa sinh thì khiến cho sinh ngay – Điều lành đã sinh thì khiến cho nó tăng trưởng hơn nữa” (Tứ Chánh Cần)
Trong khi Thiên hạ hớn hở nhộn nhịp thưởng Xuân trong sự ham muốn đuổi theo vật dục thì người Phật tử đón Xuân trong cảnh trầm tư mặc tưởng bên lư trầm khói nhè nhẹ tỏa, không gian phảng phất hương thơm; xung quanh như vẳng lặng trong những giây phút thiêng liêng tinh khiết; lòng như dâng cao theo Hương đạo lý, như tỏa khắp Vũ trụ, như thể nhập với Vô Biên…
Như vậy, dẫu trong cảnh “Thường động” người Phật tử vẫn luôn luôn tùy duyên chung sống với mọi người và cũng phương tiện đón Xuân, vui Xuân với mọi người. Nếu có khác chăng là đối với người Phật tử, đã không còn có sự phân biệt chấp trược, lúc nào cũng được an nhiên tự tại thì còn giây phút nào mà chẳng là Xuân. Đó là Xuân bất diệt, Xuân giải thoát, Xuân đạo vị!!!
Trăm hoa đua nở như cùng vươn lên đón ánh nắng Xuân ấm áp. Cảnh vật như đổi mới. Mọi người, giàu cũng như nghèo, sang cũng như hèn, già cũng như trẻ, đều cảm thấy một cái gì là lạ, mới mẻ, vui vẻ rạo rực trong tâm hồn. Từ mới mẻ vui vẻ trong tâm hồn đến mới mẻ vui vẻ tạo cho cảnh vật xung quanh bên ngoài, người ta đã tốn bao nhiêu công lao mua sắm, sửa soạn, thay cũ đổi mới để chờ đón Xuân sang và vui vẻ trong ba ngày Tết.
Chờ đón Xuân sang, không mấy ai là không kỳ vọng ở Tương lai, một tương lai may mắn tốt đẹp hơn năm trước. Dù là người sống trong hoàn cảnh cay nghiệt đau khổ, họ cũng gượng vui để đặt trọn niềm hi vọng vào ánh Xuân quang. Tuy cũng có một số người, vì trắc trở lận đận trên đường danh lợi tình ái mà hững hờ lãnh đạm trước cảnh Xuân sang, hoặc vì có tâm hồn thi sĩ lãng mạn đa cảm đa sầu mà thương Xuân, khóc Xuân bằng những vần thơ ai oán não nùng, nhưng đa số vẫn vui tươi đón Xuân, thưởng Xuân và hi vọng với năm mới, vận rủi qua đi, vận may sẽ tới; hoặc nếu trong năm cũ đã được may mắn thì trong năm mới, người ta hi vọng sẽ được may mắn nhiều hơn nữa.
Trong những ngày đầu Xuân, người ta kiêng cữ, dè dặt từng cử chỉ, từng lời nói, giấu diếm những cái gì là xấu xa của mình và cố tạo ra vẻ mặt tươi cười nhã nhặn, lễ độ hiền hòa, rộng rãi… với mọi người. Người ta chọn giờ xuất hành để đón Thần tài, người ta đi lễ tại các Chùa, Đền, Lăng, Miếu và hái Lộc, xin Thẻ để cầu may, người ta đi xem hát để bói tuồng đầu Xuân, v.v… Toàn là hi vọng ở tương lai tươi đẹp… Gặp nhau, người ta chúc tụng nhau, người ta cầu chúc cho nhau được vạn sự như ý, sống lâu trăm tuổi, buôn may bán đắt, nhất bản vạn lợi, thăng quan tiến chức, đầu năm sinh trai, cuối năm sinh gái, v.v… Thôi thì đủ mọi lời chúc tụng hay ho chiếu lệ.
Nhưng, ngày Xuân ngắn chẳng tầy gang! Mấy ngày Tết qua đi thật chóng, ý Xuân vơi cạn dần dần, hoa Xuân lần hồi tàn tạ, người Đời quay về với nếp sống thường nhật của cuộc đấu tranh sinh tồn. Người Đời lại sống lăn lội trong chuỗi ngày đầy gian lao đau khổ để chờ nghênh đón một mùa Xuân hi vọng kế tiếp, một thứ mùa Xuân hi vọng giả tạo bất tận của Trò Đời tuần hoàn, diễn biến, vô thường.
Là Phật tử sống trong cuộc đời giả tạm, tất nhiên ngày Tết đến, người Phật tử cũng phải theo tập tục cổ truyền của Dân tộc mà cùng mọi người chung vui trong hoàn cảnh xã hội. Tuy nhiên, được thấm nhuần Giáo lý của Đức Thế Tôn, người Phật tử đã quan niệm “Vạn hữu đồng nhất thể” thì không làm gì còn có sự phân biệt mùa Xuân huy hoàng ấm áp, mùa Hạ nóng nực bức bội, mùa Thu mát mẻ dễ chịu, mùa Đông giá lạnh, thê lương. Thật vậy, tùy từng quốc gia mà người ta ăn Tết vào các ngày khác nhau. Thí dụ, đối với ngày Tết Nguyên Đán, người Việt Nam thấy có vẻ đặc biệt và quan trọng, cảnh vật như đổi mới. Nhưng, cũng ngày Tết Nguyên Đán, đối với người ngoại quốc sống ở Việt Nam, họ có cảm thấy gì đâu? Họ thấy ngày Tết chẳng khác gì ngày thường, nào có gì là đặc biệt, có gì là mới mẻ? Ngày trước Tết cũng như ngày Tết, cũng vẫn Vũ trụ ấy, cũng vẫn cảnh vật ấy. Nếu có cảm thấy khác lạ, có cảm thấy thay đổi là do nơi Vọng Tâm Chấp Ngã của riêng người Việt Nam, chứ cái Thể Chân Thường vốn vẫn Như Như Bất Động. Ngược lại, người Việt Nam cũng dưng dưng với ngày Tết Dương lịch mà riêng người Tây Phương coi là quan trọng, là năm mới của họ. Đó là người Phật tử đã nhận chân được Sự Thật, tâm hồn đã phẳng lặng như nước hồ Thu trong vắt, không còn mảy may xao động. Trong cái Thể Chân Thường Tịch Diệt Bình Đẳng không hai, quan niệm Phương và Thời đã dứt thì còn làm gì có sự hãm mình trong cái nhận thức có bốn Mùa đổi thay và các cảnh vật vui buồn hằng chuyển mà Thế nhân thường thấy do Vọng Tâm phân biệt.
Theo quan niệm của người Đời, Xuân đem đến nguồn vui cho Vạn vật, nhưng để đón mừng Xuân mới, họ lại giết hại loài súc vật, hầu có mâm cao cỗ đầy mà trước cúng, sau ăn! Trái lại, với lòng thương bao la và bình đẳng đối với mọi loài, người Phật tử không thể tàn ác giết hại mạng sống của loài vật dù là ngày thường cũng như ngày Tết.
Người Phật tử lại tin Luật Nhân – Quả Luân Hồi và biết rằng Phúc hay Họa sẽ đến với mình là do Nghiệp báo tự tác từ trước và nay phải tự thụ, như trong bài Kệ: “Giả sử bách thiên kiếp, Sở tác nghiệp bất vong, Nhân duyên hội ngộ thời, Quả báo hoàn tự thụ” (nghĩa là: Dầu cho trăm ngàn kiếp, Nghiệp đã tạo không mất, Khi nhân duyên gặp thời, Quả báo tự chịu tất). Bởi vậy, khác với người Đời, người Phật tử không lễ lạy, vái van, cầu khẩn các vị Trời Thần ban cho họ phúc lành hay giúp họ tránh họa khổ. Họ cũng không tin những lề lối van xin Thần Linh mách bảo cho biết trước những điều họa phúc, để rồi tự mua dây buộc mình, lo sợ không đâu hay vui mừng hão huyền vô căn cứ.
Họ biết rằng làm như thế là ỷ lại và mê tín, trái với tinh thần tự lực, tự chủ mà họ đã có nhờ lòng tin chân chính vào giáo lý của Đức Từ Tôn. Làm lành thì được phúc, làm ác thì phải tội; may hay rủi ở kiếp này là do tự ta đã tạo nhân thiện hay nhân ác từ bao kiếp trước. Vậy vấn đề chuyển nghiệp phải do tự nơi ta định đoạt lấy, tương lai hay dở là do tự nơi ta, Thần Thánh không thể vì lòng yêu ghét mà ban phúc hay giáng họa cho ai cả.
