Tạm biệt tháng 3 - Cảm nhận cuộc sống
Tạm biệt những tháng ngày em mười bảy, những mộng mơ vắt vẻo ngọn cây cùng những rung động đầu đời có khi làm em choáng ngợp nhớ thương. May mà có “hai nhà tâm lý” vẫn cận kề sớm hôm, nhạy bén nhận ra những đổi thay để tư vấn kịp thời, kịp dắt em qua những phút yếu lòng, vững chãi trở thành người đủ tuổi công dân.
Tất nhiên dù có là 18 thì vẫn là “trẻ trâu” của hai đấng sinh thành, cần tiếp tục được đỡ nâng, cần lắng nghe nhiều thêm nữa để không vấp váp, vì dù có lớn bao nhiêu thì em vẫn là con của ba mẹ. Đừng quên câu “cá không ăn muối cá ươn…”. Và, đương nhiên, em có quyền được giãi bày và nêu ý kiến, nhưng điều đó không có nghĩa là cãi lại hay mặt nặng mày nhẹ, bằng những lời to tiếng rồi tự tách ra khỏi tổ ấm bình yên, trở thành người không có tôn ti trật tự.
Phút tạ từ như giọt lệ phôi pha
Ta đi qua ôi ngày tháng nhạt nhòa
Qua tháng ba . . . ta ngu ngơ từng con chữ. . .
(Huỳnh Thủy Nguyệt - viết cho tháng 3)
Đừng quên bầu kinh nghiệm của ba mẹ lúc nào cũng hữu dụng nếu em biết học-hành một cách nghiêm túc, chân thành…
Tạm biệt tháng 3, khép lại những ngày thi vất vả, em lên chùa, ngắm Phật ngồi tĩnh tại. Em bắt đầu bình tâm trở lại, không quá lăng xăng trước được mất cuối mùa thi.
Em chọn chốn yên bình nơi góc sân, cây thị, nơi tàng cây ngả bóng che mặt trời sớm mai hay chiều xế để “dùi mài kinh sử” chờ ngày “lều chõng”. Tiếng chuông thi thoảng ngân lên, giúp em lắng lòng, nhớ bài sâu hơn, giúp em thấy rằng, dù có thành hay chưa trọn mơ ước thì em cũng phải sống tốt, sống vui chứ không vội vàng cắt đi hy vọng, chọn con đường đau thương - gieo rắc vào lòng người thân những thương đau, đắng lòng. Vì em hiểu, lối đi ngay ở dưới chân mình, chỉ cần mình không dừng lại thì đường vẫn còn dài, ánh sáng vẫn ở phía trước, không xa…
L.Đ.L