Xem lại cái nghề giáo
Ngày đăng: 11:56:05 11-09-2015 . Xem: 5741
Một cô giáo có nghề mười năm, từng là giáo viên giỏi tâm huyết nói thẳng với tôi rằng: “Sau này chắc chắn em sẽ không bao giờ cho con em đi theo nghề giáo, một nghề đầy áp lực và đầy bất công”. Một câu nói từ một người như thế thì thật đáng buồn, đáng xem lại cái nghề giáo.
>> Hát ru với thai giáo - GS.TS Trần Văn Khê
>> Kết hôn với người ngọa đạo
Đổ lỗi, quy trách nhiệm
Khi tôi hỏi trước một sự việc xảy ra như: học sinh đánh nhau, học sinh trấn lột, học sinh vô lễ thầy cô, v.v. mà có hậu quả xấu rõ rệt thì các bạn ứng xử nó như thế nào. Đa số các bạn đều cho rằng cần bao dung, độ lượng nhưng nghiêm khắc với học sinh, rất mong xã hội thông cảm và có cái nhìn tích cực đối với giáo viên, nhà trường. Riêng lãnh đạo, các bạn đều cho rằng cần có sự công bằng trong trách nhiệm vì đó là sự thể hiện có văn hoá trong ứng xử học đường.
Một cô giáo khác tiếp lời, khi báo cáo thành tích hay kết quả công việc người ta hay nói câu: “Để có được thành tích này trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng uỷ/chi bộ, ban giám hiệu/công đoàn, v.v.” Nhưng khi một sự việc xảy ra và mang lại hậu quả đáng tiếc trong nhà trường thì việc đầu tiên mà người ta làm là quy trách nhiệm, đổ lỗi cho học sinh. Nào là do gia đình có cha mẹ ly hôn, nào là ham chơi, lười học… Và những người chịu tội tiếp theo là giáo viên đứng lớp, giáo viên chủ nhiệm, giám thị, tổ trưởng chuyên môn và sau một loạt các cuộc họp phê bình, kiểm điểm, thanh tra gay gắt thì người ta mới thấy bóng dáng của các người lãnh đạo trong vụ việc, với tư cách chỉ đạo kỷ luật vụ việc. Chi bộ, chi đoàn, công đoàn và ban giám hiệu hình như là vô can và có quyền phán xét hạch tội. Nếu có lỗi thì cũng là lỗi rất nhẹ. Chính vì sự phủi tay, phớt lờ trách nhiệm của các lãnh đạo trong chi bộ, ban giám hiệu nhà trường đã làm mất lòng tin của giáo viên và khiến họ luôn phải chịu áp lực.
Tôi nghĩ rằng, chỉ khi nào các vị lãnh đạo đứng ra nhận trách nhiệm và dũng cảm nói rằng trách nhiệm đó là do tôi và tôi sẽ tìm cách khắc phục, thì khi đó các giáo viên trẻ mới cùng đứng về một hướng với nhà trường và chung tay xây dựng một nền văn hoá học đường đích thực. Đó chính là một cách ứng xử học đường có văn hoá.
Thiếu kỹ năng mềm
Các bạn nói rằng mình thiếu dũng cảm, thiếu tự tin và thiếu kỹ năng khi xử lý, v.v. Nhưng vì sao như vậy? Đó là vì các bạn yếu và thiếu trang bị những kiến thức cơ bản về giáo dục học đường, tâm lý học sinh thời hiện nay. Đó là do các bạn không chịu đọc sách, không đọc báo, tài liệu, không cập nhật những thông tin về những vấn đề như giáo dục, xã hội, văn hoá có liên quan đến ngành giáo. Mặt khác, về mặt kiến thức cũng như phương pháp, ngay bản thân các bạn đã không có ý thức hoặc rất yếu trong việc tự bồi dưỡng rèn luyện cho mình những phẩm chất kỹ năng mềm trong cuộc sống. Khi các bạn không có các kiến thức đó, không được trang bị vốn liếng các kỹ năng đó thì các bạn làm sao mà giải quyết các tình huống trong lớp, trong trường một cách hợp lý và nhanh nhất. Hay nói cách khác các bạn có một thái độ ứng xử học đường đúng mực trong các tình huống xảy ra. Nên chăng các bạn ngoài là những giáo viên bộ môn, chủ nhiệm lớp thì chính các bạn hãy là những chuyên gia tư vấn tâm lý học đường, là người bạn gần gũi mà các em có thể tin yêu và gởi gắm khi cần tâm sự những chuyện ngoài chuyện học hành.
Các bạn ấy lại hỏi tôi, thế thì ai trang bị cho các em những kiến thức này, những kỹ năng này vì ở đại học các giáo trình tâm lý học, giáo dục học vừa ít, vừa thiếu vừa lạc hậu. Ở trường thì muôn vàn công việc, sổ sách, thi đua, phong trào, hoạt động v.v. Các bạn phàn nàn tiếp, lâu nay có quá nhiều các lớp học tập huấn về phương pháp dạy học bộ môn, đổi mới phương pháp, tích cực dạy học, tập huấn chuyên môn, thay đổi chương trình, chính trị, v.v.; nhưng thử hỏi có được mấy lớp tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học đường, các hình thức giáo dục xã hội, tư vấn học sinh, v.v. dành cho tất cả các giáo viên ở phổ thông.
Lê Viết Chung (giáo viên trường Quốc học Huế)
Các Tin Khác