Vậy, ngày Tết người Phật tử cho đến Chùa lễ Phật là do tấm lòng tôn kính chân thành và sáng suốt. Lễ Phật, niệm Phật, người Phật tử không cầu mong được hưởng phúc báo hữu lậu mà là để tưởng niệm, hình dung Trang mạo, Trí tuệ và Đạo đức của Ngài, tức là tập trung tư tưởng vào một chỗ, tư tưởng được tập trung là Tâm hết vọng động, là Định. Nhờ sức mạnh của niệm lực mà có cảm ứng giữa Phật và Phật tử như đã thấy trong hai câu đầu của bài Quán tưởng: “Năng lễ Sở lễ tính không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì…”. Trước Phật đài tỏa ngát hương trầm, người Phật tử cung kính dâng lên Đức Phật nén Tâm hương tinh khiết, nguyện noi dấu chân Ngài, nguyện theo đúng giáo pháp của Ngài và nguyện tinh tiến tu học, hầu dứt được Tam Độc Tham - Sân - Si, và hướng đến Niết Bàn Chân Tịnh. Người Phật tử còn nguyện ăn ở cho phải đạo, quên mình vì người, mạnh tiến trên con đường tự giác, giác tha, tự lợi, tự tha, không quản gian lao khó nhọc để báo đáp hồng ân Tam Bảo trong muôn một.
Đã nguyện dứt lòng Tham, người Phật tử không vui Xuân trong cảnh bài lá bạc, vì đánh bạc là còn có lòng tham muốn tiền bạc tài sản của người khác, mà cũng có thể vì thua bạc mà bị tán gia bại sản. Muốn Trí óc được minh mẫn, định lực được kiên cường, người Phật tử phải nghiêm trì giới ẩn tửu. Cho nên, dù có vui Xuân với Thiên hạ, người Phật tử cũng không uống rượu, bởi lẽ nếu rượu chè say sưa thì tuyệt giống Trí Tuệ.
Nhân buổi Tân Xuân, người Phật tử gạn lọc tâm hồn mình, kiểm điểm lại những gì xấu xa đã gột rửa được và những gì tốt đẹp đã lĩnh hội được trong một năm qua. Làm một cuộc Tổng kết tình hình để qua năm mới, sẽ gia công nỗ lực hơn nữa cho việc Tu học của mình ngày càng tiến bộ, theo đúng bốn phép siêng năng chân chính là: “Điều ác chưa sinh thì ngăn ngừa đừng cho sinh – Điều ác đã sinh thì dứt trừ hẳn không cho chấp nối dây dưa nữa – Điều lành chưa sinh thì khiến cho sinh ngay – Điều lành đã sinh thì khiến cho nó tăng trưởng hơn nữa” (Tứ Chánh Cần)
Trong khi Thiên hạ hớn hở nhộn nhịp thưởng Xuân trong sự ham muốn đuổi theo vật dục thì người Phật tử đón Xuân trong cảnh trầm tư mặc tưởng bên lư trầm khói nhè nhẹ tỏa, không gian phảng phất hương thơm; xung quanh như vẳng lặng trong những giây phút thiêng liêng tinh khiết; lòng như dâng cao theo Hương đạo lý, như tỏa khắp Vũ trụ, như thể nhập với Vô Biên…
Như vậy, dẫu trong cảnh “Thường động” người Phật tử vẫn luôn luôn tùy duyên chung sống với mọi người và cũng phương tiện đón Xuân, vui Xuân với mọi người. Nếu có khác chăng là đối với người Phật tử, đã không còn có sự phân biệt chấp trược, lúc nào cũng được an nhiên tự tại thì còn giây phút nào mà chẳng là Xuân. Đó là Xuân bất diệt, Xuân giải thoát, Xuân đạo vị!!!
Nguyên Luân - Đỗ Văn Khoa
(Đuốc Tuệ, 1965, 48)
(Đuốc Tuệ, 1965, 48)
Các Tin Khác