Làm thế nào để con trở thành nhà khoa học trong tương lai?
Con trẻ luôn có vô vàn câu hỏi tại sao và thế giới này có cả nghìn điều thú vị chờ con khám phá. Các bậc phụ huynh hãy “lợi dụng” trí tò mò của các bé, để từ đó khơi dậy trong con đam mê khám phá. Đây cũng là một cách hay để khuyến khích bé học chăm hơn và học tập một cách chủ động với niềm vui thích và xóa tan đi sự gò bó.
Đừng nghĩ khoa học là một thứ gì đó cao siêu hay những thí nghiệm chỉ là việc của nhà trường và thầy cô giáo. Ở chính trong căn nhà của mình, với những kiến thức khoa học phổ thông, các bậc phụ huynh vẫn có thể cùng con “nghiên cứu khoa học”.
Nếu các bạn không biết bắt đầu từ đâu thì bộ sách Trò chuyện khoa học 4.0 gồm 2 tập: Gọi tên hạt của Chúa - Nobel Vật lí 2013 và Con mèo của Schrödinger và quả táo của Newton, được viết bởi tiến sĩ Giáp Văn Dương sẽ là gợi ý thú vị cho các bạn nhỏ và các bậc phụ huynh.
Cùng con nghiên cứu khoa học
Tiến sĩ Giáp Văn Dương hóa thân thành Dr. Giáp, một nhà khoa học vui tính, hiền lành nhưng lại mắc tật hay quên. Dr. Giáp có một phòng thí nghiệm vô cùng hiện đại mang hình con rùa.
Với những thiết bị hiện đại nhất để hỗ trợ cho việc làm thí nghiệm, nơi đây đúng là thiên đường của các nhà khoa học. Bên cạnh Dr. Giáp luôn có hai “trợ thủ” đắc lực là robot Kà Tưng và siêu máy tính Kà Tẻng.
Bộ sách Trò chuyện khoa học 4.0
Là một nhà khoa học luôn bận rộn nhưng Dr. Giáp luôn nhớ rằng anh có một nhiệm vụ quan trọng hơn. Đó là làm cha. Dr. Giáp là bố của ba nhóc tì đáng yêu: Kú học lớp 10, Daisy học lớp 4 và David mới 3 tuổi rưỡi, bên cạnh đó còn có cậu cháu trai Tít hay tò mò.
Vừa làm cha, vừa là nhà khoa học, có cách nào hoàn thành tốt cả hai “nhiệm vụ” này không? Dr. Giáp đã nghĩ ra một cách rất thông minh đó là “rủ rê” các con cùng nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu khoa học với trẻ con ư? Điều này có khả thi không nhỉ? Nếu theo dõi câu chuyện của Dr. Giáp thì bạn sẽ thấy có rất nhiều điều thú vị sẽ đến khi làm khoa học cùng với các bạn nhỏ.
Làm cách nào để các bạn nhỏ tìm được sự hứng thú với một vấn đề có vẻ rất khô khan như khoa học? Giải pháp của Dr. Giáp là gắn khoa học với đời sống. Anh dùng kiến thức về vật lý, hóa học để giải thích cho các con hiểu rõ bản chất của các sự vật diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.
Đó là chuyện vì sao khi nhảy lên cao, con người lại rơi ngay xuống đất chứ không bắn luôn lên trời? Tại sao khi ném 2 hòn sỏi xuống hồ, các làn sóng nước trên mặt hồ lại mạnh, yếu khác nhau?
Bắt đầu từ việc giải thích các hiện tượng trong đời sống, Dr. Giáp đã chỉ ra cho các con của mình rằng không có điều gì là tồn tại hiển nhiên. Mọi sự xảy ra đều có nguyên nhân của nó.
Nhiệm vụ của người làm khoa học là đi tìm ra những nguyên nhân “bí hiểm” ấy, hiểu rõ bản chất của chúng để ứng dụng trong đời sống và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cuộc thảo luận hóm hỉnh về khoa học
Khi làm khoa học cùng các con, Dr. Giáp gặp rất nhiều thắc mắc như: tại sao con người đã có máy tính, có robot thông minh mà vẫn phải tính toán và nghiên cứu cho mệt đầu?
Nhà vật lí đã giải thích với con rằng: chẳng có một trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được vị trí của con người. Siêu máy tính có thể tính toán rất nhanh, nhưng nó không thể hiểu được tính toán để làm gì.
Chúng cũng không thể định nghĩa được các sự vật, hiện tượng. Dù có thông minh đến đâu, “trí tuệ nhân tạo” như máy tính hay robot cũng chỉ là công cụ của con người mà thôi.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương là một nhà khoa học rất quan tâm đến giáo dục. Anh là tác giả của nhiều phương pháp và mô hình giáo dục mới. |
Khoa học bắt nguồn từ đời sống và được sinh ra để giải thích cho các hiện tượng trong đời sống. Bởi vậy các bậc phụ huynh đừng nghĩ rằng khoa học là một thứ gì đó cao siêu, hàn lâm. Ở độ tuổi thiếu niên, cha mẹ hoàn toàn có thể cùng con “nghiên cứu khoa học” với những hiện tượng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.
Không những thế, nghiên cứu và tìm hiểu về khoa học cũng là một cách để các bạn nhỏ ôn tập lại các kiến thức vật lý, hóa học ở trường, bởi khi nghiên cứu các vấn đề khoa học thường thức, các bạn nhỏ sẽ bắt gặp vô số các định luật, định lý mà mình đã được học ở trường. Cách ôn tập này khiến các con cảm thấy việc học thú vị hơn.
Bộ sách Trò chuyện khoa học 4.0 giống như một cuộc thảo luận hóm hỉnh về khoa học dành cho các bạn nhỏ. Tiến sĩ Giáp Văn Dương đã tìm ra một cách mới để các bạn nhỏ tiếp cận với khoa học mà không cảm thấy gò bó và khô khan.
Với việc lồng ghép các kiến thức khoa học vào những câu chuyện gia đình gần gũi và vui nhộn cùng lối kể chuyện hài hước, tác giả đã đem đến cho các bạn nhỏ Việt Nam một bộ sách khoa học thú vị mang đầy tinh thần Việt.
Theo Hoàng Mai Thu