Đại học Hồng Kông vinh danh Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Trong bài diễn văn tại buổi lễ, Giáo sư Michael Wilkinson thay mặt Ban Giám học của Trường đã phát biểu rằng: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp nhân đạo và hòa bình trên thế giới. Thầy thực sự là một bậc thầy lỗi lạc và là nguồn cảm hứng lớn lao cho chúng ta (“Zen Master Thich Nhat Hanh has dedicated his life to humanitarian work and world peace. He is a truly remarkable and inspirational man”).
Đại học Hồng Kông đã gửi thư mời Thầy sang Hồng Kông để nhận bằng Tiến sĩ Danh dự nhân Đại hội lần thứ 190 của trường (được tổ chức vào ngày 18/3/2014). Tuy nhiên, do thời gian này ở Làng Mai đang có khóa tu mùa xuân nên Thầy không sang được. Vì vậy mà đoàn đại biểu của Trường (gồm 7 người) đã bay từ Hồng Kông sang để trao tặng Thầy tấm bằng danh dự này
Đại học Hồng Kông là một trong những trường đại học hàng đầu châu Á và xếp thứ 26 trên bảng tổng sắp các trường đại học danh tiếng trên thế giới (theo đánh giá của Quacquarelli Symonds World University Rankings năm 2013). Bằng Tiến sĩ Danh dự là học vị cao quý nhất mà Đại học Hồng Kông trao tặng để vinh danh các cá nhân có những đóng góp to lớn cho nhân loại và cho thế giới. Tổng tống Bill Clinton, Mẹ Teresa, Tổng thống Nelson Mandela, Giáo sư Hồ Thích (Trung Quốc), Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, và Vua Edward VIII (nước Anh) là những người đã được Đại học Hồng Kông trao tặng học vị cao quý này.
Thông điệp dành cho các bạn trẻ
Trong bầu không khí ấm áp, thân tình, với sự có mặt của tứ chúng Làng Mai, Thầy đã có lời chia sẻ với đoàn đại biểu của Đại học Hồng Kông cũng như với các sinh viên của trường (được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh):
“Chúng tôi rất cảm kích và biết ơn trường Đại học Hồng Kông đã dành cho chúng tôi vinh dự này. Cảm ơn quý vị đã trân quý và tin tưởng chúng tôi. Chúng tôi xin đón nhận tấm bằng danh dự này như một nghĩa cử của tình huynh đệ, lòng từ bi và nhân ái của quý vị. Chắc quý vị cũng biết Làng Mai không chỉ ở nước Pháp mà còn có mặt ở khắp nơi. Chúng tôi đã giúp thành lập hàng ngàn tăng thân thực tập chánh niệm trên thế giới. Ở Hồng Kông cũng đã có trung tâm tu học của Làng Mai. Chúng tôi không hoạt động như một cá nhân mà luôn hoạt động như một Tăng thân. Vì vậy, vinh dự lớn lao này cũng thuộc về mọi thành phần của tăng thân.
Trong đạo Bụt, chúng tôi thực tập tuệ giác vô ngã. Nếu chúng tôi có thể làm được điều gì để giúp thế giới này thì đó là nhờ có tăng thân. Nếu không có tăng thân, chúng tôi không thể làm được gì cả. Đức Bụt sau khi thành đạo đã nhận ra điều này, vì vậy mà việc đầu tiên Ngài làm là đi tìm những thành phần để xây dựng tăng thân. Bụt là một bậc thầy về xây dựng tăng thân. Bụt biết rằng nếu không có một tăng thân thì Bụt khó có thể thực hiện được ước nguyện giúp đời của mình. Vì vậy mà Bụt đã dành rất nhiều thời gian để xây dựng tăng thân. Ngay trong năm đầu tiên sau khi thành đạo, Bụt đã thành lập được tăng đoàn với 1250 xuất sĩ và tăng đoàn đó không ngừng lớn mạnh. Lần cuối cùng gặp Bụt, Vua Ba Tư Nặc đã thưa với Bụt là mỗi khi nhìn thấy tăng đoàn là vua lại có thêm niềm tin lớn nơi Bụt.
Khi tôi gặp mục sư Martin Luther King lần đầu tiên tại Chicago năm 1966, chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ về việc xây dựng tăng thân, bởi vì Mục sư Luther King cũng biết rằng nếu không có một tăng thân thì chúng tôi không thể nào thực hiện được giấc mơ của mình. Thay vì sử dụng từ “tăng thân” (Sangha), Mục sư Luther King dùng từ “cộng đồng yêu quý” (beloved community). Lần thứ hai gặp nhau tại Geneva, chúng tôi cũng tiếp tục thảo luận về chủ đề này. Tôi đã nói với Mục sư Luther King là người Việt Nam xem Mục sư như một vị đại Bồ tát, một người suốt đời tranh đấu cho nhân quyền, cho công bằng xã hội. Tôi rất vui vì đã nói được điều đó với Mục sư Luther King, vì chỉ ba tháng sau đó thì Mục sư bị ám sát và không còn có thể tiếp tục sự nghiệp xây dựng tăng thân được nữa. Tôi đang ở New York thì nghe tin về vụ ám sát. Chuyện này làm cho tôi bị ốm một thời gian. Và tôi tự hứa với mình rằng tôi phải tiếp tục sự nghiệp xây dựng tăng thân, không chỉ cho tôi, cho chúng ta mà còn cho cả Mục sư Luther King nữa.
