PHÉP TẮC NGƯỜI CON
GIỚI THIỆU
Đệ tử quy – khi mới nghe qua tiêu đề này mà chưa đi sâu vào nghiên cứu học tập và áp dụng vào cuộc sống, nhiều người Việt Nam sẽ có một số hiểu lầm đáng tiếc. Có một số người nhìn thấy chữ “Đệ Tử”, chữ “Quy” thì cho rằng có gì đó liên quan đến “Quy y”, liên quan đến chùa chiền Phật Giáo, liền sinh ra cái tâm nghĩ rằng đó là mê tín; Lại có một số người mới đọc qua thì cho rằng đây là sách của Trung Quốc, không nên đọc chỉ vì nghĩ rằng cái gì liên quan đến Trung Quốc đều không tốt;
Những suy nghĩ đó đều là hiểu lầm đáng tiếc, khiến cho đóng lại cánh cửa bước vào những lời dạy dỗ của người xưa, giúp cho cuộc sống gia đình được an vui, con cái được nuôi dạy tốt, vợ chồng biết cách đối xử với nhau, người người sống chan hoà, xã hội an định.
Truyền thống văn hoá của người Việt Nam chúng ta đã trải qua hàng ngàn năm phát triển, chắt lọc tinh hoa của các dân tộc trên toàn thế giới để giúp nhân dân có cuộc sống ngày một tốt hơn. Dù trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm đô hộ của Thực dân, trải qua hàng chục năm chiến tranh đau thương mới thống nhất được đất nước, nhưng dân tộc chúng ta vẫn giữ lại được những truyền thống vô cùng quý báu.
Trong những truyền thống đó, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy như là trong nhà, con cái phải Hiếu Thảo với cha mẹ, anh chị em phải thương kính nhau, có trên có dưới, họ hàng có thứ bậc xa gần; trong cuộc sống thì học tập tính tình cẩn thận, giữ chữ Tín khi giao thiệp trong đời sống; mở rộng tấm lòng yêu thương đến người xung quanh, yêu nước thương dân, lá lành đùm lá rách… Đây đều là những đức tính tốt đẹp mà trải qua hàng ngàn năm, ai cũng muốn gìn giữ.
Ngày xưa, việc dạy dỗ những đức tính tốt đẹp thế này đều được truyền thừa ở trong gia đình, bởi vì trong gia đình thời xưa đều có phân vai rõ ràng: Người đàn ông trong nhà thì ra ngoài đi làm lo phần lớn kinh tế cho gia đình, người phụ nữ thì phần kinh tế sẽ xem nhẹ hơn mà chú trọng phần lớn vào việc nuôi dạy con cái, chăm sóc bố mẹ hai bên, giữ gìn cho tổ ấm hạnh phúc.
Thế nhưng trong hầu hết gia đình hiện nay, cả đàn ông và phụ nữ đều rất bận rộn đi làm kiếm tiền, do vậy đã xem nhẹ đi việc giáo dục đức hạnh của con cái, dẫn đến những đức tính tốt đẹp đó của dân tộc đang ngày một mai một đi.
Đệ Tử Quy là cuốn sách nhỏ vô cùng hay, do tiên sinh Lý Dục Tú biên soạn từ thế kỷ 18, nội dung trong đó chính là nói lại tất cả những đức tính tốt đẹp của con người, chính là những đức tính trong truyền thống văn hoá của dân tộc chúng ta, ví dụ như: “Cha mẹ gọi, trả lời ngay; Cha mẹ bảo, chớ làm biếng; Cha mẹ dạy, phải kính nghe, cha mẹ trách phải thừa nhận”; hay là “Anh thương em, em kính anh, anh em thuận, hiếu trong đó”.
Cái hay của Đệ Tử Quy chính là sử dụng kiểu thơ 3 chữ ghép thành 1 câu, có vần có điệu, đọc lên rất hay và rất dễ thuộc. Khi thuộc rồi sẽ giống như những lời nhắc nhở trong cuộc sống, giúp cho mọi người sống đúng lẽ, có được cuộc sống thực sự hạnh phúc mĩ mãn.
Hiện tại, Đệ Tử Quy tiếng Việt có nhiều phiên bản dịch, nhưng chủ yếu lưu thông là bản dịch của Vọng Tây Cư Sĩ, một vị đại đức tại gia với vốn tiếng Hán sâu rộng, lại chuyên tâm vào việc dịch thuật những kinh sách, lời dạy Thánh Hiền. Bản dịch này được nhiều người chấp nhận vì ý tứ sát với bản gốc, giữ được thể thơ 3 chữ, lại có vần có điệu phù hợp với ý ban đầu của Đệ Tử Quy.
