Lễ hằng thuận - Phóng sự tại chùa Viên Giác
Yêu nhau và quyết định tiến đến hôn nhân để nối dài và khẳng định sự sâu đậm tình yêu cùng thời gian là một nhu yếu cao đẹp của con người trong thế gian. Một hôn nhân bền vững, một tình yêu luôn bền chặt có lẽ là điều tâm nguyện, mong ước của bất kỳ đôi uyên ương trong ngày quan trọng của đời mình.
1. Xuất Phát:
Bắt nguồn từ khi Đức Phật còn tại thế. Có một lần Đức Thế Tôn trở về cố hương- Vương thành Ca Tì La Vệ. Một ngày đặc biệt trong chuyến về lại cố hương, cả kinh thành làm lễ thành hôn cho Vương tử Mahanam có thỉnh Đức Thế Tôn và Tăng đoàn vào hoàng cung chứng minh cho hôn lễ.
Và từ nhân duyên đó, Đức Thế Tôn dạy người làm chồng phải sống như thế nào để họ hàng nhà vợ phải tôn trọng, chấp nhận. Có trách nhiệm với họ hàng nhà vợ làm sao, trách nhiệm với vợ con trong tương lai như thế nào? Cũng như vậy, phận làm dâu đối với họ hàng nhà chồng và trách nhiệm đối với người chồng và những đứa con mình trong tương lai.
Đức Phật dạy, điều quan trọng nhất là 2 người gặp nhau và chọn nhau làm bạn đời, có nghĩa là cả 2 người đó sẽ cùng đi bên nhau suốt cả cuộc đời này mà đối diện với những nghiệp chướng của cuộc đời; chia sẻ với nhau những gian khó trước những khúc quanh của đời người. Cùng nâng đỡ nhau tạo thiện nghiệp, khuyên can nhau dứt trừ ác nghiệp và luôn tùy thuận với nhau để cùng tu tập.
Mượn nhân duyên vợ chồng để đồng làm pháp lữ tạo thiện nghiệp. Vui cũng thuận, buồn cũng thuận. Thành công cũng thuận, thất bại cũng thuận. Giàu cũng thuận, nghèo kém cũng thuận. Thế nên được gọi là Lễ hằng thuận. Nghĩa là, luôn thuận bên nhau suốt cả cuộc đời. Cho dù nắng hay mưa; hạnh phúc hay đau khổ. Kể từ đó, trong Phật giáo mới tổ chức Lễ hằng thuận quy y.
2. Nguồn Gốc Của Lễ Hằng Thuận Tại Chùa:
Nhiều nguồn tư liệu cho rằng người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật bút hiệu Nam Tử (1883 - 1940), quê ở Hải Dương, là nhà Nho, sau quy y theo Phật, nhiệt thành phụng sự Phật pháp. Ông nghĩ việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống gia đình của người Phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh.
Năm 1930, bác sĩ Phật tử Tâm Minh - Lê Đình Thám đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là Lê Thị Hoành với Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm, Huế. Đây được xem là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là lễ Hằng thuận.
Theo tên gọi, “Hằng” là thường xuyên, luôn luôn, “Thuận” là hòa thuận, đồng thuận hướng về những điều cao thượng, chân thiện trong đời sống. Hằng thuận có nghĩa vợ chồng luôn luôn sống hòa thuận, tương kính, nhường nhịn cùng nhau làm tròn trách nhiệm, bổn phận của vợ chồng trong đời sống gia đình, với ông bà, cha mẹ và con cái, hướng đến con đường tu tập giác ngộ, giải thoát trên cơ sở giữ gìn ngũ giới, hành thập thiện và tu tập theo bát chánh đạo.
3. Mục Đích Của Lễ Hằng Thuận:
Lễ Hằng thuận đã tạo điều kiện cho cô dâu, chú rễ đảnh lễ chư Phật, quy y Tam bảo, chư Tăng đứng ra chứng minh hôn sự trong bầu không khí thiêng liêng ngay chánh điện, quả là diễm phúc, đồng thời được quý Thầy tận tình hướng dẫn đạo lý vợ chồng trong đời sống hôn nhân như lời đức Phật dạy trong Kinh Thiện Sanh hay Kinh Ca Thi La Việt...
Trọng tâm thời pháp mà quý thầy chia sẻ với Phật tử trong lễ Hằng thuận xoay quanh nội dung bản Kinh Thi Ca La Việt. Đức Phật dạy bổn phận và trách nhiệm vợ chồng, liên hệ đến hôn nhân và hạnh phúc gia đình, bảo đảm đời sống gia đình Phật tử hạnh phúc bền vững.
Đức Phật ân cần chỉ dạy năm bổn phận chồng phải đối với vợ:
1/ Phải biết tôn trọng vợ.
2/ Không đối xử tệ bạc với vợ.
3/ Phải chung thủy với vợ.
4/ Phải giao tiền bạc cho vợ quản lý.
5/ Phải sắm đồ nữ trang cho vợ khi có điều kiện.
Đồng thời đức Phật cũng dạy người vợ phải làm tròn năm bổn phận đối với chồng:
1/ Phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà.
2/ Phải tử tế với quyến thuộc bên chồng.
3/ Phải luôn chung thủy với chồng.
4/ Giữ gìn tài sản gia đình.
5/ Luôn siêng năng trong mọi việc.
Vợ chồng cùng nhau hứa nguyện:
1/ Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu
2/ Luôn luôn nhẫn nhịn.
3/ Luôn luôn giúp đỡ, sẻ chia, bao dung.
4/ Luôn luôn yêu thương nhau tới trọn đời.
Hôm nay, hòa chung ý nghĩa ấy. Tại chùa Viên Giác (100/6, đường Phạm Văn Thuận, tp Biên Hòa, Đồng Nai) đã diễn ra lễ hằng thuận cho đôi uyên ương:
Tân lang: Trịnh Ngọc Duy Khánh - pháp danh: Chúc Thiện An ...***... Tân nương: Mã Thị Ngọc - pháp danh: Chúc Như Tâm
Dưới sự chứng minh của Đại Đức trụ trì chùa Viên Giác Thích Thiện Mỹ, cùng chư tôn đức tăng trong bổn tự, Buổi lễ diễn ra một cách trang nghiêm, và sau đây là đoạn phóng sự mà phóng viên ghi lại, kèm một số hình ảnh tại buổi lễ. Mời quý vị đón xem: