Cuộc đời truyền kỳ của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
HSĐV- Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa XII, được tôn sùng là hiện thân của Đức Phật Quan Âm, đã chứng tỏ năng lực tâm linh siêu việt từ nhỏ và khởi xướng nhiều công trình nhân đạo được quốc tế công nhận.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa sinh năm 1963 trong một gia đình hành giả Kim cương thừa có dòng dõi tôn quý. Phụ thân Ngài, Đức Kyabje Bairo Rinpoche là một trong những bậc nắm giữ truyền thừa Katok và cũng là hóa thân đời thứ 36 của Đại Thượng sư và Đại dịch giả trứ danh nhất truyền thống Kim cương thừa là Đức Vairotsana. Thân mẫu Ngài là bà Mayum-la Konchok Pema thuộc dòng dõi Thượng sư Nyadak Nyang vĩ đại.
Ngài đản sinh tại thánh địa hồ Liên Hoa, miền bắc Ấn Độ, khi cha mẹ Ngài đang trên đường hành hương. Theo tự truyện của Đức Pháp Vương, hôm đó đúng dịp các đạo sư tập hợp nơi hồ Liên Hoa, tổ chức đại pháp hội Tse Chu. Ảnh: Drukpa.org
Ngài được ban pháp danh là Jigme Pema Wangchen, có nghĩa là Đấng Vô Úy Liên Hoa Quyền Lực Tự Tại. Ảnh: Drukpa.org
Đầu năm 1967, nghi lễ đăng quang Pháp Vương dòng truyền thừa của Ngài đã diễn ra tại tự viện Darjeeling ở tây Bengal. Sau đó, Ngài được học đọc, học viết, học tất cả kinh văn, nghi thức hành lễ và các nghi quỹ. Dần dần, Ngài thụ nhận toàn bộ quán đỉnh của dòng truyền thừa Drukpa, các bài pháp giảng nghĩa lý giải thoát, kinh điển truyền thừa.
Dù đứng đầu Truyền thừa Drukpa, Đức Pháp Vương vẫn rất tôn kính trước đạo sư thuộc các dòng phái khác và nghiên cứu nhiều giáo pháp thuộc tân phái, cổ phái. Trong ảnh là Đức Pháp Vương thời trẻ (trái) và các đạo sư thuộc dòng phái khác. Ảnh: drukpa.org
Những thành quả mà dự án trên đem lại đã được quốc tế công nhận. Năm 2010, Đức Pháp Vương được Liên Hợp Quốc trao tặng giải thưởng "Vì mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ" (MDG). Ảnh: Drukpa VN
Một trong các dự án khác của Ngài là ngôi trường học mang tên Druk White Lotus (Bạch Liên Hoa) ở Ladakh, Ấn Độ. Công trình đã đạt được rất nhiều giải thưởng quốc tế về thiết kế bền vững, trong đó có 3 giải thưởng kiến trúc thế giớii (năm 2002) và giải thưởng thiết kế xuất sắc của Hội đồng Anh về Môi trường Học đường (năm 2009). Trong sự nhìn nhận của công chúng, ngài đề cao truyền thống trong khi có những mục tiêu và cách tiếp cận hiện đại, vì thế thu hút nhiều người ngưỡng mộ và tu tập theo. Ảnh: gre.ac.uk
Ủng hộ mạnh mẽ quyền bình đẳng của nữ giới, Đức Pháp Vương đã thành lập Tự viện Druk Gawa Khilwa ở ngoại ô Kathmandu, Nepal và ở Ladakh, Ấn Độ. Tại đây, phụ nữ được hướng dẫn tu tập tâm linh và được dạy những pháp môn mà trước đây chỉ dành riêng cho nam giới. Tự viện này còn nổi tiếng với bài tập đồng diễn Kungfu mỗi ngày. Ảnh: Drukpa-nuns.org
Đức Pháp Vương còn phát động chuyến hành hương Pad Yatra (bộ hành tâm linh), thu hút hàng trăm người tham gia mỗi năm. Đây là chuyến đi bộ vì môi trường. Thành viên trong đoàn sẽ thu gom rác thải nhựa trên đường đi để kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường.
"Theo suy nghĩ ban đầu của tôi, hoạt động này sẽ không được tổ chức một năm một lần, nhưng thực tế ngược lại. Chúng ta thực sự cảm thấy thích thú và đam mê bộ hành tâm linh", Ngài chia sẻ sau chuyến bộ hành năm 2010. Trong ảnh là Đức Pháp Vương trong một chuyến bộ hành nhặt rác trên dãy Himalaya. Ảnh: Drukpa VN
Năm 2010, các thành viên và tình nguyện viên của Truyền thừa Drukpa đã phá Kỷ lục Guinness Thế giới về trồng cây tại Himalaya trong thời gian ngắn nhất, với 50.033 cây xanh được trồng trong vòng 33 phút.
"Ngày nay, chúng ta chỉ chú ý đến sự khác biệt giữa con người với nhau và làm thế nào để người khác công nhận mình. Chính bởi những mâu thuẫn nhỏ nhất có thể gây ra chiến tranh quy mô lớn, lãng phí sinh mạng vô ích. Vì vậy, chúng ta nên đoàn kết với nhau, làm những điều có ích vì một mục đích chung", Đức Pháp Vương tâm sự sau lễ nhận Kỷ lục Guinness. Ảnh: Drukpa VN
Năm 2013, Liên Hợp Quốc tiếp tục vinh danh Đức Pháp Vương là “Người bảo hộ của vùng Himalaya” và trao tặng giải thưởng “South - South Awards” cho những nỗ lực nhân đạo và đóng góp bảo tồn môi trường thế giới của Ngài. Ảnh: Drukpa VN
Đức Dương - vnexpress