Tán dương điều thiện, không rêu rao lỗi lầm của người khác là Đức của bậc Thánh hiền
Cách đây nửa thế kỷ, Joel – một cậu bé da đen 9 tuổi theo gia đình chuyển từ vùng núi cao bang Chicago tới một khu phố nghèo ở New York để kiếm sống. Cuộc sống mới ở New York tráng lệ và sôi động khiến Joel cảm thấy sợ hãi.
Ở trường học mới, tất cả các bạn học đều xa lánh, chế giễu và miệt thị cậu. Joel lờ mờ hiểu rằng ở đây chẳng ai ưa một đứa trẻ da đen con nhà nghèo, gầy gò và quê mùa như cậu. Suốt ba tháng, tâm lý sợ hãi và bị bỏ rơi khiến cậu gần như đứng bét lớp.
Sau kỳ nghỉ đông, thầy Paul chủ nhiệm lớp phải nằm viện nên thầy Sean đã tới dạy thay. Thầy rất nghiêm khắc, nhưng không nặng lời với bất kỳ ai. Điều khiến Joel cảm thấy được an ủi là thầy Sean cũng là người da đen.
Một ngày, thầy Sean công bố kết quả thi giữa kỳ. Thầy nhìn khắp cả lớp, từng người một, và khi tới Joel, thầy dừng lại thật lâu làm cậu bé cảm thấy run sợ. Nhưng rồi thầy vui vẻ nói: “Bài thi này các em làm rất tốt, nhưng luôn có một người làm tốt nhất. Thầy hoan nghênh tất cả các em”. Khỏi phải nói lúc đó Joel vui như thế nào, vì tất cả các lần thầy Paul đọc điểm thi thì cậu bé đều bị than phiền.
Cuối buổi học, thầy Sean bảo Joel ở lại, và nói: “Ồ, Joe, hôm nay em là người làm bài tốt nhất đấy, tuyệt lắm!”. Cậu bé òa khóc. Thầy Sean ôm Joel vào lòng: “Đừng sợ, cố gắng lên, có thầy luôn bên em”.
Kể từ ngày hôm ấy, lúc nào trong tâm trí Joel cũng hiện lên hình ảnh của thầy Sean đang cổ vũ cho cậu bé. Và Joel đã trở lại là chính cậu, học sinh xuất sắc nhất lớp vào cuối năm học đó, giống như khi cậu còn ở Chicago. Những năm về sau, Joel vẫn luôn là người đứng đầu lớp.
Cậu bé Joel nhút nhát thuở nào sau này đã trở thành Tiến sĩ Joel Bawilley giảng dạy tại Đại học bang Michigan danh tiếng của Hoa Kỳ. Tiến sĩ Joel tâm sự: “Ngay giờ đây khi tôi đang đứng giảng bài trước hàng trăm sinh viên của một trường đại học danh tiếng, không khi nào tôi quên được hình bóng thầy”.
Sau bốn mươi năm không gặp lại thầy Sean, đến khi may mắn biết được chỗ ở của thầy giáo cũ, Tiến sĩ Joel Bawilley lập tức lái xe vượt ba trăm cây số để thăm thầy. Cuộc tái ngộ thật cảm động. Thầy Sean khi ấy mới tiết lộ rằng, năm xưa bài thi của bé Joel thật ra chỉ xếp vào loại khá, nhưng thầy vẫn hết lời khen ngợi vì biết em đã rất cố gắng.
Ẩn ác dương thiện
Người xưa nói: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Đôi khi, chỉ một lời nói khích lệ, khen ngợi của bạn có thể mang tới nguồn động lực và hạnh phúc lớn lao cho người khác.
Phàm là người không có ai hoàn mỹ, trong mỗi con người đều tồn tại cả mặt thiện và mặt ác. Những nhà hiền triết, bậc giác ngộ trong lịch sử đều khuyên chúng ta nên “ẩn ác dương thiện”, nghĩa là thấy người khác có lỗi lầm thì gặp riêng khuyên bảo, đừng ra ngoài rêu rao nói xấu làm người ta mất hết danh dự. Ngược lại, khi gặp được việc làm tốt của ai thì nên ghi nhớ mà học theo, đồng thời hết sức biểu dương ca ngợi để mọi người cùng được biết.
Khi chúng ta biểu dương điều thiện của người khác, người khác biết được sẽ càng vui vẻ, gắng sức làm thiện nhiều hơn. Thiện niệm trong tâm chúng ta sẽ cảm hoá, khơi gợi được thiện tâm của người khác mà ức chế phần ác trong họ, giúp họ ngày một hướng thiện, tốt đẹp hơn.
Trong cuốn sách khuyến tu nổi tiếng thời nhà Minh là “Liễu Phàm Tứ Huấn”, Viên Liễu Phàm tiên sinh đã lĩnh ngộ được đạo lý tu tâm, hối lỗi sửa sai có thể cải tạo vận mệnh. Ông ca ngợi vua Thuấn – một vị Thánh vương thời cổ đại như sau:
“Xưa vua Thuấn, lúc chưa tức vị, thấy những người đánh cá ở đầm Lôi Trạch, đều tranh chiếm chỗ nước sâu nhiều cá, còn người già yếu phải tìm chỗ nước nông cạn chảy xiết ít cá mà đánh, nên có lòng trắc ẩn bất nhẫn, bèn cũng tới đánh cá; thấy người nào cũng tranh giành chỗ, thì ông im lặng không đả động gì đến tính xấu ấy, còn thấy người mà có lòng nhường chỗ thì ông hết lời khen ngợi mà theo gương đó cũng nhường chỗ cho người khác. Một năm sau, những người đánh cá ở những chỗ nước sâu, ai cũng có lòng nhường chỗ cho nhau mà không tranh giành nữa.
Ôi, vua Thuấn thực là sáng suốt, chẳng phải tốn lời mà vẫn khuyên bảo, giáo hóa được người! Ông không dùng lời mà dùng chính bản thân mình làm gương cho người khác tự sửa đổi lấy mình. Đây là chỗ khổ tâm và khéo dụng công của vua Thuấn vậy”.
Khổng Tử từng nói: “Ẩn ác dương thiện, là bậc Thánh. Thích thiện, ghét ác, là bậc hiền. Tách bạch thiện ác quá đáng là hạng người thường. Điên đảo thiện ác để sướng miệng gièm pha là hạng tiểu nhân hiểm ác”. Nếu chúng ta có thể làm được “ẩn ác dương thiện”, tức là đang đi trên con đường trở thành Thánh Hiền vậy.
Theo Khiêm Từ
Nguồn: Đại Kỷ Nguyên