Vai trò của Phật giáo đối với đời sống xã hội của đồng bào các dân tộc.
Ngày đăng: 13:04:51 19-01-2015 . Xem: 4266
Vùng núi phía Bắc nước ta bao gồm 15 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình ); nhìn chung đời sống kinh tế xã hội và mức sống của người dân ở các tỉnh vùng núi phía Bắc đang còn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ lệ hộ nghèo cũng cao nhất so với các khu vực khác trong cả nước, bên cạnh đó các điều kiện về kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện cũng còn thua và thấp hơn so với các vùng, miền khác.
Chính vì vậy, có thể nói khi Phật giáo được quan tâm truyền bá và xây dựng tổ chức cơ sở ở các tỉnh phía Bắc thì ở góc độ tác động xã hội và quản lý Nhà nước cần phải có những đánh giá toàn diện, khách quan về những tác động ảnh hưởng của Phật giáo lên các mặt của đời sống xã hội, dân cư, văn hóa tâm linh và cả an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Trong 33 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay và đặc biệt là những năm gần đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chú trọng công tác xây dựng các tổ chức Phật giáo mà đại diện là các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, để từ đó xây dựng các cơ sở thờ tự trực thuộc Giáo hội.
Theo đó, nhiều chùa chiền được khôi phục, xây mới; một số nghi lễ Phật giáo được thực hiện như lễ cầu an, cầu siêu, các khóa tu thiền, giảng pháp được tổ chức. Bước đầu đã có một số nơi xây dựng được các đạo tràng với sự hướng dẫn tu tập của Chư tôn đức Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tuy chưa có thống kê chính thức về con số tín đồ trên địa bàn các tỉnh nêu trên, nhưng có thể thấy rõ khi Phật giáo có mặt thì đời sống kinh tế và xã hội đã có những tác động và ảnh hưởng nhất định đối với Phật tử, những người yêu mến và tin theo đạo Phật cũng như đối với quần chúng nói chung.
Trước hết là ảnh hưởng của giáo lý và triết lý đạo Phật với nhận thức chung của đồng bào – Phật tử; một trong những mặt ảnh hưởng trực tiếp nhất là việc xây dựng và chăm lo cho đời sống kinh tế gia đình. Khi đồng bào hiểu đạo Phật thì sẽ hạn chế việc chi phí cho các nghi lễ tốn kém như cúng giỗ rườm rà, giết trâu mổ bò để cúng giàng, cúng thần linh, ma quỷ….biết cách tiết kiệm, chăm lo xây dựng đời sống kinh tế để ổn định sản xuất, biết cách khắc phục và vượt qua các khó khăn trước mắt, để tiếp tục ổn định sản xuất và phát triển kinh tế lâu dài, bền vững.
Giáo lý đạo Phật, cụ thể áp dụng lời Phật dạy trong việc chi tiêu cá nhân, xây dựng đời sống kinh tế gia đình như: Khi có tiền thì mỗi gia đình, cá nhân phải biết cách chi tiêu đời sống hàng ngày, một phần tiết kiệm đề phòng bất trắc hoặc tình huống khẩn cấp xảy ra (tích cốc phòng cơ) và hai phần để kinh doanh và đầu tư sinh lời.
Trong quá trình sinh hoạt tại các đạo tràng, đi lễ chùa đã sớm hình thành những nhóm, câu lạc bộ giúp nhau, tương trợ nhau trong đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…
Phật giáo tuy không tác động trực tiếp vào việc hoạch định đường hướng phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương. Song khi có sự tác động của Phật giáo thì vai trò của Phật Giáo sẽ có những ảnh hưởng tích cực tới đời sống kinh tế xã hội tại những vùng đó: Tác động làm thay đổi nhận thức về tư duy xây dựng kinh tế; vì mục đích của Phật giáo là xây dựng đời sống an lạc và giải thoát, nhưng muốn an lạc thì đời sống kinh tế phải vững mạnh, phát triển kinh tế bền vững và hài hòa….