Tiến thêm một bước nữa, để hiểu rõ về Đệ Tử Quy cũng như cách áp dụng vào đời sống hàng ngày, có được cuộc sống thực sự hạnh phúc thì lại có bài giảng của Thầy Thái Lễ Húc, với thời lượng khoảng 40 giờ đồng hồ, chia làm 40 tập, giảng vô cùng chi tiết về Đệ Tử Quy, có nhắc đến trong đó các tấm gương đức hạnh của người xưa, cũng như những kiến thức để báo hiếu với cha mẹ, nuôi dạy con cái, vợ chồng đối xử với nhau, cách xây dựng một công ty tốt, kỹ năng làm việc như thế nào. Gần như toàn bộ các vấn đề gặp phải trong cuộc sống hiện nay đều được Thầy Thái Lễ Húc giảng giải một cách chi tiết.
TỔNG TỰA1. Phép người con, Thánh nhân dạy.
Hiếu đệ trước, kế cẩn tín.
Yêu bình đẳng, gần người nhân.
Có dư sức, thì học văn.
Ở NHÀ PHẢI HIẾU
2. Cha mẹ gọi, trả lời ngay.
Cha mẹ bảo, chớ làm biếng.
Cha mẹ dạy, phải kính nghe.
Cha mẹ trách, phải thừa nhận.
3. Đông phải ấm, hạ phải mát.
Sáng phải thăm, tối phải viếng.
Đi phải thưa, về phải trình.
Ở ổn định, nghề không đổi.
4. Việc tuy nhỏ, chớ tự làm.
Nếu đã làm, thiếu đạo con.
Vật tuy nhỏ, chớ cất riêng.
Nếu cất riêng, cha mẹ buồn.
5. Cha mẹ thích, dốc lòng làm.
Cha mẹ ghét, cẩn thận bỏ.
Thân bị thương, cha mẹ lo.
Đức tổn thương, cha mẹ tủi.
Cha mẹ thương, hiếu đâu khó.
Cha mẹ ghét, hiếu mới tốt.
6. Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi.
Mặt ta vui, lời ta dịu.
Khuyên không nghe, vui can tiếp.
Dùng khóc khuyên, đánh không giận.
7. Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước.
Ngày đêm hầu, không rời giường.
Tang ba năm, thường thương nhớ.
Chỗ ở đỗi, không rượu thịt.
Tang đủ lễ, cúng hết lòng.
Việc người chết, như người sống.
XUẤT TẮC ĐỆ
8. Anh thương em, em kính anh.
Anh em thuận, hiếu trong đó.
Tiền của nhẹ, oán nào sanh.
Lời nhường nhịn, tức giận mất.
9. Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng.
Người lớn trước, người nhỏ sau.
Lớn gọi người, liền gọi thay.
Người không có, mình làm thay.
10. Gọi người lớn, chớ gọi tên.
Với người lớn, chớ khoe tài.
Gặp trên đường, nhanh đến chào.
Người không nói, kính lui đứng.
Phải xuống ngựa, phải xuống xe.
Đợi người đi, hơn trăm bước.
11.Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi.
Người lớn ngồi, cho phép ngồi.
Trước người lớn, phải nói nhỏ.
Nhỏ không nghe, không đúng phép.
Đến phải nhanh, lui phải chậm.
Khi hỏi đáp, mắt nhìn thẳng.
12. Việc chú bác, như việc cha.
Việc anh họ, như anh ruột.
CẨN
13. Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ.
Lúc chưa già, quí thời gian.
Sáng rửa mặt, phải đánh răng.
Tiểu tiện xong, rửa tay sạch.
14. Mũ phải ngay, nút phải gài.
Vớ và giày, mang chỉnh tề.
Nón quần áo, để cố định.
Chớ để bừa, tránh dơ bẩn.
15. Áo quý sạch, không quý đắt.
Hợp thân phận, hợp gia đình.
Với ăn uống, chớ kén chọn.
Ăn vừa đủ, chớ quá no.
Tuổi còn nhỏ, chớ uống rượu.
Uống say rồi, rất là xấu.
16. Đi thong thả, đứng ngay thẳng.
Chào cúi sâu, lạy cung kính.
Chớ đạp thềm, không đứng nghiêng.
Chớ ngồi dang, không rung đùi.
17. Vén rèm cửa, chớ ra tiếng.
Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc.
Cầm vật rỗng, như vật đầy.
Vào phòng trống, như có người.
Chớ làm vội, vội sai nhiều.
Không sợ khó, chớ qua loa.
Nơi ồn náo, không đến gần.
Việc không đáng, quyết chớ hỏi.
18. Sắp vào cửa, hỏi có ai.
Sắp vào nhà, cất tiếng lớn.
Người hỏi ai, nên nói tên.
