10 loại cây thuốc trồng trong nhà hỗ trợ bảo vệ sức khỏe cả gia đình
LÁ LỐT
Lá lốt là loại rau quen thuộc thường dùng làm gia vị khi nấu canh, rán chả. Ngoài ra, lá lốt còn được sấy khô hoặc dùng tươi như một vị thuốc hữu hiệu chữa nhiều bệnh.
Theo Đông y, lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm, công dụng làm ấm bụng, trừ lạnh, hạ khí, giảm đau lưng, đau chân, trị nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu...
Kinh nghiệm dân gian thường dùng lá lốt đơn lẻ hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác như rễ cỏ xước, lá xương sông, rễ bưởi bung, sắc lấy nước uống hoặc ngâm tay chân để chữa các chứng đau nhức xương khớp, đau vùng ngực và bụng do lạnh; chứng ra nhiều mồ hôi tay, chân, mụn nhọt, đau đầu, đau răng…
DIẾP CÁ
Rau diếp cá hay còn gọi là dấp cá, thường được dùng kết hợp trong một số món ăn, làm thuốc chữa bệnh và cả trong việc làm đẹp. Theo Đông y, rau diếp cá vị cay, hơi lạnh, với công dụng thanh nhiệt, giải độc do làm mát huyết nên trong các trường hợp bị viêm nhiễm trong cơ thể như mụn nhọt, mẩn ngứa có thể dùng rau diếp cá làm mát máu.
Người bị bệnh đường ruột, bị tiêu chảy cũng có thể dùng diếp cá. Rau diếp cá có thể dùng để hạ sốt cho trường hợp trẻ sốt mà không muốn dùng thuốc tây, hoặc phụ nữ có thai không dùng được thuốc tân dược.
ĐINH LĂNG
Cây đinh lăng từng được danh y Hải Thượng Lãn Ông gọi là “nhân sâm của người nghèo” với những tác dụng chữa bệnh thần kỳ.
Theo y học cổ truyền, rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, lá có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lị…
Tất cả các bộ phận của cây đinh lăng đều có thể chế biến thành thuốc. Từ thân cành lá cho đến toàn bộ rễ và vỏ cây từ 3 năm tuổi trở lên đều được dùng làm thuốc: Rễ làm thuốc bổ, lợi tiểu, cơ thể suy nhược gầy yếu; Lá chữa cảm sốt, giã nát đắp chữa mụn nhọt, sưng tấy; thân và cành chữa tê thấp, đau lưng.
GỪNG
Gừng không chỉ là một loại gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn Việt, chẳng hạn như món gà kho gừng, thịt bò kho gừng… mà nó còn đóng vai trò là một vị thuốc quý có tác dụng chữa nhiều thể bệnh bởi khả năng kháng khuẩn và ngăn ngừa quá trình oxy hóa.
Tác dụng tuyệt vời của gừng và cây gừng là cân bằng quá trình tiêu hóa; cải thiện tuần hoàn máu; giúp cơ thể hấp thụ dưỡng chất dễ dàng hơn; đồng thời chữa các chứng đau khớp, buồn nôn, tiểu đường, hen suyễn, thậm chí là hỗ trợ cơ thể chống lại các tế bào ung thư.
TỎI
Thuộc họ hành tây, tỏi là một loại gia vị góp mặt trong hầu hết các món ăn của người Việt và là một loại thảo dược tự nhiên tuyệt vời. (Hàm lượng dinh dưỡng dồi dào gồm vitamin C, B6, mangan, chất xơ… nhưng lại chứa rất ít calo.)
Bộ phận được dùng phổ biến của cây tỏi là phần thân củ. Củ tỏi ngoài việc là một gia vị rất phổ biến còn giúp giảm lượng cholesterol trong máu, giàu chất chống oxy hoá, giúp khôi phục hoạt động của các tế bào, nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại rất nhiều bệnh tật, trong đó có cả các bệnh ung thư nguy hiểm.