Do vậy, giúp bà con còn có tục du canh, du cư, hay phá rừng, phát nương rẫy sẽ có ý thức về việc làm đó có ảnh hưởng đến chính đời sống của bà con; từ đó từ bỏ các tập tục gây dựng kinh tế mà làm phương hại đến môi trường, sinh thái… Tác động đến tiết kiệm chi phí, giảm bớt các kinh phí đầu tư cho các tục lệ, hủ tục rườm rà, tốn kém; qua đó gây dựng nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tập trung phát triển kinh tế. Một trong những sự thay đổi dễ nhận biết nhất; đó là trước đây thì các hủ tục như ma chay dài ngày, cưới hỏi nhiều thủ tục, nghi lễ và các hủ tục tốn kém đã dần được thay thế bởi các nghi lễ Phật giáo trang trọng, đơn giản.
Khi cùng nhau tham gia sinh hoạt hội – đoàn Phật giáo, bà con đoàn kết giúp đỡ nhau, tương trợ nhau và cùng nhau học hỏi mô hình sản xuất mới, phù hợp với đời sống kinh tế và nhịp sống thời đại; ở nhiều nơi bà con có các chương trình như tương trợ vốn, hùn vốn giúp nhau trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, và buôn bán nông sản….
Ngoài ra, khi hiểu đạo Phật, bà con cũng hiểu được truyền thống của đạo Phật và lịch sử dân tộc đó là “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” nên bà con có tinh thần xây dựng, cùng với chính quyền các cấp thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Ảnh minh họa
2. Vai trò và ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc
Trong lịch sử truyền đạo, Phật giáo là tôn giáo của hòa bình, luôn luôn uyển chuyển theo hoàn cảnh và căn cơ của cư dân từng quốc gia, vùng miền để thích ứng và phát triển. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thì Phật giáo đã có mặt ở vùng núi phía Bắc là khá sớm nên Phật giáo đã có một số cơ sở nền tảng vững chắc như thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Quảng Ninh, Phật giáo thời nhà Mạc ở Cao Bằng và đặc biệt là sự di cư của các Phật tử dọc theo đường biên giới Việt-Trung hay giao thương chính trị qua cửa khẩu Ải Nam Quan - Lạng Sơn và Hà khẩu Lào Cai...
Do vậy, khi đến với đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc, Phật giáo một mặt thích nghi với văn hóa và truyền thống văn hóa, đời sống tinh thần và tâm linh của bà con từng khu vực, từng tộc người; mặt khác Phật giáo có vai trò làm chuyển hóa đời sống tinh thần, tâm linh của đồng bào địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tuy là tổ chức tôn giáo đang được phục hưng, nhưng khác với các tôn giáo khác, Phật giáo không phải là tôn giáo xa lạ với bà con; vì dù sao ngược dòng lịch sử trước đây Phật giáo đã có những ảnh hưởng nhất định trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc; một số di tích lịch sử Phật giáo vừa phát hiện được đã minh chứng điều đó, ngoài ra trong các phong tục tập quán của bà con các địa phương có một số cũng chịu ảnh hưởng của triết lý và nhân sinh quan Phật giáo.
Do vậy, tuy là đang phục hưng, song Phật giáo được bà con tiếp nhận một cách thích ứng, Phật giáo không gây ra các xáo trộn hay xung đột với niềm tin và tín ngưỡng truyền thống của bà con các dân tộc trên địa bàn, điều này đã được chứng minh trong thực tế.
Có thể nói ở góc độ tôn giáo, địa bàn nơi các tỉnh miền núi, vùng sâu – vùng xa có nhiều tôn giáo quan tâm truyền bá song Phật giáo là tôn giáo có sự thích nghi và giảm thiểu các tác động tiêu cực nhất.
Sự xuất hiện của Phật giáo đã góp phần đáng kể, đặc biệt trong những vai trò đáng chú ý sau đây trên các mặt văn hóa xã hội và đời sống tâm linh, đời sống tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo:
Vai trò định hướng tâm linh và tôn giáo cho niềm tin của bà con và đồng bào các dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện nay, ở các tỉnh miền núi phía Bắc có mặt nhiều tôn giáo chính thức được Nhà nước công nhận, ngoài ra còn có những tà đạo lợi dụng sự cả tin của đồng bào để truyền đạo trái phép, bà con lại tin theo một số hủ tục mê tín, dị đoan…nên khi Phật giáo xuất hiện đã đóng vai trò định hướng tâm linh rất quan trọng trong đời sống tôn giáo – tâm linh của bà con các dân tộc trên địa bàn.
Khẳng định vai trò và vị thế của Phật giáo, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với bà con các dân tộc trên địa bàn. Vai trò tiên phong gương mẫu của tôn giáo vì hòa bình, truyền thống đồng hành cùng dân tộc…
Vai trò tác động vào nhận thức, giúp bà con tránh các hủ tục, mê tín dị đoan…Và đặc biệt vai trò của Phật giáo đã tác động vào tư tưởng, nhận thức của bà con qua các nghi lễ tôn giáo, như ăn chay, phóng sinh, bố thí, tục cúng Rằm, đi lễ chùa, qua các nghi thức như ma chay, cưới hỏi…sẽ có tác động và xoay chuyển các tập tục truyền thống như tục đốt vàng mã, xin xăm – bói quẻ, tục cúng bái đa thần linh giáo, cúng ma, cúng giàng...
Ảnh minh họa
3. Vai trò và ảnh hưởng của Phật giáo góp phần giảm thiểu các hành vi hủ tục mê tín, dị đoan trong đời sống xã hội của đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc
Phải thừa nhận rằng, đồng bào ở các tỉnh miền núi phía Bắc có đời sống dân trí thấp, có nhiều vùng, nhiều nơi vẫn còn các hủ tục mê tín dị đoan, nó là một phần trong đời sống tinh thần và tâm linh của bà con các dân tộc.
Có nên gạt bỏ loại hình tín ngưỡng truyền thống này ra khỏi đời sống của bà con không?
Và chính Phật giáo trong quá trình phát triển cũng có những dung nạp nhất định để thích nghi, do đó ở một số chùa, một số nơi vẫn còn các hình thức tín ngưỡng tâm linh khác hiện diện trong các cơ sở thờ tự của Phật giáo. Câu hỏi đặt ra có nên gạt bỏ, loại bỏ nó ra khỏi đời sống tín ngưỡng Phật Giáo không?
Điều đó vẫn là một vấn đề rất tế nhị, đòi hỏi thời gian; song ngoài những điều nhỏ cần thời gian để khẳng định thì Phật giáo đã có vai trò và khẳng định là một tôn giáo của hòa bình, khoa học và luôn chú trọng giáo dục chính pháp cho bà con, khuyến khích bà con tránh xa các hủ tục mê tín, dị đoan, các nghi lễ rườm rà, tốn kém.
Nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của phong tục, tập quán trong đời sống xã hội của các dân tộc thiểu số hiện nay Nhà nước cần chỉ đạo sưu tầm, tập hợp các phong tục, tập quán được xem là quan trọng, có giá trị đang tồn tại trong khắp các làng, xã, vùng, miền. Trên cơ sở đó chọn lọc để giữ gìn, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, có tính nhân văn cao, loại trừ những phong tục, tập quán có hại, đồng thời tác động để hình thành những phong tục, tập quán mới phù hợp với đời sống, bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới, đạo Phật cũng không nằm ngoài chương trình đó, mà từng bước Phật giáo “xâm nhập” vào đời sống tâm linh của đồng bào, trước tiên là phải “cùng sinh hoạt” sau đó dần dần đưa giáo lý đạo Phật phân tích cho bà con hiểu làm như thế này là tốn kém, là lạc hậu, là mất vệ sinh môi trường…
Cùng tham gia các sinh hoạt cộng đồng, các lễ hội văn hóa của bà con, dần thay đổi nếp sống, nếp suy nghĩ, hành động, cách đối nhân xử thế,
Đối với những phong tục, tập quán có giá trị truyền thống, mang tính nhân văn sâu sắc đã trở thành thuần phong mỹ tục, có tác dụng tích cực đối với cộng đồng xã hội nên động viên và phát huy vai trò của chúng trong đời sống xã hội, vận dụng chúng để hình thành nếp sống, suy nghĩ, hành vi pháp luật của mỗi người.