Nói ta – tôi, không rõ ràng.
Dùng đồ người, cần mượn rõ.
Nếu không hỏi, tức là trộm.
Mượn đồ người, trả đúng hẹn.
Sau có cần, mượn không khó.
TÍN
19. Phàm nói ra, tín trước tiên.
Lời dối trá, sao nói được.
Nói nhiều lời, không bằng ít.
Phải nói thật, chớ xảo nịnh.
Lời gian xảo, từ bẩn thỉu.
Thói tầm thường, phải trừ bỏ.
20. Thấy chưa thật, chớ nói bừa.
Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền.
Việc không tốt, chớ dễ nhận.
Nếu dễ nhận, tiến lui sai.
Phàm nói chuyện, nói trọng điểm.
Chớ nói nhanh, chớ mơ hồ.
Kia nói phải, đây nói quấy.
Không liên quan, chớ để ý.
21. Thấy người tốt, nên sửa mình.
Dù còn xa, cũng dần kịp.
Thấy người xấu, tự kiểm điểm.
Có thì sửa, không cảnh giác.
22. Chỉ đức học, chỉ tài nghệ.
Không bằng người, phải tự gắng.
Nếu quần áo, hoặc ăn uống,
Không bằng người, không nên buồn.
23. Nghe lỗi giận, nghe khen vui.
Bạn xấu đến, bạn hiền đi.
Nghe khen sợ, nghe lỗi vui.
Người hiền lương, dần gần gũi.
24. Lỗi vô ý, gọi là sai.
Lỗi cố ý, gọi là tội.
Biết sửa lỗi, không còn lỗi.
Nếu che giấu, lỗi chồng thêm.
YÊU BÌNH ĐẲNG
25. Phàm là người, đều yêu thương.
Che cùng trời, ở cùng đất.
26. Người hạnh cao, danh tự cao.
Mọi người trọng, không bề ngoài.
Người tài năng, tiếng tự cao.
Được người phục, chẳng do khoe.
27. Mình có tài, chớ dùng riêng.
Người có tài, không chỉ trích.
Không nịnh giàu, chớ khinh nghèo.
Chớ ghét cũ, không thích mới.
Người không rảnh, chớ não phiền.
Người bất an, không quấy nhiễu.
28. Người có lỗi, chớ vạch trần.
Việc riêng người, chớ nói truyền.
Khen người thiện, tức là tốt.
Người biết được, càng tốt hơn.
Khen người ác, chính là ác.
Ác cùng cực, tai họa đến.
Cùng khuyên thiện, cùng lập đức.
Lỗi không ngăn, đôi bên sai.
29. Hễ nhận cho, phân biệt rõ.
Cho nên nhiều, nhận nên ít.
Sắp cho người, trước hỏi mình.
Mình không thích, phải mau ngưng.
Ân phải báo, oán phải quên.
Báo oán ngắn, báo ân dài.
30. Đối người ở, thân đoan chánh.
Tuy đoan chánh, lòng độ lượng.
Thế phục người, người không phục.
Lý phục người, tâm mới phục.
GẦN NGƯỜI NHÂN
31. Cùng là người, khác tộc loại.
Thô tục nhiều, nhân từ ít.
Đúng người nhân, người kính sợ.
Nói thẳng lời, không dẻ nịnh.
Gần người hiền, tốt vô hạn.
Đức tiến dần, lỗi ngày giảm.
Không gần hiền, hại vô cùng.
Tiểu nhân đến, trăm việc hư.
CÓ DƯ SỨC THÌ HỌC VĂN
32. Không gắng làm, chỉ học văn.
Chỉ bề ngoài, thành người nào.
Nếu gắng làm, không học văn.
Theo ý mình, mù lẽ phải.
33. Cách đọc sách, có ba điểm.
Tâm mắt miệng, tin đều trọng.
Mới đọc đây, chớ thích kia.
Đây chưa xong, kia chớ đọc.
Thời gian ít, cần chăm chỉ.
Công phu đủ, đọc liền thông.
Tâm có nghi, thì chép lại.
Học hỏi người, mong chính xác.
34. Gian phòng sạch, vách tường sạch.
Bàn học sạch, bút nghiên ngay.
Mực mài nghiêng, tâm bất chánh.
Chữ viết ẩu, tâm không ngay.
Xếp sách vở, chỗ cố định.
Đọc xem xong, trả chỗ cũ.
Tuy có gấp, xếp ngay ngắn.
Có sai hư, liền tu bổ.
Không sách Thánh, bỏ không xem.
Che thông minh, hư tâm trí.
Chớ tự chê, đừng tự bỏ.
Thánh và Hiền, dần làm được.
Trích Đệ Tử Quy -Vọng Tây Cư Sĩ