Điều mà tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ là: nếu các bạn có một giấc mơ lớn và muốn cho giấc mơ đó thành tựu thì các bạn cần có một tăng thân. Tăng thân là một đoàn thể mà ở đó có tình huynh đệ và sự hòa hợp. Muốn xây dựng được tăng thân, các bạn phải đầu tư rất nhiều thời gian và tâm sức mới có thể làm được. Gia đình cũng có thể là một tăng thân, trường học của các bạn cũng có thể là một tăng thân. Nếu có tình huynh đệ, có hiểu và thương thì chúng ta có thể thực hiện được giấc mơ của mình. Đó là lý do vì sao việc xây dựng tăng thân là dành cho tất cả mọi người. Dù anh là giám đốc của một công ty, anh cũng có thể biến công ty của mình thành một tăng thân – một đoàn thể mà ở đó mọi người có cơ hội học cách xây dựng tình huynh đệ, chế tác hiểu biết và thương yêu, chứ không phải chỉ là nơi để tìm kiếm lợi nhuận mà thôi. Chúng ta cần những nhà doanh nghiệp tham gia vào sự nghiệp xây dựng tăng thân để làm cho thế giới của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.
Làng Mai chúng tôi cũng là một trường học. Những gì chúng tôi học ở đây là làm thế nào để chế tác năng lượng bình an, chế tác niềm vui và hạnh phúc trong thân tâm. Chúng tôi cũng học cách xử lý những khổ đau trong tự thân. Bởi vì chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi có thể làm được điều đó cho chính mình thì chúng tôi cũng sẽ giúp được cho những người khác. Vì vậy ở Làng Mai, thầy và trò cùng học với nhau, chúng tôi muốn xây dựng một tăng thân, một môi trường lành mạnh nơi mọi người có thể được nuôi dưỡng và chuyển hóa. Chúng tôi cùng nhau tổ chức những ngày quán niệm, những khóa tu để giúp cho mọi người đến tu học, thực tập và chuyển hóa, để có thể vơi bớt khổ đau trong lòng và tìm lại được niềm vui sống. Các khóa tu kéo dài trong một tuần, hoặc 2 – 3 tuần, hoặc 3 tháng. Chúng tôi luôn chứng kiến những chuyển hóa và trị liệu xảy ra trong các khóa tu.
Sự thực tập chế tác bình an, niềm vui và hạnh phúc trong đời sống hàng ngày cũng như thực tập xử lý khổ đau, sử dụng chất liệu khổ đau để chế tác hạnh phúc, đó chính là nguồn thức ăn rất lành mạnh nuôi dưỡng chúng tôi. Sử dụng bùn để trồng sen là nội dung học hỏi và thực tập của chúng tôi ở đây. Vì vậy mà việc học ở trong lớp chỉ là một phần nhỏ trong sự thực tập của chúng tôi. Chúng tôi còn học cách làm việc chung với nhau, học chơi đá banh, chơi bóng rổ với nhau, học nấu ăn hay tổ chức khóa tu cùng nhau. Trong khi làm việc hay chơi cùng nhau, chúng tôi chế tác tình huynh đệ, sự hòa hợp và bình an. Chính điều này nuôi dưỡng chúng tôi và nuôi dưỡng cả những người đến và thực tập cùng với chúng tôi.
Vì vậy mà điều đầu tiên tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ ngày nay là: nếu các bạn có một giấc mơ trong cuộc đời và muốn giấc mơ đó được thành tựu thì hãy xây dựng một tăng thân.
Điều thứ hai tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ là: hãy mở rộng tình thương của mình để ôm trọn cả hành tinh này, không nên giới hạn tình thương của mình chỉ với đất nước và dân tộc mình mà thôi. Chính tôi đã nhận ra rằng quê hương tôi là cả hành tinh này, cả trái đất này. Tôi không giới hạn tình thương của mình trong một dải đất ở châu Á có tên là Việt Nam mà thôi. Tôi đã được chuyển hóa và trị liệu rất nhiều nhờ vào cái thấy này. Có thể tình thương trong bạn còn quá nhỏ bé, bạn cần làm cho tình thương đó lớn rộng ra để bao trùm cả trái đất này. Đó là tình thương của một vị Bụt, tình thương của những bậc đại nhân như Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Mẹ Teresa, v.v. ”
Đối thoại về Tuổi trẻ Ngày nay
Nhân dịp nay, Thầy Làng Mai và Giáo sư Lap-Chee Tsui, Viện Trưởng Trường Đại Học Hồng Kông đã có buổi đối thoại về chủ đề Tuổi trẻ Ngày nay. (Ban biên tập sẽ chia sẻ với các bạn trong một vài ngày tới. Xin các bạn đón đọc.)
Nguồn Langmai.org