Đối với những phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời, đã trở thành hủ tục thì tích cực vận động, tuyên truyền trong các buổi thuyết giảng để nhân dân nhận thức được và tự giác loại bỏ,
Tổ chức các buổi thuyết giảng ý nghĩa về ngũ Giới cho người tại gia, từ đó dần hình thành nếp sống đạo cho bà con nơi đây, dù sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi đạo Phật hiện nay mới được chú trọng lên vùng núi phía Bắc, nếp sống của bà con nơi đây đã có từ xa xưa, nên việc thay đổi sẽ phải là một quá trình.
Hiện có các phong tục tập quán tích cực như lễ cúng cầu mưa, hay cúng mùa màng bội thu nên được nhân rộng và có Chư tăng, ni tham gia vào việc làm lễ, hướng dẫn bà con những thứ cần cho buổi lễ, mà bỏ bớt các phần rườm rà tốn kém, không cần thiết.
Các thủ tục ma chay của một số bộ phận dân tộc thiểu số thường diễn ra nhiều ngày, gây lãng phí, tốn kém, mất vệ sinh môi trường, qua đó có những bài giảng về tục lệ chôn cất người mất, về sự “được mất” của người chết cũng như người sống để hạn chế và tiến tới “đoạn tuyệt” với các hủ tục mê tín, dị đoan.
Hướng đồng bào tin theo chính pháp của đạo Phật; khẳng định vai trò và vị thế của đạo Phật trong việc giảm thiểu các hành vi hủ tục mê tín dị đoan trong đời sống tinh thần và đời sống tâm linh của đồng bào địa phương.
4. Vai trò và ảnh hưởng của Phật giáo góp phần giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ biên cương ở vùng núi phía Bắc
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc có đường biên giới giáp với 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc, ở phía Bắc, phía Tây giáp Lào…
Trên địa bàn các tỉnh có vùng biên giới giáp ranh với hai nước, trải dài trên địa hình rừng núi hiểm trở, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển.
Theo thống kê năm 2013, trên địa bàn có khoảng gần 20.000.000 người, thuộc 31 dân tộc sinh sống, trong đó có khoảng 6.000.000 người dân tộc thiểu sổ (Tày, Nùng, Dao, Thái, Mường, Mông…..), các dân tộc sống đan xen với nhau, có truyền thống văn hóa đa dạng, đặc sắc; nơi đây là một trong những địa bàn chiến lược, xung yếu trấn giữ, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Chính vì vậy, các thế lực chống phá Việt Nam thường lợi dụng vấn đề tôn giáo và dân tộc kích động sự chống phá, gây rối loạn vùng biên cương, phên dậu của Tổ quốc. Điển hình nhất là phong trào đòi ly khai, tự trị, tập hợp lực lượng nhằm lập “Vương quốc Mông”; hoạt động tôn giáo trái pháp luật; tình hình di cư tự do, tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong vùng dân tộc thiểu số, tội phạm hình sự có lúc, có nơi diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là trong vài năm trở lại đây.
Phật giáo là tôn giáo đã có mặt ở Việt Nam 2000 năm nay, và đã có thời kỳ phát triển tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tuy nhiên theo quy luật thịnh – suy hiện nay so với các vùng miền khác Phật giáo tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn chưa có sự phát triển và đóng vai trò vị trí tương xứng với vị thế một tôn giáo – tôn giáo của dân tộc, đồng hành cùng dân tộc.
Nhận thấy được điều này, trong những năm gần đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng các tổ chức cơ sở đại diện của Giáo hội.Trong vòng 10 năm qua đã thành lập được nhiều Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, nhiều tổ chức cấp huyện cũng được thành lập và nhiều chùa chiền, cơ sở thờ tự được khôi phục và xây dựng mới.
Sự hiện diện của Phật giáo có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội; giữ gìn vùng biên cương và phên dậu của Tổ quốc được bình yên, giữ gìn sự gắn bó đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong ngôi nhà chung là Tổ quốc Việt Nam.
Tại sao Phật giáo lại đóng vai trò đó vì:
Thứ nhất, công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội là trách nhiệm của các cơ quan hữu quan Nhà nước, mở rộng ra là trách nhiệm của mọi công dân không phân biệt sắc tộc, tôn giáo. Tuy nhiên, Phật giáo là tôn giáo có truyền thống đồng hành cùng dân tộc, nên như một lẽ tự nhiên, Phật giáo có mặt ở đâu thì vùng đó được yên bình, người dân thêm thấm nhuần, phát huy tinh thần yêu nước thêm phần mạnh mẽ, vì đạo Phật là tôn giáo đề cao tinh thần công dân, tinh thần phụng sự quốc gia dân tộc.
Thứ hai, hiện nay ở một số địa bàn giáp ranh, vùng biên đã có một số cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – đó là các ngôi chùa; thật đúng tinh thần:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
(Huyền Không)
Ngôi chùa hiện diện, tâm linh và truyền thống văn hóa dân tộc cắm rễ, giúp cho đời sống tâm linh, văn hóa của bà con được yên bình, mọi người yên tâm sản xuất, lao động xây dựng đời sống kinh tế. Đó cũng là vai trò quan trọng của Phật giáo trong việc giữ gìn vùng biên cương của tổ quốc.
Thứ ba, Phật giáo là tôn giáo của hòa bình, nên khi bà con thấm nhuần giáo lý đạo Phật, thấm nhuần tính hòa hiếu của triết lý Phật giáo thì ở đó có sự đoàn kết trong cộng đồng, tạo thành bức tường thành vững chắc trong việc giữ gìn vùng biên cương. Truyền thống Phật giáo dân tộc đề cao sự dấn thân, nhập thế và đồng hành cùng dân tộc, khi Tổ quốc cần, từ chức sắc tu hành đến đồng bào phật tử đều có những cách đóng góp vào quá trình bảo vệ giang sơn, biên cương của tổ quốc không để cho bất kỳ thế lực ngoại bang nào xâm lấn bờ cõi.
Thứ tư, khác với các tôn giáo khác, Phật giáo dễ thích nghi với mọi nền văn hóa, không gây ra các xung đột, không cổ vũ các hành động cực đoan, chia rẽ hoặc mang màu sắc sắc tộc, nên khi Phật giáo hiện diện ở vùng biên giới, Phật giáo vừa đóng vai trò tôn giáo dân tộc làm kim chỉ nam trong đời sống tôn giáo và tín ngưỡng tâm linh nói chung, mang tính định hướng cho bà con các dân tộc; vừa đóng vai trò xây dựng thế giới quan gắn bó với lợi ích quốc gia – dân tộc phù hợp với các chủ trương chính sách của Nhà nước nên được bà con tin yêu, gắn bó.
Chính vì vậy, đòi hỏi Phật giáo phải có sự phát triển mạnh mẽ hơn trọng thực tế để đáp ứng được trách nhiệm trước quốc gia dân tộc, góp phần giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới các tỉnh miền núi phía Bắc, cùng với các tôn giáo khác và bà con các dân tộc xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Hòa thượng Thích Gia Quang Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN - Phó Viện trưởng Viện NCPHVN
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2014
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2014