THÌ LÀ
Thì là không chỉ là loại rau giúp các món canh, món kho, món trộn trở nên ngon miệng hơn, mà nó còn có nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ sức khỏe tốt.
Các nhà khoa học Ấn Độ phát hiện ra rằng chất limonene trong cây thì là hoạt động tương tự như kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn đường ruột có hại như E.Coli…
Thì là giúp chữa lành các bệnh đường ruột, lợi tiểu, điều hòa khí huyết cho nữ giới… dùng đều đặn sẽ giúp cơ thể giải độc và tăng cường sức đề kháng. Cách dùng cũng rất đơn giản, có thể dùng lá trong các món ăn, làm trà, hoặc nhai hạt…
TÍA TÔ
Không chỉ là rau gia vị thơm ngon, tía tô còn là cây thuốc được dùng phổ biến trong y học cổ truyền. Tía tô có vị cay, tính ấm, có tác dụng trị cảm lạnh, đầy bụng, nôn mửa.
Cành tía tô có vị cay ngọt, có tác dụng an thai, chống nôn mửa, giảm đau, hen suyễn. Ngoài ra, với giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin A, C, giàu hàm lượng Ca, Fe, và P... tía tô rất tốt cho phổi và phế quản.
Theo PGS. TS. Trần Công Khánh, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền cho biết, trong đông y, hương vị của tía tô được đánh giá là sự pha trộn giữa hồi hương, cam thảo, quế và bạc hà sát khuẩn. Ngoài tác dụng của lá tía tô, hạt tía tô (gọi là tô tử) có đên 40% là dầu béo. Dầu được ép từ hạt tía tô cũng có thể làm dầu ăn và làm thành một thứ thuốc.
BẠC HÀ
Tinh dầu bạc hà vốn đã và đang được sử dụng phổ biến trong cuộc sống, không chỉ giúp tạo hương vị cho thực phẩm, tạo hương thơm cho không gian mà còn có nhiều lợi ích sức khỏe bởi đặc tính chống viêm, kháng khuẩn, ngăn ngừa nấm. Tinh dầu bạc hà tự nhiên giúp thư giãn các cơ gây co thắt bụng, làm giảm tình trạng đau bụng đến 40%.
Không chỉ vậy, bạc hà còn có khả năng cân bằng hệ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng, gia tăng sự tỉnh táo, giảm đau, ngăn ngừa nhiễm trùng xoang, đặc biệt là khả năng ngăn chặn sự hình thành và phát triển của các khối u ung thư tuyến tiền liệt.
Bạc hà là một vị thuốc khá hữu hiệu trong việc chữa trị cảm cúm và các vết côn trùng cắn, giúp lợi tiêu hóa, chữa chứng đầy hơi, thấp khớp, nấc cục, thông cổ, trị viêm xoang nhẹ…
CÂY HẸ
Cây rau hẹ là cây thân thảo giàu dược tính và có mùi thơm rất đặc trưng, không chỉ được dùng nhiều trong các món ăn mà còn là cây thuốc chữa nhiều bệnh.
Theo Đông y, cây rau hẹ có tác dụng làm thuốc cụ thể, lá hẹ để sống có tính nhiệt, nấu chín thì ôn, vị cay; có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ và giải độc. Thường dùng chữa ngực đau tức, nấc, ngã chấn thương,…
Theo Tây y, hẹ có tác dụng tăng tính nhạy cảm với insulin, làm giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bảo vệ tuyến tụy. Chất odorin trong loại rau này là một kháng sinh mạnh giúp chống tụ cầu và các vi khuẩn khác.
Trên đây là danh sách những cây thuốc quý có tác dụng rất tốt mà bất cứ ai cũng nên trồng trong nhà. Trong những trường hợp đặc biệt và cấp bách, việc có được những loại cây thuốc quanh ta này trong nhà để sử dụng ngay sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình.